Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội Dấu ấn bởi sự khác biệt

Ngày đăng: 03:37 - 27/11/2018 Lượt xem: 3.298
ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
 DẤU ẤN BỞI SỰ KHÁC BIỆT
 
           Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) là trường công lập đào tạo chuyên ngành Dệt May. Trên 50 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt may Việt Nam, được các doanh nghiệp đánh giá cao. Trường hiện đang đào tạo 7 ngành trình độ đại học gồm: Công nghệ may; Thiết kế thời trang, Công nghệ Sợi, dệt; Quản lý công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật Cơ khí;  Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử; Marketing. Hàng năm, Trường còn bồi dưỡng khoảng 2000 học viên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may.

Khuôn viên khu C của Nhà trường
           Lấy tầm nhìn: “Phấn đấu trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng doanh nghiệp dệt may thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế” làm phương châm hoạt động. Từ đó, định hướng phát triển Nhà trường, tạo nên thương hiệu và dấu ấn riêng.  

           Thứ nhất, các ngành đào tạo theo định hướng ứng dụng đều phục vụ mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp Dệt May

           Hiện có một số trường đào tạo nhân lực cho ngành Dệt May nhưng mới chỉ dừng lại ở một hoặc hai ngành như Công nghệ May, Thiết kế thời trang; Công nghệ Sợi, Dệt. Trong khi đó, tại HTU, tất cả 7 ngành đều đào tạo chuyên ngành Dệt May. Ngay cả những ngành tưởng chừng chỉ dành cho khối kinh tế như Quản lý Công nghiệp, Marketing; khối kỹ thuật như Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ khí nhưng với HTU vẫn mang đậm chất Dệt May.
            - Ngành Quản lý công nghiệp: Ngoài việc được trang bị các kiến thức chung về quản lý, sinh viên còn được học chuyên sâu trong lĩnh vực Dệt May như: Quản lý bảo trì thiết bị dệt may; Nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng dệt may, Quản trị chuỗi cung ứng ngành Dệt May...Sau tốt nghiệp đảm nhiệm các vị trí cán bộ quản lý đơn hàng (Merchandiser); quản lý kế hoạch sản xuất; quản lý xuất nhập khẩu; quản lý nhân sự; quản lý sản xuất trong nhà máy dệt may; quản lý công nghệ thiết bị; tự tổ chức kinh doanh và điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may.
           - Ngành Marketing với chuyên ngành Marketing thời trang. Ngoài những kiến thức, kỹ năng chung của Marketing, sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng tích hợp của Thiết kế thời trang. Từ đó, có đủ khả năng lập kế hoạch, phát triển, thực hiện những chiến dịch tiếp thị và kinh doanh dòng sản phẩm thời trang. Sau tốt nghiệp đảm nhiệm các vị trí: nghiên cứu thị trường; quản lý cửa hàng thời trang; quản lý sản phẩm và ngành hàng; xây dựng phát triển thương hiệu; quản lý kênh phân phối; quản lý hoạt động truyền thông marketing và đặc biệt có thể nghiên cứu hoạch định chiến lược marketing; tổ chức quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện.
           - Ngành Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử: Kiến thức, kỹ năng về Điện, Điện tử làm nền tảng để giải quyết các vấn đề về cơ điện tử trong các thiết bị lập trình, dây chuyền sản xuất tự động của ngành dệt may. Sau tốt nghiệp đảm nhiệm các vị trí: Kỹ sư bảo trì, vận hành hệ thống điện trong doanh nghiệp đặc biệt trong các doanh nghiệp dệt may; kỹ sư tại các nhà máy chế tạo, sản xuất phụ tùng, máy may công nghiệp; lập trình điều khiển hệ thống điện tự động hóa; tư vấn, thiết kế, thi công hệ thống điện, điện tự động hóa trong doanh nghiệp, tòa nhà; quản lý, giám sát, điều hành hệ thống điện, điện tử trong các dây chuyền sản xuất nói chung và trong doanh nghiệp dệt may nói riêng; quản lý, giám sát dự án đầu tư, lắp đặt hệ thống điện, thiết bị điện; nghiên cứu, kinh doanh tại các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, sản xuất, kinh doanh lĩnh vực điện, điện tử.
           - Ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí với Chuyên ngành Quản lý và bảo trì thiết bị may. Đây là chương trình chuyên ngành đầu tiên ở lĩnh vực này được HTU xây dựng trên cơ sở tham khảo các chương trình tiên tiến, có điều chỉnh, bổ sung để đào tạo Quản lý và bảo trì thiết bị may. Sau đào tạo, người học Sửa chữa được các thiết bị trong công nghiệp may; Đề ra được giải pháp khắc phục các sự cố trong quá trình sản xuất của các loại thiết may; Vận hành được thiết bị phụ trợ may, thiết bị may kỹ thuật số; thiết kế chế tạo được một số loại dưỡng, cữ gá nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm may mặc; Thiết kế lắp đặt được thiết bị phù hợp với không gian mặt bằng của nhà máy may; Xử lý được một số sự cố phát sinh trong hệ thống khí nén của thiết bị trong nhà máy may; Quản lý công tác duy tu, bảo trì thiết bị trong nhà máy may.
           Thứ hai, đào tạo luôn gắn với thị trường và mô hình doanh nghiệp trong nhà trường

           Trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ, chuyên sản xuất các đơn hàng xuất khẩu với quy mô 600 lao động, trang thiết bị hiện đại, là nơi vừa sản xuất kinh doanh, vừa là nơi thực tập cho sinh viên. Đây là môi trường chuẩn mực giúp sinh viên của tất cả các ngành học thực tập kỹ năng của người cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và làm thêm để trải nghiệm đời sống nghề nghiệp.
Trong thời gian học tập, sinh viên được tham gia vào sản xuất sản phẩm theo thị trường từ năm thứ hai, được bố trí phòng tự học thực hành ngoài giờ lên lớp và được tiếp cận với môi trường doanh nghiệp tại Trung tâm sản xuất dịch vụ. Tại đây, sinh viên được trải nghiệm cuộc sống nghề nghiệp như một công nhân, nhân viên ở từng vị trí việc làm theo yêu cầu của môn học. Nhờ vậy kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ như: chuẩn bị sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị chất lượng, quản trị năng suất… đều rất vững vàng.


           Do vậy, sinh viên ra trường đáp ứng được ngay nhu cầu của doanh nghiệp, được doanh nghiệp và xã hội đánh giá cao. 100% sinh viên có việc làm ngay trong “Ngày hội việc làm” do Trường tổ chức hàng năm với mức thu nhập từ 6.000.000 đồng/tháng trở lên, sinh viên có bằng 2 ngành tiếng Anh hoặc TOEFL 450 trở lên có thu nhập khởi điểm là 10.000.000 đồng/tháng.
 

Giờ thực tập của sinh viên tại Trung tâm sản xuất dịch vụ thuộc Trường

           Thứ ba, nghiên cứu khoa học ứng dụng cho ngành dệt may

           Tại HTU, các nghiên cứu đều ứng dụng cho ngành dệt may. Kết quả nghiên cứu sau chuyển giao đã đem lại chất lượng, hiệu quả và năng suất, được doanh nghiệp Dệt May đánh giá cao. Một số nghiên cứu điển hình:

           - Xây dựng và đề xuất tiêu chí của nguồn nhân lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) phù hợp với phương thức sản xuất ODM tại các doanh nghiệp may.

           - Triển khai thí điểm mô hình sản xuất tinh gọn vào các doanh nghiệp may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

           - Xây dựng bộ dữ liệu thao tác chuẩn của người công nhân trên dây chuyền sản xuất sản phẩm áo jacket.

           - Nghiên cứu áp dụng một số công cụ thống kê trong quản lý chất lượng tại doanh nghiệp may công  nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam

 
           Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dự báo tác động mạnh mẽ đến ngành dệt may, Nhà trường đẩy mạnh các nghiên cứu đón đầu sự phát triển như: nghiên cứu về sản xuất tinh gọn (Lean) trong công nghệ số; Nghiên cứu về khả năng công nghệ in 3D trong thiết kế thời trang tại Việt Nam...vv...

           Thứ tư, HTU có khả năng đào tạo và chuyển giao toàn bộ nhân lực cho một nhà máy mới  

 
         Đào tạo, bồi dưỡng theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp như: QC, QA, Sửa chữa thiết bị may, Kỹ thuật viên chuẩn bị sản xuất... là thế mạnh và được thực hiện thường xuyên. Với uy tín, kinh nghiệm đào tạo nhân lực cho ngành, năm 2016 HTU được Tập đoàn Dệt May Việt Nam tin tưởng giao trọng trách đào tạo Giám đốc nhà máy dệt may. Với chu trình đào tạo khép kín, đầy đủ các vị trí làm việc trong một nhà máy may từ giám đốc nhà máy đến cán bộ kỹ thuật, công nghệ, cán bộ quản lý, nhân viên đa năng…vv…trường đã đào tạo trọn gói nhân lực cho một nhà máy mới thành công. 
 

Toàn cảnh khai giảng lớp giám đốc tại HTU
 
         Với các cựu sinh viên đã từng học tập và các doanh nghiệp đã đến làm việc, đặt hàng đào tạo, HTU đã để lại dấu ấn riêng - dấu ấn từ sự khác biệt. Mô hình HTU đã và đang là điểm đến thăm quan và học tập của nhiều trường đại học, được doanh nghiệp và người học đánh giá cao.

 
Đoàn Thị Hương Thủy
Phó trưởng phòng Đào tạo

 

Các bài viết khác

Bước cùng số hóa
05/09/2020
1.799 lượt xem

Liên kết website