Trang chủ

GIẢNG VIÊN KHOA KINH TẾ THAM DỰ HỘI THẢO “HỢP TÁC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH DỆT MAY VÀ DA GIÀY VIỆT NAM”

Ngày đăng: 02:26 - 06/12/2024 Lượt xem: 54

Sáng ngày 05 tháng 12 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững) và Tổ chức Sáng kiến và thương mại bền vững (IDH), các Hiệp hội trong lĩnh vực dệt may và da giày (Hiệp hội Dệt may Việt Nam - VITAS, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam - VCOSA và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam - LEFASO) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”. Hội thảo hôm nay là hoạt động đầu tiên thuộc khuôn khổ hợp tác thực hiện Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và IDH về PTBV ngành Dệt may và Da giày. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tham góp ý kiến các bên về kế hoạch hoạt động ưu tiên về PTBV ngành Dệt may và Da giày trong 3 năm tới giai đoạn 2025-2027, góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm, thách thức đồng thời đón nhận các cơ hội PTBV của ngành Dệt may và Da giày Việt Nam.

Ảnh 1. Toàn cảnh chung của sự kiện

Tham dự hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đại diện các Bộ ngành, địa phương, đại diện IDH, đại diện các Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, các doanh nghiệp, nhãn hàng và các tổ chức trong nước và quốc tế.

Ảnh 2. Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “ Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công Thương với IDH, các Hiệp hội ngành hàng và các bên liên quan trong khuôn khổ Bản ghi nhớ tạo nền tảng hợp tác vững chắc trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may và da giày Việt Nam. Hội thảo hôm nay được tổ chức nhằm tham góp ý kiến của các bên về các sáng kiến, hành động ưu tiên trong việc đổi mới, áp dụng các mô hình bền vững, mở rộng thị trường và thúc đẩy liên kết phát triển chuỗi cung ứng bền vững, tuần hoàn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh và thực hiện các quy định, cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững (PTBV) và biến đổi khí hậu (BĐKH) trong thời gian tới đây”. 

Ảnh 3. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu

Chia sẻ về một số kết quả thực hiện các Chương trình Quốc gia/Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bà Giang cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương, với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện các Chương trình trên, Bộ đã tổ chức triển khai  một số nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tới đây, ngoài các nhiệm vụ trên Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực ngành Công Thương.

Ảnh 4. Phiên thảo luận giữa các bên tham gia

 Chia sẻ về vai trò và sự liên kết hợp tác của các Bên, Ông Huỳnh Tiến Dũng, Giám đốc Quốc gia, IDH Việt Nam đánh giá vai trò của Bộ Công Thương, Hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, đối tác trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh Việc có một khuôn khổ hợp tác công tư vững chắc sẽ tạo điều kiện cho các bên đóng góp ý kiến, trí tuệ, huy động và điều phối nguồn lực từ các cơ quan của chính phủ, các hiệp hội, từ các doanh nghiệp (các nhà máy và các nhãn hàng) đến các tổ chức quốc tế cho việc xây dựng các giải pháp toàn diện và các sáng kiến giúp ngành dệt may và da giày Việt Nam không chỉ phát triển bền vững hơn, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”

Đại diện các Hiệp hội có mặt tại sự kiện cũng cho biết việc hợp tác này sẽ thúc đẩy việc tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến về phát triển bền vững. Đồng thời, nhấn mạnh đến nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc đổi mới, áp dụng các giải pháp, mô hình bền vững trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các chuỗi bền vững đáp ứng yêu cầu, quy định về PTBV trong giai đoạn tới đây. 

 

Ảnh 5. Chia sẻ từ ông Trương Văn Cẩm về lao động ngành Dệt may Việt Nam

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) chia sẻ “Việc ký kết và triển khai các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ PPP giữa Cơ quan quản lý nhà nước, đầu mối là Bộ Công Thương, các Hiệp hội ngành dệt may, da giày và tổ chức IDH là một tiền đề quan trọng có thể giúp các doanh nghiệp dệt may, da giày; Chủ động thích ứng, liên kết bền vững và hội nhập phát triển trong giai đoạn 2025 – 2030, giai đoạn được coi là kỷ nguyên xanh của Việt Nam và thế giới”.

Ảnh 6. Phát biểu của ông Nguyễn An Toàn Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA)

Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), chia sẻ: Ngành bông sợi Việt Nam đang phát triển khá tương đồng với tiến trình chung của thị trường toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn và những đại xu hướng quan trọng, trong đó nổi bật là xu hướng phát triển bền vững. Xu hướng sản xuất xanh, tuần hoàn và bền vững đã và đang mở ra một kỷ nguyên mới, nơi các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn hướng tới trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Điển hình, các hội viên của VCOSA như KCN Rạng Đông - Aurora IP và Nextevo là những doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, góp phần nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Ảnh 7. Một số phiên thảo luận của các bên tham gia

Hội thảo cũng đã diễn ra một số phiên thảo luận chính giữa các bên tham gia với các nội dung lớn như: Các sáng kiến giúp giải quyết các thách thức của ngành Dệt may và Da giày về mặt môi trường; Các sáng kiến giúp giải quyết các thách thức của ngành Dệt may và Da giày về mặt xã hội; Các sáng kiến giúp giải quyết các thách thức của ngành Dệt may và Da giày về mặt thị trường; Phiên thảo luận tổng hợp. Các bên có liên quan tham giao vào đã đưa ra một số những sáng kiến và giải pháp mới liên quan tới: Đào tạo nâng cao năng lực cho nhân lực của ngành; Phát huy vai trò của hợp tác thông tư; Đảm bảo trách nhiệm xã hội tại các doanh nghiệp,...

Sau khi tham dự hội thảo, các giảng viên Khoa Kinh tế của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thu về nhiều kinh nghiệm quý báu. Các kiến thức được chia sẻ tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để nhà trường chia sẻ thực tiễn tới sinh viên và truyền thông nhiều hơn về ngành nghề đào tạo của Khoa cũng như nhà trường

Trần Thị Thu Hà – Khoa Kinh tế

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 242 Tổng truy cập: 33.391.897