Ngày 29/3/2025, giảng viên khoa Kinh tế tham dự sự kiện “Đột phá với Trí tuệ Nhân tạo và Kinh tế số” do Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học, Cao đẳng Việt Nam (VNEI) trên nền tảng Zoom. Đây là cơ hội quý báu để các giảng viên cập nhật xu hướng công nghệ mới, từ đó ứng dụng vào công tác giảng dạy và nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thời đại số.

Hình 1. Chủ đề hội thảo
Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động INNOVATION TOUR – sáng kiến mang tính đột phá nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong giáo dục. Với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI và kinh tế số, chương trình đã mang đến những góc nhìn đa chiều về xu hướng phát triển công nghệ và tác động của nó đến giáo dục, kinh doanh và quản trị.

Hình 2. PGS.TS Nguyễn Phi Lê
Mở đầu chương trình, phiên thảo luận với chủ đề "Đột phá với Trí tuệ Nhân tạo và Kinh tế số" đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các giảng viên Khoa Kinh tế. PGS.TS Nguyễn Phi Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (Đại học Bách Khoa Hà Nội), đã mang đến những phân tích sâu sắc về vai trò của AI trong chuyển đổi mô hình đào tạo đại học, đặc biệt là trong các ngành kinh tế, tài chính và quản trị kinh doanh.

Hình 3. Tỷ lệ công ty sử dụng AI và sử dụng AI tạo sinh trên thế giới

Hình 4. Ứng dụng AI trong hiệu chỉnh số liệu
Trong khi đó, ông Trần Huyền Dinh – Nhà sáng lập kiêm CEO AlphaTrue, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech (Hiệp hội Blockchain Việt Nam), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp công nghệ tài chính (Fintech) vào giảng dạy kinh tế số, giúp sinh viên không chỉ tiếp cận kiến thức lý thuyết mà còn nắm bắt được cách thức vận hành của nền kinh tế kỹ thuật số trong thực tiễn.

Hình 5. Ứng dụng AI trong quản lý khách hàng
Cuối cùng, Mr. Neelesh Bhatia – Senior Associate Director tại NUS Enterprise, đã chia sẻ về những mô hình thành công trong việc ứng dụng AI vào kinh doanh và giáo dục tại Singapore, mở ra những ý tưởng mới về cách thức các trường đại học có thể áp dụng để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Sự kiện không chỉ mang đến kiến thức mới mà còn đặt ra câu hỏi quan trọng cho đội ngũ giảng viên: Làm thế nào để AI và công nghệ số trở thành công cụ hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy?
Một số giải pháp được đề xuất bao gồm:
Ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng và đánh giá sinh viên: Công nghệ AI có thể giúp cá nhân hóa lộ trình học tập, hỗ trợ giảng viên trong việc xây dựng nội dung giảng dạy sát với nhu cầu thực tiễn của sinh viên.
Phát triển chương trình đào tạo về kinh tế số và Fintech: Việc tích hợp các chủ đề như blockchain, trí tuệ nhân tạo và tài chính kỹ thuật số vào chương trình giảng dạy là xu hướng tất yếu.
Khuyến khích sinh viên thực hành và khởi nghiệp trong môi trường số: Giảng viên có thể tận dụng nền tảng AI để hướng dẫn sinh viên phát triển các dự án thực tế, từ đó nâng cao năng lực làm việc trong nền kinh tế số.
Với những thông tin giá trị từ chương trình, đội ngũ giảng viên Khoa Kinh tế sẽ có thêm động lực và định hướng rõ ràng trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp sinh viên trang bị đầy đủ kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.
Tác giả
Trần Thị Ngát – Khoa Kinh tế