Trong khuôn khổ hoạt động bồi dưỡng chuyên môn cho giảng viên, tôi vinh dự được tham dự chuyên đề “Các ứng dụng AI thiết thực cho quản lý doanh nghiệp” do anh Liam Nguyễn trình bày, được tổ chức bởi Công ty Cổ phần MISA – một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, tài chính – kế toán và quản lý doanh nghiệp.. Đây là một chuyên đề không chỉ hấp dẫn về nội dung mà còn thiết thực về ứng dụng, đặc biệt đối với những giảng viên đang quan tâm đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu trong bối cảnh chuyển đổi số.
Ảnh 1- Toàn cảnh chuyên đề
Chuyên đề cung cấp một cái nhìn hệ thống về toàn cảnh các công cụ AI hiện đang hỗ trợ rất hiệu quả cho hoạt động doanh nghiệp, từ tiếp thị, bán hàng, tài chính – kế toán đến nhân sự và quản trị vận hành. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, diễn giả còn chia sẻ chi tiết về cách sử dụng, so sánh giữa các công cụ với ChatGPT – giúp người nghe dễ hình dung hơn về tính khả thi khi ứng dụng trong từng lĩnh vực cụ thể.
Là một giảng viên trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, tôi đặc biệt ấn tượng với các công cụ như:
-
Tallyfor, Docsumo: hỗ trợ trích xuất dữ liệu kế toán từ hóa đơn, chứng từ – tiết kiệm đáng kể thời gian nhập liệu và tăng độ chính xác.
-
Jasper.ai, Pictory, Tome.app: giúp tạo nội dung bài giảng, video minh họa, và slide thuyết trình chuyên nghiệp chỉ trong vài phút.
-
Zapier, Make.com: tự động hóa các công việc hành chính, thống kê, gửi email học thuật – giải phóng thời gian cho việc nghiên cứu chuyên sâu.
Ảnh 2- Thực hành với công cụ Make.com
Đặc biệt, phần chia sẻ "10 mẹo sử dụng AI hiệu quả" đã gợi mở nhiều ý tưởng sáng tạo, từ việc đặt câu hỏi đúng cách, phản hồi đa chiều đến kết hợp nhiều công cụ trong một quy trình – điều này hoàn toàn có thể áp dụng trong công tác xây dựng bài giảng, hướng dẫn sinh viên làm tiểu luận và nghiên cứu khoa học.
Ảnh 3 - Top 10 điều giúp tăng hiệu quả Sử dụng AI
Ảnh 4- Top 10 điều giúp tăng hiệu quả Sử dụng AI
Buổi chuyên đề này đã cho tôi thêm động lực để tiếp cận công nghệ một cách chủ động, đồng thời lan tỏa tinh thần đổi mới đến các đồng nghiệp. Tôi tin rằng, trong bối cảnh giáo dục đại học đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng số hóa và cá nhân hóa, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là xu hướng, mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.
Tôi chân thành hy vọng trong thời gian tới, các cán bộ quản lý khoa Kinh tế sẽ tiếp tục quan tâm, tìm hiểu và tạo điều kiện để giảng viên có cơ hội tham gia nhiều hơn những buổi học tập chuyên đề như vậy – nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số, góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ, hiện đại và bền vững cho đội ngũ giảng viên của khoa nói riêng và nhà trường nói chung.
Lý Bích Ngọc_Khoa Kinh tế