Ngày 17/11/2021, 4 giảng viên khoa Kinh tế đã tham dự diễn đàn cấp cao thường nên lần thứ ba năm 2021 về Công nghiệp 4.0, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì cùng với sự tham gia của nhiều bộ ngành liên quan với phiên hội thảo trực tuyến chuyên đề số 8 “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Mở đầu diễn đàn quốc tế là bài phát biểu khai mạc của Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Tiếp theo là bài phát biểu của Ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ GDĐT.
Ở bình diện quốc gia mới đưa ra chiến lược quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ năng lực kỹ thuật tay nghề cao, thừa lao động thủ công không qua đào tạo,... là một số trong các trở ngại lớn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Ảnh 1. Ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc
Ảnh 2. Ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu
Tại hội thảo, các diễn giả là các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo chính, bao gồm (1) Chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực số từ kinh nghiệm thực tiễn của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh do ông Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh trình bày; (2) Phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do ông David Wei - Tổng giám đốc HUAWEI VIỆT NAM trình bày; (3) Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu chuyển đổi lao động do bà Nguyễn Hồng Hà - Đại diện lâm thời, tổ chức lao động quốc tế (ILO) trình bày; (4) Chuyển đổi số ngành giáo dục và giải pháp của VNPT do ông Nguyễn Hồng Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm giải pháp giáo dục điện tử Công ty công nghệ thông tin VNPT (VNPT - IT) trình bày.
Ảnh 3. Diễn giả ông David Wei - Tổng giám đốc HUAWEI VIỆT NAM trình bày
Ảnh 4. Diễn giả bà Nguyễn Hồng Hà - Đại diện lâm thời, tổ chức lao động quốc tế (ILO) trình bày
4 báo cáo chuyên đề đều bám sát nội hàm của hội thảo gồm hai nội dung chính: chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số, gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Báo cáo của ông Vũ Hải Quân trình bày không chỉ là chiến lược của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cũng là nhiệm vụ thực hiện chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thực hiện chuyển đổi số của khu vực và quốc gia. Báo cáo của ông David Wei, chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam với khả năng đào tạo 10 nghìn lao động trong thực hiện chuyển đổi số. Báo cáo của bà Nguyễn Hồng Hà chỉ rõ Cách mạng 4.0 tạo ra những thách thức nhưng cũng mang lại nhiều cơ hội. Phát triển kỹ năng là trách nhiệm chung của Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các tổ chức giáo dục nghề nghiệp. Báo cáo của ông Nguyễn Hồng Nghi rất có ý nghĩa cho ngành giáo dục khi chuyển đổi số.
Đồng thời, hội thảo tiến hành phiên thảo luận bàn tròn do ông Võ Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc, PWC Việt Nam điều phối. Tại phiên thảo luận với 10 ý kiến được trao đổi, bao gồm: ý kiến trao đổi của thứ trưởng Bộ GDĐT, của một số các trường Đại học, các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học. Các ý kiến tham gia thảo luận với tinh thần trách nhiệm, xây dựng thẳng thắn, khoa học, sáng tạo, nhiều tâm huyết trong mục tiêu đề xuất ý tưởng, hiến kế cho ban tổ chức hội thảo tổng hợp, đưa vào đề án báo cáo các cấp có thẩm quyền, có giá trị thực tiễn và lâu dài, có tính định hướng.
Ảnh 5. Ông Võ Tấn Long - Phó Tổng Giám đốc, PWC Việt Nam điều phối phiên thảo luận
Ảnh 6. Ông Vũ Hải Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phát biểu kết luận
Hội thảo đã góp phần nhận diện và làm rõ các vấn đề có liên quan đến chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số, yêu cầu về chuyển đổi lao động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số ngành giáo dục để đáp ứng yêu cầu về nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới. Với tinh thần làm việc tích cực, trách nhiệm, hiệu quả, hội thảo đã hoàn thành tốt các nội dung, diễn ra theo đúng kế hoạch và thành công tốt đẹp!
Tác giả: Lê Thị Kim Tuyết - Khoa Kinh tế