Ngày 19/03/2025 giảng viên Khoa Kinh tế đã tham dự toạ đàm“Thực trạng năng suất của ngành Dệt may, các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ( KHCN), đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất cho ngành dệt may và bộ tiêu chí chuyên gia năng suất ngành Dệt may” do Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức Sự kiện này có sự tham gia của các chuyên gia năng suất quốc gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp may trên toàn quốc.
.jpg)
Ảnh 1- Toàn cảnh buổi toạ đàm
Mở đầu buổi toạ đàm, TS. Nguyễn Văn Đức- Phó hiệu trưởng nhà trường đã có lời giới thiệu và cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học, các chuyên gia năng suất, các lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và các thầy cô giáo đến từ các khoa của nhà trường đã dành thời gian đến tham dự. TS. Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh ngành Dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và tăng trưởng liên tục trong suốt 20 năm vừa qua kể cả trong những lúc nền kinh tế khó khăn nhất và tầm quan trọng của việc ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất trong ngành Dệt may, đặc biệt trong bối cảnh mở rộng kinh tế sâu rộng và chuyển đổi số đang diễn gia mạnh mẽ trên toàn thế giới cũng như yêu cầu ngày càng cao từ thị trường quốc tế.
Tọa đàm đã lắng nghe nhiều bài tham luận quan trọng từ các chuyên gia và đại diện nhà trường:
TS. Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng nhà trường trình bày các nghiên cứu, triển khai một số giải pháp về KHCN và ĐMST để tăng năng suất và phát triển bền vững cho ngành Dệt may.
.jpg)
Ảnh 2- TS. Hoàng Xuân Hiệp
TS. Nguyễn Thu Phượng- Phó hiệu trưởng nhà trường trình bày các nội dung về Thực trạng năng suất của ngành may và giải pháp ứng dụng thành công KHCN& ĐMST để nâng cao năng suất.
.jpg)
Ảnh 3- TS. Nguyễn Thu Phượng
Tham gia tham luận còn có ThS. Vũ Đức Tân- Phó Trưởng khoa Công nghệ Dệt May, TS. Dương Thị Tân- Trưởng khoa Kinh tế, ThS. Phùng Thị Hạnh- Trưởng Phòng Đào tạo trình bày các nội dung liên quan tới Thực trạng năng suất của ngành Dệt và giải pháp ứng dụng thành công KHCN& ĐMST để nâng cao năng suất, Thực trạng và giải pháp ứng dụng KHCN& ĐMST để nâng cao năng suất của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm dệt may tại Việt Nam và bộ tiêu chí chuyên gia năng suất ngành Dệt may. Bộ tiêu chí này được kỳ vọng sẽ góp phần chuẩn hóa đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong ngành, tạo nền tảng cho việc phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ảnh 4: ThS. Vũ Đức Tân

Ảnh 5- TS Dương Thị Tân

Ảnh 6- Ths. Phùng Thị Hạnh
Trong phần thảo luận, các nhà khoa học và chuyên gia năng suất đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quan trọng về thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất, đặc biệt trong lĩnh vực Dệt may. TS. Nguyễn Tùng Lâm -Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam đánh giá cao nội dung tọa đàm, nhận định rằng đây là một diễn đàn hữu ích để các nhà khoa học, doanh nghiệp và giảng viên trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao năng suất.
Đại diện các doanh nghiệp dệt may cũng bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao những nội dung được chia sẻ, khẳng định rằng các giải pháp này có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ ngành Dệt may mà còn với các doanh nghiệp sản xuất nói chung.

Ảnh 7- TS. Nguyễn Tùng Lâm
Tham dự tọa đàm, giảng viên Khoa Kinh tế tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn và đóng góp ý kiến về việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, nghiên cứu khoa học. Các giảng viên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng ứng dụng, giúp sinh viên nắm bắt nhanh chóng những công nghệ mới và rèn luyện kỹ năng thực hành, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí sôi nổi và nghiêm túc, là cơ hội để các chuyên gia, giảng viên và doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp nâng cao năng suất, ứng dụng KHCN và ĐMST vào thực tiễn sản xuất. Qua đó, giảng viên Khoa Kinh tế đã tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt may.
Buổi tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho các đại biểu tham dự.
Lý Bích Ngọc- Khoa Kinh tế