Ngày 30/9/2024, cán bộ và giảng viên khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) đã tham dự buổi tọa đàm chuyên đề “Kinh nghiệm triển khai điều chỉnh chương trình đào tạo (CTĐT) dựa trên nguyên lý OBE để triển khai đánh giá theo tiêu chuẩn AUN và ABET.” Tọa đàm được tổ chức trực tuyến tại phòng 202-C5, quy tụ sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quản lý giáo dục đại học (CSGDĐH), các giảng viên và cán bộ phụ trách đảm bảo chất lượng.
Mục tiêu của buổi tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ các trường đại học đã và đang áp dụng thành công nguyên lý giáo dục theo chuẩn Outcome-Based Education (OBE) để điều chỉnh và cải tiến CTĐT. Đồng thời, buổi tọa đàm cũng giúp các cán bộ và giảng viên khoa Kinh tế nâng cao nhận thức về cách thức đánh giá chất lượng chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế như AUN-QA và ABET.
TS. Nguyễn Huy Phúc, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (IUH), là diễn giả chính tại buổi tọa đàm. Ông đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn kiểm định và phát triển chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc tế. Với vai trò là chuyên gia quốc tế và đánh giá viên trưởng của AUN-QA, TS. Phúc đã giúp nhiều trường đại học trong khu vực ASEAN thực hiện các dự án đảm bảo chất lượng theo chuẩn AUN-QA và ABET, đồng thời giám sát các đợt đánh giá trực tuyến của AUN-QA.
Buổi tọa đàm tập trung thảo luận các kinh nghiệm thực tế trong: Triển khai CTĐT theo nguyên lý OBE; Đo lường chuẩn đầu ra của các học phần và chương trình đào tạo; Điều chỉnh và cải tiến chương trình dựa trên kết quả đo lường chuẩn đầu ra; Đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn AUN và ABET.
Qua buổi tọa đàm, các cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế HTU đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn để vận dụng vào quá trình điều chỉnh và phát triển CTĐT tại khoa. Điều này sẽ giúp khoa đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của các tiêu chuẩn quốc tế về đảm bảo chất lượng, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, hướng tới mục tiêu cải tiến liên tục chương trình đào tạo.
Sự kiện không chỉ mở ra cơ hội thảo luận sôi nổi về các vấn đề học thuật mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuẩn hóa CTĐT theo hướng tiếp cận quốc tế, đảm bảo chất lượng giáo dục trong thời kỳ hội nhập.
Đinh Thị Thủy, Khoa Kinh tế