Trang chủ

Mô hình kinh doanh Canvas (Business Model Canvas - BMC) – Chìa khóa thành công của những Startup

Ngày đăng: 08:19 - 26/01/2018 Lượt xem: 121.326
Bạn đang có ý tưởng kinh doanh để khởi nghiệp nhưng bạn không biết bằng cách nào để trực quan hóa ý tưởng kinh doanh của bạn? Không biết bằng cách nào đơn giản mà hữu hiệu nhất để trình bày ý tưởng kinh doanh của mình để thu hút vốn đầu tư, để được sự đồng thuận của các thành viên trong nhóm. Đừng lo lắng! Hãy hít thở thật sâu và cùng nghiên cứu sử dụng Business Model Canvas (BMC). BMC chắc chắn sẽ là chìa khóa giúp bạn mở cánh cửa đầu tiên để thành công trên con đường khởi nghiệp.

Business Model Canvas là một mô hình kinh doanh do Alexander OstrerWalder và Yves Pigneur đã sáng tạo ra. Mô hình kinh doanh này đã gây tiếng vang rất lớn và được đón nhận nhiệt liệt bởi các CEO đặc biệt là những nhà khởi nghiệp trẻ vì tính dễ hiểu và dễ áp dụng của nó. Những công ty lớn hàng đầu thế giới như Google, Facebook, GE, P&G và Nestlé đều sử dụng Canvas để quản lý chiến lược và tạo ra những động lực tăng trưởng mới, trong khi đó những nhà khởi nghiệp trẻ lại sử dụng trong việc tạo dựng một mô hình kinh doanh phù hợp.

 
 
Mô hình kinh doanh Canvas (BMC)
 
BMC có 9 thành tố chính để trực quan hóa ý tưởng kinh doanh hay chiến lược của doanh nghiệp. Với một sinh viên, mới có ý tưởng kinh doanh để bắt đầu khởi nghiệp. Hãy mô tả ý tưởng kinh doanh lần lượt theo các câu hỏi sau:

1. Phân khúc khách hàng chính của ý tưởng/dự án của bạn muốn hướng tới là ai? Ai là khách hàng mà bạn muốn bán sản phẩm/dịch vụ? Hình mẫu khách hàng đó như thế nào? Nhóm khách hàng này có thể là thị trường đại chúng, thị trường ngách, thị trường hỗn hợp.

2. Mục tiêu giá trị - Value Propositions mà sản phẩm/dịch vụ của ý tưởng/dự án kinh doanh mang lại cho khách hàng là gì? Hãy mô tả lại những mục tiêu giá trị mà sản phẩm/dịch vụ của bạn mang đến cho khách hàng? Sản phẩm/dịch vụ của bạn giúp khách hàng giải quyết vấn đề gì? Những nhu cầu nào của khách hàng cần được thỏa mãn?

3. Sử dụng kênh kênh phân phối và truyền thông nào để công chúng biết đến sản phẩm dịch vụ của bạn? Hãy mô tả các kênh truyền thông và phân phối mà bạn dự kiến sử dụng để tiếp xúc với phân khúc khách hàng. Qua đó mang cho khách hàng các giá trị mục tiêu mà khách hàng mong muốn. Có thể có rất nhiều kênh phân phối khác nhau bao gồm các kênh phân phối trực tiếp (đội bán hàng trực tiếp, điểm bán hàng trực tiếp, gian hàng trên mạng…) và kênh phân phối gián tiếp (đại lý bán hàng, cửa hàng của đối tác…)

4. Thiết lập và xây dựng quan hệ khách hàng như thế nào? Hãy mô tả các loại quan hệ mà bạn muốn thiết lập với các khách hàng của mình. Làm thế nào bạn giữ chân khách hàng cũ hoặc thu hút khách hàng mới?

5. Doanh thu dự kiến từ nguồn nào? Hãy thể hiện luồng doanh thu bạn thu được từ các phân khúc khách hàng của mình. Đây chính là ô mà các bạn nên quan tâm nhất, tiền thu được là từ các nguồn nào? Ai chi trả? từ đó căn cứ vào cơ cấu chi phí sẽ tính toán lợi nhuận thu được của dự án/ý tưởng kinh doanh.

 
 
Mô hình kinh doanh của Facebook . Nguồn: Internet
 
6. Nguồn lực chính của ý tưởng/dự án là gì?: Hãy mô tả các nguồn lực quan trọng nhất để hoạt động kinh doanh có thể tồn tại. Để tạo ra được hàng hóa, thiết lập kênh truyền thông và phân phối, duy trì quan hệ khách hàng,…, bạn cần phải có những nguồn lực nhất định và nếu không có nguồn lực này thì bạn không thể kinh doanh được. Đây có thể là các nguồn lực vật lý (ví dụ tài nguyên môi trường), nguồn lực tri thức (bằng sáng chế), nhân lực và tài chính.

7. Hoạt động chính của ý tưởng/dự án kinh doanh của bạn là gì? Hãy mô tả các hành động quan trọng nhất mà bạn cần duy trì để giữ được công việc kinh doanh của mình. Nói cách khác, hoạt động chính của ý tưởng là việc sử dụng nguồn lực chính để tạo ra các giá trị mục tiêu khác biệt và qua đó thu được lợi nhuận. Ví dụ đối với ý tưởng mở shop bán hàng thời trang cho sinh viên, hoạt động chính sẽ là phát tư vấn và bán các sản phẩm thời trang tới tay người tiêu dùng là các sinh viên. Đối với ý tưởng mở một quán bán trà sữa thì hoạt động chính của ý tưởng này là pha chế và bán các sản phẩm trà sữa.

8. Đối tác chính trong ý tưởng/dự án của bạn là ai? Hãy mô tả các nhà cung cấp nguồn lực và các đối tác giúp cho công việc kinh doanh được thực thi tốt và có thể phát triển. Ví dụ, đối tác để bạn mở một quán trà sữa chính là các nhà cung cấp nguyên liệu, dụng cụ pha chế, nhà cung cấp tài chính, …

9. Cơ cấu chi phí của ý tưởng/dự án như thế nào? Hãy mô tả tất cả các chi phí cần thiết để duy trì và điều hành kinh doanh. Chi phí nhân công, chi phí nguyên liệu đầu vào, đầu tư máy móc thiết bị, chi phí sử dụng vốn, chi phí tiếp thị, chi phí bán hàng, chi phí mặt bằng là bao nhiêu? Hãy hạch toán chi tiết các khoản chi, lưu tâm những khoản chi chính của ý tưởng/dự án kinh doanh?

Việc hiểu và sử dụng mô hình kinh doanh Canvas có ý nghĩa rất lớn đối với những sinh viên đang có ý định khởi nghiệp muốn tiếp cận, huy động vốn hoặc trình bày các ý tưởng kinh doanh với các thành viên trong nhóm. Một ý tưởng kinh doanh tốt, nhưng không biết cách  trình bày một cách logic, rõ ràng, dễ hiểu sẽ mất đi cơ hội hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh.

 Các bạn sinh viên HTU còn chần chờ gì nữa, hãy đứng lên và xách balo lên chúng ta cùng khởi nghiệp. Chặng đường đi của bạn có thể có lúc vấp ngã. Không sao cả, hãy đứng lên! Sau cú ngã đó chúng ta sẽ học được nhiều cách khác nhau để không bị vấp ngã. Tuổi trẻ là để trải nghiệm, đúc rút kinh nghiệm và đi đến thành công. Hãy bắt đầu chặng đường khởi nghiệp của bạn bằng mô hình kinh doanh Canvas, ít nhất là mô tả thật kỹ 5 thành tố đầu tiên. Bằng một bức tranh tinh gọn, các Start up không cần phải viết vài chục trang giấy để tóm tắt ý tưởng kinh doanh của bạn. Tôi tin bạn sẽ chinh phục được bản thân và các nhà đầu tư.

Chúc các bạn thành công!
                                                                                                Tác giả: Đinh Thị Thủy
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 115 Tổng truy cập: 33.389.677