Hơn 400 sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội được nhận bằng ĐH

Ngày đăng: 05:02 - 17/10/2020 Lượt xem: 1.768

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao bằng tốt nghiệp cho các Thủ khoa khóa 1

Báo cáo tại Lễ tốt nghiệp, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết, tổng số sinh viên tuyển sinh đại học khóa 1 là gần 500 chỉ tiêu. Đến năm 2020, có 84,3% sinh viên đại học tốt nghiệp đúng hạn, trong số đó có 47,5% sinh viên đạt loại khá, giỏi.

Nhà trường đã tiến hành khảo sát 371 sinh viên, chiếm 90% sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 1 theo hình thức trực tuyến qua mạng Internet. Kết quả khảo sát cho thấy: 199 doanh nghiệp trong đó có 41 doanh nghiệp tuyển được 2 em trở lên, doanh nghiệp tuyển được nhiều nhất là 19 em.

85,4% sinh viên đã có việc làm và ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là ngành Công nghệ may (88,1%). Đây là tỷ lệ có việc làm rất cao trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch covid-19.

Trong tổng số sinh viên đại học khóa 1 đã đi làm thì có 3% làm việc tại các vị trí quản lý; 77,3%  làm việc tại các vị trí cán bộ kỹ thuật; 19,7% làm việc tại các vị trí khác. Tỷ lệ tự tạo việc làm (khởi  nghiệp) là 7,9%, cao hơn cao đẳng trước đây (tỷ lệ khởi nghiệp chỉ là 5%).

Mức thu nhập bình quân là 6,4 triệu/tháng; sinh viên có thu nhập cao nhất là 30 triệu/tháng thuộc về ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser; thu nhập cao nhất của ngành công nghệ Sợi dệt là 15 triệu/tháng và thu nhập cao nhất của ngành công nghệ may là 13 triệu/tháng.

Tỷ lệ sinh viên có thu nhập trên 12 triệu là 1,5%; từ 8-12 triệu là 8,7%; từ 5-8 triệu là 64,8%; Dưới 5 triệu là 25%, chủ yếu rơi vào các sinh viên trong tháng đầu thử việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi lễ

Gửi lời chúc mừng hơn 400 tân cử nhân khoá 1 của Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của nhà trường trường trong thời gian qua, đặc biệt là những nỗ lực trong việc tự chủ đại học.

Đây là chủ trương quan trọng đã được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Từ một trường cao đẳng thuộc tập đoàn kinh tế 100% vốn Nhà nước, đến nay là một trường đại học thực sự tự chủ đầy đủ cả về tài chính, học thuật và nhân lực.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dù đã có những thành công nhất định, nhưng rõ ràng đây mới là những bước đi đầu tiên của nhà trường. “Khó khăn còn bộn bề, vì vậy trong thời gian tới Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cần tập trung xây dựng cơ chế phù hợp, để thực hiện được quá trình đào tạo định hướng ứng dụng.

Mặt khác, cần huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ của cả 3 bên là: nhà trường, doanh nghiệp và học viên. Trong đó, nhà trường đóng vai trò then chốt trong xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, phù hợp với thực tế.

Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, nhất là tham gia cung cấp cơ sở vật chất, chủ động tương tác tích cực về nội dung, kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho nhà trường.

Rạng ngời niềm vui

“Tôi đề nghị Nhà trường tiếp tục tập trung thu hút và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa có kinh nghiệm thực tế để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nhận chuyển giao, sáng tạo công nghệ tiên tiến, hiện đại; 
Đồng thời kết hợp giữa vật liệu hiện đại với truyền thống; sớm làm chủ khâu thiết kế, mẫu mã hàng hóa… dần tham gia sâu và đầy đủ hơn vào chuỗi giá trị của ngành dệt may toàn cầu” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đồng thời tin tưởng:  

Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển riêng của mình, thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của trường trở thành trung tâm đào tào, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dệt may.

Nguồn : https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hon-400-sinh-vien-dau-tien-cua-truong-dh-cong-nghiep-det-may-ha-noi-duoc-nhan-bang-dh-kEDADj5Gg.html

Liên kết website