Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường chuyên đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May. Hằng năm, số lượng tuyển sinh đại học của trường chiếm khoảng 40% tổng số tuyển sinh ngành dệt may của cả nước. Trường là cơ sở giáo dục đại học duy nhất tại Việt Nam đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ cho mô hình Chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh, bao gồm 7 ngành: Công nghệ Sợi, dệt; Thiết kế thời trang; Công nghệ may; Công nghệ kỹ thuật Cơ khí; Công nghệ kỹ thuật Điện, điện tử; Quản lý công nghiệp dệt may; Marketing thời trang với quy mô 5000 sinh viên. Trải qua 54 năm xây dựng và trưởng thành, Trường được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động, huân chương Độc lập …. Nhiều giảng viên và sinh viên đạt kết quả cao trong các Hội thi toàn quốc và kỹ năng nghề ASEAN.
Trong suốt chiều dài phát triển, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội được coi là hình mẫu của sự đổi mới trong các cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành Dệt May. Trường được thành lập năm 1967, sau nhiều lần nâng cấp và đổi tên đến ngày 04/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Lịch sử nhà trường được chuyển sang trang mới, cùng với đó là một loạt thay đổi, đổi mới trong công tác quản trị đại học gắn với việc cung cấp nhân lực cốt lõi cho ngành Dệt May Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Thực hiện đổi mới là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Trường; đổi mới trên mọi mặt, đổi mới các lĩnh vực được Trường triển khai một cách tích cực, quyết liệt và phát huy hiệu quả rõ rệt.
1. Đổi mới nhận thức trong bối cảnh tự chủ, chuyển đổi số trong CMCN 4.0
Lãnh đạo nhà trường luôn xác định “Tư tưởng không thông thì vác bình tông cũng không nổi”. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư tưởng, ban lãnh đạo trường sớm xác định phải thay đổi, đổi mới nhận thức cho cán bộ, giảng viên, nhân viên trước khi đổi mới các lĩnh vực khác. Với cách làm có hệ thống nên tư tưởng “tự chủ đại học”, “đổi mới giáo dục đại học” được thấm nhuần sâu sắc vào mỗi cá nhân của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Mỗi cá nhân làm việc một cách tự nguyện, phấn đấu vì sự phát triển của bản thân và của Trường, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc chuyển biến rõ rệt. Trong các phòng, ban cán bộ, chuyên viên đều thay đổi phương pháp làm việc, thực hiện cải tiến công việc. Giảng viên tự nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức thực tế, tiếp cận các phương pháp giảng dạy khoa học, đáp ứng yêu cầu của việc dạy và học trong cuộc CMCN4.0. Gần 80% giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ và có 2-5 năm kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp là kết quả của sự đổi mới trong nhận thức nâng cao trình độ đáp ứng chuẩn của trường đại học ứng dụng. Đây cũng điểm nổi trội của giảng viên Nhà trường so với các cơ sở đào tạo khác, giúp nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng ứng dụng, phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số tại doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0.
2. Đổi mới trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng
Đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng là 3 trụ cột được ví như kiềng 3 chân của cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian qua, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện đổi mới đồng bộ cả 3 trụ cột trên.
Thứ nhất, đổi mới trong đào tạo
Đào tạo theo định hướng ứng dụng được triển khai đồng bộ, tích hợp các thành tựu của CMCN 4.0 theo chuẩn quốc tế. Việc đổi mới công tác đào tạo được thực hiện cả về chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy.
- Về chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo được phát triển bởi tập thể giảng viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ doanh nghiệp (DN) dệt may, có tham khảo, kế thừa chương trình đào tạo đại học của nhiều nước tiên tiến trên thế giới và trong khu vực như: Mỹ, Anh, Thái Lan, Ấn Độ,…, chương trình phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, theo đặc thù của ngành Dệt May dựa trên khối kiến thức nền tảng. Nội dung các học phần gắn liền với vị trí việc làm tại doanh nghiệp.
Chương trình được rà soát, đánh giá và cập nhật thường xuyên, nhằm bổ sung công nghệ mới, kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng quản trị, các kỹ năng thực tế đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động theo hướng tiệm cận với chuẩn khu vực và quốc tế. Các chương trình đào tạo đã tăng thời lượng cho sinh viên (SV) đi thực hành, thực tập tại DN; tăng cường các bài tập lớn, đồ án học phần, dự án giúp SV rèn luyện kỹ năng tư duy tổng hợp để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy
Giảng dạy đại học gắn liền với từng ngành cụ thể, bám sát thực tiễn kinh tế - xã hội và sự phát triển của khoa học, công nghệ liên quan. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học được thực hiện theo hướng “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự học của SV, kết hợp nhuần nhuyễn và sáng tạo các phương pháp dạy học, kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm, tăng cường kỹ năng thực hành kỹ thuật và thực hành tư duy cho SV.
Các phương pháp giảng dạy tích cực được GV thường sử dụng như: tăng cường tổ chức các hoạt động nhóm, giao bài tập cá nhân, bài tập lớn cho SV thực hiện nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của SV. Các bài giảng đều được thiết kế trên powerpoint, cập nhật các thông tin từ internet, lồng ghép các video thực tế tại DN do GV tự quay hoặc sưu tầm liên quan đến nội dung bài học, giúp cho SV có thể làm quen và hình dung được các công việc thực tế một cách dễ dàng hơn. Một số bài giảng lồng ghép các trò chơi mang tính giáo dục, vận dụng kiến thức bài học và công nghệ thông tin để tạo nên những giờ học vừa thoải mái vừa hiệu quả... Các phần mềm cũng được khai thác triệt để và hiệu quả trong giảng dạy: Ứng dụng phần mềm CAD/CAM, phần mềm Gerber, Illustrator, Clo3D, AutoCAD, Photoshop... vào giảng dạy các học phần chuyên ngành như phần thiết kế mẫu, giác sơ đồ, sáng tác mẫu, thiết kế thời trang trên máy tính... Bên cạnh đó, nhà trường đã triển khai ứng dụng công nghệ dạy học 4.0 (e-learning) vào hoạt động đào tạo. Việc ứng dụng phần mềm e-learning vừa giúp GV, SV tiếp cận với công nghệ giáo dục hiện đại vừa tạo điều kiện SV chủ động nghiên cứu trước bài học để dành thời gian trên lớp cho việc trao đổi giữa thầy và trò về các vấn đề chưa hiểu rõ.
SV của Trường được tham quan, thực tế tại DN ngay từ năm thứ nhất giúp tiếp cận sớm với hoạt động sản xuất tại DN. Trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ với gần 500 lao động, sử dụng các công nghệ và thiết bị hiện đại như dây chuyền sản xuất veston thời trang được chuyển giao công nghệ của Hàn Quốc, thiết bị tự động và lập trình...Trung tâm thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: sản xuất hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... và hướng dẫn SV thực tập. Ngoài thực tập tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của Trường, các SV đã được bố trí thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại nhiều DN liên kết.
SV thực tập tại Tổng công ty May 10
Thứ hai, đổi mới trong nghiên cứu khoa học
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội coi nghiên cứu khoa học không chỉ là yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo, mà còn là hoạt động tạo ra tri thức mới, sản phẩm mới, cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trong ngành dệt may.
Những năm gần đây hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường hướng tới xây dựng một ngành công nghiệp dệt may hiện đại và phát triển bền vững. Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Trường chủ trì và tham gia chủ yếu nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực dệt may như: mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất tinh gọn và công nghiệp 4.0 tại doanh nghiệp may công nghiệp; đánh giá tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành dệt may; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực dệt may; ứng dụng các công cụ quản lý 4.0 vào doanh nghiệp dệt may...
Bên cạnh các nghiên cứu chuyên sâu về công nghiệp 4.0, các công trình nghiên cứu cấp Bộ của Trường còn tập trung phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, giúp ngành dệt may Việt Nam chuyển sang phương thức sản xuất thiết kế gốc (ODM). Các nghiên cứu điển hình theo định hướng này là : Xây dựng tiêu chí nguồn nhân lực cho phương thức sản xuất ODM tại các doanh nghiệp may, xây dựng chuẩn đầu ra ngành thiết kế thời trang, xây dựng ngân hàng mẫu sử dụng trong phương thức sản xuất FOB.
Bảo vệ đề tài cấp Bộ Công thương năm 2020
Hướng nghiên cứu của các đề tài cấp Bộ và các đề tài ký hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp còn tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng của các doanh nghiệp dệt may theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Điển hình là các nghiên cứu ứng dụng mô hình JIT trong quản trị doanh nghiệp may, triển khai mô hình sản xuất tinh gọn Lean, thiết kế và chế tạo dưỡng may áo jacket, chuẩn hóa thao tác may áo jacket đáp ứng mô hình Lean tại dây chuyền may, ứng dụng công cụ thống kê để nâng cao hiệu lực quản lý chất lượng trong doanh nghiệp may, nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng sợi bằng máy Uster.
Các công trình nghiên cứu khoa học của Trường đã được ứng dụng trực tiếp tại các doanh nghiệp dệt may, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc lĩnh vực dệt may. Các nghiên cứu này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may Việt Nam.
Thứ ba, đổi mới hoạt động phục vụ cộng đồng
Trước kia, hoạt động phục vụ cộng đồng của Trường chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực thiện nguyện thì nay được triển khai mạnh mẽ ở lĩnh vực chuyên môn như: chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp dệt may (Công nghệ Lean 4.0, mô hình quản trị Just In Time); hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp được triển khai rộng rãi cho cộng đồng SV trong toàn trường, trang bị cho SV các kiến thức kỹ năng sống để thích ứng với xã hội. Công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cộng đồng các doanh nghiệp cũng được đặc biệt chú trọng như triển khai đào tạo giám đốc nhà máy dệt may, đào tạo cán bộ quản lý đơn hàng merchandiser, cán bộ quản lý chất lượng, cán bộ kỹ thuật, chuyền trưởng sản xuất…cho doanh nghiệp dệt may. Đặc biệt, hàng năm Trường tổ chức hoạt động kết nối giữa SV - Nhà trường - Doanh nghiệp thông qua Ngày hội việc làm. Đây chính là diễn đàn giúp cho SV của Trường được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng, giúp Trường gặp gỡ và giao lưu với doanh nghiệp thông qua các hoạt động trao học bổng, ký kết thoả thuận hợp tác, toạ đàm chia sẻ trong ngày hội… Không chỉ dừng lại ở các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng trong nước, Trường còn thực hiện hoạt động kết nối, hợp tác Quốc tế như giới thiệu sinh viên đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp, liên kết đào tạo với các nước cho CBGV, SV.
Hiến máu nhân đạo năm 2020
Các hoạt động hiến máu nhân đạo tiếp tục được Đoàn thanh niên, Công đoàn trường tổ chức ít nhất 01 lần trong năm, với sự hưởng ứng tham gia của CBCNV, HSSV trong Trường, kết quả đạt được trong mỗi lần hoạt động khoảng 350-500 đơn vị máu. Các hoạt động thăm hỏi gia đình chính sách, hoạt động từ thiện tới các trường tình thương trên địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh; ủng hộ đồng bào bị thiên tai….tiếp tục được thực hiện.
Trong quá trình đổi mới để phát triển, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã không ngừng nỗ lực và đã đạt được những thành tựu bước đầu. Trường đã tự chủ được 100% chi đầu tư và chi thường xuyên, là đơn vị đầu ngành trong việc nghiên cứu và triển khai kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học vào thực tế ngành Dệt May. Sản phẩm đào tạo của Trường không chỉ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chuyên môn mà các kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN4.0 như kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng tiếp cận với công nghệ mới. Trường được chọn là nơi thăm quan, học hỏi của nhiều trường đại học trong và ngoài nước bởi mô hình đào tạo khác biệt và đổi mới, sáng tạo. Thời gian tới đổi mới, sáng tạo, hội nhập tiếp tục được Trường duy trì và phát triển, xứng đáng là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.
Đoàn Thị Hương Thủy - Phòng Tuyển sinh & Truyền thông