Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội - 52 một chặng đường phát triển

Ngày đăng: 03:24 - 14/01/2019 Lượt xem: 5.819
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội thương, được thành lập ngày 19 tháng 1 năm 1967. Sau nhiều lần nâng cấp và đổi tên, ngày 04/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 769/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trường Cao đẳng Công nghiệp – Dệt May Thời trang Hà Nội.
 

Hình ảnh phòng học, giáo viên và học sinh những năm đầu thành lập

 
Kể từ năm 2015, lịch sử phát triển Nhà trường được chuyển sang một trang mới, đó là sự thay đổi hoàn toàn về chất trong công tác quản trị đại học gắn với việc cung cấp nhân lực cốt lõi cho ngành dệt may Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.
Sơ đồ lịch sử 52 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường
 
Trải qua 52 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò Nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành dệt may và công nghiệp Việt Nam, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo,… và Tập đoàn Dệt May Việt Nam tặng thưởng các hình thức cao quý như: Huân chương độc lập, Huân chương lao động, Cờ thi đua đơn vị xuất sắc, Bằng khen,…

 
Lễ đón nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động năm 2014
 
Trong công tác nghiên cứu khoa học: Trường đã hoàn thành nhiều đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Tập đoàn và tư vấn chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp dệt may.

 
Hình ảnh buổi nghiệm thu đề tài NCKH cấp Bộ Công Thương năm 2017
 
Về ngành nghề đào tạo: từ một Trường chỉ có 2 ngành đào tạo, với quy mô khoảng 300 học sinh khi mới thành lập, đến nay trường  đã trở thành một trường đại học lớn với quy mô 8.000 sinh viên và có năng lực đào tạo 7 ngành chuyên môn cốt lõi cho ngành dệt may Việt Nam bao gồm: công nghệ sợi dệt; thiết kế thời trang, công nghệ may, quản lý công nghiệp trong dệt may; marketing thời trang; cơ điện tử trong dệt may; sửa chữa và bảo trì thiết bị dệt may.

 
    Giờ học thực hành trên xưởng     Giờ học lý thuyết trên giảng đường
 
Tính đến năm 2018, trường đã đào tạo được 70.000 cử nhân, kỹ thuật viên, được các doanh nghiệp dệt may và xã hội thừa nhận là trường đào tạo có chất lượng cao theo hướng ứng dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 90%.

 
Ngày hội việc làm được tổ chức hàng năm
 
Trước những yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phương thức sản xuất FOB, ODM của ngành dệt may Việt Nam, tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong Chiến lược phát triển Nhà trường giai đoạn 2010-2015, Nhà trường đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020, trong đó đặt ra tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu làm kim chỉ nam cho quá trình đào tạo, đó là:

Tầm nhìn: Phấn đấu trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành, phát triển đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đạt chuẩn quốc tế.

Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung theo hướng ứng dụng, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo tại các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Giá trị cốt lõi: Chất lượng – Năng động – Đáp ứng nhu cầu xã hội.

Mục tiêu tổng quát: Đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có đạo đức, có sức khoẻ, có kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp chuyên sâu, có niềm đam mê nghề nghiệp, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, có khả năng thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể:

- Đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cốt lõi cho ngành với 6 chuyên ngành khối kỹ thuật dệt may và 3 chuyên ngành khối kinh tế dệt, may.

- Đổi mới cơ chế quản lý, chương trình, nội dung, hình thức đào tạo và phương pháp giảng dạy; trình độ tối thiểu là Thạc sĩ và 80% có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất của đội ngũ giảng viên; hiện đại hoá cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhằm tạo môi trường đào tạo mang tính chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo, giúp người học phát triển toàn diện nhân cách và chuyên môn.

 - Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, tăng cường gắn kết giữa đào tạo với sử dụng lao động, gắn đào tạo với thực tế sản xuất, công nghệ; doanh thu hoạt động dịch vụ đào tạo chiếm khoảng 20% cơ cấu thu khu vực đào tạo.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyên môn và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao cho ngành dệt may và các ngành kinh tế khác.

- Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo.

Với tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu phù hợp xu hướng hội nhập quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo nguồn nhân lực theo hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

 
Khu giảng đường, phòng thí nghiệm tại cơ sở mới
 
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội hiện có tổng diện tích 6 ha, trụ sở chính đặt tại Lệ Chi – Huyện Gia Lâm – Thành phố Hà Nội với các cơ sở vật chất chủ yếu được bố trí trong các tòa nhà hiện đại từ 2 tầng đến 12 tầng như sau:

- Giảng đường, hội trường: 72 phòng học lý thuyết, 1 hội trường 800 chỗ, 1 hội trường 500 chỗ, 10 hội trường 200 chỗ, 44 phòng học nhóm cho sinh viên.

- Phòng thực hành, thí nghiệm: 97 phòng học thực hành, thí nghiệm, 2 phòng multimedia với tổng số 3.000 thiết bị hiện đại cho các ngành đào tạo công nghệ may, công nghệ sợi dệt, thời trang, cơ điện tử, sửa chữa thiết bị dệt may, công nghệ thông tin, tiếng Anh, quản lý công nghiệp, marketing…

- Trung tâm thông tin thư viện: 19 phòng đọc, hơn 50.000 đầu sách, 120 trạm máy tính truy cập sách điện tử và Internet miễn phí cho học sinh sinh viên nghiên cứu và học tập.

- Khu ký túc xá: 130 phòng ở khép kín, đủ chỗ cho 1.300 học sinh sinh viên có nhu cầu.

- Một nhà thi đấu đa năng, một sân tập thể dục và một sân bóng đá phục vụ cho việc học tập, giải trí và sinh hoạt thể thao của học sinh sinh viên.

Trung tâm Sản xuất dịch vụ tại Cơ sở 1
 
Đặc biệt Nhà trường có Trung tâm sản xuất dịch vụ với quy mô 600 lao động, tương đương với một doanh nghiệp loại vừa nhưng điểm khác biệt hoàn toàn với các doanh nghiệp là 100% cán bộ của Trung tâm có trình độ đại học trở lên và đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm kỹ thuật để hướng dẫn sinh viên thực tập.  Trung tâm  có quan hệ với hơn 20 quốc gia trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Hàn quốc…. và đồng thời thực hiện 2 nhiệm vụ: sản xuất và đào tạo. Đây là thế mạnh nổi trội trong công tác đào tạo của trường, giúp học sinh sinh viên được thực tập kỹ thuật, thực tập quản trị kỹ thuật, quản lý doanh nghiệp, ứng dụng mô hình công nghệ mới như LEAN, ODM, ISO 9001-2015 sát nhất với các nhu cầu của doanh nghiệp, hàng năm hơn 3.000 lượt SV thực tập tại đây.

Doanh thu sản xuất năm 2018 của trung tâm đạt 61 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân của người lao động là hơn 7 triệu đồng/tháng.

Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao cho nền kinh tế, trường đã áp dụng phương pháp  đào tạo theo hướng ứng dụng, lấy người học làm trung tâm, đảm bảo SV ra trường làm việc được ngay mà không phải đạo tạo lại. Nhà trường chú trọng tới phương pháp giảng dạy với trọng tâm là kết hợp thực hành ứng dụng với lao động sản xuất. Trong quá trình học, học viên được học đủ lý thuyết và tăng cường thực hành bao gồm thực hành thao tác kỹ thuật chuyên môn và thực hành tư duy tổng hợp giải quyết các vấn đề trong thực tiễn.

 
Khu thực hành công nghệ, kỹ thuật tại Cơ sở 1
 
Tính đến hết năm 2018, Trường có 276 giảng viên cơ hữu, trong đó 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Bên cạnh đó, điểm nổi trội của giảng viên nhà trường là có 70% giảng viên vừa có trình độ sau đại học, vừa có kinh nghiệm công tác tại doanh nghiệp từ 1–5 năm.

 
Giảng viên chụp ảnh nhân dịp khai giảng năm học mới 2018-2019
 
Để đáp ứng việc cung ứng nhân lực cho ngành, đến nay Trường đã có 7 ngành đào tạo trình độ Đại học, 11 ngành đào tạo trình độ Cao đẳng cùng nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2010-2018, Nhà trường giữ ổn định, quy mô đào tạo chính quy là xấp xỉ 8.000 sinh viên. Một tín hiệu tích cực trong công tác tuyển sinh của Nhà trường là cơ cấu tuyển sinh ngành nghề có sự chuyển dịch và thay đổi rất rõ rệt, tỷ lệ sinh viên khối ngành dệt may tăng lên nhanh chóng, từ 66,4% năm 2009, đến năm 2018 là 94,9%. Từ đó giúp Nhà trường tập trung vào đào tạo ngành cốt lõi của mình phục vụ cho chiến lược phát triển của ngành.

Đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp là mảng đào tạo rất được Nhà trường quan tâm, từ việc khảo sát nhu cầu, xây dựng chương trình học liệu và bố trí những giảng viên giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm triển khai thực tiễn giảng dạy.

 
Lớp tổ trưởng sản xuất theo nhu cầu doanh nghiệp
 
Các chương trình đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng như: Giám đốc nhà máy; merchandiser, QC, cán bộ kỹ thuật cho các doanh nghiệp dệt may, tổ trưởng chuyền sản xuất; chuyển giao Công nghệ sản xuất tinh gọn (Lean),…

 
Lớp Giám đốc nhà máy dệt may
 
Trong những năm vừa qua, hình thức đào tạo theo phương thức tư vấn, “chuyển giao đồng bộ dây chuyền sản xuất” và “chuyển giao đồng bộ nhà máy sản xuất” đã được nhà trường thực hiện thành công đối với nhiều doanh nghiệp. Sau một khoá đào tạo trong vòng 03 đến 06 tháng, trường sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp một đội ngũ nhân lực hoàn chỉnh của một nhà máy sản xuất hoặc một dây chuyền sản xuất bao gồm: cán bộ quản lý nhà máy, cán bộ kỹ thuật và quản lý chất lượng trong nhà máy, tổ trưởng, tổ phó, kỹ thuật chuyền, kiểm hoá và đội ngũ công nhân kỹ thuật ở các vị trí sản xuất trong dây chuyền theo đúng yêu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

 
Mô hình sản xuất LEAN trong chuyền may

Hoạt động nhân đạo, từ thiện của Nhà trường được chú trọng và quan tâm trong suốt những năm vừa qua, điều đó thể hiện trách nhiệm XH của Nhà trường với cộng đồng, với quốc gia. Cụ thể các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; nghĩa tình biên giới hải đảo; hiến máu nhân đạo; thực hiện Nghị quyết 30A của Chính phủ về việc giúp đỡ những vùng đặc biệt khó khăn tại Bắc Giang,…
 
Hoạt động “Hiến máu nhân đạo” hàng năm

 Trải qua 52 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đang trên con đường nỗ lực phấn đấu để trở thành trường đào tạo nguồn nhân lực hàng đầu cho ngành dệt may tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Hội nhập quốc tế của toàn ngành Dệt May trong tương lai, góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng là đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
 
Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng TCHC, thực hiện tháng 1/2019.

Liên kết website