Các giải pháp tổ chức đào tạo “Định hướng ứng dụng” tại Trường HTU

Ngày đăng: 09:35 - 19/08/2020 Lượt xem: 1.472

Thực tế sử dụng kỹ sư ngành Dệt May mới ra trường hiện nay cho thấy sự bất cập nhất định giữa khối kiến thức lý thuyết đã được học và khả năng chuyển hoá thành các hành động quản lý kinh tế, kỹ thuật trong doanh nghiệp. Kỹ sư thiếu tầm nhìn tổng quát về cả doanh nghiệp và vai trò vị trí làm việc của mình trong chuỗi giá trị chung. Tính định hướng thị trường, khách hàng và mục tiêu hiệu quả cuối cùng cũng chưa bắt nhịp được với yêu cầu tại doanh nghiệp.

Một trong các nguyên nhân căn bản của vấn đề này chính là sự cắt khúc khi đào tạo chuyên môn sâu, nhưng lại thiếu đi các môn học tích hợp trở lại để người học có nhận thức toàn diện về toàn bộ chuỗi giá trị trong doanh nghiệp Dệt May. Đồng thời các bài tập, bài tập lớn, đồ án môn học, nhất là trong các môn quản trị, cũng chưa được thiết kế sát hướng thực tế tại doanh nghiệp.

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội (HTU) là nhà trường đại học non trẻ, được thành lập với mục tiêu đào tạo kỹ sư định hướng ứng dụng cho ngành Dệt May Việt Nam. Điều kiện cơ sở vật chất, tài chính, nhất là đội ngũ nhà giáo và danh tiếng của nhà trường chưa thể so sánh được với các cơ sở đào tạo ngành Dệt May truyền thống như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TP. HCM, Đại học Công nghiệp Hà Nội. Chính vì vậy, xác định một hướng đi có bản sắc riêng, làm rõ và chứng minh được nội hàm “định hướng ứng dụng”, phân biệt rõ tính ứng dụng của hệ đào tạo cao đẳng, trung cấp với hệ đại học là con đường duy nhất để nhà trường có thể thành công trong điều kiện kinh tế, công nghệ, doanh nghiệp thay đổi rất nhanh và cả sự cạnh tranh trong tuyển sinh rất gay gắt.

Bên cạnh các điểm yếu so với các trường đại học lớn, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội lại có một điểm mạnh riêng, đó là nhà trường được sinh ra từ doanh nghiệp, có sự gắn bó với các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam và trong Hiệp hội Dệt May Việt Nam,  có đầu ra tương đối ổn định cho sinh viên ra trường. Điều đó là thuận lợi căn bản cho việc xây dựng một chương trình đào tạo định hướng ứng dụng cho nhà trường. Khai thác triệt để thế mạnh này sẽ giúp nhà trường hạn chế bớt được các điểm yếu so với các trường khác trong hệ thống giáo dục và hình thành lợi thế cạnh tranh riêng cho trường.

Từ lâu nay đã phổ biến một quan điểm, kỹ sư ra trường được gọi là có “tính ứng dụng” tốt khi có thể vận hành thiết bị của doanh nghiệp, sữa chữa và bảo trì thiết bị như người công nhân. Làm được ngay những công việc doanh nghiệp giao về kỹ thuật mà ít phải qua đào tạo bổ sung, thậm chí đào tạo lại. Có lẽ quan điểm đó đang làm thấp đi vai trò, khả năng đóng góp và sức phát triển trong dài hạn của cán bộ có trình độ đại học.

Từ kinh nghiệm và quá trình nghiên cứu của mình, người viết cho rằng, các đặc điểm của “định hướng ứng dụng” trong đào tạo kỹ sư dệt may cần có là:

  • Nắm vững lý thuyết cơ bản về công nghệ và thiết bị ngành Dệt May;
  • Hiểu biết chính xác tương tác qua lại giữa các bước của quy trình công nghệ ảnh hưởng đến chất lượng – năng suất – giá thành như thế nào;
  • Có khả năng dự báo, phán đoán các tình huống kỹ thuật trong sản xuất và đưa ra được giải pháp khắc phục phòng ngừa;
  • Có tư duy hệ thống, tư duy “tối ưu toàn cục” trong xử lý các vấn đề kỹ thuật, năng suất, chất lượng, hướng tới mục tiêu tối đa hoá hiệu quả doanh nghiệp;
  • Có năng lực nghiên cứu, nắm vững phương pháp triển khai, tìm giải pháp cải thiện các chỉ tiêu năng suất, chất lượng, giá thành;
  • Có kiến thức cơ bản về quản trị, nhất là quản trị nhân lực và quản trị giá thành công xưởng.

Để thực hiện được quá trình đào tạo “định hướng ứng dụng”, cần sự tham gia tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 khu vực: NHÀ TRƯỜNG – DOANH NGHIỆP – HỌC VIÊN.

Về vai trò của nhà trường:

Nhà trường đóng vai trò then chốt trong xây dựng “định hướng ứng dụng” của chương trình đào tạo thông qua:

  • Thiết kế chương trình, nội dung môn học, thời lượng các môn học, phương pháp giảng dạy, đội ngũ nhà giáo;
  • Giáo trình và học liệu mang định hướng ứng dụng;
  • Thiết kế chương trình thực tập tại trường và các học kỳ tại doanh nghiệp;
  • Huấn luyện kỹ năng và kiến thức bổ trợ cho người học để có thể áp dụng cho quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp;
  • Tiếp nhận phản hồi từ doanh nghiệp và học viên, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, đảm bảo tính cập nhật liên tục từ doanh nghiệp vào nhà trường.

Về vai trò của doanh nghiệp:

  • Vai trò quan trọng nhất là tham gia cung cấp cơ sở vật chất thực tế cho các “học kỳ doanh nghiệp” của sinh viên. Giúp cả giảng viên và học viên được học tập và thực hành trong các môi trường cụ thể của thị trường, có được kiến thức và cảm nhận về đời sống thực tại doanh nghiệp;
  • Chủ động tương tác tích cực về nội dung, kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho nhà trường.

Về vai trò của học viên:

  • Xác định được, học ngành kỹ thuật là cần lăn lộn trong thực tế. Tìm hiểu để tích luỹ kinh nghiệm và để chuyển hoá kiến thức thành các quyết định trong sản xuất;
  • Tích luỹ, tự rèn luyện các kỹ năng làm việc theo nhóm, điều hành nhóm, kỹ năng nhân sự, bên cạnh các kỹ năng đã trở thành phải có như ngoại ngữ, máy tính.

Nhà trường sẽ là người tiên phong hình thành mối quan hệ giữa 3 trụ cột chiến lược trong lâu dài bằng việc cần đi trước là tập trung xây dựng hệ thống giáo trình, học liệu với các đặc điểm sau:

Mục tiêu của hệ thống giáo trình:

Xây dựng hệ thống giáo trình đại học mang bản sắc riêng của trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, phù hợp quy mô sinh viên, nhu cầu doanh nghiệp ngành Dệt May và năng lực phát triển của nhà trường.

Giá trị cốt lõi của hệ thống giáo trình:

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội xác định giá trị cốt lõi của hệ thống giáo trình là ỨNG DỤNG – CẬP NHẬT – TINH GỌN – KHÁC BIỆT, trong đó:

  • ỨNG DỤNG – Thể hiện tính ứng dụng trong đào tạo của nhà trường, hướng tới nhu cầu thực tế tại các doanh nghiệp Dệt M Dễ dàng ứng dụng kiến thức học tại nhà trường trong công việc về sau.
  • CẬP NHẬT – Thể hiện nội dung liên tục cập nhật, tương thích với hệ thống quản lý và công nghệ tiên tiến của doanh nghiệp. Có tính định hướng, dự báo tương lai.
  • TINH GỌN – Giáo trình ngắn gọn, mang tính cẩm nang để người học và cả cán bộ tại doanh nghiệp có thể sử dụng trong quá trình làm việc, nhưng lại mang tính tích hợp, hướng tới mục tiêu hiệu quả doanh nghiệp.
  • KHÁC BIỆT – Thể hiện sự khác biệt về nội dung đào tạo, là công cụ xây dựng và nhận diện chuẩn đầu ra của kỹ sư trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Về định hướng triển khai

1.        Đối với hệ thống kiến thức lý thuyết chuẩn:

ü Kiến thức lý thuyết chuẩn là lý thuyết cần trang bị cho sinh viên trong tất cả các môn học cơ bản, cơ sở, chuyên ngành đã có đào tạo tại các trường đại học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân, cũng như trong chuẩn đào tạo quốc tế.
ü Sử dụng tối đa các giáo trình, sách đã xuất bản, bao gồm cả trong và ngoài nước, làm giáo trình cho nhà trường. Mỗi môn học có thể có nhiều giáo trình, trong đó có giáo trình chính và sách tham khảo.
ü Tập trung biên tập lại khối lượng kiến thức, thông qua hệ thống bài giảng phù hợp trình độ và định hướng đào tạo của nhà trường.
ü Hội đồng khoa học thẩm định và lựa chọn sách làm giáo trình chính và tài liệu tham khảo cho mỗi môn học. Đồng thời phê duyệt bài giảng là căn cứ đảm bảo khối lượng kiến thức cần truyền đạt phù hợp chuẩn đầu ra đã công bố.

2.        Đối với hệ thống kiến thức chuyên biệt của nhà trường:

Xây dựng các giáo trình tích hợp kỹ thuật – quản lý – tài chính. Hình thành kiến thức về xây dựng thẻ điểm cân bằng (balance score card), xây dựng KPI (key perfomance indicator), KRI (key result indicator) cho từng nhóm ngành Sợi, Dệt, Nhuộm, May, Thiết kế. Trang bị kiến thức tổng quát về hoạt động toàn doanh nghiệp, ảnh hưởng tương hỗ giữa các khâu đến hiệu quả chung. Trang bị tư duy “tối ưu toàn cục”, tức là tối ưu toàn doanh nghiệp là mục tiêu, chứ không phải là “tối ưu cục bộ” tại từng khu vực công tác.
Xây dựng hệ thống tình huống nghiên cứu (case study), bài tập, bài tập lớn, đồ án môn học bám sát tình huống thực tế tại doanh nghiệp. Là sản phẩm riêng biệt của nhà trường, giúp sinh viên được “thử thách” với các tình huống cụ thể, gần gũi tại DN.
ü Xây dựng hệ thống mô hình mô phỏng kinh doanh – BSM (business simulation model) trên máy tính để sinh viên làm quen và có cảm giác với các quyết định kỹ thuật ảnh hưởng đến kinh tế như thế nào.
ü Xây dựng hệ thống sổ tay công nghệ, thiết bị gắn với trang thiết bị tiên tiến đang sử dụng trong ngành.
ü Xây dựng chương trình “học kỳ tại doanh nghiệp” với nội dung thiết thực, đảm bảo thu hoạch kiến thức thực tế có tính ứng dụng cao khi ra trường.
Rõ ràng, việc xác định chiến lược đào tạo “định hướng ứng dụng” trong bối cảnh cách mạng công nghiệp diễn ra với tốc độ nhanh chóng, chưa rõ hình hài CMCN 4.0 đâu đó đã có các khái niệm và bước đi đầu tiên của CMCN 5.0 là hết sức thách thức. Điều này đòi hỏi vừa phải tìm tòi bước đi, đổi mới trong cách tiếp cận ở nhà trường, nhưng lại phải nhanh vì nếu chậm, các “định hướng ứng dụng” ta mới đặt ra để đào tạo lại đã bị thay thế bởi công nghệ mới. Phân tích, xác định rõ giá trị cốt lõi luôn cần, dù trong thế hệ công nghệ nào, và sẽ là nội dung “dĩ bất biến – ứng vạn biến” cho quá trình đào tạo của nhà trường.

Bài: Ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Vinatex kiêm Chủ tịch Hội đồng trường HTU
Nguồn: 
https://vinatex.com.vn/cac-giai-phap-to-chuc-dao-tao-dinh-huong-ung-dung-tai-truong-htu/

Liên kết website