Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Yêu cầu cấp bách
Tác động của CMCN 4.0 với trọng tâm là ứng dụng các công nghệ số, kỹ thuật số, trong tương lai rất nhiều khâu trong chuỗi giá trị ngành dệt may sẽ được sử dụng những máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, sử dụng rô-bốt… thay cho sức lao động của con người. Như vậy để có thể vận hành được các thiết bị, máy móc hiện đại cũng như tổ chức quản lý sản xuất theo 4.0 đòi hỏi trình độ lao động phải được nâng lên.
Theo TS. Tạ Văn Cánh, Phó Trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết - hiện nay 80% lực lượng lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông, chỉ có khoảng 4% lao động có trình độ đại học. Dự báo đến năm 2025, ngành dệt may Việt Nam dự báo sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học, cao đẳng. Con số này sẽ tăng lên trên 210.000 vào năm 2030. Đặc biệt, nếu tính chất lượng nhân lực để có thể đáp ứng các vị trí, quy trình sản xuất ngành dệt may theo yêu cầu của CMCN 4.0 thì ngành dệt may đang thiếu số lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng. Những hạn chế về số lượng và chất lượng lao động đang là thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may khi ứng dụng CMCN 4.0 vào sản xuất kinh doanh.
|
Trường Đại học CN Dệt may Hà Nội họp báo chia sẻ thông tin với các cơ quan báo chí |
Theo ước tính, tốc độ tăng trưởng lao động hằng năm của ngành dệt may đạt từ 60.000 - 90.000 lao động mới/năm, cao hơn mức trung bình của tất cả các ngành khác. Theo dự báo nhu cầu lao động ngành dệt may trong các năm tới vẫn gia tăng. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2025 tăng 8%; giai đoạn từ 2026 - 2030 tăng 6% cho đến khi áp dụng hoàn toàn Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành.
Đào tạo theo chuỗi khép kín
Là đơn vị đào tạo duy nhất hiện nay ở Việt Nam có khả năng đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dệt may theo chuỗi khép kín, TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ- Chúng tôi có thể đào tạo cho người lao động từ trình độ giản đơn đến trình độ quản lý cấp cao, từ thiết kế đến sản xuất, dịch vụ, marketing… Đối tượng đào tạo đa dạng, thời gian linh hoạt, số lượng và chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, thì để đáp ứng được CMCN 4.0 trong tương lai gần nguồn nhân lực dệt may cần có kỹ năng thiết kế sản phẩm sử dụng công nghệ 3D, có khả năng vận hành dây chuyền tự động hóa cao bằng rô-bốt công nghiệp, có khả năng sử dụng máy in 3D, máy dệt 3D để sản xuất sản phẩm… cũng như cần có năng lực nghiên cứu và phát triển các loại vật liệu mới sử dụng trong ngành dệt may để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng.
Khi nói về thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi ứng dụng CMCN 4.0 vào, TS Hoàng Xuân Hiệp cho rằng rào cản lớn nhất đó là chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao vì thị trường hiện nay yêu cầu tính thời trang với những mẫu mã sản xuất số lượng nhỏ, trong khi khả năng trình độ lao động tiếp cận được CMCN 4.0 là rất hạn chế.
Mặc dù vậy, TS. Hiệp cho rằng doanh nghiệp dệt may Việt Nam không thể không chuẩn bị cho mình, mà trước hết là công tác đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng ta có tiền thì có thể nhập dây chuyền thiết bị về bất cứ lúc nào, nhưng để đào tạo nhân lực thì phải có thời gian và có quá trình”, TS Hiệp khẳng định.
Trước xu thế đó, Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã tự tin, đi tắt đón đầu với cơ sở trang thiết bị đào tạo đồng bộ hiện đại, có khả năng đào tạo đại học, cao đẳng phục vụ chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh với quy mô 5.000 sinh viên ở 7 ngành nghề cùng với đó là đội ngũ giảng viên cơ hữu gồm 283 ngườivới trên 80% có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Đặc biệt, hằng năm trường lựa chọn từ 10 - 20% giảng viên đi thực tế tại các doanh nghiệp có công nghệ và thiết bị tiên tiến nhất của ngành dệt may với thời gian từ 6 - 12 tháng.
Bên cạnh đó, chương trình được thiết kế với đủ khối kiến thức cơ bản, nền tảng, khối kiến thức cơ cở ngành và chuyên ngành cũng như chú trọng rèn kỹ năng tư duy, kỹ năng kỹ thuật và giải quyết vấn đề cho sinh viên.
Để tổ chức đào tạo gắn liền với thực tiễn, nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với gần 50 doanh nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp này đã bố trí cho sinh viên thực tập theo đúng mục tiêu đào tạo, cử chuyên gia tham gia giảng dạy, phát triển chương trình, giáo trình, tài trợ học bổng và bố trí việc làm đúng với năng lực của sinh viên sau khi ra trường.