ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Cung cấp nhân lực trọn gói cho doanh nghiệp

Ngày đăng: 11:19 - 17/10/2020 Lượt xem: 1.102

Đến dự chương trình về phía Trung ương có các đồng chí: Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Tất Thắng, Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương...

Về phía tập tập đoàn Dệt may Việt Nam có ông Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng trường Công nghiệp Dệt May Hà Nội và ông Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường...

Đồng chí Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho nhà trường
Đồng chí Phùng Quốc Hiển tặng quà cho nhà trường

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiền thân là trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ may mặc thuộc Bộ Nội Thương, được thành lập năm 1967. Sau nhiều lần nâng cấp và đổi tên, đến năm 2015, trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép nâng cấp từ trường cao đẳng thành trường đại học, hoạt động theo mô hình trường đại học công lập, tự chủ, định hướng ứng dụng.

Trường hoạt động theo tôn chỉ: Ứng dụng - cập nhật - tinh gọn. Bắt đầu tuyển sinh đào tạo đại học vào năm 2016, tháng 8/2020, sinh viên đại học khóa 1 của trường đã hoàn thành chương trình đào tạo và đạt được nhiều kết quả khả quan sau hai tháng tốt nghiệp: Tổng số sinh viên tuyển sinh đại học khóa 1 là gần 500 chỉ tiêu. Đến năm 2020, có 84,3% sinh viên đại học tốt nghiệp đúng hạn, trong số đó có 47,5% sinh viên đạt loại khá, giỏi.

Tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học khóa 1 là 408 em, trong đó, ngành Công nghệ may có 291; Ngành Quản lý công nghiệp chuyên ngành Merchandiser: 75 và ngành Công nghệ Sợi, Dệt là 42.

đồng chí: Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao bằng tốt nghiệp cho 3 thủ khoa khóa I
Đồng chí Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao bằng tốt nghiệp cho 3 thủ khoa khóa 1

Theo kết quả khảo sát sinh viên đại học khóa 1 của nhà trường, có 199 doanh nghiệp sử dụng nhân lực đại học khóa 1 trong đó có 41 doanh nghiệp tuyển được 2 sinh viên trở lên, doanh nghiệp tuyển được nhiều nhất là 19 sinh viên (Công ty CP Quốc tế Phong Phú), Công ty Smart shirt Hưng Yên (10 sinh viên), Texhong Ngân Long (8 sinh viên), Tổngcông ty May 10 (7)...

Về tỷ lệ có việc làm: 85,4% sinh viên đại học khóa 1 đã có việc làm và ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là ngành Công nghệ may đạt 88,1%. Đây là tỷ lệ có việc làm rất cao trong bối cảnh chịu sự tác động của đại dịch Covid-19.

ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Cung cấp nhân lực trọn gói cho doanh nghiệp

Về vị trí làm việc: Trong tổng số sinh viên đại học khóa 1 đã đi làm thì 3% làm việc tại các vị trí quản lý; 77,3% làm việc tại các vị trí cán bộ kỹ thuật; 19,7% làm việc tại các vị trí khác. Như vậy hơn 80% sinh viên đại học khóa 1 đang làm việc tại ví trí quản lý, kỹ thuật chủ chốt trong các doanh nghiệp dệt may. Tỷ lệ tự tạo việc làm (khởi nghiệp) là 7,9%, cao hơn cao đẳng trước đây (tỷ lệ khởi nghiệp chỉ là 5%)...

Ông Lê Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết:

Định hướng phát triển lớn của nhà trường giai đoạn 2020-2025 như sau:

Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cần xác định đúng năng lực cạnh tranh của Trường so với các trường đại học khác, đó là một trường đại học đào tạo theo định hướng ứng dụng với giá trị cốt lõi là ỨNG DỤNG – CẬP NHẬT – TINH GỌN – KHÁC BIỆT.

Để thực hiện định hướng lớn nêu trên, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây: Đổi mới chương trình đào tạo trình độ đại học cho ngành dệt may theo định hướng gắn chặt với yêu cầu công việc mới của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật trong thời kỳ CMCN 4.0..; Đổi mới giáo trình đào tạo đại học theo định hướng tích hợp nhiều tình huống thực tế vào giáo trình…; Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng sử dụng nhiều đồ án, bài tập lớn có tính liên ngành, ứng dụng công nghệ số của thời kỳ CMCN 4.0; Giảng viên phải là người đã từng có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh hoặc đã từng kết hợp với doanh nghiệp…; Trường tiếp tục nghiên cứu để nâng cao chất lượng mô hình doanh nghiệp loại vừa thuộc trường…

 




























Mô hình đào tạo đặc sắc

Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và của nhà trường quyết tâm xây dựng một trường đại học chuyên ngành dệt may định hướng ứng dụng, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với doanh nghiệp, đưa nhanh các thành tựu công nghệ của thế giới vào đào tạo.

đồng chí: Phùng Quốc Hiển, UVBCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại chương trình
Đồng chí Phùng Quốc Hiển phát biểu chỉ đạo tại chương trình

Phó Chủ tịch Quốc hội cùng bày tỏ vui mừng khi thấy có tới 362 doanh nghiệp dệt, may, sợi trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn về đây đón nhận hơn 400 cử nhân mới của Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

“Sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp với các sản phẩm đào tạo của nhà trường là minh chứng rõ ràng nhất cho chủ trương đào tạo theo nhu cầu của thị trường mà Đảng và Nhà nước đặt ra và khuyến khích các đơn vị đào tạo tổ chức thực hiện” Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng chí Phùng Quốc Hiển cũng cũng ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực trong việc tự chủ đại học của nhà trường. Từ một trường cao đẳng thuộc tập đoàn kinh tế 100% vốn Nhà nước, đến nay là một trường đại học tạm giao cho Tập đoàn Dệt may đã cổ phần hóa quản lý. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế quản trị nhưng 5 năm qua nhà trường đã thực sự tự chủ đầy đủ cả về tài chính, học thuật và nhân lực.

Các đại biểu thăm Trung tâm sản xuất dịch vụ của trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Các đại biểu thăm trung tâm sản xuất dịch vụ của trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Đồng chí Phùng Quốc Hiển cho biết: “Tôi vừa được tham quan và rất ấn tượng về xưởng thực nghiệm của trường với 500 chỗ làm việc ở 4 dây chuyền sản xuất veston, sơ mi, jacket, hiện đang tổ chức sản xuất kinh doanh trên thị trường, hàng năm gia công đạt doanh thu khoảng 3 triệu USD, tương ứng khoảng 12 triệu USD kim ngạch. Như vậy, sinh viên được thực tập, được làm việc trên hệ thống dây chuyền sản xuất để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kết hợp học với hành, để có thể bắt tay ngay vào công việc khi ra trường. Đây là một mô hình rất đặc sắc mà không phải cơ sở đào tại bậc đại học nào có được. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt hoan nghênh việc xây dựng hệ thống đào tạo là sinh viên được tham gia sản xuất và có thu nhập đủ trang trải sinh hoạt. Nhờ có các kỳ làm việc tại doanh nghiệp (4 tháng/năm) nên hầu hết sinh viên có đủ nguồn đóng học phí, nhất là các em đi từ nông thôn, có ít nhiều khó khăn về kinh tế”.

ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Cung cấp nhân lực trọn gói cho doanh nghiệp

Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Hội đồng trường và Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung xây dựng cho được cơ chế phù hợp để thực hiện được quá trình đào tạo định hướng ứng dụng; Cần huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ của cả 3 bên là nhà trường, doanh nghiệp và học viên…

Cung ứng nhân lực từ A đến Z

Đồng chí Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là trường đại học duy nhất tại Việt Nam triển khai đào tạo nhân lực cho chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh bao gồm nhân lực thiết kế thời trang, quản trị chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất khẩu và marketing. Vì vậy, trường có khả năng triển khai đào tạo nhân lực trọn gói cho một doanh nghiệp dệt may mới theo hình thức bàn giao toàn bộ bộ máy vận hành từ Ban giám đốc đến trưởng các đơn vị chức năng, giám đốc nhà máy và nhân lực kỹ thuật chủ chốt để vận hành các dây chuyền sản xuất.

ông Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường
Ông Hoàng Xuân Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường

Trong thực tế, bên cạnh việc tuyển 1.500 - 1.600 sinh viên chính quy/năm, trường còn tổ chức đào tạo 40-50 lớp bồi dưỡng với tổng số 2.000 học viên theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may cho nhân lực quản lý, kỹ thuật. Riêng trong thời điểm này, trường đang đào tạo 13 lớp cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và 29 lớp cho dự án đặt hàng đào tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhân lực chủ chốt như giám đốc nhà máy, thiết kế thời trang 3D, chuyền trưởng sản xuất...

Năm 2020, nhà trường sẽ hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về ứng dụng lean 4.0 vào sản xuất, đã chuyển giao cả hệ thống quản lý và phần mềm cho 3 doanh nghiệp lớn áp dụng và căn cứ kếtquả của đề tài này, nhà trường sẽ tự phát triển mô hình dây chuyền may thông minh cho sinh viên học tập ngay trong năm 2021...

Các cử nhân nhận Khóa I
Các cử nhân nhận Khóa I

Với kết quả tốt nghiệp của sinh viên đại học khóa 1 và quy mô đào tạo theo đơn đặt hàng cho các doanh nghiệp dệt may như trên, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thực hiện tốt định hướng ứng dụng đặt ra trong chiến lược phát triển nhà trường, xứng đáng là trường đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho ngành dệt may và nền kinh tế Việt Nam.

Nguyễn Thị Vân Khánh, Thủ khoa tốt nghiệp đại học khóa 1, ngành Công nghiệp dệt may chia sẻ:

Kết quả học tập của mình sau 4 năm đạt 8,11, xếp loại giỏi. Trong thời gian học tập, tôi và các bạn được nhà trường tạo nhiều điều kiện, cơ hội để đi thực tế tại các công ty may mặc. Khi đang còn đi học, tôi đã làm thêm ở các công ty may mặc đúng với chuyên ngành đang theo ở trường vừa kiếm tiền trang trải cuộc sống, vừa sớm hòa nhập được với môi trường công nghiệp.

Hiện tại, tôi đang làm việc về xuất nhập khẩu tại Công ty Smart Shirt tại Hưng Yên. Trước mắt, tôi làm cho các doanh nghiệp để lấy kinh nghiệm, sau đó, nếu có khả năng thì sẽ mở công ty để khởi nghiệp với chính ngành học này.

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hon-400-sinh-vien-dau-tien-cua-truong-dh-cong-nghiep-det-may-ha-noi-duoc-nhan-bang-dh-kEDADj5Gg.html

Liên kết website