PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN DỰ LỄ TRAO BẰNG TỐT NGHIỆP KHOÁ I TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 02:12 - 22/10/2020 Lượt xem: 892

Sáng ngày 17/10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng đã tham dự Lễ Trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên khoá I của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.

 

 

 

 

Nghi thức chào cờ tại buổi Lễ Trao bằng tốt nghiệp khoá I của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội là trường Đại học duy nhất tại Việt Nam triển khai đào tạo nhân lực cho chuỗi cung ứng dệt may hoàn chỉnh bao gồm nhân lực thiết kế thời trang, quản trị chuỗi cung ứng, sản xuất, xuất khẩu và maketing. Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội có quy mô đào tạo từ 5000-7000 sinh viên đại học chính quy. 

Trường hiện có 200 phòng học lý thuyết, thực hành thí nghiệm, 4000 thiết bị hiện đại và trung tâm sản xuất dịch vụ chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật... Với tôn chỉ ứng dụng- cập nhật - tinh gọn - khác biệt, trường đã nâng cao chất lượng mô hình doanh nghiệp thuộc trường để làm môi trường thực tập theo chuẩn quốc tế cho sinh viên.

Phát biểu tại Lễ Trao bằng Cử nhân khoá 1 cho hơn 400 sinh viên của trường, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chúc mừng tập thể cán bộ giảng viên nhà trường đã hoàn thành quá trình đào tạo lớp đầu tiên hệ đại học sau lịch sử hơn 50 năm đào tạo trung cấp và cao đẳng. Đây là mốc son đặc biệt, đưa nhà trường chính thức bước vào giai đoạn mới - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao định hướng ứng dụng cho ngành dệt may, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão và công nghiệp Việt Nam đang trong quá trình đổi mới với những bước tiến vượt bậc, trong đó dệt may là ngành công nghiệp chiếm vị trí quan trọng của đất nước với trên 7.000 doanh nghiệp phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước và trên 2.7 triệu lao động, chiếm 16.5% tổng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng.

 

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi Lễ Trao bằng tốt nghiệp

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Việt Nam luôn nằm trong nhóm 3 nước có quy mô xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam đều lớn hơn nhiều lần mức tăng của tổng cầu thế giới; thị phần tại tất cả các thị trường lớn đều được cải thiện, chứng tỏ năng lực cạnh tranh của ngành đã được xác lập và có cơ hội để tiếp tục nâng cao. Từ năm 1995 đến nay kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước tăng hơn 45 lần  lên 39.3 tỷ USD năm 2019, hoàn thành sớm hơn 4 năm các mục tiêu chiến lược của ngành xác lập đến năm 2020. Sản phẩm dệt, may Việt Nam có thị phần đứng thứ 2 ở cả ở Mỹ (17%) và Nhật bản (8%). Thặng dư thương mại của ngành đạt trên 18 tỷ USD năm 2019. Số lượng lao động nội ngành tăng gấp 25 lần, hàng năm tạo ra 1/4 số việc làm công nghiệp mới trên cả nước. Thu nhập bình quân đầu người toàn ngành đã đạt 3300 USD/năm, riêng Vinatex trên 4000 USD/năm. Thành quả của 25 năm qua là sự đóng góp của người lao động toàn ngành, nhưng quan trọng nhất là từ đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật có trình độ cao giữ vai trò dẫn dắt và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý, kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra với tốc độ cao trên toàn cầu, một trong những ngành được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực tại Việt Nam là ngành dệt may. Dưới áp lực của kỹ thuật số, tự động hoá, trí tuệ nhân tạo, lợi thế của Việt Nam về nhân công giá thấp không còn là thế mạnh. Sự đảo chiều của đầu tư, của thị trường do những bất lợi về logistic, về nguồn lao động chất lượng thấp đang diễn ra. Cùng với đó, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều trật tự kinh doanh mới sẽ được thiết lập trong đó có ngành dệt may. Các lợi thế cạnh tranh ngành đã xây dựng được trong 25 năm qua có nguy cơ bị thay thế, không còn là chìa khoá vạn năng cho thành công.

 

 

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trao Bằng tốt nghiệp cho các cử nhân tại buổi Lễ

Ngoài ra, một minh chứng cho thấy trên 70% lao động ngành dệt may không có chứng chỉ đào tạo nghề chủ yếu đào tạo theo dạng kèm cặp tại doanh nghiệp, cán bộ có trình độ đại học mới chiếm khoảng 5% nhưng đúng chuyên ngành kỹ thuật dệt may chỉ dưới 2% lại được đào tạo qua nhiều giai đoạn với các loại hình đào tạo khác nhau. Ngoài trường Đại học Công nghiệp Dệt may, các trường đại học khác có đào tạo ngành dệt may hàng năm chỉ cung cấp ra thị trường lao động khoảng 2.000 cử nhân nhưng trên 80% lại tập trung vào ngành May. Tính trung bình, 3 doanh nghiệp mới có được 1 cử nhân mới vào làm việc mỗi năm. Đây là câu hỏi lớn cho ngành nếu muốn nâng cao trình độ lao động, muốn phát triển chuỗi cung ứng đầy đủ, phát triển ngành sản xuất nguyên liệu, ngành thiết kế, ứng dụng công nghệ mới, thì lực lượng lao động đủ trình độ lấy từ đâu?

Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và của nhà trường quyết tâm xây dựng một trường đại học chuyên ngành dệt may định hướng ứng dụng, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với doanh nghiệp, đưa nhanh các thành tựu công nghệ của thế giới vào đào tạo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển vui mừng khi thấy có tới 362 doanh nghiệp dệt, may, sợi trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như các Tổng Công ty May 10, May Bắc Giang, May Hưng Yên, Việt Tiến… từ trên 20 tỉnh thành khắp 3 miền của tổ quốc về đây đón nhận hơn 400 cử nhân mới của Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Sự đón nhận nồng nhiệt của cộng đồng doanh nghiệp với các sản phẩm đào tạo của nhà trường, thể hiện qua tỷ lệ trên 95% sinh viên ra trường hệ cao đẳng trước đây có việc làm đúng ngành nghề sau 3 tháng tốt nghiệp, và gần như toàn bộ tân cử nhân hôm nay tốt nghiệp đã có các lựa chọn việc làm. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho chủ trương đào tạo theo nhu cầu của thị trường mà Đảng và Nhà nước đặt ra và khuyến khích các đơn vị đào tạo tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và ủng hộ những nỗ lực trong việc tự chủ đại học của nhà trường. Đây là một chủ trương quan trọng đã được nhấn mạnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018. Từ một trường cao đẳng thuộc tập đoàn kinh tế 100% vốn nhà nước, đến nay là một trường đại học tạm giao cho Tập đoàn Dệt may đã cổ phần hoá quản lý, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là về cơ chế quản trị nhưng 5 năm qua nhà trường đã thực sự tự chủ đầy đủ cả về tài chính, học thuật và nhân lực.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng rất ấn tượng về xưởng thực nghiệm của trường với 500 chỗ làm việc ở 4 dây chuyền sản xuất veston, sơ mi, jacket, hiện đang tổ chức sản xuất kinh doanh trên thị trường, hàng năm gia công đạt doanh thu khoảng 3 triệu USD, tương ứng khoảng 12 triệu USD kim ngạch. Như vậy, sinh viên được thực tập, được làm việc trên hệ thống dây chuyền sản xuất để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kết hợp học với hành, để có thể bắt tay ngay vào công việc khi ra trường. Đây là một mô hình rất đặc sắc mà không phải cơ sở đào tại bậc đại học nào có được. Bên cạnh đó, tôi đặc biệt hoan nghênh việc xây dựng hệ thống đào tạo là sinh viên được tham gia sản xuất và có thu nhập đủ trang trải sinh hoạt. Nhờ có các kỳ làm việc tại doanh nghiệp (4 tháng/năm) nên hầu hết sinh viên có đủ nguồn đóng học phí, nhất là các em đi từ nông thôn, có ít nhiều khó khăn về kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, dù đã có những thành công nhất định, nhưng rõ ràng đây mới là những bước đi đầu tiên của nhà trường, khó khăn còn bộn bề trong đó nổi bật là cơ sở vật chất phục vụ đào tạo theo hướng ứng dụng còn rất hạn chế. Lực lượng cán bộ cơ hữu thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Nguồn lực cho nhà trường còn eo hẹp, chưa có cơ chế rõ ràng cho việc huy động nguồn lực doanh nghiệp tham gia vào đào tạo. Chính vì vậy, tôi đề nghị Đảng uỷ, Hội đồng trường và Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung xây dựng cho được cơ chế phù hợp để thực hiện được quá trình đào tạo định hướng ứng dụng. Cần huy động nguồn lực, phối hợp chặt chẽ của cả 3 bên là nhà trường, doanh nghiệp và học viên. Trong đó, nhà trường đóng vai trò then chốt trong xây dựng chương trình đào tạo hợp lý, phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, nhất là tham gia cung cấp cơ sở vật chất, chủ động tương tác tích cực về nội dung, kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần cho nhà trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý các học viên cần xác định, học ngành kỹ thuật là chấp nhận lăn lộn với thực tế, là tích luỹ, tự rèn luyện các kỹ năng làm việc theo nhóm, điều hành nhóm, kỹ năng nhân sự bên cạnh các kỹ năng bắt buộc phải có như ngoại ngữ, máy tính. Đồng thời đề nghị Nhà trường tiếp tục tập trung thu hút và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vừa có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa có kinh nghiệm thực tế để làm tốt nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường; làm tốt công tác nghiên cứu khoa học, nhận chuyển giao, sáng tạo công nghệ tiên tiến, hiện đại; kết hợp giữa vật liệu hiện đại với truyền thống; sớm làm chủ khâu thiết kế, mẫu mã hàng hóa… dần tham gia sâu và đầy đủ hơn vào chuỗi giá trị của ngành dệt may toàn cầu.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tin tưởng Nhà trường sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển riêng có của mình, thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu của trường trở thành trung tâm đào tào, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành dệt may.”./.



Nguồn: http://quochoi.vn/cacvilanhdao/Pages/hoat-dong.aspx?ItemID=49210

Liên kết website