Trang chủ

BÀN LUẬN VỀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP

Ngày đăng: 08:17 - 18/01/2024 Lượt xem: 210

Tóm tắt: Văn hóa doanh nghiệp là nguồn lực vô hình tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho mỗi doanh nghiệp, đồng thời nó tác động tới tâm lý, nhận thức của người lao động. Những doanh nghiệp xây dựng được nền văn hóa tích cực, hài hòa giữa môi trường bên trong và bên ngoài xã hội sẽ là nguồn lực quan trọng nhằm định hướng hành vi, tạo sự đồng thuận cho người lao động làm việc. Từ đó giúp doanh nghiệp hoàn thành sứ mệnh, mục tiêu kinh doanh và người lao động cũng cảm thấy hạnh phúc khi được cống hiến, có cơ hội để phát huy năng lực của mình.

Từ khóa: Văn hóa doanh nghiệp, người lao động

1. Đặt vấn đề

Văn hóa là một hình thái ý thức xã hội thuộc kiến trúc thượng tầng, do cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quyết định, song văn hóa cũng có tác động to lớn đến sự vận động của kinh tế - xã hội theo hai hướng, hoặc nó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, hoặc nó có thể kìm hãm, dẫn đến suy thoái và kéo lùi sự tiến bộ.

Vai trò của văn hóa thể hiện trong những hệ thống giá trị gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, sản phẩm của sự sáng tạo hóa của con người, đề cao cái đẹp, đề cao đạo đức, chân thực, được cộng đồng chấp nhận và chia sẻ. Nó như lực hướng tâm, tác động, điều tiết, điều chỉnh ý thức, hành vi, hành động của con người. Nó cũng góp phần điều chỉnh và hoàn thiện bản thân các cá nhân.

 Văn hóa doanh nghiệp góp phần tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng, bền vững của mỗi doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nói riêng và sự phát triển bền vững đất nước nói chung.

 Mặc dù vậy việc nhận thức về vai trò của văn hóa doanh nghiệp chưa thực sự sâu sắc, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Theo nghĩa rộng, văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ những giá trị vật chất và những giá trị tinh thần được tạo ra, tích lũy và vận dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hoạt động kinh doanh nói riêng và sự phát triển bền vững của xã hội nói chung. Theo nghĩa hẹp, văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do chủ thể kinh doanh tạo ra và ứng xử trong quá trình kinh doanh, nhằm mang lại lợi ích tối ưu trong kinh doanh và giá trị cho xã hội. Nó là biểu hiện trình độ kinh doanh của chủ thể kinh doanh.

2. Cơ sở lý thuyết về văn hóa doanh nghiệp

2.1. Cơ sở lý thuyết về văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này được kiểm chứng qua sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Nhật trên đất Mỹ những năm 1970. Văn hóa doanh nghiệp theo Smircich (1983) là chuẩn mực xã hội, gắn kết các thành viên trong doanh nghiệp với nhau. Còn Schein (2004) cho rằng, văn hóa doanh nghiệp là tổng hợp các quan niệm chung mà các thành viên trong doanh nghiệp học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lý các vấn đề với môi trường xung quanh. Hay theo Chatman (1989) thì giá trị, niềm tin tạo thành các yếu tố chính của văn hóa doanh nghiệp.

Mọi người thường hiểu văn hóa doanh nghiệp như một hệ thống giá trị tinh thần của doanh nghiệp, được hình thành trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, và quay trở lại quyết định, chi phối hành vi của các cá nhân trong doanh nghiệp trước sự biến động của môi trường, và nó cũng được thể hiện qua hình thái vật chất của các doanh nghiệp. Có thể coi văn hóa doanh nghiệp như một triết lý kinh doanh của những người sáng lập nên nó. Sau một thời gian, khi tồn tại và gắn bó với quá trình hoạt động của doanh nghiệp, cái được gọi là văn hóa doanh nghiệp ngày càng được mở rộng, phát triển và hoàn thiện với những cách thức khác nhau.

Nghiên cứu này coi văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Nó là sự thể hiện các giá trị trong tổ chức, phong cách lãnh đạo nổi trội, ngôn ngữ, các biểu tượng, nguyên tắc, thủ tục… tạo nên một nét đặc trưng riêng của doanh nghiệp, tạo sự khác biệt và không lẫn lộn giữa các doanh nghiệp.

Cấu trúc tạo nên văn hóa doanh nghiệp thường đề cập tới 3 nhóm: Con người, Giá trị văn hóa phi vật thể, và giá trị văn hóa vật thể.

 Văn hóa con người còn thể hiện qua chính con người, qua việc vinh danh danh nhân văn hóa. Đó là những người có cống hiến lớn lao cho nền văn hóa dân tộc, được đánh giá cao và được ghi nhận. Văn hóa con người còn thể hiện thông qua các giá trị và phạm trù khác nhau như về đạo đức: thông qua đánh giá ứng xử đối với một người cụ thể, phạm trù về pháp luật: các quyền con người, quyền công dân được chế định trong Hiến pháp…Nó còn thể hiện qua việc đề cập tới trình độ, năng lực của một con người cụ thể. Trình độ văn hóa phải được kê khai trong sơ yếu lí lịch, thể hiện qua chuyên môn, trình độ ngoại ngữ…Con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa. Con người chính là kết tinh cao đẹp những giá trị văn hóa tinh túy và tốt đẹp nhất thông qua quá trình sáng tạo, trải nghiệm, học hỏi, được giáo dục…

Con người trong nghiên cứu này tập trung vào đối tượng công nhân trong các nhà máy. Nó thể hiện bằng sự gắn bó và trung thành của họ với doanh nghiệp, sự hòa nhập và thích nghi với những qui định chung của doanh nghiệp, thể hiện qua chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, tinh thần làm việc nhóm, có ý thức pháp luật, năng động, bản lĩnh, có trách nhiệm công dân và xã hội. Công nhân thường có cách ứng xử khác nhau với những chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp. Một là họ thường đánh giá cao những chuẩn mực đó và hòa nhập vào doanh nghiệp rất dễ dàng. Hai là họ không thể nào chịu nổi và bỏ ra đi. Ba là họ không thích những chuẩn mực đó nhưng vì đồng lương, vì không muốn mất việc nên phải chấp nhận và cam chịu.

Giá trị văn hóa phi vật thể bao gồm các yếu tố vô hình, không dễ dàng và nhanh chóng thấy được thông qua quan sát, cần có thời gian để tìm hiểu thông qua niềm tin, quan niệm và hành động của các thành viên trong doanh nghiệp. Những giá trị này được thể hiện qua tầm nhìn và chiến lược của doanh nghiệp. Điều này thường thể hiện qua hình thức văn bản, các thỏa thuận và cam kết ngầm trong nội bộ doanh nghiệp. Cắc qui trình sản xuất trong doanh nghiệp được thể hiện bởi bản qui trình trong sản xuất (bao gồm cả bí mật kinh doanh). Nó là tài liệu hướng dẫn bộ phận sản xuất thực hiện nhiệm vụ của mình. Cùng với đó là các qui định về ứng xử trong doanh nghiệp. Nó là tập hợp các qui tắc, nguyên tắc, giá trị, kỳ vọng của nhân viên, hành vi và các mối quan hệ mà một doanh nghiệp coi là quan trọng và nền tảng cho hoạt động thành công của mình. Và tất cả doanh nghiệp đều tuân thủ nguyên tắc nêu trong văn bản loại này. Nó thường biểu hiện qua cách ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp, cách ứng xử với đối tác, cách ứng xử với khách hàng, cách ứng xử với cơ quan truyền thông… Qui tắc ứng xử thường được thiết lập thông qua cách ứng xử với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp và với chính công việc. Đó là qui tắc giao tiếp, chào hỏi, văn hóa hội họp, phân chia lợi nhuận, phúc lợi xã hội, khen thưởng và thăng tiến… Và nó thường được qui định qua văn bản qui định trong doanh nghiệp về chế độ chi tiêu nội bộ, bản thỏa ước lao động tập thể và một số văn bản qui định khác. Qui tắc ứng xử là trái tim và linh hồn của doanh nghiệp, không bao giờ coi là gánh nặng mà phải luôn coi là nền tảng cho doanh nghiệp. Nếu bộ qui tắc ứng xử được thực hiện tốt thì luôn là nền tảng để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.

Giá trị văn hóa vật thể được thể hiện qua các yếu tố như cấu trúc, kiến trúc doanh nghiệp, các yếu tố liên quan đến hệ thống sản xuất của doanh nghiệp, các yếu tố liên quan đến hoạt động chung của doanh nghiệp. Ngoài ra nó còn bao gồm những biểu trưng, biểu tượng, khẩu hiệu, giai thoại, ấn phẩm được thể hiện qua logo của doanh nghiệp, khẩu hiệu doanh nghiệp (câu chữ đặc biệt thể hiện quan điểm, chủ định của doanh nghiệp). Các ấn phẩm khác nhau cũng là những tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, phương châm hành động, niềm tin và giá trị chủ đạo, triết lý quản lý, thái độ đối với người lao động, công ty, người tiêu dùng và xã hội. Các giai thoại thường là những chuyện kể dựa trên sự kiện có thật nhưng luôn mang tính điển hình lý tưởng và chuẩn mực để mọi người noi theo. Những giá trị văn hóa vật thể này thường dễ thay đổi, ít thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp.

2.2. Vai trò của văn hóa doanh nghiệp

Là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp cùng với các yếu tố như chất lượng sản phẩm, sự linh hoạt trước phản ứng của thị trường, mức chi phí, thời gian giao hàng…

Là công cụ triển khai chiến lược cho doanh nghiệp thông qua bản kế hoạch phát triển chiến lược chỉ rõ định hướng kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ theo đuổi được cụ thể hóa bằng thị trường mục tiêu và định hướng sản xuất chính.

Tạo bản sắc, nhận dạng riêng của doanh nghiệp, góp phần gắn bó nhân viên và thu hút nhân tài. Môi trường văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng tới tinh thần, thái độ, hành vi ứng xử cũng như động lực làm việc cho các thành viên. trên cơ sở tôn trọng và duy trì tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó và thân thiện tiến thủ sẽ hình thành tâm lý chung và lòng tin vào thành công của doanh nghiệp.

Giúp xây dựng nề nếp văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong tổ chức, đảm bảo sự phát triển cá nhân trong doanh nghiệp, thu hút người tài, tăng cường sự gắn bó người lao động và tạo khả năng phát triển bền vững.

 Là tài sản tình thần, tài sản vô hình của doanh nghiệp, giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác, giúp phát huy mọi nguồn lực cho doanh nghiệp.

Tạo nên sự ổn định và bền vững cho doanh nghiệp. Nó giúp nhân viên thấy rõ mục tiêu, định hướng và bản chất công việc của mình làm. Nó tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên và môi trường làm việc hiệu quả, thoải mái và lành mạnh.

Là hệ giá trị và chuẩn mực nên văn hóa doanh nghiệp điều phối, kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các câu chuyện điển hình, các qui định, qui chế, thủ tục, qui trình, qui tắc…

 Văn hóa tạo nên cam kết chung cho doanh nghiệp. Nó lớn hơn mọi lợi ích cá nhân trong tổ chức, nó tạo nên một tập thể thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển ổn định và bền vững.

2.3. Đặc điểm của văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp tồn tại khách quan. Văn hóa doanh nghiệp được kế thừa từ quá khứ và là sự tổng hòa các thực thể. Do đó nó tạo nên chuẩn mực hành động riêng. Bởi vậy nó thường phải mang tính thống nhất, tính hệ thống. Nó là những biểu hiện trong cứng: duy trì kỷ luật, thống nhất quan điểm, tư tưởng, hành động, chuẩn hóa mọi hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh…Ngoài mềm là thể hiện qua những mối quan hệ với khách hàng và đối tác, là hệ thống dịch vụ, chăm sóc khách hàng hoàn hảo, phải hết sức tinh tế, uyển chuyển và linh hoạt trong ứng xử.

2.4. Ảnh hưởng của văn hóa doanh nghiệp đến người lao động:

Một doanh nghiệp xây dựng được văn hóa chuyên nghiệp và truyền tải một cách nhất quan để người lao động thực hiện theo sẽ có những tác dụng tích cực như:

Thu hút và giữ chân người tài trong doanh nghiệp. Người lao động sẽ trung thành hơn, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn khi họ thấy hứng thú và được quan tâm trong môi trường lao động

 Nhu cầu quản lý các nguyên tắc sẽ giảm đi, qui định sẽ giảm đi. Mỗi người nhận thức tốt về vai trò của bản thân trong tập thể sẽ thấu hiểu những giá trị của doanh nghiệp, khi đó họ tự động chấp hành các nguyên tắc và qui định.

Năng suất làm việc sẽ được gia tăng trong môi trường văn hóa làm việc tốt, nhân viên sẽ luôn được khuyến khích đưa ra sáng kiến, ý tưởng, để nâng cao hiệu quả công việc.

2.5. Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp

 Văn hóa doanh nghiệp là quá trình nhận thức và phát triển năng lực hành động. Do đó nó cần được diễn ra theo quá trình từ khâu tiếp nhận, sàng lọc các thông tin đến từ mọi nguồn về đối tượng, mục tiêu, giá trị, mong muốn và kỳ vọng. Kế tiếp là quá trình phân tích, chọn lọc và chuyển hóa các giá trị, kỳ vọng của các đối tượng liên quan thành sứ mệnh, mục tiêu, triết lý kinh doanh và nhận thức của doanh nghiệp. Cần chỉ ra các biện pháp quản lý hỗ trợ các cá nhân, thành viên nhận thức đúng, hình thành đúng giá trị tư tưởng cũng như hành động thể hiện các giá trị, triết lý, nhận thức của doanh nghiệp. Và cần gắn văn hóa doanh nghiệp với công tác chuyên môn.

Nhìn bề ngoài hiện nay thì hầu hết các doanh nghiệp đều quan tâm, chú trọng vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, và chú trọng vào nâng cao sự hiểu biết cho người lao động về văn hóa doanh nghiệp. Song theo một số nguồn tin từ một số nhân viên và lãnh đạo doanh nghiệp thì có đến trên 70% các doanh nghiệp chưa xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hầu hết chỉ những doanh nghiệp lớn mới tập trung vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Còn lại mới chỉ nằm trong chủ trương, chính sách và định hướng tương lai.

3. Một số đề xuất, giải pháp

3.1. Các chủ trương, đường lối của Trung ương

 Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X: Xây dựng văn hóa kinh doanh là sự kế thừa, phát triển các quan điểm về xây dựng văn hóa trong kinh tế được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra từ rất sớm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế, chính trị”.

Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 đã đề ra định hướng “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, vừa phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là một động lực phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế”.

Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong môi trường kinh tế xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Văn hóa, văn hóa doanh nghiệp, trách nhiệm doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp… còn được qui định và nêu rõ trong một số văn bản luật.

3.2. Một số đặc trưng khu công nghiệp

Theo một số nghiên cứu cho thấy người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong sản xuất, phát triển kinh tế cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Cũng theo nghiên cứu cho thấy đội ngũ công nhân lao động còn bộc lộ một số tình trạng như: thờ ơ, không quan tâm đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; thiếu kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng sống, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong lao động còn chậm, sống cơ hội, thực dụng, tự do, dễ bị kích động lôi kéo và không phân biệt được các luồng thông tin, ... Đây không chỉ là thách thức mang tính sống còn đối với phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, mà còn là thách thức đối với tình hình an ninh chính trị trên địa bàn khu công nghiệp.

Do vậy, yêu cầu đối với các doanh nghiệp hiện nay cần quan tâm, chú trọng vào việc xây dựng đời sống tinh thần văn hóa lành mạnh cho người lao động. Một trong những nội dung đó là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để từ đó nâng cao sự hiểu biết cho người lao động về văn hóa tinh thần, văn hóa doanh nghiệp. Theo một số nguồn tin từ một số nhân viên và lãnh đạo doanh nghiệp thì có đến trên 70% các doanh nghiệp chưa thực sự xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Hầu hết chỉ những doanh nghiệp lớn mới tập trung vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Còn lại mới chỉ nằm trong chủ trương, chính sách và định hướng tương lai.

Có thể thấy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đa phần là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp, sáng tạo, trình độ phát triển của doanh nghiệp chưa cao. Bởi vậy, các doanh nghiệp thường bị kém thế trên thương trường quốc tế bởi cung cách làm ăn manh mún, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà ít nghĩ tới cục diện chung. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa cộng đồng và sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp chưa hiệu quả. Thiếu sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nên chưa có sự đồng bộ, hệ thống và sự giao thoa văn hóa giữa các doanh nghiệp. Và việc tạo động lực làm việc chưa được quan tâm chú trọng.

3.3. Đề xuất giải pháp

Dù tiếp cận trên góc độ nào thì chủ thể của văn hóa chính là người lao động (nhân viên) của doanh nghiệp. Người lao động chịu ảnh hưởng của Văn hóa doanh nghiệp nhưng họ cũng tác động trở lại nó. Do vậy cần quan tâm tạo dựng mối quan hệ ảnh hưởng qua lại giữa người lao động và doanh nghiệp (tầng lớp lãnh đạo):

* Chú trọng xây dựng giá trị con người trong doanh nghiệp

Yếu tố con người luôn là giá trị quan trọng và là giá trị cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Bản thân lãnh đạo trong doanh nghiệp cần là tấm gương trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Xác định rõ vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi văn hóa. Nhận biết các trở ngại và nguyên nhân từ chối thay đổi và xây dựng các chiến lược để đối phó. Xây dựng kế hoạch hành động bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể.

* Thực hiện hoàn thiện các giá trị văn hóa phi vật thể

Xây dựng bản thỏa ước lao động. Mối quan hệ lao động trong các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều tiềm ẩn các vấn đề cần được giải quyết. Đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn do thu nhập thấp, điều kiện ăn ở, đi lại, học tập, nâng cao trình độ, chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa, thể thao, đời sống tinh thần chưa đáp ứng được nhu cầu, tình trạng vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động vẫn còn khá phổ biến. Trong một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức công đoàn còn chậm phát triển, vai trò của công đoàn chưa được thể hiện tốt trong việc đại diện quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Chính vì vậy, việc hoàn thiện bản thỏa ước lao động là rất cần thiết. Bản thỏa ước lao động được thực hiện nó sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết tranh chấp lao động tập thể.

Xây dựng và triển khai đồng bộ bộ qui tắc ứng xử cần tốt để đảm bảo làm rõ sứ mệnh, giá trị cốt lõi và nguyên tắc của một doanh nghiệp. Từ đây, giúp doanh nghiệp định hướng, quản lý con người bằng các qui chuẩn đạo đức và các giá trị văn hóa, liên kết chúng với các văn bản pháp lý có các chế tài xử phạt, và thực tế qui tắc ứng xử kinh doanh trở thành phần quan trọng nhất trong khuôn khổ đạo đức của doanh nghiệp.

Vệc xây dựng và triển khai bộ qui tắc ứng xử cần được triển khai rộng khắp. Doanh nghiệp cần chỉ ra các mục tiêu chuẩn hành vi, thực hiện phân công lãnh đạo, một số cá nhân am hiểu luật, tiêu chuẩn đạo đức doanh nghiệp cần được khuyến khích tham gia giám sát hoạt động xây dựng bộ qui tắc ứng xử. Doanh nghiệp cần triển khai đồng bộ, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn tập thể lãnh đạo và nhân viên áp dụng các tiêu chí, bộ qui tắc ứng xử thông qua các hoạt động như đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng. Và phải nhất quán hành động, triển khai từ trên xuống dưới và dưới lên trên. Thông báo toàn bộ doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nghiên cứu, thực hiện, thanh tra giám sát lẫn nhau tránh vi phạm các chuẩn mực trong đó.

* Tăng cường xây dựng các giá trị vật thể trong doanh nghiệp

Cần gắn văn hóa doanh nghiệp vào các hoạt động của doanh nghiệp ở các cấp độ khác nhau. Văn hóa doanh nghiệp cũng được coi là tài sản của doanh nghiệp. Xây dựng quan niệm hướng tới thị trường, hướng tới an sinh xã hội – trách nhiệm xã hội.

Các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng luôn góp phần nâng cao hình ảnh của doanh nghiệp và nó cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng. Trong xu hướng hội nhập và phát triển, doanh nghiệp nên quan tâm các hoạt động như: thực hiện tốt các hoạt động từ thiện, kêu gọi các thành viên trong công ty cùng tham gia hoạt động quyên góp, ủng hộ người khó khăn, đồng bào lũ lụt, học sinh nghèo vượt khó, gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Phát động các phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các thành viên khó khăn.

Các hoạt động, sự kiện vui chơi, giải trí cho nhân viên nên được tạo thành nét riêng của doanh nghiệp. Bởi vậy cần được tổ chức định kỳ hàng năm, hàng quí… với mục tiêu gây dựng niềm tự hào cho các thành viên. Khuyến khích người lao động tham gia các hoạt động tập thể để gắn kết bầu không khí gia đình trong doanh nghiệp. Và giúp họ có trách nhiệm và tinh thần hơn đối với công việc chung.

Thách thức lớn nhất cho các doanh nghiệp hiện nay là xây dựng, duy trì và tạo động lực làm việc cho người người lao động theo hướng tích cực. Từ đó hiệu suất lao động, năng suất chất lượng được cải thiện và phát triển. Do vậy, cần có thêm các nghiên cứu sâu hơn về sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa trong việc tạo động lực cho người lao động. Dù tiếp cận theo góc độ nào thì chủ thể của văn hóa là người lao động. Do vậy cần tạo dựng mối quan hệ qua lại và ảnh hưởng lẫn nhau giữa người lao động và doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc xây dựng đội ngũ lãnh đạo có năng lực quản trị văn hóa, xây dựng niềm tin trong doanh nghiệp thông qua các hoạt động mang tính thực tiễn trong qui trình khi xây dựng chính sách, quản trị nguồn lực.
             
4. Tài liệu tham khảo

1. Chatman, J.A. (1989), Matchinh people and organization: selection and Socialization in public accouting firms, Academy of management proceedings.

2. Draff, R., L. (2016), Management –Twelfth edition, Cengage Learning, USA.

3. Mitchell, T.R., (1982), Motivation: New direction for Theory, research and practice, Academy of management review.

4. Smirch, I., (1983), Concepts of culture and organizational analysis, Adminitrative science quarterly.

5. Schein, E.H. (20040, Organizational culture and leadership – Third edition, John Wiley & Sons, INC.

6. Dương Thị Liễu (2013), Giáo trình văn hóa kinh doanh, Nhà xuất bản Đại học kinh tế quốc dân Hà Nội.

7. Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006), Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (2006), Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2006), NXB Chính trị quốc gia.

8. Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) (2002), Định nghĩa văn hóa.

9. Vroom, V.H., (1964), Worrk and motivation, New York: Wiley
           

Tác giả: Trịnh Thùy Giang, Ths. NCS

               Khoa Kinh tế, trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

           


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 245 Tổng truy cập: 30.264.298