Trang chủ

SINH VIÊN NGÀNH QUẢN LÝ CÔNG NGHIỆP BẢO VỆ ĐỀ XUẤT NCKH CẤP KHOA

Ngày đăng: 09:09 - 19/11/2024 Lượt xem: 51

Ngày 15/11/2024, thông qua phần mềm Zoom.us, Khoa Kinh tế đã tổ chức họp Hội đồng đánh giá đề xuất nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2024 – 2025 dưới sự chủ trì của TS. Dương Thị Tân- Chủ tịch Hội đồng. Hai đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên hôm nay đều đến từ sinh viên ĐH QL K7. Tại buổi họp, đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ ChatGPT trong hoạt động học tập của sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội” do sinh viên Nguyễn Như Hoa ĐH QL3 K7 làm trưởng nhóm thực hiện với sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Văn Thản và đề tàiNghiên cứu tác động của KOLs trên nền tảng TikTok đến ý định mua hàng thời trang của sinh viên khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội” do sinh viên Hà Thảo Vy, ĐH QL3 K7 làm trưởng nhóm thực hiện với sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Thị Giang đã được trình bày và đánh giá.

                           Ảnh 1. Toàn cảnh hội đồng duyệt đề xuất cấp khoa

 Hội đồng cấp khoa gồm 5 thành viên:

1. TS. Dương Thị Tân, Trưởng Khoa Kinh tế, Chủ tịch hội đồng

2. ThS. Lý Bích Ngọc, Giảng viên Khoa Kinh tế , Thư ký hội đồng

3. TS. Trịnh Thùy Giang, Phó trưởng bộ môn Kế Toán-Marketing, Phản biện 1

4. ThS. Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Phản biện 2

5. ThS. LêThị Thuận, Giảng viên khoa Kinh tế, Ủy viên

Ảnh 2. Đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Nguyễn Như Hoa



Ảnh 3. Đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm sinh viên Hà Thảo Vy

 Trong đề tài “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ ChatGPT trong hoạt động học tập của sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội”, nhóm sinh viên đã chỉ ra được việc chưa khai thác hết tiềm năng của ChatGPT trong hoạt động học tập không chỉ làm giảm cơ hội tiếp cận tri thức mà còn làm chậm lại quá trình thích ứng của sinh viên với các công nghệ hiện đại. Thông qua đề tài, sinh viên có cái nhìn tổng quan về thực trạng sử dụng công cụ ChatGPT, giúp xác định những vấn đề mà sinh viên ngành Quản lý công nghiệp đang gặp phải khi sử dụng công cụ này. Trên cơ sở đó, đề tài đề xuất những giải pháp cụ thể để giúp nâng cao hiệu quả sử dụng công cụ này trong hoạt động học tập. Với việc áp dụng đúng cách công cụ ChatGPT, sinh viên ngành Quản lý công nghiệp sẽ có cải thiện tích cực trong hoạt động học tập, chuẩn bị tốt hơn cho tương lai trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Cũng liên quan tới đối tượng nghiên cứu là sinh viên khoa Kinh tế, nhóm sinh viên Hà Tường Vy lựa chọn đề tài Nghiên cứu tác động của KOLs trên nền tảng TikTok đến ý định mua hàng thời trang của sinh viên khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội” Chúng ta biết rằng, TikTok, với lượng người dùng lớn và mức độ tương tác cao, đã trở thành một nền tảng quan trọng để các KOLs (Key Opinion Leaders) truyền tải thông điệp và ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Nghiên cứu này nhằm phân tích mức độ tác động của KOLs trên TikTok đến ý định mua hàng thời trang của sinh viên HTU, từ đó cung cấp các giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp trong việc tận dụng sức ảnh hưởng của KOLs để tối ưu hóa chiến lược tiếp thị.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của hai nhóm sinh viên, các thành viên trong Hội đồng đã tiến hành thảo luận và đưa ra những nhận xét chi tiết. Các ý kiến tập trung vào việc làm rõ hơn lý do chọn đề tài, cũng như gợi ý mở rộng phạm vi nghiên cứu để tăng tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của đề tài. Hội đồng khuyến nghị các nhóm chỉnh sửa, bổ sung nội dung theo hướng toàn diện hơn, nhằm đảm bảo đề tài có thể triển khai hiệu quả và đáp ứng mục tiêu nghiên cứu đã đề ra.

Kết thúc buổi họp, TS. Dương Thị Tân, Chủ tịch Hội đồng, đã đưa ra kết luận đồng ý thông qua đề xuất đề tài của hai nhóm sinh viên, sinh viên cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung và tiếp tục làm thuyết minh.

KOLs và ChatGPT đều ảnh hưởng đến tư duy và hành vi của sinh viên, từ cách học, cách tiêu dùng đến cách nhìn nhận bản thân và thế giới. Việc có những đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên về lĩnh vực KOLs giúp các doanh nghiệp thời trang có thể áp dụng kết quả nghiên cứu để xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả hơn, thu hút sinh viên. Với ChatGPT, các thầy cô đang trực tiếp giảng dạy có thể thay đổi phương pháp giảng dạy và sinh viên có thể  sử dụng ChatGPT hiệu quả nhất để phát triển kỹ năng giao tiếp, học ngoại ngữ, hoặc tìm kiếm các mẹo học tập hay nhất.

                                                                     Lý Bích Ngọc– Khoa Kinh tế


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 280 Tổng truy cập: 31.832.498