Trang chủ

BÁO CÁO TỔNG KẾT NĂM HỌC 2019-2020 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NĂM HỌC 2020-2021 KHOA KINH TẾ

Ngày đăng: 12:14 - 04/09/2020 Lượt xem: 2.139
Ngày 31/08/2020, khoa Kinh tế – Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức Báo cáo tổng kết năm học 2019-2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Ảnh 1. Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 khoa Kinh tế
Tham dự buổi báo cáo tổng kết về phía Ban giám hiệu nhà trường có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường– Phó hiệu trưởng. Khoa Kinh tế có đồng chí Dương Thị Tân – Phụ trách khoa, đồng chí Tạ Văn Cánh –Phó trưởng khoa cùng toàn thể cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế.
                    Ảnh 2. Toàn cảnh hội nghị tổng kết năm học
Chủ trì Hội nghị, đồng chí Dương Thị Tân khai mạc buổi Báo cáo tổng kết năm học 2019-2020 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021. Năm học ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, việc làm của người lao động dệt may bị ảnh hưởng nhiều nhất từ trước đến nay. Dự báo lượng cầu năm 2020 giảm 30%, các năm tiếp theo có thể phục hồi nhưng chậm và đến năm 2022 dự kiến cầu ngang mức 2019, qua đó có thể tác động tiêu cực đến công tác tuyển sinh cũng như công tác giảng dạy của khoa.
Ảnh 3. Đồng chí Dương Thị Tân khai mạc buổi báo cáo tổng kết
Đồng chí Tạ Văn Cánh –Phó trưởng Khoa trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết năm học 2019-2020, trong năm học, chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. 100% giảng viên lý thuyết sử dụng bài giảng điện tử, số lượng bài thực hành được giảng viên thực hiện trên bài giảng điện tử thông qua hệ thống máy tính, máy chiếu, ti vi giúp cho tiết giảng sinh động hơn. Ngoài ra khoa cũng đã phân công giảng viên tham gia giảng dạy theo hình thức trực tuyến tạo điều kiện cho sinh viên có thể tham gia học tập mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh công tác giảng dạy trên lớp, khoa Kinh tế cũng quan tâm đến tổ chức sinh hoạt chuyên môn cho các thành viên Câu lạc bộ ngành QLCN. Khoa đã tổ chức mời chuyên gia tại DN về nói chuyện và giao lưu tọa đàm với sinh viên trong ngày hội việc làm. Tổ chức các chuyên đề rèn luyện kỹ năng mềm, sinh hoạt chuyên môn để sinh viên nắm rõ yêu cầu của doanh nghiệp theo từng vị trí việc làm. Thường xuyên tổng hợp các thông tin tuyển dụng đúng chuyên ngành đào tạo cho sinh viên (kênh fanpage việc làm dệt may, merchandiser, mối quan hệ với DN may, các chuyên trang việc làm trực tuyến). Theo sát phương châm “ Lý thuyết gắn liền với thực tiễn”,  khoa Kinh tế đã liên hệ các doanh nghiệp cho sinh viên thực tập, nghiên cứu thực tế để làm đồ án, khóa luận; như công ty May SMART SHIRT; Công ty may Hưng Yên……
 
Trong năm học qua, khoa Kinh tế cũng mạnh dạn đăng ký tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học: Trong năm, đã có 5 đề tài NCKH SV nghiệm thu xong cấp trường, 01 đề tài sẽ nghiệm thu trong tháng 8/2020. Ngoài ra khoa có giảng viên tham gia xây dựng đề tài cấp nhà nước. Báo cáo tổng kết năm học 2019-2020 đã cho thấy tập thể cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ đề ra. Nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2020-2021 là: Đẩy mạnh hơn nữa công tác triển khai xây dựng chương trình, giáo trình bài giảng đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ đại học. Kiểm soát chặt chẽ quá trình đào tạo và đánh giá quá trình các học phần của giảng viên; chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, ý thức tác phong công nghiệp cho sinh viên.
         Ảnh 4. Đồng chí Tạ Văn Cánh trình bày báo cáo tổng kết
Đồng chí Trần Thị Ngát –Tổ trưởng Tổ QTKD trình bày Báo cáo đánh giá công tác đào tạo ĐHQL-K1. Ngành quản lý công nghiệp dự kiến là ngành sẽ có nhiều DN tuyển lao động (dự báo những năm trước 2020). Vị trí công việc liên quan tới ngành: quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, quản lý đơn hàng, quản lý vật tư, quản lý kho, quản lý bán hàng, logistic, quản lý cửa hàng, … Giảng viên tham gia giảng dạy chương trình Quản lý công nghiệp khóa 1, đặc biệt là chuyên ngành Merchandiser được lựa chọn là những giảng viên có ưu thế về phương pháp giảng dạy, có kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp về quản lý và triển khai đơn hàng để đảm bảo mức độ hài lòng, chất lượng đào tạo. Khoa và Nhà trường mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp kí hợp đồng chiến lược với nhà trường để nhận sinh viên đi thực tế, hỗ trợ sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sau phần Báo cáo tổng kết năm học 2019-2020, các đồng chí cán bộ, giảng viên đã thảo luận tích cực và đóng góp ý kiến. Các ý kiến tập trung làm rõ các vấn đề còn tồn tại trong năm học như: thuận lợi khó khăn trong công tác đào tạo ngành Dệt May; công tác quản lý HSSV; nghiên cứu khoa học trong sinh viên, hoạt động công tác Đoàn; sinh viên thực tập tại Doanh nghiệp; khóa luận tốt nghiệp. Đề xuất giải pháp giải quyết những nội dung công việc còn tồn tại nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong năm 2020-2021.

Kết thúc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu ý kiến. Đồng chí Phó hiệu trưởng ghi nhận khối lượng công việc mà cán bộ, giảng viên khoa Kinh tế phải đảm nhận là khá lớn. Đồng chí cũng định hướng cách triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên cũng như trong sinh viên. Bên cạnh đó, đồng chí vẫn nhấn mạnh cần tập trung hơn nữa vào chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác xây dựng hoàn thiện các giáo trình, các nghiên cứu khoa học. Không ngừng bồi dưỡng chuyên ngành cho toàn thể cán bộ, giảng viên trong khoa, bồi dưỡng các bộ giảng dạy ngoài trường…
Ảnh 5. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường – Phó hiệu trưởng phát biểu ý kiến
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường cũng hy vọng năm học mới – năm học 2020-2021 sẽ có nhiều khởi sắc hơn, trải qua khóa đào tạo đại học ngành QLCN đầu tiên. Giảng viên khoa Kinh tế có nhiều tự tin hơn, vững bước trên sự nghiệp giáo dục, đào tạo ra các thế hệ sinh viên ngành QLCN đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
  
BBT-Website Khoa Kinh tế-Trần Thị Thanh Thủy
 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 239 Tổng truy cập: 33.390.970