Tác giả: Ths Xuân Thị Thu Trang
Khoa Kinh tế
Tương tự với các định hướng của các ngành nghiên cứu khoa học khác, Marketing là một ngành đòi hỏi sự chuyên sâu hoá về lý thuyết, cộng hưởng cùng những cập nhật sắc bén từ thị trường để tạo ra sự sáng tạo dành riêng cho kinh doanh. Do đó, tác giả đề xuất một số kênh nghiên cứu và ứng dụng để sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có thể học tập và sử dụng trong quá trình rèn luyện bản thân cũng như phát huy tính sáng tạo trong công việc liên quan đến Marketing.
Nghiên cứu ứng dụng là quá trình tìm hiểu, phân tích và kết hợp những kinh nghiệm ứng dụng thực tế trong quá khứ, kết quả của nghiên cứu khoa học và cập nhật xu thế thị trường tạo ra những ứng dụng phù hợp với thực tế doanh nghiệp.
Từ nội dung trên, chúng ta có thể triển khai phân tích ra các giai đoạn cần thiết cho mỗi nghiên cứu ứng dụng như sau:
Phần 1: Tìm hiểu các kênh cung cấp kết quả nghiên cứu trong Marketing;
Phần 2: Chia sẻ những phân tích theo quy trình từ lý thuyết đào tạo, nghiên cứu và những kinh nghiệm thực tế của chiến lược Marketing hiệu quả;
Phần 3: Cập nhật những xu thế thị trường hiện tại để tạo ra những ứng dụng sáng tạo phù hợp cho thực tiễn ngành Marketing.
1.Tìm hiểu các kênh cung cấp kết quả nghiên cứu chuyên ngành Marketing
Kể từ khi bắt đầu các hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp, tổ chức đã bắt đầu đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu về khách hàng, tìm tòi các thông tin về thị trường và phát huy những điểm mạnh trong quá trình điều tra về sự yêu thích của khách hàng mục tiêu với sản phẩm của mình. Do đó, các trường học và tổ chức cũng bắt đầu các nghiên cứu của mình cho các hoạt động marketing mà doanh nghiệp có thể ứng dụng cho kinh doanh và đào tạo nội bộ. Phân tích kỹ hơn các kết quả nghiên cứu về marketing hiệu quả, có thể lấy điển hình là hệ thống Smart Insights (trụ sở tại Anh), được thành lập bởi Tiến sĩ Dave Chaffey và Stu Miller; là những người có khả năng và kinh nghiệm nhạy bén từ thị trường thực tế, Smart Insight được thành lập ra với những template, format cơ bản dành cho sinh viên Marketing học tập cách lên kế hoạch, cách triển khai thực tế bên cạnh những kết quả nghiên cứu cô đọng về thị trường, giúp sinh viên có thể phân tích hiệu quả hơn những kết quả vốn đang chỉ là lý thuyết trong sách giáo khoa. Hay như hệ thống Harvard Business Review cũng là kênh tìm kiếm các nghiên cứu về thị trường một cách tổng quát, bên cạnh những kiến thức dành cho nghiên cứu khoa học là những phân tích thị trường chuyên sâu dành cho các doanh nghiệp để họ có thể tiết kiệm được chi phí nghiên cứu thị trường đắt đỏ và đầu tư cho đào tạo nhân viên nội bộ một cách hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, dành cho những mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu hơn về thị trường, và tìm tòi về nghiên cứu tiềm năng phát triển của ngành Marketing, việc tìm hiểu các bản nghiên cứu thị trường của các Research Marketing Agency, ví dụ như Nielsen hay Mintel cũng là một cách học tập hiệu quả. Đối với Mintel, đặc biệt dành riêng cho tìm hiểu thị trường Âu - Mỹ, mỗi năm đều cung cấp cho các marketer hàng chục ngàn nghiên cứu khoa học về thị trường, tâm lý tiêu dùng và xu hướng phát triển để các doanh nghiệp có thể sử dụng vào chiến lược của mình. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn tài nguyên vô giá dành cho sinh viên các trường đại học vì Mintel cũng hợp tác với các trường để cung cấp những báo cáo (dạng tính phí cho doanh nghiệp) miễn phí với các tài khoản dành cho học tập. Còn đối với Nielsen, các bản nghiên cứu thị trường dành cho các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, Coca Cola, … về biểu hiện người tiêu dùng, xu hướng thị trường cũng là hướng cập nhật và nghiên cứu hiệu quả.
Tại thị trường Việt Nam, một số kênh báo chuyên ngành, chuyên cập nhật các thông tin về ngành marketing như Brands Vietnam.
(https://www.brandsvietnam.com) hay Advertising Việt Nam (https://advertising vietnam.com) là kênh nội dung liệt kê và cung cấp các đề mục, tin tức và nghiên cứu mới nhất về ngành Marketing trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, một số cơ sở đào tạo về Marketing cho doanh nghiệp như Vinalink hay MVV cũng là kênh cập nhật thông tin chính thống hiệu quả cho các bạn sinh viên đang muốn nghiên cứu sâu hơn về truyền thông tại thị trường Việt Nam.
2.Chia sẻ những phân tích theo quy trình từ lý thuyết đào tạo, nghiên cứu đến những kinh nghiệm thực tế của chiến lược Marketing hiệu quả trong doanh nghiệp
Sau khi tìm hiểu và thu thập các nghiên cứu có liên quan đến marketing và các thông tin liên quan đến doanh nghiệp dệt may và thời trang, sinh viên cần áp dụng các phương pháp nghiên cứu cùng các học liệu phù hợp để ứng dụng các kết quả trên vào thực thế rèn luyện bản thân. Để phân tích các nguồn thông tin chính thống liên quan đến các doanh nghiệp dệt may và thời trang trong và ngoài nước, sinh viên cần hiểu tổng quan về chiến lược marketing, từ đó nhận diện được về các doanh nghiệp đi phát triển theo xu hướng hiệu quả và học tập kết quả sáng tạo mà doanh nghiệp đã phát triển theo. Dưới đây là một mẫu phát triển rèn luyện cá nhân điển hình trong Marketing mà sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt may có thể học tập theo.
Nội dung cần nghiên cứu:
Lập kế hoạch Marketing cho doanh nghiệp
Giai đoạn 1: “Hướng dẫn lập chiến lược và kế hoạch marketing của công ty” tại Chương 6, giáo trình Marketing căn bản của Tiến sĩ Trần Minh Đạo (2009), đã tổng hợp và đưa ra được các bước với một bản kế hoạch Marketing thông thường bao gồm:
-
Tổng hợp các chỉ tiêu kiểm tra
-
Tình hình Marketing hiện tại
-
Những nguy cơ và khả năng
-
Nhiệm vụ và vấn đề
-
Tư tưởng chiến lược Marketing
-
Chương trình hành động
-
Dự toán ngân sách
-
Trình tự kiểm tra
Giai đoạn 2: Sau khi nghiên cứu trên hệ thống của Smart Insight, sinh viên có thể tìm thấy mẫu kế hoạch Digital Marketing theo mô hình R.A.C.E cho doanh nghiệp dưới dạng phễu như sau:
Tiến sỹ Dave Chaffey (2019) -
Giai đoạn 3: Nghiên cứu và tìm hiểu quy trình chiến dịch Marketing trong doanh nghiệp hiệu quả - Case study: Chiến dịch “Biti's Hunter” (2016)
-
Phân tích tình hình doanh nghiệp: là một doanh nghiệp với 30 năm kinh nghiệm, được biết đến với những thế hệ đi trước qua thông điệp “Nâng niu bàn chân Việt", ít phổ biến với giới trẻ, và hiếm khi được nhắc đến cùng với biểu tượng của thế hệ 10x;
-
Nghiên cứu thị trường khách hàng mục tiêu: khách hàng trẻ, sinh sau năm 2000;
-
Phát triển sản phẩm: nâng cấp sản phẩm giày, với mẫu mã đa dạng và hiện đại hơn;
-
Triển khai kênh truyền thông: sử dụng người nổi tiếng, mạng xã hội và PR;
-
Phát triển kênh bán hàng: tạo chuỗi cửa hàng flagship mới, với thương hiệu Biti's Hunter;
-
Chiến lược lâu dài trong thay đổi định hình thương hiệu: liên tiếp ra mắt các chiến dịch tiếp theo, vẫn sử dụng chiến lược cũ cho kênh truyền thông, kết hợp với hợp tác phát triển thương hiệu (co-branding) cùng các thương hiệu nổi tiếng như Marvel, Pepsi,...
3. Cập nhật những xu thế thị trường hiện tại để tạo ra những ứng dụng sáng tạo phù hợp cho thực tiễn ngành Marketing
Đối với sinh viên tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, bên cạnh việc tìm hiểu những nghiên cứu chuyên sâu, phân tích kinh nghiệm thực tế về marketing. Vấn đề luyện tập phát triển những ứng dụng sáng tạo của doanh nghiệp dệt may và thời trang là vô cùng quan trọng. Những phương thức thành công trong quá khứ là tiền đề cho các bước phát triển trong sáng tạo tại doanh nghiệp. Trong marketing, điểm nhấn của doanh nghiệp là dẫn đầu thị trường. Những bài học quan trọng từ sự sáng tạo trong doanh nghiệp thời trang và dệt may như ví dụ từ Biti’s là không chỉ sao chép lại các chiến dịch thành công trong quá khứ. Điều quan trọng cần cập nhật và vận dụng những xu thế để tạo ra những sáng tạo phù hợp cho thực tiễn ngành Marketing.
Dựa vào các case study nổi bật trong 5 năm gần đây như Biti's Hunter, Bò sữa by Boo,... các bạn sinh viên có thể vận dụng cùng các nghiên cứu nổi bật về thị trường tiêu thụ sản phẩm thời trang dành cho giới trẻ lứa tuổi từ 13 đến 25 để tạo ra chiến dịch sáng tạo của riêng mình.
Tác giả: Ths Xuân Thị Thu Trang
Khoa Kinh tế