Trang chủ

Điểm khác biệt trong đào tạo ngành Thương mại điện tử tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngày đăng: 03:15 - 31/03/2023 Lượt xem: 401
 
Thương mại điện tử đang đi đầu trong quá trình số hóa và là một trong những ngành đang phát triển nhanh nhất, có tiềm năng lớn trong tương lai. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng và mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn cho những người muốn làm việc trong một lĩnh vực đầy năng động và liên tục đổi mới.
Thương mại điện tử không chỉ là bán sản phẩm và dịch vụ trực tuyến, mà còn liên quan đến việc tạo ra và quản lý thị trường trực tuyến, phát triển hệ thống thanh toán trực tuyến và sử dụng phân tích dữ liệu để hiểu hành vi của khách hàng. Nghiên cứu Thương mại điện tử là một cách tuyệt vời để phát triển các kiến thức và kỹ năng của bạn trong lĩnh vực này và chuẩn bị cho bạn một sự nghiệp xứng đáng.
Nói một cách đơn giản, Thương mại điện tử là việc mua bán hàng hóa và dịch vụ qua Internet. Nó liên quan đến một loạt các hoạt động, bao gồm marketing trực tuyến, mua sắm trực tuyến, ngân hàng trực tuyến, đấu giá trực tuyến và hệ thống thanh toán trực tuyến. Thương mại điện tử cũng bao gồm việc phát triển và quản lý các thị trường trực tuyến, chẳng hạn như Amazon, Alibaba, Tiki và Lazada..., nơi tập hợp người mua và người bán từ khắp nước và nhiều nơi trên thế giới.
Để có khả năng hành nghề Thương mại điện tử, người học sẽ được đào tạo các kiến thức và kỹ năng như một chuyên gia trong lĩnh vực Thương mại điện tử, bao quát tất cả quá trình trong kinh doanh Thương mại điện tử như: marketing sản phẩm, chuỗi cung ứng, lập kế hoạch, mua hàng, bán hàng, thanh toán, trang bị các kỹ năng cơ bản để quản trị tổng thể một doanh nghiệp Thương mại điện tử.
Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử năm 2020 và 2022 đã nhấn mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao về TMĐT tại hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh trên cả nước là một trong các yếu tố quyết định tới sự phát triển nhanh và bền vững của ngành trong giai đoạn tới.
Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, tốc độ tăng trưởng quy mô thương mại điện tử của Việt Nam trong 5 năm qua liên tục ở mức cao, có năm lên tới 25-30%... Cuộc khảo sát thương mại điện tử hàng năm của cơ quan này cũng cho thấy nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng khi có tới 74,8% người dùng internet cho biết họ đã tham gia mua sắm trực tuyến, đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, kéo theo nhu cầu nhân lực thương mại điện tử tăng mạnh. Khảo sát cho thấy, có tới 64% doanh nghiệp cho biết sẽ ưu tiên tuyển dụng nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Thương mại điện tử là một ngành mang tính toàn cầu và có nhiều cơ hội làm việc trong lĩnh vực này ở trong và ngoài nước. Cơ hội việc làm của chuyên gia Thương mại điện tử là rộng mở.
Các chuyên gia thương mại điện tử có thể làm việc trong các ngành thương mại, sản xuất và dịch vụ với các vị trí việc làm:
- Chuyên viên hoặc nhà quản lý tại: các công ty cung cấp giải pháp Thương mại điện tử; bộ phận quản trị chiến lược, chính sách, kế hoạch kinh doanh và quản trị dự án Thương mại điện tử; quản lý hệ thống thông tin của doanh nghiệp ứng dụng Thương mại điện tử; quản lý hoạt động tác nghiệp Thương mại điện tử (marketing và quan hệ khách hàng, mua hàng, kho bảo quản hàng, bán hàng và thanh toán điện tử, …) trong doanh nghiệp; các bộ phận chức năng khác (tài chính, thống kê, nhân sự…) của doanh nghiệp; các bộ phận cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước và tổ chức phi chính phủ. 
- Chủ doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trực tuyến;
- Giảng viên tại các trường đại học, nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo ở cấp độ cao hơn theo quy định của trường/viện.
Trong những năm tới, khi quá trình chuyển đổi số được đẩy mạnh, nhiều tổ chức và doanh nghiệp chuyển hoạt động sang trực tuyến và ứng dụng rộng rãi các công cụ truyền thông số, nhu cầu về các chuyên gia thương mại điện tử dự kiến ​​sẽ tăng lên đáng kể.
Về bản chất, Thương mại điện tử là chung cho tất cả các ngành. Tuy nhiên, đào tạo Thương mại điện tử ở HTU có những điểm khác biệt nhất định.
Thứ nhất, nội dung đào tạo được định hướng liên quan tới nhóm hàng may mặc - nhóm hàng phổ biến nhất trong các giao dịch trực tuyến, đồng thời chiếm tỷ trọng lớn bậc nhất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, đào tạo Thương mại điện tử được triển khai theo định hướng ứng dụng nhằm trang bị cho người học những kỹ năng nghề nghiệp cần thiết, định hướng hành nghề/khởi nghiệp ngay trong quá trình học. Để thực hiện được mục tiêu này, tỷ trọng thời lượng dành cho thực hành được thiết kế trong chương trình đào tạo với mức độ ưu tiên cao, cơ sở thực hành trong Nhà trường được trang bị đầy đủ, đồng thời Nhà trường là thành viên của Mạng lưới các cơ sở đào tạo Thương mại điện tử, có quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và các doanh nghiệp thương mại điện tử nhằm có được sự hợp tác và hỗ trợ tốt nhất.
Với môi trường học tập năng động, đổi mới và sáng tạo, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đang mở rộng cánh cửa chào đón các tân sinh viên, hứa hẹn mang đến cho các bạn cơ hội học tập và làm việc tốt nhất; chắp cánh, kiến tạo, hỗ trợ các bạn hiện thực hóa ước mơ trên giảng đường đại học, biến khoảng thời gian sinh viên thành thời gian đẹp nhất của tuổi trẻ. 

Nguyễn Văn Thản - Khoa Kinh tế
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 242 Tổng truy cập: 31.862.256