Trang chủ

Đổi mới hình thức đánh giá bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan trên lớp bằng sử dụng ứng dụng Google Form (Google biểu mẫu)

Ngày đăng: 03:39 - 05/03/2020 Lượt xem: 14.639
Tác giả: Đinh Thị Thủy – Khoa Kinh tế

Sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng internet đã hỗ trợ đảm bảo tính khách quan, công bằng cho việc đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, sinh viên có thể làm bài trắc nghiệm trên máy tính hoặc các thiết bị di động thông minh có kết nối internet mọi lúc, mọi nơi. Ngoài hình thức kiểm tra trên giấy thì trắc nghiệm khách quan còn được tổ chức trên phần mềm trực tuyến, các ứng dụng công nghệ thông tin như Google Form; Google Classroom. Trắc nghiệm khách quan được sử dụng trong kiểm tra/thi kết thúc các môn học, đồng thời còn được sử dụng cho nhiều mục đích khác như kiểm soát tự học, kiểm tra bài cũ cho sinh viên. Bài viết này chia sẻ cách thức xây dựng bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan và các bước trong tổ chức đánh giá trắc nghiệm khách quan thông qua ứng dụng Google Form khi thực hiện kiểm soát tự học, kiểm tra bài cũ, kiểm tra quá trình .

1. Tổng quan về hình thức kiểm tra trắc nghiệm khách quan

Trắc nghiệm khách quan là một hình thức được tiến hành thường xuyên ở các kỳ thi, kiểm tra để đánh giá kết quả kết quả của người học đối với 1 phần của môn học, toàn bộ môn học, cấp học (thi tốt nghiệp) hoặc dùng để đánh giá năng lực đầu vào của một đối tượng. Trong đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở đạo tạo, trắc nghiệm khách quan là một hình thức áp dụng khá phổ biến khi cần kiểm tra mức độ nắm vững kiến thức và đánh giá các hiểu biết kiến thức đơn lẻ, tách biệt; với trình độ suy luận ở mức độ thấp. Trắc nghiệm khách quan gồm các loại sau:
Bảng 1. Các hình thức trắc nghiệm khách quan

 
TT Loại câu hỏi Đặc điểm Ưu điểm Nhược điểm
1 Trắc nghiệm có nhiều phương án lựa chọn Gồm phần dẫn (câu dẫn) và các phương án trả lời cho sẵn. Người được hỏi tìm ra câu trả lời đúng nhất trong nhiều phương án trả lời có sẵn Kiểm tra, đánh giá được nhiều nội dung; độ tin cậy cao hơn; phát huy khả năng ghi nhớ, tư duy tổng hợp hữu hiệu; đảm bảo khách quan khi chấm bài. Mất nhiều thời gian để soạn; không đo lường được khả năng phán đoán tinh vi, giải quyết vấn đề khéo léo, sáng tạo; tốn kém giấy, mực.
2 Trắc nghiệm “đúng – sai” Yêu cầu người được hỏi phải phán đoán đúng hay sai với một câu trần thuật hoặc một câu hỏi và đưa ra lựa chọn. Đơn giản, vẫn đảm bảo độ khách quan khi chấm, kiểm tra được lượng lớn kiến thức trong thời gian ngắn Độ tin cậy thấp, người được hỏi có thể đoán mò, thiếu tư duy kỹ lưỡng; khó phát hiện điểm yếu của người học.
3 Trắc nghiệm ghép đôi Có hai cột gồm danh sách những câu hỏi và câu trả lời. Người được hỏi tìm cách ghép những câu trả lời ở cột này với các câu hỏi ở cột khác sao cho phù hợp Dễ soạn, đánh giá khả năng tìm mối liên hệ và tư duy logic; đỡ tốn giấy mực; hạn chế may rủi Không thích hợp cho việc thẩm định các khả năng như sắp đặt và vận dụng các kiến thức,nguyên lí.
4 Trắc nghiệm điền khuyết Người được hỏi phải điền từ hoặc cụm từ thích hợp với các chỗ để trống Người được hỏi không có cơ hội đoán mò mà phải tư duy để tự tìm ra câu trả lời. Loại này dễ soạn hơn câu hỏi nhiều lựa chọn; thích hợp cho việc đánh giá mức độ hiểu biết của người học về các nguyên lí, giải thích các dữ kiện, diễn đạt ý kiến và thái độ dễ mắc sai lầm khi người soạn thường trích nguyên văn các câu từ tài liệu học tập; chỉ giới hạn vào chi tiết nhỏ; chấm bài mất nhiều thời gian và thiếu khách quan hơn những dạng câu hỏi TNKQ khác

2. Ưu và nhược điểm của kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trắc nghiệm khách quan
Ưu điểm:
+ Nhanh gọn, không phải trình bày cách làm, số lượng câu hỏi lớn nên có thể bao quát được kiến thức toàn diện của thí sinh; việc chấm điểm trở nên đơn giản, có thể sử dụng phiếu chấm, máy để chấm cho kết quả rất nhanh và đảm bảo được tính công bằng, khách quan cho thí sinh.
+  Độ tin cậy cao hơn, khả năng đoán mò hay may rủi ít hơn khi số phương án lựa chọn tăng lên, thí sinh buộc phải xét đoán, phân biệt rõ ràng trước khi trả lời câu hỏi.
+ Tính chất giá trị tốt hơn. Loại bài trắc nghiệm có nhiều câu trả lời có độ giá trị cao hơn nhờ tính chất có thể dùng đo những mức tư duy khác nhau như: khả năng nhớ, áp dụng các nguyên lý, định luật, suy diễn, tổng quát hoá rất hữu hiệu.
+ Tính khách quan khi chấm bài. Điểm số bài trắc nghiệm khách quan không phụ thuộc vào các yếu tố như phẩm chất của chữ viết, khả năng diễn đạt tư tưởng của sinh viên hoặc chủ quan của người chấm.
Nhược điểm:
+ Không thể hiện được tính sáng tạo, logic, sự thông minh,sự khéo léo của thí sinh;
+ Loại câu này khó soạn vì phải tìm cho được câu trả lời đúng nhất, trong khi các câu, các phương án còn lại gọi là câu nhiễu thì cũng có vẻ hợp lý. Thêm vào đó các câu hỏi phải đo được các mục tiêu ở mức năng lực nhận thức cao hơn mức biết, nhớ.
+ Những thí sinh có óc sáng tạo, khả năng tư duy tốt có thể tìm ra những câu trả lời hay hơn đáp án đã cho nên họ không thoả mãn hoặc khó chịu.
+ Các câu trắc nghiệm khách quan  nhiều lựa chọn có thể không đo được khả năng phán đoán tinh vi và khả năng giải quyết vấn đề khéo léo, sáng tạo một cách hiệu nghiệm bằng loại câu trắc nghiệm tự luận soạn kỹ.
+ Tốn kém giấy mực để in và mất nhiều thời gian để thí sinh đọc nội dung câu hỏi.
Do đó, cần đảm bảo tuân thủ những yêu cầu khi đánh giá bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan trong đặt câu hỏi, thiết kế các phương án trả lời. Đối với thi trực tuyến, thí sinh phải có kỹ năng sử dụng máy tính nhất định và được hướng dẫn chi tiết các bước sử dụng phần mềm thi trực tuyến. Tác giả viết câu hỏi phải được bồi dưỡng kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm. Tác giả phải biết đọc kết quả phân tích câu hỏi thử nghiệm để có thể sửa chữa, hoàn chỉnh câu hỏi. Phải có ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đủ lớn cho từng học phần.

3. Thực trạng tổ chức đánh giá bài trắc nghiệm cho các học phần thuộc chuyên ngành Quản lý Công nghiệp
          Ngành đào tạo Quản lý công nghiệp là một trong những ngành đào tạo trình độ đầu tiên được tổ chức tại trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Chương trình đào tạo của ngành có nhóm học phần Giáo dục đại cương;nhóm học phần cơ sở ngành, chuyên ngành, kiến thức bổ trợ ngành với các phương pháp đánh giá linh hoạt, phù hợp và đa dạng: trắc nghiệm khách quan, tự luận, trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận; vấn đáp; thực hành trên máy, thực hành tạo sản phẩm; bài tập lớn; đồ án; tiểu luận. Việc lựa chọn hình thức kiểm tra đánh giá và tổ chức kiểm tra, đánh giá phải bám sát đề cương môn học được duyệt và công bố công khai cho người học. Để nghiên cứu rõ hơn thực trạng sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan trong đánh giá các học phần thuộc chương trình Đào tạo Quản lý công nghiệp từ đó đề xuất phương án đổi mới hình thức tổ chức kiểm tra/đánh giá bằng trắc nghiệm khách quan, tác giả đã tiến hành khảo sát giảng viên thuộc các bộ môn có tiến hành giảng dạy các học phần thuộc chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp.
         
Giảng viên tham gia khảo sát đến từ các bộ môn Quản trị kinh doanh, Marketing - Kế toán, bộ môn Tin học, bộ môn ngoại ngữ, bộ môn chuẩn bị sản xuất, bộ môn chính trị, bộ môn khoa học cơ bản.
Sơ đồ 1. Đơn vị công tác của các giảng viên tham gia khảo sát
Trong thực hiện đào tạo ngành Quản lý công nghiệp,  giảng viên tham gia khảo sát được phân công giảng dạy các học phần kiến thức giáo dục đại cương, kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành, chi tiết phân công giảng dạy các học phần thuộc chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp được thể hiện như sau:
Sơ đồ 2. Phân công giảng dạy các học phần thuộc chương trình Quản lý công nghiệp
          Qua khảo sát, phần lớn giảng viên sử dụng hình thức trắc nghiệm cho kiểm tra thường xuyên (60,5%); kiểm tra bài cũ (55,63%). Chỉ có 39,5% sử dụng trắc nghiệm cho bài thi giữa học phần. Chi tiết sử dụng trắc nghiệm khách quan trong đánh giá được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:
Sơ đồ 3. Trường hợp sử dụng trắc nghiệm khách quan trong đánh giá học phần thuộc chương trình Quản lý công nghiệp
Khi tổ chức thi, kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm khách quan, giảng viên thường áp dụng chủ yếu cho các học phần Tiếng Anh (76,3%) , cơ sở ngành (55,3%), Hóa học (57,9%),  và Tin học (44,7%); khi thiết kế bài trắc nghiệm đa số giảng viên sử dụng các kiểu trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm điền từ khuyết thiếu, lựa chọn đúng-sai hoặc kết hợp các kiểu trắc nghiệm khách quan trên. Kết quả khảo sát được thể hiện ở sơ đồ 4,5:

Sơ đồ 4. Các học phần nên áp dụng hình thức trắc nghiệm trong đánh giá

Sơ đồ 5. Các kiểu trắc nghiệm thường áp dụng
          Đối với các bài kiểm tra, thi giữa học phần và thi kết thúc giảng viên thường tổ chức hình thức trắc nghiệm dưới hình thức phát đề, yêu cầu sinh viên khoanh đáp án đúng trên đề và thu lại bài (60,5%); hình thức phát đề, phiếu trả lời, nộp phiếu trả lời cho giảng viên (39,5%); việc sử dụng các phần mềm thi trắc nghiệm trong đánh giá quá trình gặp nhiều khó khăn do còn vướng về nguồn lực phục vụ cho hoạt động tổ chức thi như hệ thống máy tính kết nối mạng LAN, được cài đặt phần mềm thi trực tuyến, phải sử dụng phần mềm để tạo đề thi, cán bộ tổ chức thi phải được tập huấn; đánh giá trực tuyến trên internet thì có áp dụng nhưng không thường xuyên, không phổ biến. Kết quả khảo sát về hình thức tổ chức thi/kiểm tra trắc nghiệm được thể hiện qua sơ đồ sau:
Sơ đồ 6. Hình thức tổ chức thi/kiểm tra trắc nghiệm thường sử dụng
Theo phương pháp đánh giá thể hiện trong đề cương học phần thuộc chương trình Quản lý công nghiệp, hình thức thi 100% trắc nghiệm khách quan áp dụng cho các học phần Kỹ năng nghe, đọc, viết Tiếng anh cơ bản, Tin học đại cương (Lý thuyết), Kinh tế học. Thống kê áp dụng hình thức trắc nghiệm hoặc một phần trắc nghiệm thể hiện qua bảng sau:

Bảng 2. Hình thức thi kết thúc của một số học phần trong chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp

 
TT Học phần Hình thức thi kết thúc Cách thức  tổ chức thi trắc nghiệm Ghi chú
1 Tiếng anh cơ bản Trắc nghiệm khách quan + Vấn đáp Trên phòng lý thuyết Kỹ năng nghe, đọc, viết
2 Tiếng anh chuyên ngành Trắc nghiệm khách quan + Vấn đáp Trên phòng lý thuyết Kỹ năng nghe, đọc, viết
3 Tin học đại cương Trắc nghiệm khách quan + Thực hành trên máy Trên phòng máy, phần mềm thi trực tuyến Lý thuyết
4 Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mac Lênin1,2 Trắc nghiệm khách quan + Tự luận   50% trắc nghiệm + 50% tự luận
5 Kinh tế học Trắc nghiệm khách quan Phần mềm thi trực tuyến  
6 Tài chính học Trắc nghiệm khách quan Phần mềm thi trực tuyến Áp dụng khóa 4
7 Xuất nhập khẩu Trắc nghiệm + Tự luận Thi trên phòng lý thuyết 50% trắc nghiệm, 50% tự luận
8 Tổng quan thị trường dệt may Trắc nghiệm khách quan Phần mềm thi trực tuyến Phần 1.Tổng quan thị trường dệt may
9 Hóa học Trắc nghiệm khách quan Phần mềm thi trực tuyến  
10 Vật lý Trắc nghiệm khách quan Phần mềm thi trực tuyến  
11 Marketing căn bản Trắc nghiệm + Tự luận Phòng thi lý thuyết 30% trắc nghiệm, 70% tự luận
12 Quản trị doanh nghiệp dệt may Trắc nghiệm + Tự luận Phòng thi lý thuyết 40% trắc nghiệm, 60% tự luận
13 Vật liệu dệt may Trắc nghiệm, Tự luận Phòng thi lý thuyết  
14 Tư tưởng Hồ Chí Minh Trắc nghiệm, Tự luận Phần mềm thi trực tuyến  
15 Công nghệ sản xuất may công nghiệp Trắc nghiệm, Tự luận Thi trên lớp  
16 Hệ quản trị cơ sở dữ liệu Trắc nghiệm + Thực hành Phòng máy tính  
17 Đường lối cách mạng Trắc nghiệm, Tự luận Phần mềm thi trực tuyến  
Có thể thấy rằng, với các học phần thuộc nhóm giáo dục đại cương, có xu hướng lựa chọn hình thức trắc nghiệm khách quan (100%) cho đánh giá thi kết thúc. Một số học phần thuộc nhóm giáo dục cơ sở ngành và kiến thức bổ trợ có sử dụng trắc nghiệm trực tuyến nhưng với tỷ trọng điểm dưới 50%. Vẫn còn có nhiều học phần tổ chức thi trắc nghiệm khách quan trên giấy nên vẫn còn một số nhược điểm trao đổi bài, trao đổi đáp án, gian lận trong thi/kiểm tra, không tuân thủ thời gian. Mất thời gian chuẩn bị in đề, phát đề và chấm bài.
          Việc sử dụng trắc nghiệm để kiểm soát tự học còn khá phổ biến, hình thức kiểm soát chủ yếu là thu phiếu hoặc trả lời câu hỏi của giảng viên. Với cách thức kiểm soát tự học này thì gây mất thời gian, làm ảnh hưởng đến thời lượng tiết học. Khi sử dụng trắc nghiệm để kiểm soát phiếu, giáo viên thường tích hợp trên slide hoặc phát phiếu trắc nghiệm cho sinh viên trả lời, số lượng sinh viên được hỏi ít, số lượng câu hỏi không nhiều, hình thức câu trắc nghiệm không đa dạng. Giảng viên tốn kém trong khâu in đề, không có dữ liệu đánh giá tổng hợp toàn bộ lớp học.
Sơ đồ 7. Nhược điểm của hình thức kiểm tra trắc nghiệm trên lớp
Trong bối cảnh dịch NCovid diễn biến, nhà trường cho sinh viên nghỉ học tuần 28,29 của học kỳ 2 năm học 2019-2020 để đảm bảo phòng chống dịch bệnh. Việc dạy học của nhà trường nói riêng và của cả hệ thống giáo dục nói riêng bị ảnh hưởng. Nhà trường đã có kết luận chỉ đạo về việc tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả các học phần lý thuyết của tuần 28, tuần 29, yêu cầu giảng viên, các bộ môn nghiêm túc thực hiện giảng dạy trực tuyến và có hình thức kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Qua khảo sát, tại thời điểm này giảng viên chủ yếu sử dụng hình thức là viết tay hoặc đánh máy câu trả lời và gửi email cho giảng viên. Hình thức này bộc lộ nhiều khuyết điểm, đặc biệt  ở các lớp đông sinh viên. Giảng viên phải mất nhiều thời gian để theo dõi tổng hợp và đánh giá kết quả tự học của sinh viên; sinh viên không được biết ngay về điểm số, câu trả lời.
Sơ đồ 8. Kiểm soát tự học của sinh viên trong giai đoạn học trực tuyến phòng dịch Ncovid 19
Khi được hỏi về dự đinh đổi mới hình thức từ phát đề/phiếu trắc nghiệm trên lớp sang trắc nghiệm trực tuyến với các bài kiểm tra thường xuyên, thi giữa học phần, kiểm tra bài cũ, kiểm soát tư học, gần 80% giảng viên được hỏi sẽ thay đổi từ kiểu trắc nghiệm trên giấy sang trắc nghiệm trực tuyến. Đa số giảng viên đều nhận thức được ưu điểm vượt trội của tổ chức đánh giá trắc nghiệm khách quan trực tuyến so với kiểu truyền thống trên giấy hoặc trên phiếu trả lời trắc nghiệm. 20% giảng viên còn lại không dự định thay đổi hình thức tổ chức, bởi không phải lúc nào sinh viên cũng có thiết bị di động/máy tính kết nối internet và không phải giáo viên nào cũng biết và thành thạo cách triển khai.
Sơ đồ 9. Ưu điểm của tổ chức thi/kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến
4. Xây dựng bài trắc nghiệm trực tuyến miễn phí và tổ chức đánh giá trên Google Form
4.1. Ứng dụng Google Form
Google Biểu mẫu hay Google Form chính là một trong số các công cụ được Google phát triển. Công cụ này giúp người dùng dễ dàng lưu trữ các thông tin thu thập từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu số liệu thống kê. 
4.2. Các bước thực hiện kiểm tra trắc nghiệm trên Google Form
          Qua khảo sát giảng viên về sự cần thiết của đổi mới hình thức kiểm tra trắc nghiệm truyền thống sang trắc nghiệm trực tuyến thì đa số giảng viên trả lời là cần thiết và rất cần thiết. Khoa Kinh tế đã tổ chức thiết kế bài tập trắc nghiệm trên Google Form hoặc trên Google Classroom hoặc trên phần mềm E-learning. Đây là sự sáng tạo, cầu thị của các thầy cô giáo trong đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá. Trong phạm vi bài viết, tác giả chia sẻ về các bước thực hiện kiểm tra trắc nghiệm trên Google Form. Cụ thể như sau:
Bước 1. Chuẩn bị nội dung bài trắc nghiệm đảm bảo đạt được mục tiêu bài giảng, mục tiêu học phần
Hình 1. Chuẩn bị nội dung bài trắc nghiệm trước khi chuyển vào Google Form
Bước 2. Thiết lập bài kiểm tra trên Google Form
  1. Truy cập Google.com.vn

Hình 2. Truy cập Goog.com
2. Nhấp chuột vào biểu tượng hình vuông bên góc phải và chọn Google Form (Google biểu mẫu). Nếu chưa đăng nhập tài khoản Google thì sẽ được yêu cầu đăng nhập, thực hiện đăng nhập để truy cập vào Google Biểu mẫu (Google Form).

Hình 1. Đăng nhập Google Form
3. Nhập tiêu đề bài kiểm tra/phiếu kiểm soát, mô tả yêu cầu của bài kiểm tra/phiếu kiểm soát; nhập các phần thông tin chung bắt buộc sinh viên phải điền: Họ tên, Lớp, Phần thi,…

Hình 3. Nhập tiêu đề phiếu kiểm soát tự học và thông tin chung
4. Thiết lập câu hỏi trắc nghiệm
- Nội dung: dựa vào bản thảo đề trắc nghiệm đã chuẩn bị sẵn. Nếu nội dung câu hỏi hoặc phương án trả lời có các công thức và ký tự phức tạp thì chụp ảnh từ bản thảo và chèn ảnh vào các ô tùy chọn.
- Đáp án: tích vào đáp án đúng
- Số điểm: cho điểm từng câu hỏi, chú ý không cho điểm lẻ, có thể sử dụng thang điểm 10 hoặc thang điểm 100 cho cả bài trắc nghiệm.
- Trộn phương án: để tránh hiện tượng sinh viên báo cho nhau kết quả thì có thể chọn tính năng Trộn phương án.
- Hình thức câu hỏi trắc nghiệm: Có thể lựa chọn nhiều hình thức
+ Nhiều lựa chọn: từ trắc nghiệm nhiều sự lựa chọn, chọn từ danh sách có sẵn, hộp kiểm, lưới kiểm, tuyến tính,…
          - Chèn hình ảnh, video: có thể chèn bất kỳ hình ảnh, video nào
          - Đánh dấu bắt buộc: phải kéo thanh bắt buộc để đảm bảo sinh viên không bị xót câu trả lời khi làm bài kiểm tra.

Hình 4. Thiết lập câu hỏi trắc nghiệm trên Google Form
          5. Hoàn thiện tổng thể bài kiểm tra, thiết lập tính năng bài kiểm tra
          Vào cài đặt để thực hiện các thiết lập về một số tính năng đánh giá bài thi, công bố điểm, sinh viên được phép xem kết quả bài làm sau khi kết thúc bài làm, …

Hình 5. Hoàn thiện bài kiểm tra và tạo một số tính năng
          6. Gửi, tạo lập đường link bài kiểm tra
          Giảng viên bấm vào nút gửi phía phải mà hành và tạo liên kết, rút ngắn liên kết và sao chép đường link liên kết để gửi cho sinh viên.

Hình 5. Tạo đường link bài kiểm tra trắc nghiệm
Bước 3. Gửi đường link cho sinh viên
          Gửi đường linh cho sinh viên qua email, zalo, … và yêu cầu sinh viên làm bài. Có thể hạn chế sinh viên trong quá trình làm bài mở các ứng dụng hay trình duyệt nào khác.
Bước 4. Tổng hợp kết quả, công bố điểm
Ngay khi sinh viên làm bài xong, điểm số sẽ được tổng hợp, sinh viên biết được câu trả lời đúng, sai và biết được kết quả bài làm của mình. Giảng viên cũng có số liệu để đánh giá sinh viên, phân tích xu hướng các câu hỏi có nhiều sinh viên trả lời đúng/sai, kịp thời điều chỉnh phương pháp giảng dạy.

Hình 6. Tạo bảng tính và chiết xuất kết quả bài kiểm tra trên Google Form
5. Ưu, nhược điểm của tổ chức kiểm tra trắc nghiệm trực tuyến trên Google Form
5.1. Ưu điểm
Giúp tiết kiệm chi phí (hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ tạo các bảng câu hỏi trực tuyến, tuy nhiên bạn phải trả chi phí hoặc bị hạn chế tính năng trong việc sử dụng chúng).
Giúp tiết kiệm thời gian trong việc thiết kế bài kiểm tra (Google Forms hỗ trợ nhiều dạng câu hỏi, chèn hình ảnh công thức, ký tự, văn bản…)
 Biết kết quả ngay sau khi thực hiện bài kiểm tra. Đồng thời, có thể cho phép người thực hiện xem lại kết quả đúng/sai của từng câu.
Giúp giảng viên có kết quả tổng hợp về mức độ hoàn thành, xu hướng điểm của sinh viên;
Thể hiện độ tin cây, giá trị cao so với phương pháp truyền thống đặc biệt là khi sử dụng trên lớp; Tự động hóa và truy cập thời gian thực;
Thể hiện sự  sáng tạo, kỹ năng tin học của giảng viên; đáp ứng xu hướng đào tạo trực tuyến hiện nay;
Giảm áp lực thi, kiểm tra cho người học;
Thiết kế linh hoạt, đa dạng thuận tiện cho người học.
5.2. Nhược điểm
Ngoài các nhược điểm của phương pháp trắc nghiệm, khi triển khai đánh giá bài thi,bài kiểm tra qua Google Form còn một số nhược điểm:
Bị phụ thuộc vào thiết bị và kết nối internet;
Khi không có người giám sát, một số sinh viên thiếu ý thức có thể sử dụng tài liệu hoặc không trung thực khi làm bài;
          Một số giảng viên chưa thành thạo sử dụng ứng dụng, chưa hiểu hết ý nghĩa và lợi ích của hình thức này.
6. Đề xuất  áp dụng, kiến nghị
6.1. Đề xuất áp dụng    
Kiểm tra bài cũ: Giảng viên căn cứ vào nội dung bài giảng, thiết kế câu trả lời; lựa chọn 1 số sinh viên để cùng vào đường link trả lời bài cũ.
          Kiểm soát tự học của sinh viên: Giảng viên giao nội dung tự học, thiết kế phiếu kiểm soát và cung cấp đường link để sinh viên hoàn thành phiếu.
          Kiểm tra thường xuyên, thi giữa học phần: lựa chọn một số học phần phù hợp (tiếng anh, tin học, các học phần chính trị, khoa học cơ bản, các học phần cơ sở ngành) để áp dụng kiểm tra. Tuy nhiên, phải đảm bảo đủ thiết bị và kết nối internet cho sinh viên làm bài.
          Lấy ý kiến về mức độ tiếp thu bài: Ngay sau mỗi tiết học, giảng viên có thể thu thập thông tin về mức độ tiếp thu bài của sinh viên bằng việc vào link trả lời câu hỏi.
           Lấy ý kiến về mức độ hài lòng của sinh viên trong hoạt động giảng dạy sau từng tiết giảng, kỳ học. Với hình thức thu thập này, giảng viên kịp thời biết được cảm nhận của sinh viên, biết được các khúc mắc và đề xuất từ phía sinh viên để kịp thời điều chỉnh bài giảng, phương pháp giảng và tạo sự hứng thú cho sinh viên trong học tập.
          Để lựa chọn một nội dung nào đó mà không cần phải gặp mặt trực tiếp;
          Lấy ý kiến của doanh nghiệp về sinh viên trong thực cầu công việc, ý thức thái độ của sinh viên khi đi thực tế, thực tập
          Trung tâm thông tin thư viện lấy ý kiến của người đọc, loại sách báo mà sinh viên, giảng viên quan tâm.
6.2. Kiến nghị
Điều cần làm khi khai thác ứng dụng Google biểu mẫu cho kiểm tra trắc nghiệm:
Tuyên truyền về lợi ích của việc kiểm tra trắc nghiệm trên Google biểu mẫu;
Tập huấn về sử dụng Google biểu mẫu cho toàn bộ giảng viên có sử dụng hình thức trắc nghiệm trong đánh giá bài kiểm tra, kiểm soát tự học;
Họp nhóm chuyên môn, thống nhất cách sử dụng cho tất cả giáo viên cùng giảng dạy; tránh tình trạng sử dụng manh mún, đơn lẻ mất công bằng cho sinh viên;
Bám sát đề cương môn học, thiết kế loại câu hỏi trắc nghiệm và nội dung câu hỏi trắc nghiệm trên Word;
Đảm bảo cung cấp internet khu vực giảng đường;
Kết hợp sử dụng trắc nghiệm khách quan trên một số ứng dụng khác.
 
Tài liệu tham khảo:
https://www.giaoduc.edu.vn/cac-loai-cau-hoi-trac-nghiem.htm
Kết quả khảo sát của tác giả.
 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 173 Tổng truy cập: 30.265.362