Trang chủ

ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY HỌC PHẦN THỐNG KÊ KINH DOANH THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG Ở ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 11:07 - 17/08/2021 Lượt xem: 1.049
ThS Nguyễn Thị Giang
Khoa Kinh tế
Tóm tắt
Bài viết nghiên cứu về thực trạng phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh ở Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội. Từ đó đề xuất đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp hơn với thực trạng hiện có.

1. Đặt vấn đề
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT) có rất nhiều phần mềm dạy học thống kê như SPSS, Excel,... Đặc biệt với học phần thống kê kinh doanh thì việc sử dụng CNTT có ý nghĩa rất lớn trong quá trình học. Phần mềm Excel giúp cho các số liệu được tính toán một cách chính xác, nhanh chóng, điều đó giúp sinh viên học tập tích cực hơn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.[1]

Với học phần Thống kê kinh doanh, khi sử dụng phần mềm Excel sẽ giúp sinh viên có kỹ năng trình bày số liệu thu thập được dưới dạng bảng, biểu đồ để xem xét sự biến động của hiện tượng một cách trực quan hóa. Cùng với sự định hướng và hỗ trợ của giảng viên, sinh viên được rèn kỹ năng phân tích và dự đoán diễn biến của hiện tượng trong tương lai, kỹ năng này được đánh giá là vô cùng quan trọng với người làm công tác quản lý. Là giảng viên trực tiếp giảng dạy học phần này, vì vậy việc đổi mới phương pháp nhằm phát huy tính tích cực, chủ động và tự học của sinh viên luôn luôn được tôi xem xét là vấn đề then chốt. Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, tôi xin chia sẻ kinh nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh với chủ đề: "Đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh theo định hướng ứng dụng ở Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội".
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Thực trạng phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh
Học phần Thống kê kinh doanh giảng dạy cho sinh viên ĐHQL_K1,2,3 theo phương pháp truyền thống chưa áp dụng CNTT. Giảng viên chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn sinh viên tính toán các bảng số liệu thống kê bằng máy tính bỏ túi, vẽ đồ thị thống kê trên giấy A4 mà chưa sử dụng công cụ là phần mềm Excel. Thực trạng này dẫn đến sinh viên tính toán chậm, thiếu chính xác, không hứng thú học tập. Vì vậy, cần phải nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy học phần này vì đổi mới giúp sinh viên chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

2.2. Đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh
a. Mục tiêu đổi mới
- Rèn luyện cho sinh viên kỹ năng thu thập, xử lý, đánh giá dữ liệu thống kê, kỹ năng tư duy, sáng tạo, linh hoạt, kỹ năng hợp tác phối hợp, phân chia công việc hợp lý giữa các thành viên khi làm việc nhóm.
- Hướng dẫn sinh viên sử dụng các công cụ thống kê trong Excel.
- Phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu, củng cố kiến thức Toán học, tiếp thu, vận dụng sáng tạo kiến thức Thống kê kinh doanh, xây dựng và hình thành lối tư duy logic, phân tích, tổng hợp, xử lý số liệu.
b. Nội dung đổi mới
Phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh theo định hướng ứng dụng được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1. Xác định vấn đề cần nghiên cứu, chia nhóm
Căn cứ vào đề cương chi tiết học phần Thống kê kinh doanh giảng viên xây dựng nội dung thực tế doanh nghiệp cho sinh viên nghiên cứu theo nhóm. Nội dung là phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất lao động, thu nhập bình quân của công nhân may tại các chuyền may của Trung tâm SXDV và dự báo năng suất, thu nhập của chuyền may tháng tiếp theo. Sinh viên tự chia nhóm, bầu nhóm trưởng, thư ký.
Bước 2. Giao nội dung học tập cho sinh viên
Dựa vào vấn đề nghiên cứu, giảng viên giao cho sinh viên nội dung học tập, thực tế tại doanh nghiệp. Giảng viên lập kế hoạch nội dung thực tế của học phần và liên hệ trước nơi thực tế. Nội dung thực tế tại doanh nghiệp của các nhóm là thu thập thông tin, sắp xếp, xử lý số liệu thống kê, lập bảng thống kê, vẽ đồ thị thống kê, phân tích số liệu thống kê bằng cách vận dụng các hàm thống kê trong Excel.
Chẳng hạn, khi nghiên cứu nội dung “Thống kê về độ tuổi trong doanh nghiệp”, giảng viên sẽ yêu cầu sinh viên sử dụng kiến thức được học thu thập độ tuổi lao động tại một doanh nghiệp may và xử lý số liệu thu thập được bằng phần mềm Excel và đánh giá kết quả.
Một số số liệu giảng viên yêu cầu sinh viên thu thập tại doanh nghiệp may bao gồm:
+ Bậc thợ của từng công nhân trong chuyền may.
+ Độ tuổi của công nhân may.
+ Tình hình biến động về số lao động của chuyền may biến động trong 1 tháng (lý do biến động).
Bước 3. Yêu cầu sinh viên thực hiện nội dung
+ Bước 1: Thu thập dữ liệu thống kê
Để thực hiện bước này, sinh viên thiết kế phiếu điều tra, bảng hỏi để tiến hành thu thập số liệu thực tế phù hợp với nội dung nghiên cứu. Việc thu thập thông tin có thể được thực hiện bằng phương pháp thu thập gián tiếp hoặc phỏng vấn trực tiếp.

Mẫu phiếu điều tra
PHIẾU PHỎNG VẤN DÀNH CHO LAO ĐỘNG CHUYỀN MAY
TẠI TRUNG TÂM SXDV
Chuyền may:
Người phỏng vấn:
Công nhân được phỏng vấn:
NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP
1. Làm quen, giới thiệu mục đích, nội dung cuộc phỏng vấn
2. Nội dung các câu hỏi phỏng vấn:
Câu 1. Anh/chị làm công đoạn gì?
Câu 2. Anh/chị năm nay bao nhiêu tuổi?
.......
Xin cảm ơn sự hợp tác và sự nhiệt tình của anh/chị!
 
+ Bước 2: Xử lý số liệu thu thập được bằng phần mềm excel
Trên cơ sở bộ số liệu thu thập được ở bước 1, sinh viên nhập số liệu vào phần mềm Excel và chạy phần mềm để xử lý, tính toán các chỉ tiêu cần thiết theo nội dung yêu cầu. [2]
Ví dụ: với yêu cầu đánh giá tình hình lao động của doanh nghiệp May, sau khi nhập số liệu thu thập được và chạy phần mềm sẽ thu được kết quả như sau:

Biểu đồ 1. Biểu đồ biểu diễn độ tuổi của chuyền may 3
Hình 1. Bảng thống kê mô tả tần suất
+ Bước 3:  Đánh giá kết quả
Dựa vào kết quả ở bước 2, sinh viên nêu được ý nghĩa của các chỉ tiêu, đưa ra kết luận và khuyến nghị giải pháp phù hợp. [3]
Căn cứ vào biểu đồ 1, sinh viên có thể kết luận rằng: số lao động chuyền may 3 có độ tuổi 33 tuổi là nhiều nhất. Hoặc căn cứ vào hình 1. Bảng thống kê tần suất ở trên, người học nêu được ý nghĩa của các chỉ tiêu cụ thể như sau:
+ Giá trị trung bình: Số trung bình có ý nghĩa quan trọng trong phân tích thống kê, nêu lên đặc điểm chung nhất của độ tuổi. Độ tuổi bình quân của chuyền may 3 là 32 tuổi cho thấy DN cần chuẩn bị phương án tuyển mới, đào tạo lao động trẻ vì hiện nay các DN may rất ngại tuyển LĐ nữ ngoài 35 tuổi. Phụ nữ độ tuổi 28-32 thường nghỉ thai sản, gây gián đoạn trong công việc. Khi họ sinh con xong thì sức khỏe giảm sút, kéo theo đó là năng suất kém.
+ Mốt bằng 33 tuổi cho biết công nhân chuyền may 3 có nhiều người 33 tuổi nhất.
+ Phương sai = 59,67. Độ tuổi của chuyền may 3 có phương sai lớn cho biết công nhân của chuyền may 3 có độ tuổi không sát với độ tuổi trung bình.
+ Độ lệch chuẩn = 7,72 tương đối lớn cho biết độ biến thiên về độ tuổi của công nhân chuyền may 3 lớn.
+ Khoảng biến thiên =27 tương đối lớn cho thấy độ tuổi của chuyền may 3 không đồng đều.
Từ kết quả phân tích số liệu của Phương sai, Độ lệch chuẩn, Khoảng biến thiên  doanh nghiệp cần điều chỉnh độ tuổi của lao động, cho nghỉ sớm các công nhân lớn tuổi sức khỏe giảm sút không đảm bảo năng suất.
Dựa vào kết quả ở nội dung 2 sinh viên tiến hành phân tích số liệu thống kê. [3]
Bước 4. Báo cáo kết quả
Kết quả thực hiện nội dung học tập là một bài báo cáo được trình bày trên Power point. Việc trình bày kết quả làm việc của nhóm sẽ được giảng viên chỉ định xác suất tại buổi báo cáo.
c. Kết quả đạt được
Đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh theo định hướng ứng dụng sẽ đem lại những kết quả như sau:
- Tính chủ động của sinh viên tăng: khi sinh viên được đi thực tế tại doanh nghiệp, được trực tiếp quan sát, chủ động hơn trong việc thu thập dữ liệu thống kê phục vụ cho bài học.
- Kỹ năng sử dụng phần mềm Excel tốt hơn do sinh viên phải trình bày số liệu thu thập được lên bảng biểu, vẽ đồ thị thống kê, tính toán số liệu trên phần mềm Excel.
- Sinh viên tự tin hơn trong việc thuyết trình trước đám đông: thông qua yêu cầu sinh viên phải trình bày báo cáo kết quả thực tế doanh nghiệp bằng slide. Tất cả các thành viên trong nhóm đều có cơ hội được thuyết trình do giảng viên yêu cầu trong mỗi buổi báo cáo.
- Khả năng phản biện của sinh viên được cải thiện nhờ việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời câu hỏi phản biện của giảng viên và các nhóm.
- Tạo được bầu không khí sôi nổi trong các buổi báo cáo kết quả thực tế doanh nghiệp, có tinh thần học hỏi và tiếp thu ý kiến đóng góp của giảng viên và các nhóm trong lớp.
- Kiến thức thực tế của sinh viên được nâng cao, từ đó tạo cơ sở cho việc rút ngắn khoảng cách giữa Nhà trường và doanh nghiệp, giữa lý thuyết và thực tế.

3. Kết luận
Đổi mới phương pháp giảng dạy học phần Thống kê kinh doanh theo định hướng ứng dụng tại Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế sản xuất trong doanh nghiệp quan sát, tìm hiểu, thảo luận. Việc ứng dụng phần mềm Excel để giải quyết những vấn đề thực tế trong quá trình học ập trang bị sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp, phát huy được tiềm năng sáng tạo trong học tập cũng như công việc sau này./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trung tâm Tin học văn phòng MOS – Viện KT & TMQT, Đại học Ngoại thương, 2020, Top 5 công cụ phân tích dữ liệu tốt nhất cho doanh nghiệp. Có tại link: https://tinhocmos.edu.vn/ top-5-cong-cu-phan-tich-du-lieu-tot-nhat-cho-doanh-nghiep/  và truy cập ngày 01/08/2021.

2. Nguyễn Duy Tâm (2010), Bài giảng Thống kê kinh doanh – Thực hành Excel, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

3. Trung tâm Tin học văn phòng MOS – Viện KT & TMQT, Đại học Ngoại thương, 2020, Hướng dẫn kích hoạt, sử dụng công cụ Data Analysis trong Excel từ A-Z. Có tại link: https://tinhocmos.edu.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-cong-cu-data-analysis/  và truy cập ngày 01/08/2021.

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 296 Tổng truy cập: 33.391.153