Trang chủ

GIẢNG VIÊN BỘ MÔN QUẢN TRỊ KINH DOANH THAM GIA WORKSHOP “GIẢI MÃ HS CODE”

Ngày đăng: 02:53 - 30/10/2024 Lượt xem: 98

Ngày 26/10/2024, giảng viên Bộ môn Quản trị Kinh doanh trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tham gia buổi workshop trực tuyến với chủ đề "GIẢI MÃ HS CODE: PHƯƠNG PHÁP ÁP MÃ CHÍNH XÁC VÀ CÁCH TRÁNH RỦI RO KHI KHAI BÁO" do Trung tâm Xuất nhập khẩu Lê Ánh tổ chức.

Buổi workshop diễn ra từ 09h00 đến 11h00 sáng qua nền tảng Google Meet, đã mang đến nhiều kiến thức thực tiễn về phương pháp áp mã HS chính xác, giúp giảm thiểu rủi ro trong khai báo hải quan. Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chuyên môn mà còn hỗ trợ giảng viên trong công tác giảng dạy và hướng dẫn sinh viên.

HS Code (Harmonized System Code) là mã phân loại hàng hóa quốc tế do Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) phát triển, nhằm xác định và phân loại hàng hóa dựa trên tiêu chuẩn chung khi lưu thông giữa các quốc gia. Mã HS là dãy số từ 6 đến 10 chữ số, giúp hải quan các nước hiểu rõ hơn về sản phẩm, từ đó tính thuế và áp dụng các quy định khác nhau một cách chính xác.

1. Cấu trúc của mã HS: 6 chữ số đầu tiên: Phần chung áp dụng quốc tế, được thống nhất trong tất cả các nước tham gia hệ thống HS; 4 chữ số sau: Được từng quốc gia tự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu quản lý và chính sách riêng.

Để áp mã HS chính xác, trước tiên cần nghiên cứu kỹ sản phẩm, bao gồm các yếu tố như tính chất, mục đích sử dụng, vật liệu và quy trình sản xuất, nhằm xác định mã phù hợp nhất. Tiếp theo, có thể tra cứu trong hệ thống HS quốc tế của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến để tìm mã chính xác. Đối với các mặt hàng khó phân loại, tham khảo ý kiến từ chuyên gia hoặc nhà tư vấn hải quan là một phương pháp hiệu quả giúp đảm bảo độ chính xác. Ngoài ra, một số quốc gia cũng cung cấp hướng dẫn chi tiết cho mã HS, có thể tham khảo các tài liệu do cục hải quan quốc gia phát hành để tăng cường tính chính xác trong việc áp mã.

Việc áp dụng đúng mã HS giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý và tài chính, đồng thời đảm bảo tiến trình xuất nhập khẩu diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Để phòng tránh rủi ro khi khai báo mã HS, trước hết có thể yêu cầu nhà cung cấp xác nhận mã HS của sản phẩm, nhưng vẫn cần kiểm tra tính phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng nên lưu giữ đầy đủ hồ sơ kỹ thuật, tài liệu mô tả sản phẩm và các giấy tờ liên quan để dễ dàng giải trình khi cần thiết. Việc cập nhật mã HS mới cũng rất quan trọng, vì WCO điều chỉnh mã này mỗi 5 năm. Đồng thời, cần sử dụng mã HS cụ thể nhất để tránh sai sót khi khai báo. Cuối cùng, đội ngũ xuất nhập khẩu cần được đào tạo kỹ lưỡng về mã HS và hiểu rõ trách nhiệm pháp lý trong quá trình khai báo nhằm đảm bảo tính chính xác và giảm thiểu rủi ro pháp lý.

Buổi workshop trực tuyến đã diễn ra thành công, cung cấp cho giảng viên Bộ môn Quản trị Kinh doanh nhiều kiến thức bổ ích về cách áp mã HS chính xác và các biện pháp phòng tránh rủi ro trong khai báo. Thông qua những chia sẻ từ các chuyên gia, các giảng viên đã nâng cao khả năng quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, từ đó góp phần cải thiện chất lượng giảng dạy và hỗ trợ sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình này. Sự kiện không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn tạo nền tảng cho các hoạt động hợp tác và phát triển trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Đinh Thị Thủy, Khoa Kinh tế


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 167 Tổng truy cập: 33.391.024