Trang chủ

GIẢNG VIÊN KHOA KINH TẾ BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐI THƯC TẾ DOANH NGHIỆP NĂM HOC 2018-2019

Ngày đăng: 10:55 - 01/10/2019 Lượt xem: 1.942
Chiều ngày 27/9/2019, tại C1-305, Khoa Kinh tế trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tổ chức cho giảng viên báo cáo kết quả đi thực tế công tác quản lý sản xuất, Quản trị nhân lực và quản lý và triển khai đơn hàng tại doanh nghiệp Dệt May trong năm học 2018-2019.

Tham gia buổi báo cáo có đại diện lãnh đạo nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Hường – Phó hiệu trưởng, về phía lãnh đạo khoa Kinh tế có cô Dương Thị Tân – Phụ trách khoa Kinh tế, Thầy Tạ Văn Cánh – Phó khoa Kinh tế. Các giảng viên tham gia báo cáo kết quả  đi thực tế gồm cô Lê Thị Kim Tuyết, thầy Lưu Văn Hiếu – báo cáo mảng Quản trị nhân sự; cô Đinh Thị Thủy -  báo cáo mảng Quản lý và triển khai đơn hàng; Cô Nguyễn Thị hiền báo cáo mảng Quản lý sản xuất nhà máy sợi dệt; Cô Trần Thị Ngát báo cáo mảng quản lý sản xuất nhà máy may, cùng toàn thể các giảng viên khoa Kinh tế tham dự.

Để thực hiện các giải pháp về nâng cao chất lượng của giảng viên khối ngành Quản lý công nghiệp, tăng cường đội ngũ giảng viên - chuyên gia vừa vững về chuyên môn nghiệp vụ vừa có kinh nghiệm thực chiến tại doanh nghiệp. Trong năm học 2018-20119, Khoa Kinh tế đã cử giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh đi thực tế doanh nghiệp các mảng Quản trị nhân sự; Quản lý sản xuất; Quản lý và triển khai đơn hàng tại các doanh nghiệp Dệt May.

Đây là buổi báo cáo kết quả đi thực tế doanh nghiệp của các lượt giảng viên đi thực tế doanh nghiệp. Mục đích của buổi báo cáo là để các giảng viên thể hiện các kết quả tìm hiểu, trải nghiệm, thực hành chuyên sâu trong thời gian đi thực tế doanh nghiệp. Đồng thời, các giảng viên đi thực tế phải đề xuất vận dụng kết quả đi thực tế vào trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần đạt chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp.
 Toàn cảnh buổi báo cáo kết quả đi thực tế 

Chia sẻ với các cán bộ và giảng viên, cô Nguyễn Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng đã chỉ rõ tầm quan trọng của việc cử các giảng viên đi thực tế các vị trí công việc trong cam kết đầu ra của chương trình Đào tạo Quản lý công nghiệp. Bên cạnh việc không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy thì việc tiếp cận doanh nghiệp, thực hành chuyên sâu các nghiệp vụ, công tác quản lý tại doanh nghiệp dệt may là rất cần thiết. Giảng viên dạy các học phần chuyên ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy có ví dụ minh họa sinh động, sát thực, tạo ra một chuỗi  liên kết nhà trường – doanh nghiệp một cách chặt chẽ, hệ thống đảm bảo lý luận dẫn dắt thực hiện công việc và thực tế kiểm chứng lý luận. Từ đó, góp phần điều chỉnh nội dung giảng dạy, đổi mới phương pháp và có thêm nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, cam kết đảm bảo đầu ra đã công bố của chương trình đào tạo.
Cô Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ với học viên trước giờ báo cáo 
Cô Đinh Thị Thủy – Giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh được cử đi thực tế mảng Quản lý và triển khai đơn hàng của doanh nghiệp may hoạt động theo phương thức FOB. Sau 8,5 tháng được làm trực tiếp công việc của 1 Merchandiser tại Trung tâm kinh doanh 13 – Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, cô đã có rất nhiều kinh nghiệm trong tiếp nhận thông tin và quản lý đơn hàng từ lúc nhận đơn hàng đến lúc xuất khẩu hàng hóa và thanh lý hợp đồng. Tại buổi báo cáo, cô đã giới thiệu đặc trưng và yêu cầu của một doanh nghiệp FOB, các vị trí việc làm phân theo chức năng của 1 Merchandiser, mô tả công việc và yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất đối với một Merchandiser theo yêu cầu của doanh nghiệp trong thực tế. Tiếp đến, cô báo cáo chi tiết các quy trình, nghiệp vụ, các phát sinh và lưu ý trong thực hiện các nghiệp vụ phát triển mẫu, tính giá, đặt mua nguyên phụ liệu, theo dõi đồng bộ nguyên phụ liệu và tiến độ sản xuất, xuất hàng và thanh toán.
 
 Cô Đinh Thị Thủy chia sẻ kinh nghiệm tính giá CM sản phẩm Blazer 
Thầy TS. Lưu Văn Hiếu đại diện cho nhóm đi thực tế doanh nghiệp mảng Quản trị nhân sự báo cáo kế quả đi thực tế trong dịp nghỉ hè tại Tổng công ty May Đức Giang - CTCP. Trong thời gian tìm hiểu thực tế tại Đức Giang, nhóm giảng viên đã được lãnh đạo công ty giới thiệu quy mô, cơ cấu, mô hình sản xuất, kết quả sản xuất kinh doanh và định hướng hướng chiến lược trong 5 năm tới. Trực tiếp Thầy Hiếu và Cô  Tuyết được tiếp cận thực tế nghiệp vụ lao động tiền lương và đào tạo, phát triển nhân lực. Kết thúc thời gian đi thực tế, hai thầy cô đã có thêm thực tế trong thực hiện các hoạt động quản trị nguồn nhân lực, đánh giá được ưu và nhược điểm trong thực hiện từng nghiệp vụ và có thêm nhiều cách xử lý tình huống hay, áp dụng vào giảng dạy học phần Quản trị nhân lực trong chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp.

Cô Nguyễn Thị Hiền báo cáo kết quả đi thực tế mảng Quản lý sản xuất tại Nhà máy Sợi Yên Mỹ. Cô đã được tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất sợi, quy trình quản lý chất lượng sợi, hiểu rõ được chức năng, nhiệm vụ của từng cán bộ quản lý phòng chức năng, đội ngũ trưởng ca, công nhân công nghệ, hệ thống quản lý chất lượng, các công cụ thống kê…Với các nội dung đã tiếp cận tại một nhà máy sản xuất sợi, cô đã đề xuất vận dụng vào giảng dạy học phần Quản lý sản xuất nhà máy Sợi, Quản lý chất lượng nhà máy Sợi.

Cô Trần Thị Ngát – Phó Bộ Môn Quản trị kinh doanh đã có thời gian đi thực tế công tác quản lý sản xuất tại Trung tâm sản xuất của nhà trường ở các mảng lập kế hoạch sản xuất, tổ chức triển khai sản xuất tại các bộ phận và kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm. Qua đợt đi thực tế, cô có những đề xuất trong rút kinh nghiệm giảng dạy học phần Quản lý sản xuất và chỉnh sửa nội dung 9.1 của học phần này để đảm bảo đạt chuẩn đầu ra cho các vị trí việc làm nhân viên kế hoạch, quản đốc phân xưởng, …

Qua phần trình bày của các thầy cô giáo, Ban giám hiệu nhà trường đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm và tâm huyết của các thầy cô khi đã thực sự trải nghiệm thực tế, đúc rút kinh nghiệm, thu thập tài liệu để vận dụng vào giảng dạy, nghiên cứu khoa học và điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy, có các đề xuất hợp lý cho từng học phần do khoa đảm nhận.
     
Ban giám hiệu chỉ đạo, quán triệt các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các học phần chuyên ngành của từng chuyên ngành (Ảnh 4)
Là phụ trách khoa Kinh tế, Cô Dương Thị Tân – Phụ trách khoa Kinh tế đã đánh giá cao sự trưởng thành về chuyện môn, kỹ năng tổ chức công việc của các thầy cô giáo sau đơt đi thực tế. Khoa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường trong viêc tiếp tục lập kế hoạch bồi dưỡng giảng viên bằng hình thức cử đi thực tế doanh nghiệp. Mặc dù, tiến độ giảng dạy và nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giảng viên rất dày đặc, khó có thể bố trí đi toàn thời gian nhưng khoa Kinh tế sẽ có kế hoạch dồn tiến độ cuối kỳ 2 năm học 2019-2020 để sắp xếp ít nhất mỗi học phần có 2 giảng viên đi thực tế tại doanh nghiệp, đảm bảo các giảng viên dạy học phần chuyên ngành sẽ là chuyên gia vừa mạnh về chuyên môn vừa am hiểu về thực tế và có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp.
Cô Dương Thị Tân tiếp thu y kiến chỉ đạo và kết luận buổi báo cáo (ảnh 5)
 
 Người viết: Đinh Thủy

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 470 Tổng truy cập: 19.991.139