Sáng 15/1, Hội nghị Khoa học Toàn quốc về Dệt, May & Da Giày lần thứ 2 tổ chức tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội do câu lạc bộ khoa học dệt may da giày (Vietnam Institution Association for Textile, Apparel and Leather - VIATAL) tổ chức.
Tham dự hội nghị có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học và báo chí đưa tin. Ban điều hành gồm có 7 thành viên:
1. PGS. TS. Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt may – Da giầy & Thời trang, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Trưởng ban điều hành câu lạc bộ khoa học dệt may da giày VIATAL.
2. PGS. TS. Vũ Thị Hồng Khanh, Nguyên Viện trưởng Viện Dệt may – Da giầy & Thời trang, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – Tổng thư ký VIATAL.
3. TS. Nguyễn Văn Thông, Nguyên Viện trưởng Viện Dệt May – Phó ban điều hành VIATAL.
4. TS. Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội – Phó ban điều hành VIATAL.
5. TS. Nguyễn Hải Trung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da – Giầy – Phó ban điều hành VIATAL.
6. PGS. TS. Bùi Mai Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt May – Trường ĐH Bách khoa TP HCM – Thành viên Ban điều hành VIATAL.
7. TS. Nguyễn Sỹ Phương, Giám đốc CTCP Viện nghiên cứu Dệt May – Thành viên Ban điều hành VIATAL.
Ảnh 1. Ban điều hành cùng với đại diện các đơn vị tham gia hội thảo
Mở đầu hội thảo PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng với lợi thế của một quốc gia sản xuất dệt may, da giầy hàng đầu thế giới, Việt Nam đang đứng trước “cơ hội rất lớn” khi các hiệp định tự do thương mại, bao gồm Hiệp định xuyên Thái Bình Dương CPTPP và hiệp định EVFTA ký với Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu có hiệu lực.
Ảnh 2. PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó HT trường ĐHBK- Hà Nội
Có 12 bài báo khoa học được trình bày tại 3 phân ban riêng biệt, bao gồm: Phân ban Vật liệu và công nghệ xử lý hóa học dệt may da giầy; phân ban Công nghệ dệt; phân ban Công nghệ may và Thời trang.
Tại phân ban Công nghệ may và Thời trang có 4 tham luận khoa học, trong đó có tham luận về tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu hàng dệt may Việt Nam trong bối cảnh hiện nay do TS Đậu Xuân Đạt, giảng viên khoa Kinh tế báo cáo.
Ảnh 3. TS Đậu Xuân Đạt báo cáo
Tác giả đã trình bày kết quả phân tích và đánh giá thực trạng mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu hàng dệt may của Việt Nam trong thời gian qua dựa trên phương pháp thu thập, xử lý dữ liệu thứ cấp. Đề xuất giải pháp tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu hàng dệt may của Việt Nam trong thời gian tới. Hiện nay, mặc dù Việt Nam đã tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới
như EVFTA, CPTPP nhưng các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn từ Covid-19, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, một số kết quả nghiên cứu sẽ có giá trị tham khảo tốt cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút được nhiều câu hỏi tham luận và trình bày sôi nổi, kết thúc buổi hội thảo, PGS Vũ Thị Hồng Khanh, tổng thư ký VIATAL đã công bố chính thức hội nghị toàn quốc về dệt may và da giày lần thứ 3 sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội vào năm 2022.
Ảnh 4. PGS Vũ Thị Hồng Khanh, tổng thư ký VIATAL
Tác giả: TS. Tạ Văn Cánh