Trang chủ

GIẢNG VIÊN KHOA KINH TẾ THAM GIA HỌC TẬP CHUYÊN ĐỀ “QUẢN TRỊ NHÂN SỰ”

Ngày đăng: 02:27 - 06/12/2021 Lượt xem: 589
          Ngày 04/12/2021, 05 giảng viên khoa Kinh tế tham gia học tập chuyên đề “Quản trị nhân sự” thuộc chương trình đào tạo nội bộ trực tuyến nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp trung của Tập Đoàn Dệt May Việt Nam do bà Phạm Thị Kim Ngọc - Đại học Bách Khoa Hà Nội và bà Trần Thị Thu Thảo - trưởng ban quản lý nguồn nhân lực Vinatex trình bày.

          Phần thứ nhất “Quản trị nguồn nhân lực” bao gồm 3 nội dung: thiết kế công việc; đào tạo, huấn luyện, kèm cặp nhân viên; đánh giá thực hiện công việc do bà Phạm Thị Kim Ngọc - Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày.
  
Hình 1. Bà Phạm Thị Kim Ngọc - Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày
Nội dung trình bày rất hữu ích đối với các cán bộ quản lý cấp trung của Tập đoàn, gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp trong công tác quản trị nguồn nhân lực.
 
Hình 2. Kết cấu nội dung trình bày tại phần thứ nhất
 Nội dung thiết kế công việc sẽ giúp các nhà quản lý trả lời 4 câu hỏi: các hoạt động diễn ra như thế nào? các hành vi của con người như thế nào? các công cụ hỗ trợ thực hiện công việc là gì? bối cảnh/ điều kiện thực hiện công việc đó như thế nào? Với quy trình thiết kế công việc bao gồm 3 bước: bước 1_Xác lập mục tiêu của đơn vị; bước 2_Xây dựng quy trình và xác lập các công việc; bước 3_Lập thông tin công việc. Trong đó, lập thông tin công việc phân tích công việc được nhấn mạnh với bản mô tả công việc, tiêu chí hoàn thành công việc, tiêu chí năng lực của công việc.

Nội dung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp nhà quản lý chủ động tránh mắc phải một số nguyên nhân trong quản lý như: doanh nghiệp chỉ chú trọng vào những công tác ngắn hạn mà không coi trọng kế hoạch dài hạn; nhu cầu đào tạo và phát triển không được phân tích kỹ lưỡng; việc đánh giá công tác đào tạo bị bỏ qua hoặc chỉ chú trọng vào sự hài lòng của người lao động mà không quan tâm đến sự cải thiện trong chất lượng công việc;…Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp là trách nhiệm chung của: lãnh đạo cấp cao, phòng quản trị nguồn nhân lực và đào tạo, lãnh đạo trực tiếp và nhân viên.
  
Hình 3. Trách nhiệm chia sẻ trong đào tạo và phát triển NNL doanh nghiệp
Nội dung đánh giá thực hiện công việc khi thực hiện công bằng, khách quan với tiêu chí rõ ràng, khoa học từ nhà quản lý sẽ giúp nhân viên có cơ hội học hỏi, phát triển nghề nghiệp; nhận được sự đối xử công bằng từ cấp trên, doanh nghiệp; được cấp trên, doanh nghiệp công nhận năng lực và sự đóng góp.

Trong mỗi nội dung, học viên được kết nối, giao lưu, trao đổi bằng các câu hỏi trực tuyến từ liên hệ thực tiễn tại các doanh nghiệp.

Phần thứ hai “Hướng dẫn đánh giá giá trị công việc theo phương pháp HAY VALUE bao gồm 2 nội dung: quy trình đánh giá giá trị công việc theo phương pháp HAY VALUE; hướng dẫn cụ thể đánh giá một số công việc tại nhà máy sản xuất May, Sợi do bà Trần Thị Thu Thảo - Trưởng ban quản lý nguồn nhân lực Vinatex trình bày.
  
Hình 4. Bà Trần Thị Thu Thảo - Trưởng ban quản lý nguồn nhân lực Vinatex trình bày
Quy trình đánh giá giá trị công việc theo phương pháp HAY VALUE bao gồm 5 bước: bước 1_Phân loại công việc, chức danh, lao động; bước 2_ Xác định thang điểm tiêu chuẩn cho công việc; bước 3_ Lập sơ đồ vị trí công việc; bước 4_ Viết mô tả công việc; bước 5_ Đánh giá giá trị công việc thang điểm chuẩn.
  
Hình 5. Quy trình đánh giá giá trị công việc theo phương pháp HAY VALUE
Dựa trên 3 cơ sở chủ đạo để đánh giá: bản mô tả công việc; bảng phân loại công việc, lao động và thang điểm, bài trình bày đã có hướng dẫn cụ thể được áp dụng đánh giá một số công việc tại nhà máy sản xuất May và nhà máy sản xuất Sợi. Nội dung trình bày rất hữu ích đối với các cán bộ quản lý cấp trung của Tập đoàn, gắn liền với thực tiễn doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may.
  
Hình 6. Minh họa hướng dẫn sử dụng đánh giá giá trị công việc theo HAY VALUE
Kết thúc buổi đào tạo chuyên đề “quản trị nhân sự”, bà Trần Thị Thu Thảo - trưởng ban quản lý nguồn nhân lực Vinatex đã chia sẻ mục tiêu, ý nghĩa của công tác quản trị nguồn nhân lực doanh nghiệp trong góp phần hình thành tư duy hệ thống đối với quản lý cấp trung và ứng dụng trong thực tiễn tại doanh nghiệp. Đặc biệt, với nội dung đánh giá giá trị công việc sẽ giúp cho các cán bộ quản lý cấp trung sẽ xác định điểm yếu, điểm thiếu về nguồn nhân lực đang quản lý để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển; đồng thời, tránh lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực. Như vậy, chuyên đề sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp, phù hợp với chiến lược phát triển của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.
 
Tác giả: Lê Thị Kim Tuyết - Khoa Kinh tế
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 160 Tổng truy cập: 30.271.322