Trang chủ

Giảng viên khoa Kinh tế tham gia hội thảo với chủ đề "Kiểm định chất lượng xuất nhập khẩu ngành dệt may và may mặc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á"

Ngày đăng: 03:58 - 26/09/2022 Lượt xem: 422
          Ngày 22/9/2022, giảng viên khoa Kinh tế đã tham gia chương trình hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với chủ đề "Kiểm định chất lượng xuất nhập khẩu ngành dệt may và may mặc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á" được tổ chức bởi Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với HQTS Việt Nam.

          Hiện nay Trung Quốc là một trong những nguồn cung cấp lớn nhất về vải vóc, nguyên phụ liệu, thuốc nhuộm… cho ngành dệt may và may mặc tại khu vực châu Á. Tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp trong nước có quan hệ giao thương và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Đồng thời, thị trường Đông Nam Á cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành may mặc Việt Nam. Do đó, việc lựa chọn nhà cung ứng nguyên phụ liệu phù hợp và đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu là cực kỳ quan trọng, góp phần đáng kể vào sự thành công của doanh nghiệp. 

Hình 1. Các diễn giả tham gia Hội thảo
          Dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, thuế thương mại Mỹ và áp lực kinh tế khiến cho các doanh nghiệp gặp không ít thách thức, trong đó bao gồm: (1) Thiếu hụt nguồn cung; (2) Quy mô sản xuất giảm; (3) Chuyên môn về sản phẩm và kỹ thuật giảm. Do đó, doanh nghiệp cần lưu ý để lựa chọn cách thức phù hợp đảm bảo hoạt động kinh doanh. Thống kê kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam từ 2017 đến hết 6 tháng đầu năm 2022 cho chúng ta thấy sự tác động rõ rệt của các yếu tố nêu trên.
Hình 2. Kim ngạch XNK hàng dệt may Việt Nam các năm (tỷ USD)
         
Hình 3. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam theo thị trường_Ảnh chụp màn hình
Mục tiêu và định hướng phát triển thời gian tới:
- Năm 2022 mục tiêu xuất khẩu 43-43,5 tỷ USD
- Dự thảo "Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035" nêu rõ: ngành dệt may tiếp tục có cơ hội phát triển tương đối nhanh. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 (năm 2030 dự kiến 68-70 tỷ USD) và từ 2%-3% giai đoạn từ 2031 đến 2035.

- Từ nay đến 2030 chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn.

- Từ 2030 đến 2035 phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.

Hình 4. Mô hình phát triển bền vững_Ảnh chụp màn hình
          Chương trình hội thảo đã cung cấp những thông tin hữu ích và giá trị về quản lý chất lượng, và thông tin cập nhật về các xu hướng và quy định chất lượng của ngành dệt may và may mặc trong và ngoài nước. Với các nội dung nêu trên đã cung cấp thông tin hữu ích cho giảng viên khoa Kinh tế, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội cập nhật vào các bài giảng và có định hướng tốt hơn trong hoạt động nghiên cứu khoa học thời gian tới.
Tác giả: Lý Thu Cúc
                                                            BM Kế toán – Marketing, khoa Kinh tế

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 216 Tổng truy cập: 31.861.968