Trang chủ

GV KHOA KINH TẾ THAM DỰ HỘI THẢO “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO VÀ THỰC HÀNH NGHỀ NGHIỆP CHO SV NGÀNH TMĐT”

Ngày đăng: 08:43 - 24/09/2024 Lượt xem: 128

Với lợi thế là thành viên mạng lưới các trường đại học đào tạo ngành Thương mại điện tử thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội luôn nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh kết nối với các thành viên trong mạng lưới để có thể đem đến cho các em sinh viên chương trình đào tạo cập nhật nhất, thực tiễn nhất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.

Ngày 20 tháng 9 năm 2024, tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, giảng viên khoa Kinh tế đã tham dự hội thảo “Nâng cao chất lượng ngày đào tạo và thực hành nghề nghiệp cho sinh viên ngành thương mại điện tử” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức.

Ảnh 1. Giảng viên khoa Kinh tế tham dự hội thảo

Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham dự của hơn 300 giảng viên từ hơn 40 trường đại học tại Hà Nội và các chuyên gia đến từ những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số.

Ảnh 2. Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của TS. Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS), Bộ Công Thương; ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam; PGS. TS. Lê Thái Phong, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương; cùng các đại biểu đến từ Cục TMĐT và KTS, Hiệp hội TMĐT Việt Nam, trường Đại học Ngoại thương và gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học, cao đẳng toàn quốc.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục TMĐT và KTS (iDEA) cho rằng, trong nhiều năm qua, nguồn nhân lực cho TMĐT, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn là vấn đề lớn gây cản trở cho quá trình phát triển TMĐT tại Việt Nam. Bà Oanh cũng cho biết “Theo Báo cáo đào tạo TMĐT hợp tác và kết nối của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, năm 2023, không tính tới các trường đã đào tạo ngành thương mại điện tử, có 89 trong tổng số 238 trường đại học không thuộc khối an ninh - quốc phòng và đặc thù (chiếm 37% số trường tham gia khảo sát) đã đào tạo học phần thương mại điện tử. Tổng số sinh viên ngành TMĐT năm học 2023 gấp 2,5 lần so với năm học 2020, sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT năm học 2021 là 880, năm 2022 là 1.196 và năm 2023 là 1.327 sinh viên.  Xu hướng rõ ràng nhất là điểm chuẩn vào ngành thương mại điện tử ngày càng tăng. Theo thống kê, 62% trường có điểm chuẩn tăng dần, 20% không đổi và 18% chưa rõ xu hướng tăng hay giảm điều đó chứng tỏ TMĐT dần khẳng định được vai trò quan trọng và đào tạo về TMĐT ngày càng được quan tâm”

Ảnh 3. TS Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Hội thảo tiếp tục với những chia sẻ hấp dẫn và giàu tâm huyết đến từ các chuyên gia của các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử:

STT

Chuyên gia

Vị trí công tác

Nội dung chia sẻ

1

Ông Nguyễn Thanh Hưng

Hội đồng tư vấn cấp cao về TMĐT của
VECOM

Tổng quan về phát triển TMĐT và những
vấn đề lớn đặt ra trong thời gian tới

1

Bà Nguyễn Lê Ly Na

Quản lý bộ phận Seller Engarement - Shopee Việt Nam

Mô hình Marketplace B2C thúc đẩy kinh doanh trong nước và xuất khẩu trực tuyến cho doanh nghiệp SME

2

Bà Lê Thị Dung

Chief Marketing Officer Sapo

Xu hướng Ứng dụng Omnichannel & Social Commerce trong doanh nghiệp

3

Ông Dũng Trần

Phó Giám đốc khối Publisher ACCESSTRADE

Những mô hình tiếp thị số mới đang thịnh hành: Affiliate Marketing và KOL Marketing

4

Ông Nguyễn Văn Tiệp

Giám đốc Trung tâm ứng dụng AI lãnh đạo
Minh Triết - Viện Kinh tế xanh

Xu hướng phát triển và những định hướng
việc làm mới trong ngành AI

 Với những kinh nghiệm phong phú và thực chiến, các chuyên gia đã đưa ra những xu hướng, góc nhìn thực tế từ phía doanh nghiệp trong việc hợp tác với các trường đại học và tư vấn thực hành nghề nghiệp cho sinh viên. Những xu hướng kinh doanh mới cũng được các chuyên gia trình bày và phân tích như: bán hàng đa kênh, trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch, tiếp thị liên kết, xu hướng AI toàn cầu... Thêm vào đó, bà Ly Na - đại diện Shopee đã cung cấp cổng thông tin nghề nghiệp có những cơ hội việc làm và thực tập quý báu cho sinh viên ngành Thương mại điện tử có thể thực hành và nâng cao kỹ năng làm việc thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Ảnh 4. Các diễn giả trình bày

 Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia và các giảng viên trao đổi, chia sẻ những cách làm tại các trường đại học để gắn thực tiễn vào trong quá trình đào tạo sinh viên, cập nhật xu hướng vào giáo trình đào tạo thông qua 2 phiên tọa đàm với các khách mời chuyên gia. Từ đó, mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học để nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm mục đích cung cấp nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao cho nền kinh tế số trong tương lai.

Ảnh 5. Phiên tọa đàm 1

Ảnh 6. Phiên tọa đàm 2

Cuối cùng, ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam đã có những chia sẻ về kế hoạch hoạt động của VECOMNET trong năm 2024 để nhằm mục đích gắn kết các thành viên và phát triển hơn nữa mạng lưới các trường đào tạo thương mại điện tử như: Tập huấn giảng viên; Chuỗi Unitour 2024; Cuộc thi Sinh viên Kinh doanh số 2024; Hỗ trợ hoạt động của Liên minh các CLB sinh viên Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Ảnh 7. Ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT Việt Nam

Sau khi tham dự hội thảo, các giảng viên Khoa Kinh tế của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã thu về nhiều kinh nghiệm quý báu. Các kiến thức được chia sẻ tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để nhà trường cập nhật, cải tiến chương trình đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, nhằm giúp sinh viên ngành thương mại điện tử của trường có thể tự tin bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh.

Lê Thị Thuận – Khoa Kinh tế


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 273 Tổng truy cập: 33.391.004