Trang chủ

“Hoạt động World Cafe” trong tổ chức thảo luận nhóm

Ngày đăng: 01:53 - 27/09/2019 Lượt xem: 2.049
Ths.Trần Thị Ngát –Khoa Kinh tế
Phương pháp dạy học tích cực là phương pháp mà ở đó, giảng viên là người đưa ra những gợi mở cho một vấn đề và cùng Sinh viên bàn luận, tìm ra mấu chốt vấn đề cũng như những vấn đề liên quan. Phương pháp này lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của sinh viên làm nền tảng, giảng viên chỉ là người dẫn dắt và gợi mở vấn đề [1]

 Đối với phương pháp dạy học tích cực thường tập trung vào làm việc nhóm và vấn đề được đặt ra:” Tổ chức làm việc nhóm như thế nào cho hiệu quả, khuyến khích được sự chủ động tham gia của các thành viên trong nhóm”. Để góp phần giải quyết vấn đề trên, tôi xin chia sẻ với các bạn kỹ thuật tổ chức thảo luận nhóm mang tên”Hoạt động World Cafe”.

HOẠT ĐỘNG WORLD CAFE
1. Tóm tắt hoạt động World Cafe
Đây là một phương pháp áp dụng kỹ thuật lắng nghe và đưa ra ý kiến. Trong hoạt động này, Thế giới Cafe được sử dụng để khám phá những ý kiến khác nhau cho nội dung bài học. Phòng học sẽ được sắp xếp như một quán cafe với các nhóm học viên ngồi ở những bàn khác nhau. Các nhóm có thể cùng tìm hiểu về một nội dung hoặc tìm hiểu các nội dung khác nhau. Sinh viên sẽ ghé thăm từng bàn và đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện nội dung giảng viên yêu cầu. Chủ tiệm của mỗi tiệm Cafe sẽ ghi chép lại những ý kiến đóng góp của khách hàng và thuyết trình lại cho cả nhóm.

2. Chuẩn bị công cụ, dụng cụ, thiết bị đồ dùng dạy học

          Giảng viên: Kết thúc buổi học hôm trước giảng viên chia nhóm sinh viên; giao nội dung tìm hiểu; yêu cầu nhóm chuẩn bị dụng cụ cần thiết.
          Sinh viên: Mỗi nhóm chuẩn bị 10 phiếu màu xanh ; 2 phiếu màu vàng/1SV; 1 tờ A0, 1 tập giấp nhớ, 2 bút dạ.

3. Điều kiện áp dụng
- Có thể áp dụng với lớp có số lượng sinh viên đông.
- Nội dung thảo luận: Có thể giống nhau hoặc khác nhau giữa các nhóm.
- Giảng viên: Giảng viên phải có khả năng bao quát và xử lý tình huống nhanh nhạy khi các nhóm không thống nhất được quan điểm.
- Sinh viên: Chủ động tìm hiểu trước các nội dung giảng viên giao về nhà.
- Thời gian thảo luận: Tối thiểu 1 tiết.

4. Quy trình thực hiện trên lớp
Bước 1. Nhắc lại nhiệm vụ, yêu cầu và phổ biến tiêu chí đánh giá
STT Tiêu chí Điểm Ghi chú
1 Nội dung 5  
2 Trình bày 1  
3 Phản biện/ đặt câu hỏi 2 Lấy từ việc quy số tiền các thành viên của nhóm được các chủ tiệm khác trả tiền ra điểm ( Cách quy do giảng viên quy định)
4 Trả lời câu hỏi 2 Lấy từ việc quy số tiền chủ tiệm được các thành viên nhóm  khác trả tiền ra điểm ( Cách quy do giảng viên quy định)
5 Tổng điểm 10  

Bước 1. Hướng dẫn ban đầu
- Mỗi nhóm cử ra 1 chủ tiệm cafe.
- Các nhóm đặt tên cho tiệm cafe của mình.
- Mỗi  chủ tiệm  có 10 phiếu màu xanh/chủ tiệm; mỗi sinh viên có 2 phiếu  màu vàng/sinh viên.
- Chủ tiệm ghi tên tiệm cafe của nhóm; sinh viên kí tên mình vào phiếu nhận được. Khi đó, các phiếu được ngầm hiểu là tiền của chủ tiệm và thành viên.
- Khi đến thời gian đi tham quan và góp ý:
+ Chủ tiệm cafe ở lại tiếp khách: Ghi lại ý kiến của khách vào giấy nhớ và dán vào nội dung góp ý; giải thích những câu hỏi của khách hàng. Chủ tiệm cafe có thể trả cho khách hàng tối đa 5USD/khách, tuỳ thuộc vào mức độ khách hàng đóng góp ý kiến cho nội dung thảo luận của tiệm mình.
+ Các thành viên của các nhóm đi tham quan các tiệm cafe khác bất kì, tìm hiểu và góp ý. Mỗi thành viên/khách hàng có thể trả tiền cho chủ tiệm mỗi cửa hàng tối đa là 5USD cho những giá trị kiến thức mà họ mang lại cho bạn.

Bước 2. Trình bày nội dung thảo luận vào giấy A0
 - Nếu thời gian thảo luận ngắn (1 tiết) thì giảng viên yêu cầu sinh viên trình bày nội dung thảo luận vào giấy A0 trước khi đến lớp.
- Nếu thời gian tổ chức thảo luận lớn hơn 1 tiết thì giảng viên cho các nhóm thời gian để thảo luận, thống nhất ý kiến và ghi kết quả vào giấy A0.

Bước 3. Tham quan và đóng góp ý kiến
Thành viên của các nhóm có thể đến thăm quan tiệm Cafe bất kì. Trong quá trình đi tham quan:
-  Nếu khách hàng thấy nội dung của tiệm thiếu hoặc không chính xác thì đóng góp ý kiến bằng cách viết vào giấy nhớ và dán vào nội dung thảo luận đồng thời trao đổi với chủ tiệm về ý kiến của mình. Chủ tiệm thấy ý kiến đóng góp của khách hàng đúng thì ghi cụ thể số tiền mình trả cho khách vào giâý màu xanh (tối đa là 5USD) tuỳ thuộc vào mức độ đóng góp của khách hàng.
- Nếu khách hàng chưa rõ về nội dung nào đó của tiệm thì khách hàng có thể phát vấn chủ tiệm. Nếu những giải thích của chủ tiệm mang lại giá trị cho khách hàng thì khách hàng ghi cụ thể số tiền mình trả cho chủ tiệm vào giấy màu vàng (tối đan là 5USD) tuỳ thuộc vào giá trị mà tiệm đó mang lại cho khách hàng.

Bước 4. Chủ tiệm Cafe truyền đạt cho cả nhóm những góp ý của khách hàng
Chủ tiệm Cafe tổng hợp và giải thích những ý kiến đóng góp của khách hàng cho cả nhóm.

Bước 5. Tổng kết, đánh giá hoạt động của các nhóm
Giảng viên nhận xét, đánh giá quá trình thảo luận, nhấn mạnh nội dung chính mà sinh viên cần lưu ý.

5. Tổ chức thực nghiệm và đánh giá hiệu quả.
Tôi đã tiến hành tổ chức thực nghiệm ở các lớp như sau:
TT Học phần Bài học Lớp Giờ
1 Quản lý chất lượng may công nghiệp Xây dựng quy trình kiểm tra chất lượng áo sơ mi nam cơ bản D-QLCLMayCN.9_LT Lý thuyết
2 Tổ chức lao động khoa học Khảo sát thời gian D-TCLĐKhoc.1_LT Bài tập
3 Quản lý chất lượng sản phẩm Biểu đồ nhân quả CĐM4 – K13 Bài tập
4 Tuần chính trị đầu khoá Kỹ năng tư duy sáng tạo ĐHM5-6. K4 Lý thuyết
Hiệu quả áp dụng “hoạt động World Cafe
Trước kia,  tôi thường tổ chức thảo luận nhóm theo phương pháp:
- Bước 1: Hình thành nhóm
- Bước 2 : Giao nhiệm vụ, yêu cầu, phổ biến tiêu chí đánh giá thảo luận nhóm
- Bước 3 : Thảo luận và trình bày kết quả thảo luận
- Bước 4 : Tổng kết, đánh giá hoạt động của các nhóm
Tuy nhiên, qua quá trình giảng dạy và quan sát,  tôi nhận thấy hình thức thảo luận nhóm như trên trở thành một mô típ của hầu hết các giảng viên tạo nên sự nhàm chán, sinh viên ít hứng thú tham gia. Đặc biệt với lớp có số lượng sinh viên đông, thì việc tổ chức thảo luận nhóm rất khó kiểm soát, mất nhiều thời gian, hiệu quả mang lại không cao. Chỉ một số ít sinh viên trong mỗi nhóm tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến, số còn lại thì ngồi chơi hoặc làm việc riêng hoặc không có ý kiến.
Vì vậy, tôi tự đặt câu hỏi tổ chức hoạt động làm việc nhóm như thế nào để tất cả các thành viên trong nhóm hào hứng tham gia, để kết quả thảo luận nhóm đúng nghĩa là kết quả của một nhóm chứ không phải của một số ít cá nhân trong nhóm?”. Cuối cùng, tôi đã nghĩ ra cách thức tổ chức thảo luận nhóm dưới hình thức “hoạt động World Cafe” tạo ra kịch tính trong quá trình thảo luận. Cách tổ chức thảo luận nhóm này, tôi cải tiến từ cách tổ chức thảo luận nhóm thông thường.
Sau khi thử nghiệm tổ chức thảo luận theo phương pháp mới này tôi nhận thấy: hoạt động World Cafe có thể khắc phục được hầu hết nhược điểm của hình thức tổ chức thảo luận nhóm thông thường.
Sinh viên không những chủ động tìm hiểu nội dung giảng viên yêu cầu. Chủ động  tìm hiểu sâu, kỹ để ngày hôm sau khi giảng viên tổ chức tham quan, đóng góp ý kiến (bước 3) các bạn sinh viên hào hứng nhận xét, góp ý, bổ sung …để được chủ tiệm trả tiền cho mình. Do đó, buổi thảo luận hết sức sôi nổi, huy động ý kiến của mọi thành viên.
Ngược lại, chủ tiệm vận dụng tất cả các kỹ năng được học từ kỹ năng gây sự chú ý đến kỹ năng chuyên môn để thu hút khách hàng đến tham quan tiệm mình. Vận dụng sự hiểu biết của mình để phân tích, giải thích, giải đáp nhằm thoả mãn nhu cầu của khách hàng và được khách hàng trả tiền.
Thông qua hoạt động này, giúp Sinh viên ghi nhớ kiến thức một cách tự nhiên, hiểu bản chất vấn đề đồng thời góp phần rèn kỹ năng mềm cho sinh viên rất hiệu quả.

6. Bài học rút ra.
          - Đối với nội dung: Giang viên nên tổ chức “Hoạt động World cafe” sẽ rất hiệu quả đối với những nội dung thảo luận mang tính mở;
          - Không gian lớp học: Vì hoạt động có sự di chuyển nên tổ chức ở những lớp rộng;
          - Số lượng sinh viên/lớp: Sĩ số sinh viên nên nhỏ hơn hoặc bẳng 60 sinh viên;
          - Đối với giảng viên: Giảng viên phải là người có khả năng bao quát lớp tốt, có kiến thức sâu, nhiều kinh nghiệm  trong nội dung thảo luận để giải đáp những ý kiến đa chiều của sinh viên.
          - Chủ tiệm cafe: Nhóm nên chọn chủ tiệm cà phê phải là người có năng lực đối với nội dung thảo luận đề giải đáp câu hỏi của khách hàng và phản hồi lại ý kiến khi khách hàng góp ý đúng, sai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]  Nguyễn Bá Quý. Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, https://www.slideshare.net/100003687951442/mt-s-phng-php-v-k-thut-dy-hc-tch-cc?next_slideshow=1

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 54 Tổng truy cập: 18.625.926