Trang chủ

HỘI ĐỒNG DUYỆT ĐỀ XUẤT ĐỀ TÀI NCKH CẤP TRƯỜNG NĂM HỌC 2024-2025

Ngày đăng: 03:50 - 04/11/2024 Lượt xem: 91

Ngày 01/11/2024, tại phòng khách 2 đã diễn ra cuộc họp đánh giá đề xuất nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2024 – 2025 do ThS. Nguyễn Thị Giang là chủ nhiệm đề tài

Ảnh 1. Toàn cảnh hội đồng duyệt đề xuất đề tài NCKH cấp trường

Hội đồng duyệt đề xuất đề tài NCKH cấp trường gồm 5 thành viên:

1. TS. Nguyễn Văn Đức, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch hội đồng

2. ThS. Nguyễn Đắc Hậu, Phó Giám đốc TT SXDV, Ủy viên

3. TS. Nguyễn Thị Hường, Phó Trưởng khoa CNM, Ủy viên

4. ThS. NCS. Đinh Thị Thủy, Phó Trưởng khoa KT, Ủy viên

5. ThS. Nguyễn Thị Ngân Hà, Phó Trưởng Bộ môn khoa KT, Thư ký

Ảnh 2. ThS. Nguyễn Thị Giang chủ nhiệm đề tài trình bày đề xuất

 Trong phần trình bày đề xuất đề tài nghiên cứu, ThS. Nguyễn Thị Giang nhấn mạnh rằng Trung tâm Sản xuất Dịch vụ của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong việc kết hợp giữa giáo dục và sản xuất thực tiễn trong ngành dệt may và thời trang. Trung tâm được thành lập với mục tiêu không chỉ cung cấp các dịch vụ sản xuất chất lượng cao mà còn là nơi để sinh viên thực hành và áp dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn. Nhưng hiện nay, Trung tâm SXDV đang gặp nhiều thách thức lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh thị trường biến động. Những yếu tố gây cản trở năng suất lao động tại trung tâm bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao, quy trình sản xuất chưa được tối ưu hóa, và hạn chế trong năng lực quản trị của đội ngũ tổ trưởng.

Thêm vào đó, trung tâm đang đối mặt với tình trạng nghỉ việc và chuyển việc ngày càng phổ biến, làm tăng sự biến động trong lực lượng lao động và dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng cần thiết. Các yếu tố như mức lương chưa cạnh tranh, môi trường làm việc chưa thu hút và thiếu cơ hội phát triển nghề nghiệp đã gây khó khăn trong việc giữ chân lao động, làm cho nhu cầu cần phải có những giải pháp nhằm thu hút và giữ chân lao động trực tiếp càng trở nên cấp thiết.

Những giải pháp nhằm thu hút và giữ chân lao động trực tiếp tại Trung tâm sản xuất dịch vụ, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội sẽ là bước tiến quan trọng để hỗ trợ trung tâm duy trì năng suất và ổn định nhân lực trong dài hạn.

Sau khi lắng nghe phần trình bày của ThS. Nguyễn Thị Giang, các phản biện và thành viên trong Hội đồng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện đề xuất, bao gồm việc điều chỉnh tên đề tài, làm rõ tính cấp thiết, mục tiêu, nội dung nghiên cứu và sản phẩm nghiên cứu dự kiến.

 

 Ảnh 3. TS Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội đồng kết luận

Kết thúc buổi họp, TS. Nguyễn Văn Đức- Chủ tịch hội đồng kết luận đồng ý thông qua đề xuất đề tài của ThS. Nguyễn Thị Giang và kết luận một số nội dung cần chỉnh sửa để đề tài đạt được mục tiêu đề ra

Đề tài "Giải pháp nhằm thu hút và giữ chân lao động trực tiếp tại Trung tâm Sản xuất Dịch vụ, Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội" thể hiện tính cấp thiết và sự phù hợp với thực tiễn của Trung tâm SXDV trong bối cảnh thị trường lao động ngành dệt may biến động mạnh. Đề tài tập trung vào đánh giá hiện trạng nguồn nhân lực tại Trung tâm SXDV và phân tích các yếu tố tác động đến quyết định của lao động trong việc lựa chọn và gắn bó với Trung tâm SXDV, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm gia tăng sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh trong công tác tuyển dụng, cũng như duy trì đội ngũ nhân lực có tay nghề cao. Những đóng góp từ nghiên cứu này không chỉ giúp ổn định nguồn lao động của Trung tâm mà còn hỗ trợ nâng cao hiệu suất và chất lượng sản xuất trong dài hạn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của ngành.

  Bích Ngọc– Khoa Kinh tế


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 200 Tổng truy cập: 33.391.057