Trang chủ

Hội thảo: Đổi mới sáng tạo - cầu nối giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước

Ngày đăng: 08:32 - 08/03/2019 Lượt xem: 877
Sáng ngày 7/3/2019 tại Hà Nội, hội thảo Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp – Cầu nối giữa đại học, doanh nghiệp và nhà nước do BK-Holdings – Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức, nhằm mang tới tầm nhìn mới về ứng dụng công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giữa trường đại học và doanh nghiệp. Hội thảo đề cập đến những cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ và các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ thương mại hóa các nghiên cứu khoa học là một phần quan trọng cũng đã được nhắc đến trong hội thảo lần này.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Tham dự hội thảo có đại điện đến từ nhiều trường Đại học, các tổ chức và cá nhân từ nhiều lĩnh vực khởi nghiệp và sáng tạo, bao gồm đại học Bách Khoa, đại học Kinh Tế Quốc dân, đại học Phương đông, đại học Đông Đô và đặc biệt có đại diện của trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội Tiến sĩ Tạ Văn Cánh và nhóm sinh viên của Khoa Kinh tế cũng tham dự.
Tiến sĩ Tạ Văn Cánh chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả Dwayne Ong – Chuyên gia người Singapore Nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của CASUGOL
Mở đầu Hội Thảo Ông Nguyễn Quang Huy – Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Vintech (Vingroup) đã chia sẻ kinh nghiệm về sáng tạo và kết nối giữa các trường đại học và doanh nghiệp tại Mỹ và Trung quốc. Với trên 20 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ và trí tuệ nhân tạo, hiện nay Ông Nguyễn Quang Huy đã về nước và làm việc cho Vingroup nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ cho Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung.
Ông Nguyễn Quang Huy – Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ Vintech (Vingroup) chia sẻ kinh nghiệm
Tiếp theo ông Dwayne Ong – Chuyên gia người Singapore Nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của CASUGOL chia sẻ về sự đổi mới sáng tạo trong giáo dục, theo ông thì giáo dục truyền thống đang phải gặp khủng khoảng bởi chương trình chưa theo kịp sự thay đổi bên ngoài. Sự thành công của trường đại học là phải liên tục đổi mới, sáng tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Dwayne Ong cũng nhấn mạnh những kỹ năng cần thiết cần được trang bị trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 bao gồm kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng đàm phán, kỹ năng giao tiếp v.v.
Ông Dwayne Ong – Chuyên gia người Singapore Nhà đồng sáng lập, Giám đốc điều hành của CASUGOL trình bày tại hội thảo
Được trình bày cuối cùng tại hội thảo ông Axel Schultze – Tỷ phú, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Thế giới, người sáng lập Tổ chức thúc đẩy kinh doanh San Francisco tại Thung lũng Silicon chia sẻ về vai trò của sự sáng tạo và đổi mới trong kinh doanh, theo ông đổi mới sáng tạo là chìa khóa để phát triển nền kinh tế, ông dẫn chứng nước Đức thời kỳ đầu của sự phát triển chỉ có 50 doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng đóng góp 50% GDP cho nền kinh tế. Trái lại những nước hiện giàu có nhất thế giới như các tiểu vương quốc Ả rập ở trung đông có thể sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới, bởi họ chỉ dựa vào khai thác dầu mỏ mà không đầu tư vào đổi mới sáng tạo, dầu mỏ sẽ có ngày cạn kiệt và viễn cảnh nghèo khó sẽ không còn xa.
 
Ông cũng chia sẻ rằng sự bùng nổ về tri thức theo chu kỳ 100 năm nhưng bùng nổ về sáng tạo có chu kỳ 25 năm. Ông cũng chia sẻ rằng thống kê cho thấy mỗi người trong đời có thể có đến 350.000 ý tưởng sáng tạo tuy nhiên để biến nó thành thực tế thì đòi hỏi phải có được môi trường phù hợp. Hơn thế nữa, mặc dù có thể biến ý tưởng thành sáng chế thì cũng chưa chắc đã được thương mại hóa, trên 1 triệu sáng chế được cấp bằng hàng năm đã không bao giờ được sử dụng.
Điều quan trọng nữa ông Axel Schultze nhấn mạnh rằng sự thành công của khởi nghiệp không phải luôn luôn là công nghệ hay sáng chế mà chủ yếu ở mô hình kinh doanh, Uber, Grab, Microsoft, R&B, Tesla là những ví dụ điển hình. Ví dụ Microsoft không sáng chế ra bất cứ cái gì nhưng họ biết tập hợp những sáng chế để thành sản phẩm độc đáo của họ.
Ông Axel Schultze – Tỷ phú, Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Thế giới
Điều thú vị cuối cùng mà ông Axel Schultze chia sẻ là thương hiệu mới tạo ra giá trị và giá trị sẽ tạo ra thương hiệu, ảnh hưởng của thương hiệu đến sản phẩm, các doanh nghiệp nổi tiếng nhờ thương hiệu họ đang kinh doanh thương hiệu của họ, ví dụ: Apple không bán máy tính mà nó bán thương hiệu Apple, Google không bán Search engines mà bán Google v.v
 
Buổi hội thảo diễn ra sôi nổi và thực sự mang lại nhiều bổ ích cho các khán giả trong việc hiểu sâu sắc hơn nữa về vai trò của đổi mới sáng tạo và bản chất của chúng trong việc tạo cầu nối giữa đại học - doanh nghiệp - nhà nước.
 
Video hội thảo có thể xem theo đường link sau:
https://www.facebook.com/HUST.BKHoldings/videos/426874851387373/UzpfSTE3OTI3NjA0ODc6MTAyMTEwMDMxNzk5NTQxMDY/?notif_id=1551967365202691&notif_t=feedback_reaction_generic
 
Tác giả: Tạ Văn Cánh
Khoa Kinh Tế
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 70 Tổng truy cập: 18.709.088