Trang chủ

HỘI THẢO “GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐỘNG LỰC LÀM VIỆC CHO GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI TRONG BỐI CẢNH TỰ CHỦ”

Ngày đăng: 08:50 - 23/06/2021 Lượt xem: 675
Chiều ngày 11/6/2021, dưới hình thức tổ chức trực tuyến nhóm nghiên cứu đề tài cấp trường do phòng TCHC chủ trì đã tổ chức Hội Thảo “Nâng cao động lực làm việc cho giảng viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong bối cảnh tự chủ đại học”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu trình bày tóm tắt về kết quả nghiên cứu, trưng cầu ý kiến các đơn vị trong toàn trường về bộ giải pháp nâng cao động lực làm việc cho giảng viên nhà trường.

Tại hội thảo có sự tham gia của Ban giám hiệu cùng các trưởng đơn vị, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài. Đồng chí TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu đề dẫn và khai mạc hội thảo nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa thực tiễn của đề tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hình ảnh và uy tín của nhà trường, thông qua chương trình Hội thảo với 03 bài tham luận, các trao đổi giữa các đại biểu và nhóm nghiên cứu đề tài.
Ảnh 1. Đồng chí TS. Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu đề dẫn hội thảo
Tại Hội thảo, đồng chí TS Nguyễn Văn Đức, trưởng phòng Tổ chức hành chính đã tham luận trước Hội thảo về tự chủ đại học, các vấn đề đặt ra đối với giảng viên để tổng hợp được những vấn đề cốt lõi của trường đại học tự chủ, yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 từ đó nhấn mạnh các yêu cầu ngày càng cao đối với giảng viên các trường đại học tự chủ nói chung và trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội nói riêng.
Ảnh 2. Đồng chí TS. Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng TCHC trình bày tham luận
Thay mặt nhóm đề tài, chủ nhiệm đề tài Nghiêm Thị Hoài đã trình bày tham luận tóm tắt mục tiêu nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, một số vấn đề lý luận và thực tiễn về động lực làm việc và nâng cao động lực làm việc cho giảng viên các trường đại học tự chủ, chỉ ra mô hình lý thuyết và các giả thuyết kiểm định mô hình hồi quy các yếu tố tác động tới động lực làm việc cho giảng viên các trường đại học tự chủ.
 
Ảnh 3. Đồng chí ThS. Nghiêm Thị Hoài, chủ nhiệm đề tài trình bày bài tham luận
Tiếp tục chương trình Hội thảo ThS Đinh Thị Thủy, thành viên nhóm nghiên cứu đề tài tham luận bài Đánh giá yếu tố tác động đến động lực làm việc của giảng viên HTU và thực trạng động lực làm việc của giảng viên HTU, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao động lực làm việc cho giảng viên. Tại bài tham luận, tác giả đã chỉ ra được mô hình hồi quy đa biến các yếu tố tác động đến động lực làm việc của giảng viên sau khi xử lý dữ liệu bằng phần mềm SPSS. Mô hình chỉ ra 6 yếu tố tác động thuận chiều, 1 yếu tố tác động ngược chiều đến động lực làm việc của giảng viên, trong đó 03 yếu tố có tác động thúc đẩy người giảng viên nỗ lực làm việc, hăng say làm việc là: Sự thăng tiến và các cơ hội phát triển nghề nghiệp, thu nhập và sự công bằng trong phân phối thu nhập.
Ảnh 4. Đồng chí Ths. Đinh Thị Thủy, thành viên đề tài trình bày bài tham luận
Trong Hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày kết quả thực trạng động lực làm việc của giảng viên HTU với điểm trung bình là 3,07; phân tích và đánh giá mức độ hài lòng của giảng viên về các chương trình và chính sách tạo động lực cho cán bộ, công nhân viên, giảng viên mà nhà trường đang áp dụng và thực thi. Trên cơ sở tìm hiểu lý luận, thực tiễn về công tác tạo động lực, kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm nghiên cứu trình bày một số giải pháp nhằm nâng cao động lực làm việc cho giảng viên. Qua đó, các ý kiến của các khoa/trung tâm/phòng chức năng về kết quả đề tài; giải pháp đề xuất cũng được thảo luận sôi nổi. Các đại biểu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, đặc biệt là một số giải pháp then chốt nhằm giải quyết nhanh vấn đề nâng cao nhận thức cho giảng viên về tự chủ đại học, về yêu cầu mới trong bối cảnh tự chủ,về các chính sách tạo động lực của nhà trường, thu nhập, cải thiện cơ chế, chính sách nhằm tạo ra các phúc lợi, đãi ngộ tối đa cho giảng viên.

Hội thảo được diễn ra nghiêm túc, sôi nổi, cầu thị và đã thành công tốt đẹp, nhóm nghiên cứu ghi nhận các ý kiến tham luận, kết luận của Ban giám hiệu và tiếp tục hoàn thiện báo cáo đề tài để đủ điều kiện nghiệm thu cấp trường ngay trong tháng 6. Với các giải pháp sát thực được đề xuất thực hiện sẽ là một kênh tham khảo cho nhà trường thực hiện cải tổ và giải quyết bài toán động lực làm việc của giảng viên trước yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu tự chủ.

 
Ảnh 5. Một số hình ảnh Hội thảo


 Đinh Thị Thủy – Khoa Kinh tế
 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 197 Tổng truy cập: 30.269.932