Trang chủ

Hướng dẫn và kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngày đăng: 03:11 - 13/03/2020 Lượt xem: 2.619
Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội là một trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Dệt May Việt Nam, trường đào tạo theo định hướng ứng dụng với hình thức đào tạo theo tín chỉ. Với hình thức và định hướng đào tạo này, thì sinh viên trở thành trung tâm của quá trình dạy học, phải tích cực tự học, tự nghiên cứu; giảng viên là người định hướng và hỗ trợ sinh viên nhằm phát huy tính tự giác học và nghiên cứu, qua đó góp phần giúp sinh viên rèn luyện khả năng tư duy và sáng tạo của cá nhân, chủ động lĩnh hội tri thức, kỹ năng. Mặt khác, tự học giúp sinh viên có thể chủ động được quỹ thời gian cá nhân, có thể học bất cứ lúc nào mà không bị ràng buộc. Từ đó, giúp sinh viên nắm kiến thức vững chắc và có thể hiểu sâu và nhớ kỹ hơn các vấn đề. Ngoài ra, việc tự học còn nâng cao tinh thần trách nhiệm trong làm việc theo nhóm, khi đó sinh viên có thể thể hiện tính sáng tạo trong tư duy và linh hoạt nhạy bén trong suy nghĩ, đưa ra quyết định đúng đắn,

 Nội dung của tự học rất phong phú, bao gồm toàn bộ những công việc học tập do cá nhân và có khi do tập thể sinh viên tiến hành ngoài giờ học chính khóa hoặc đôi khi ngay trong giờ học chính khóa như đọc sách ghi chép theo cách riêng, làm bài tập, tham gia các hoạt động thực tế …Vấn đề kiểm soát tự học của sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên và là một trong các bước của tiến trình lên lớp mà mỗi giảng viên phải thực hiện hàng ngày khi lên lớp. Làm thế nào để giảng viên kiểm soát tốt việc tự học của sinh viên và có phương pháp hướng dẫn để sinh viên tự học hiệu quả đặc biệt là khi dạy online khi dịch Covid 19 đang diễn biến rất phức tạp, sinh viên không đến lớp học được theo hình thức lên lớp truyền thống. Bài viết này sẽ chia sẻ về một số phương pháp kiểm soát tự học, hướng dẫn tự học hiệu quả cho giảng viên.

1. Quá trình tự học và hướng dẫn sinh viên tự học
Quá trình tự học, tự nghiên cứu của sinh viên trải qua các bước sau: (1) Xây dựng động cơ học tập; (2) Xây dựng kế hoạch học tập (3) Tự mình nắm vững nội dung tri thức; (4) Tự kiểm tra đánh giá kết quả học tập.
Để giúp sinh viên có thể tự học khi dạy và học theo cách thức truyền thống thì bản thân giáo viên phải chú trọng hướng dẫn tự học cho sinh viên. Cụ thể:
- Hướng dẫn cách lập kế hoạch học tập: Giảng viên hướng dẫn sinh viên cách xác định mục tiêu học tập theo từng bài học, lập thời gian biểu và phương án tự học theo đặc thù của học phần và quỹ thời gian tự học.
- Hướng dẫn cách nghe giảng và ghi chép theo tinh thần tự học: Giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, thiết kế bài giảng với nội dung thiết thực, cập nhật, gắn với thực tiễn nghề nghiệp; tạo ra các tình huống giả định để sinh viên độc lập suy nghĩ và đưa ra hướng giải quyết, trình bày và phản biện sắc sảo. Các câu hỏi, vấn đề đặt ra trong giờ giảng phải có sự chọn lọc kĩ lưỡng, tập trung vào trọng tâm bài học như một cách phát tín hiệu cho sinh viên xác định nội dung chính. Đối với các tiết giảng lý thuyết, giảng viên cần thường xuyên đưa vào bài giảng những tình huống lí thú, những mẩu chuyện sinh động lấy từ thực tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực chuyên ngành của từng đối tượng sinh viên để gây sự chú ý cũng như tạo cảm giác hứng thú cho người học. Sau hoặc trong khi giảng bài có thể yêu cầu SV tự đặt ra những câu hỏi, tình huống sát với nội dung bài học để thay đổi không khí, tăng cường sự chú ý của cả lớp.
- Hướng dẫn cách học bài: Dạy sinh viên cách học bài là yếu tố then chốt giải quyết vấn đề tự học của sinh viên. Giảng viên cần giới thiệu và hướng dẫn sinh viên tự học theo mô hình các nấc thang nhận thức của Bloom. Tức là học cách phân tích, tổng hợp, học vận dụng tri thức vào từng tình huống thực tiễn, học nhận xét đánh giá, so sánh đối chiếu các kiến thức… Bên cạnh đó còn phải rèn luyện năng lực tư duy logic, tư duy trừu tượng, tư duy sáng tạo để tìm ra những hướng tiếp cận mới các vấn đề khoa học.
- Hướng dẫn cách nghiên cứu tài liệu: Đối với các nội dung giao cho sinh viên tự nghiên cứu thì giảng viên phải thiết kế phiếu học tập sát với đề cương học phần, chi tiết nội dung yêu cầu tự học, tự nghiên cứu và phải hướng dẫn chi tiết cách tra cứu tài liệu, nguồn tham khảo và hình thức trình bày nội dung tự học. Đồng thời, giảng viên thường xuyên liên hệ với sinh viên/nhóm sinh viên để theo dõi tự học và kịp thời hướng dẫn sinh viên khi họ gặp các vướng mắc trong quá trình tự học.
Ngoài các yếu tố trên, để tự học có kết quả tốt cần có sự cố gắng, ý chí, nghị lực của người học, sự mẫn cán tận tâm và chu toàn của người dạy cùng những điều kiện tiên quyết khác.

2. Thực trạng kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên
Việc kiểm soát việc tự học của sinh viên được giảng viên nhà trường thực hiện dưới nhiều hình thức, tùy thuộc vào thời lượng, nội dung tự học và đặc thù lớp học. Có thể kể đến các hình thức sau:
Giao phiếu học tập khi kết thúc bài giảng trên lớp, hướng dẫn sinh viên cách thực hiện tự học, tham khảo tài liệu và quy định hình thức thể hiện nội dung tự học;
Thu phiếu học tập: thu 100% phiếu, đánh giá và nhận xét tại lớp vào đầu giờ học 3-5 sinh viên; hoặc thu 100% phiếu, đánh giá và nhận xét thực hiện nội dung tự học vào buổi học sau; hoặc sinh viên gửi email nội dung tự học đến cho giảng viên.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, nhà trường triển khai giảng dạy và hướng dẫn tự học trực tuyến  thì việc kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên phải có những thay đổi hợp lý. Tác giả đã tiến hành khảo sát hình thức kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên với 38 giảng viên tham gia giảng dạy ngành Quản lý công nghiệp,  việc kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức viết tay hoặc đánh máy bài tập/phiếu học tập, chụp ảnh và gửi qua email cho giảng viên
 
Ngoài ra, sinh viên còn thực hiện các nội dung tự học dưới dạng tạo ra sản phẩm, quay video quá trình tự học và giới thiệu sản phẩm tự học nộp cho giảng viên hoặc thiết kế nội dung tự học bằng Power point, nộp cho giảng viên chấm và đánh giá.
Nhìn chung, các hình thức kiểm soát trên đã tạo cho sinh viên có ý thức phải hoàn thành nội dung tự học, dành thời gian để tự học. Tuy nhiên, vẫn còn có các hạn chế: sinh viên lười, chép bài bạn; sao chép nội dung trên internet và giảng viên đôi khi không thể kiểm soát được đa số hoặc 100% sinh viên, đặc biệt là các lớp ghép.  Do đó, để  kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên được hiệu quả, đạt được chuẩn đầu ra thì giảng viên cần:
Thiết kế nội dung tự học, tự nghiên cứu sát thực, phù hợp với trình độ sinh viên trên cơ sở bám sát đề cương học phần; lượng câu hỏi/yêu cầu không quá dàn trải và phải tập trung vào một số trọng yếu; không quá khó so với trình độ của sinh viên.
Dành thời gian để hướng dẫn tự học cho sinh viên: cách tiếp cận vấn đề, cách tham khảo tài liệu, nguồn tham khảo và phương pháp xử lý/giải quyết nội dung tự học.
Thường xuyên trao đổi với sinh viên để tháo gỡ các vướng mắc khi sinh viên thực hiện nội dung tự học, điều chỉnh nội dung yêu cầu tự học cho phù hợp với điều kiện thực tế (lịch trình học, thực tập, thực tế tại doanh nghiệp).
Linh hoạt và đổi mới phương pháp kiểm soát, đánh giá tự học, tránh gây áp lực và căng thẳng cho sinh viên trong thời gian kiểm soát tự học, tự nghiên cứu khi thực hiện tiến trình lên lớp.
Kiểm soát được chất lượng của các phiếu học tập, phát hiện được hiện tượng sao chép hoặc chống đối của sinh viên.
Áp dụng công nghệ trong kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.

3. Sử dụng ứng dụng Google Classroom trong kiểm soát tự học, tự nghiên cứu của sinh viên
Google Classroom là một ứng dụng hỗ trợ lớp học của Google, Google Classroom mang đến cho người sử dụng khả năng tương tác online nhanh chóng và thuận tiện. Đối với các  cơ sở đào tạo, Google Classroom hỗ trợ tạo các lớp học, quản lý sinh viên khi giảng dạy trực tuyến. Đối với giảng viên, Google Classroom hỗ trợ giao bài tập, chấm điểm, đưa thông báo tới từng sinh viên, do đó Ứng dụng Google Classroom là một hình thức kiểm soát tự học, tự nghiên cứu sinh viên một cách hiệu quả, chặt chẽ, khắc phục được nhược điểm của phương pháp kiểm soát tự học thu phiếu và đánh giá tại lớp. Giảng viên cần:
a. Tạo lớp học
- Tạo lớp học mới:
 + Truy cập vào website https://classroom.google.com
Hình 1. Truy cập vào website https://classroom.google.com
 + Nhấp vào dấu "+" ở góc phải trên cùng bên cạnh tài khoản Google của bạn
Hình 2. Tạo lớp học trên Google Classroom
 + Chọn "Tạo lớp học", sau đó đặt tên cho lớp học và học phần, sau đó click "Create" hoặc “Tạo”.
The "Section" trường là một mô tả để làm rõ thêm cho lớp học, vì vậy ở đây có thể thêm một số mô tả ngắn khác.
Hình 3. Tạo thông tin cho lớp học
- Chỉnh sửa hoặc xóa một lớp học:
 + Nhấn vào nút menu ở góc trên bên trái của màn hình (kí hiệu 3 dòng ngang)
 + Nhấp vào dấu ba chấm ở góc trên bên phải của các lớp muốn chỉnh sửa
 
 + Chọn đổi tên hoặc xóa để thực hiện các thay đổi
Hình 4. Chọn Menu để thực hiện một số thay đổi hoặc xóa các thay đổi
- Thêm sinh viên cho lớp học:
 + Chọn vào lớp học mà muốn thêm sinh viên
 + Nhìn vào mã lớp học bên trái màn hình và cung cấp mã này cho sinh viên qua email/mạng xã hội
 
Hình 5. Thêm sinh viên vào lớp học
 + Sinh viên sau đó sẽ truy cập đến https://classroom.google.com, nhấp vào dấu “+” bên phải màn hình và chọn "Tham gia lớp học"
Hình 6. Sinh viên gõ mã lớp học GV cung cấp tham gia lớp học
 + Sinh viên nhập mã lớp và ngay lập tức sẽ được tham gia vào lớp học
b. Thêm phiếu học tập
Tiếp theo, khi tạo lớp học, thì việc Upload bài tập là một bước rất quan trọng
- Tạo Phiếu học tập:
          + Bấm vào lớp mà giảng viên muốn thêm một Phiếu học tập
 + Bây giờ hãy nhấp vào "bài tập" ở giữa trang
 + Đặt một tiêu đề cho Phiếu học tập và thêm hướng dẫn khác hay một mô tả
          + Chọn một ngày để là hạn chót cho bài tập, và thêm thời gian nếu muốn
          + Chọn loại bài tập muốn tạo ra bằng cách nhấp vào một trong các biểu tượng ngay bên dưới bao gồm “tải lên một tập tin từ máy tính của bạn”, “đính kèm một tập tin từ Google Drive”, “thêm một video từ YouTube”, hoặc thêm “một liên kết đến một trang web”.
 
Hình 7. Giao bài tập cho sinh viên
          + Click "Giao bài" để đưa bài tập này cho các sinh viên của mình.
c. Upload tài liệu:
 + Bấm vào lớp mà giảng viên muốn thêm bài tập
 + Chọn mục bài tập ở giữa trang
 + Sau đó click chọn Google Drive
 + Lựa chọn tài liệu, sau đó lựa chọn một trong các cách sau để đưa tài liệu đến sinh viên (tải từ máy, tải link trên internet hoặc từ Google drive)
d. Chấm điểm bài tập và trả bài cho sinh viên
            Sau khi sinh viên hoàn thành bài tập, giảng viên có thể thực hiện các bước tiếp theo chính là chấm điểm và trả bài cho sinh viên:
Hình 7. Tổng hợp tình hình nộp bài tập của sinh viên
+ Nhấp vào tên của sinh viên (E) đã nộp bài muốn chấm điểm.
 
Hình 8. Mở file bài tập của sinh viên để xem chi tiết và chấm điểm
+ Khi tài liệu được mở, sử dụng các tính năng bình luận trong Drive (B) để lại phản hồi chi tiết về các phần cụ thể trong bài viết của sinh viên. Tất cả những thay đổi sẽ được lưu tự động.
 +  Khi giảng viên quay lại Classroom, click vào bên phải tên của học sinh ngay phần “no grade” và nhập điểm vào cho bài làm (C).
          + Check vào ô vuông bên cạnh tên sinh viên vừa mới chấm điểm, sau đó click vào nút màu xanh "return" để lưu điểm và thông báo cho học sinh rằng bài làm của họ đã được chấm điểm.

Hình 9. Chấm điểm cho sinh viên
         + Thêm bất kỳ thông tin phản hồi, sau đó click vào "Return Assigment"

4. Ưu và nhược điểm của kiểm soát tự học trên Google Classroom.
a. Ưu điểm
- Dễ dàng quản lý lớp học; tổ chức lớp học;
- Miễn phí sử dụng, chỉ cần có tài khoản gmail và thiết bị có kết nối internet;
- Giao bài tập, phiếu học tập dễ dàng, chi tiết nội dung, hình thức và thời gian nộp bài;
- Tạo ra các thông báo cho sinh viên, giảng viên cùng nhóm giảng dạy;
- Theo dõi nhanh chóng tiến độ nộp bài của sinh viên ở bất kỳ đâu; đánh giá được ý thức học tập, nộp bài đúng hạn của sinh viên;
- Tiết kiệm thời gian, chi phí; sinh viên không phải đi lại, in ấn;
- Giúp giảng viên và sinh viên tương tác nhanh, tiện lợi và không tốn kém;
- Không mất thời gian thu bài, check email; lưu trữ bài tập sinh viên nộp một cách khoa học, tối ưu;
- Chấm điểm, công bố điểm nhanh chóng;
- Ghi chép lại những phản hồi từ sinh viên hàng ngày, hàng tuần, hàng kỳ…;
- Cho phép sinh viên thể hiện sản phẩm học tập dưới nhiều dạng thức khác nhau và lưu trữ nó;
- Lãnh đạo Bộ môn, trưởng nhóm giảng dạy có thể kiểm soát việc dạy, tự học của sinh viên;
- Sinh viên có một dữ liệu học tập xuyên suốt, có thể xem lại và hệ thống lại kiến thức của tất cả các bài học, các phiếu học tập.
b. Nhược điểm
          - Đòi hỏi phải có thiết bị có kết nối internet (máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng); phụ thuộc vào kết nối internet;
          - Là ứng dụng miễn phí nên đôi khi tính bảo mật không cao như những ứng dụng trả tiền;
          - Đòi hỏi phải có tài khoản gmail để đăng nhập; nếu khác tên miền có thể không tham gia học được;
          - Chưa tích hợp các tính năng Quiz; Roll như những ứng dụng khác.
5. Đề xuất áp dụng Google Classroom trong giảng dạy trực tuyến và kiểm soát tự học của sinh viên tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Để thực hiện được giảng dạy và kiểm soát tự học cho sinh viên trên ứng dụng Classroom, các Khoa/Bộ môn cần thực hiện:
- Tập huấn sử dụng Google Classoom cho mọi cán bộ, giảng viên;
- Lựa chọn các học phần lý thuyết có thể giảng dạy trực tuyến trên Google Classroom (học phần giáo dục đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành các ngành Quản lý công nghiệp; Marketing Thời trang; Công nghệ may).
- Thiết kế bài giảng giảng dạy trực tuyến;
- Thiết kế bài tập và phiếu học tập tương ứng từng bài học;
- Tổng hợp chính xác địa chỉ email, thông tin liên hệ của sinh viên từng lớp học;
- Thực hiện giảng dạy và giao bài tập theo đúng quy trình và đặc thù của môn học; lớp học;
- Đánh giá, tổng hợp, báo cáo;
- Khảo sát, lấy ý kiến mức độ hài lòng của sinh viên với hình thức giảng dạy, kiểm soát học tập qua Google Classroom.
Hiện nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, hình thức giảng dạy trực tuyến là một phương pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo an toàn cho sinh viên trong tâm bão dịch Covid 19 vừa là một xu hướng đào tạo tất yếu mà các cơ sở đào tạo phải nghiên cứu thực hiện. Đặc biệt, khi một bộ phận khá lớn SV còn thụ động trong việc tiếp nhận tri thức, còn chống đối trong thực hiện tự học, tự nghiên cứu thì việc giảng viên chu đáo trong hướng dẫn tự học và chú trọng đổi mới hình thức kiểm soát từ truyền thống sang sử dụng ứng dụng công nghệ là một phương pháp hữu hiệu. Vì vậy, cần đưa phương pháp kiểm soát tự học này nhân rộng cho toàn trường để giảng viên có thêm một kênh để kiểm soát sinh viên, vừa không ảnh hưởng đến thời lượng của các tiết học, đảm bảo mục tiêu đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
Mai Thị Lan – Phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh;
https://sinhvientot.net/huong-dan-su-dung-google-classroom-cho-sinh-vien/
Khảo sát của tác giả về kiểm soát tự học:
 
Đinh Thủy – Khoa Kinh tế

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 150 Tổng truy cập: 18.639.597