Trang chủ

Kiến thức cơ bản về vải mà Cán bộ quản lý đơn hàng (Merchandiser) cần biết

Ngày đăng: 09:24 - 26/02/2020 Lượt xem: 10.907
Kiến thức cơ bản về vải mà Cán bộ quản lý đơn hàng (Merchandiser) cần biết

Đối với phương thức sản xuất FOB, sau khi tiếp nhận đơn hàng và mẫu từ khách hàng thì doanh nghiệp sản xuất may công nghiệp chủ động tham gia vào quá trình sản xuất và tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào, từ việc mua nguyên phụ liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng và chỉ chịu trách nhiệm đến khâu vận chuyển ra lên đến cầu tàu. Doanh nghiệp sản xuất theo phương thức FOB sẽ chịu trách nhiệm và chủ động về nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển nguyên liệu sản xuất, chi phí vận chuyển hàng hóa thành phẩm, chi phí sản xuất mẫu và đáp ứng một số thiết bị có công nghệ phù hợp theo đặc thù của đơn hàng. Cán bộ quản lý đơn hàng phải thực hiện nghiệp vụ phát triển nguyên phụ liệu, đặt hàng và đồng bộ nguyên phụ liệu cho sản xuất đơn hàng. Do đó, họ phải thực sự am hiểu về nguyên phụ liệu đặc biệt là về vải để có thể lựa chọn được nhà cung cấp phù hợp, phát triển được loại vải đáp ứng yêu cầu của khách hàng với giá cả phải chăng, chủ động rút ngắn thời gian phát triển và tìm kiếm nguyên liệu. Đối với một cán bộ quản lý đơn hàng phụ trách tìm kiếm và phát triển nguyên phụ liệu thì kiến thức về vải là vô cùng cần thiết, họ phải hiểu về cấu tạo của vải, thành phần vải, tính năng và đặc thù của từng loại vải để có thể tư vấn, phát triển vải, đặt hàng và phân biệt được từng loại hàng dùng cho sản xuất.

Đối với sinh viên chuyên ngành Quản lý công nghiệp, sau tốt nghiệp có thể ứng tuyển vào các vị trí chuyên viên tìm kiếm và phát triển nguyên liệu, chuyên viên mua hàng, chuyên viên phát triển mẫu tại các doanh nghiệp may. Tại các cuộc phỏng vấn ứng tuyển, nhà tuyển dụng thường đặt nhiều câu hỏi chuyên môn để khai thác kiến thức của ứng viên liên quan đến nguyên phụ liệu, đặc biệt là về vải. Đồng thời, khi thực hiện nghiệp vụ tìm kiếm và phát triển nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng rất cần các kiến thức để tư vấn lựa chọn loại vải có giá thành và chất lượng hợp lý, đáp ứng yêu cầu của khách hàng mà vẫn đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp…. Bài viết này tổng hợp một số kiến thức về vải để giúp các em có kiến thức tổng hợp, sát thực cho phỏng vấn ứng tuyển, thực hiện tốt nghiệp vụ phát triển nguyên phụ liệu tại doanh nghiệp.
Một số kiến thức cơ bản cần biết về vải:

1. Kiến thức cơ bản về vải
- Kiểu dệt: gồm dệt kim và dệt thoi. Trong dệt kim và dệt thoi, kiểu dệt lại khác nhau tạo thành các loại vải khác nhau, khi nhìn trên bề mặt trước và sau của vải có thể phân biệt.
- Độ lớn của sợi và mật độ của sợi: việc sử dụng sợi to, bé, và mức độ đan sợi thưa hay mau sẽ ảnh hưởng đến bề mặt vải. Trên cùng một trọng lượng và kích thước vải, nếu dùng sợi to thì số lượng sợi (mật độ sợi) thấp và ngược lại, do vậy độ mảnh của sợi và mật độ sợi quyết định độ mịn của bề mặt vải.
- Trọng lượng vải: Thực chất trọng lượng của vải là do độ to của sợi và mật độ sợi quyết định phần lớn, tuy nhiên nó cũng còn phụ thuộc vào kiểu dệt vải. Trọng lượng vải là tiêu chí dễ nhìn, dễ đánh giá để nắm bắt một loại vải có phù hợp để sử dụng hay không, trong khi không phải ai cũng nắm rõ các quy cách về mật độ sợi cũng như kích thước sợi.
- Thành phần vải: là chất liệu tạo nên  vải: cotton, polyester, Rayon, Acrylic, polyester, visco, spandex…. Thành phần vải quyết định độ thấm hút, độ mềm mịn, co giãn của vải, cũng quyết định giá vải.
- Phương pháp hoàn tất vải: vải dệt thô cần qua quá trình xử lý hoàn tất để nâng cao giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ và bổ sung thêm tính năng mới cho vải. Các quá trình hoàn tất vải bắt buộc tùy chọn gồm:
+ Nhuộm hoàn tất: nhuộm vải ra một màu nhất định hoặc nhuộm trắng (tăng trắng quang học).
+ Tẩy bẩn trên mặt vải để chuẩn bị cho quá trình giặt nhuộm sau khi may, hoặc để chuẩn bị in vải
+ In trên bề mặt vải: tạo ra họa tiết trên vải.
Một số loại hoàn tất để bổ sung thêm tính năng của vải gồm:
                   + Waterproof: chống thấm nước
                   + Flame Resistant: chống cháy
                   + Oil cired: cán bóng mặt vải
                   + Coated: tráng phủ bề mặt vải
                   + Breathability: thoáng khí
                   + Anti-Bacterial: kháng khuẩn
                   + Peached: xử lý cào bông hoặc chải tuyết vải
2. Quy trình sản xuất vải
2.1. Sản xuất sợi
Là quá trình kéo sợi từ xơ tự nhiên hoặc xơ tổng hợp. Sự khác nhau giữa xơ tự nhiên và xơ tổng hợp được thể hiện qua bảng sau:
 

TT

 TỰ NHIÊN

TỔNG HỢP

1

Xơ sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên.

Xơ sợi có nguồn gốc nhân tạo.

2

Chiều dài xơ là do thiên nhiên tạo ra.

Chiều dài xơ có thể kiểm soát bởi con người.

3

Xơ sợi có thể tìm thấy ở dạng xơ ngắn  hoăc xơ dài. Hầu hết sợi tự nhiên là xơ ngắn như bông, len. Tơ tằm là sợi xơ dài nhưng có thể cắt ngắn để có sợi xơ ngắn.

Có thể là xơ sợi dài liên tục nhưng cũng có thể sản xuất ở dạng xơ ngắn bằng cách cắt ngắn hoặc kéo sợi không liên tục như polyester, Nylon…

4

Không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất sợi.

Hóa chất hòa tan là cần thiết cho quá trình sản xuất sợi.

5

Có thể chứa hàm lượng tạp chất từ thiên nhiên, cần xử lý loại bỏ.

Không chứa tạp chất thiên nhiên.

6

Không thể thay đổi cấu tạo xơ sợi.

Có thể can thiệp làm thay đổi cấu tạo xơ sợi để tạo ra những tính năng ưu việt mới.

7

Màu sắc là màu tự nhiên.

Có thể tạo màu từ dung dịch trước khi kéo sợi.

8

Hầu hết xơ sợi tự nhiên là có tính chất hút nước

Hầu hết xơ sợi tổng hợp ít thấm hút nước

9

Dễ nhuộm màu

Khó và phức tạp để nhuộm màu hơn

10

Hầu hết tạo ra tro tàn khi cháy.

Hầu hết là nóng chảy.

11

Khi cháy tạo ra mùi khét như tóc hoặc giấy cháy

Khi cháy thoát ra mùi hóa chất nào đó.

12

Thân thiện với môi trường, dễ phân hủy trong tự nhiên

Không thân thiện với môi trường

13

Ít bền hơn tổng hợp

Bền hơn xơ sợi tự nhiên.

 Bảng 2.1. Phân biệt xơ tự nhiên và xơ tổng hợp
2.2. Quá trình dệt vải (Weaving)
Là quá trình đan sợi để tạo ra vải. Các loại sợi, các kiểu đan sợi với các máy móc thiết bị khác nhau sẽ tạo ra các loại vải khác nhau.
Sản phẩm của quá trình dệt vải là vải mộc chưa qua xử lý, có thể còn bẩn, lẫn tạp chất, khổ vải chưa ổn định, bề mặt vải chưa đẹp.
2.3. Nhuộm vải
Quá trình nhuộm vải được thể hiện ở sở đồ sau:

 

Nguồn: Kỹ thuật nhuộm – Viện Kinh tế kỹ thuật Dệt May

Sơ đồ 2.1. Quá trình nhuộm vải
2.4. In vải
          a/ In chuyển
In chuyển được thể hiện qua sơ đồ sau:
 
Sơ đồ 2.2. Quá trình in chuyển trên vải
 
b/ Một số kiểu in khác: in tạo màu bằng thuốc nhuộm, in qua khuôn, in trực tiếp qua trục vải (roller)
2.5. Một số quá trình hoàn tất bổ sung tính năng của vải
a/ Quá trình tạo hiệu ứng quả đào (Peached) – cào bông, chải tuyết:
Quá trình này được thực hiện sau khi nhuộm vải, qua hệ thống máy móc mà không có tác động của hóa chất
Sau quá trình này, để bông trên mặt vải đều, đẹp, vải cần đưa qua 1 quy trình nữa gọi là xén lông, các vị trí bông dài, xơ sẽ bị cắt bớt.
b/ Quá trình xử lý chống thấm nước mà không tráng phủ bề mặt
Hóa chất chống thấm nước sẽ được đưa vào trong quá trình nhuộm vải.
c/ Quá trình làm bóng mặt vải:
Quá trình này được thực hiện sau khi việc nhuộm vải đã hoàn tất, qua hệ thống máy với tác động của nhiệt độ, vải sẽ bóng lên và trông như có dầu trên bề mặt
Cán oilcired làm cho bề mặt vải có độ bóng cao hơn, trơn, mềm hơn, tuy nhiên vải chỉ thực sự đạt độ mềm khi thêm hóa chất chống thấm nước vào loại vải cần thực hiện làm bóng này. 
d/ Quá trình tráng phủ bề mặt vải (coated)
Quá trình này được thực hiện sau khi đã hoàn tất nhuộm vải, vải được đưa qua hệ thống máy móc, kết hợp hóa chất tráng phủ. Mức độ tráng phủ có thể dày hay mỏng, sau tráng phủ, vải có thêm tính năng như chống thấm nước, chống gió, chống nước xuyên qua, vải cứng hơn…ở các mức độ khác nhau. Các loại vải tráng phủ bề mặt bao gồm:
+ Milky coated: Mặt sau vải có màu trắng sữa
+ Downproof coated: là loại tráng phủ không màu, chỉ làm vải cứng hơn và chống xì long/bông ra bề mặt vải.
+ PU coated: Là loại tráng phủ không màu.
2.6. Cách đọc mô tả loại vải
Mô tả vải đầy đủ phải bao gồm: 
+ Tên vải;
+ Thành phần vải;
+ Kích thước sợi, mật độ sợi;
+ Trọng lượng vải;
+ Các chức năng bổ sung của vải nếu có: W/R, oil cired.
Ví dụ 1:
Knit, 90% Nylon 10% Spandex , 4-way stretch,  55" 232 GSM, P/D+WR(C6).
Vải có thành phần 90% Nylon, 10% Spandex, co giãn 4 chiều, khổ vải 55", trọng lượng vải 232 g/m2, nhuộm sau dệt, sử dụng hóa chất xử lý bề mặt chống nước.
Ví du 2:
Taffeta, 100% poly 68Dx68D, 63gsm, 145cm.
Vải Taffeta, thành phần 100% Polyesters, sợi dọc có chi số 68D, sợi ngang có chi số 68D; Trọng lượng vải 63 g/m2, khổ vải 145 cm.
3. Phân loại một số loại vải
3.1. Sự khác biệt giữa vải dệt kim và dệt thoi về cấu trúc, tính chất, tính năng
a/ Vải dệt kim
Khi dệt, sợi được uốn cong thành những vòng sợi. Các vòng sợi này liên kết với nhau theo hướng dọc và hướng ngang. Liên kết theo một quy luật nhất định tạo thành vải dệt kim.
Đặc trưng cấu tạo vải dệt kim: vải dệt kim có cấu trúc vòng sợi. Các vòng sợi sắp xếp định hướng trong vải thành hàng ngang (hàng vòng) và cột dọc (cột vòng). Trên mỗi cột vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên tạo thành một đường zigzag đối xứng. Trên mỗi hàng vòng, các vòng sợi có thể nằm thẳng đứng hoặc xiên sang trái hoặc phải.
Tính chất của vải dệt kim
- Bề mặt thoáng, mềm, xốp.
- Tính co dãn, đàn hồi lớn. Khi chịu lực tác dụng, độ dãn của vải lớn hơn nhiều so với đồ thị kéo dãn của sợi gia công.
- Giữ nhiệt tốt mà vẫn không cản trở quá trình trao đổi chất giữa cơ thể người và môi trường xung quanh.
- Tính thẩm thấu tốt.
- Ít nhầu, dễ bảo quản và giặt sạch.
- Tính vệ sinh trong may mặc tốt.
- Tạo cảm giác mặc dễ chịu.
- Nhược điểm: quăn mép và dễ tuột vòng.
Vải dệt kim thường được sử dụng trong  may mặc làm quần áo thể thao, quần áo sơ sinh, áo mayo, áo phông (T-shirt, Polo-shirt)… nhờ khả năng giữ nhiệt và thấm hút mồ hôi tốt.
b/ Vải dệt thoi
Là loại vải do hai hệ thống sợi đan thẳng góc với nhau tạo nên. Hệ thống sợi nằm dọc theo chiều dài tấm vải gọi là sợi dọc. Hệ thống sợi nằm theo chiều ngang tấm vải gọi là sợi ngang. Trong vải, sợi dọc và sợi ngang liên kết theo một quy luật nhất định gọi là kiểu dệt.
Tính chất của vải dệt thoi:
- Vải có cấu trúc tương đối bền tốt.
- Bề mặt vải khít.
- Độ dãn dọc và dãn ngang ít.
- Dễ bị nhàu, đặc biệt với một số loại vải như cotton, lanh…
- Vải không bị quăn mép, không bị tuột vòng.
- Đa dạng và phong phú về kiểu dệt, chất liệu.
Vải dệt thoi được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực may mặc, sinh hoạt, y tế, kỹ thuật…
3.2. Phân loại một số loại vải dệt kim cơ bản
a/ Vải Single Jersey 
Là vải một mặt phải. Vải có 2 mặt khác nhau rõ rệt, một mặt trái và một mặt phải. Mặt trái thể hiện các cung vòng, mặt phải thể hiện các trụ vòng. Vải có tính quăn mép, dễ tuột vòng sợi.
 
Hình 3.1. Vải Single Jersey 
b/ Vải rib
Hai mặt vải đều giống nhau và đều là mặt phải. Nếu kéo giãn theo chiều ngang sẽ thấy rõ các cột vòng phải nằm xen kẽ các cột vòng trái. Các cột vòng phải và trái sẽ tạo thành hai lớp cột vòng nằm trên hai mặt phẳng song song, áp sát với nhau. Không quăn mép, độ giãn lớn, độ dày lớn.
 

Hình 3.2. Vải Rib
c/ Vải Interlock
Là vải hai mặt phải. Hai mặt vải đều giống nhau và đều là mặt phải. Các cột vòng phải của lớp vải này chồng khít lên và che lấp hoàn toàn các cột vòng phải của lớp vải kia. Không quăn mép, vải bóng mịn, không tuột vòng, độ giãn thấp.
   
Hình 3.3 Vải Interlock
 d/ Vải thun cá sấu (Pique)
Loại vải này mắt vải được dệt to hơn, lưới vải lớn hơn.
 Giảm nhiệt và làm mát cơ thể, giặt nhanh khô, bền, đẹp.
Thường được dùng may áo thun có cổ (Poloshirt)
 e/ Vải French Terry (thun vảy cá)
Mặt phải trơn, mặt trái gồm các sợi đan vào nhau tương tự vải cá, tạo cảm giác xốp, mềm khi tiếp xúc.
f/ Vải nỉ
Có thể là 2 mặt cào bông hoặc ít nhất có 1 mặt cào bông, mặt còn lại trơn
g/ Vải giả dạ hoặc vải dạ
Tương tự vải nỉ nhưng ở trọng lượng cao, mặt vải được xử lý đanh hơn, ít bị xù lông.
h/ Vải Punt Roma
i/ Vải Scuba
3.3/ Phân loại một số loại vải dệt thoi cơ bản theo kiểu dệt:
a/ Dệt kiểu Twill (vân chéo)
Lóng vải chéo
Twill 3/1: mặt phải chéo, mặt sau vân điểm ; Twill 2/1: 2 mặt đều là lóng chéo. Trọng lượng vải Twill thông thường có thể từ 100 g/m2 – 400 g/m2 tùy theo thành phần vải và loại sợi.
 
Hình 3.4. Một số loại vải dệt theo kiểu vân chéo
b/ Dệt kiểu Poplin
Một sợi ngang và một sợi dọc đan với nhau. Loại vải poplin thường có trọng lượng thấp, chỉ khoảng dưới 200 g/m2
Hình 3.5. Kiểu dệt Poplin
c/ Dệt Jacquard
          Là kiểu dệt đặc biệt để thiết kế ra các họa tiết trên vải theo một thiết kế cố định

Hình 3.6. Vải Jacquard
e/ Dệt kiểu Oxford
Là kiểu dệt nhiều sợi ngang và sợi dọc đan vào với nhau, mặt vải thường thô ráp hơn vải Poplin, phù hợp với phong cách thời trang thường ngày.
                                            
Hình 3.7. Vải Oxford
f/ Dệt kiểu dệt kiểu xương cá (herringbone)

Hình 3.8. Vải xương cá
 
3.4/ Phân loại một số loại vải dệt thoi thông thường theo cách dệt và loại sợi, mật độ sợi
a/ Vải Pongee
Là loại vải dệt theo kiểu vân  điểm. Sử dụng loại sợi nhỏ, hơi có độ xoắn nhẹ, tạo sự co giãn nhẹ khi kéo. Vải Pongee thường có trọng lượng nhẹ, bề mặt vải mềm mại
Vải Pongee thường được sử dụng với các thông số 240T, 260T, 300T, bằng chất liệu nylon hoặc polyester
b/ Vải Taffeta
Là loại vải dệt theo kiểu vân điểm. Sử dụng loại sợi nhỏ, không xoắn, không co giãn. Trọng lượng nhẹ, sử dụng sợi càng nhỏ thì bề mặt vải càng mềm mại.
Các loại Taffeta thường dùng là: 210T, 190T làm vải lót; 290T, 300T, 350T, 360T làm vải chính. Thường làm trên chất liệu Polyester hoặc Nylon
c/ Vải Microfiber (sợi siêu nhỏ):
Vải làm từ sợi kích thước rất nhỏ, mặt vải chắc, bền, mặt vải đanh. Trọng lượng tầm trung, từ 100 – 150 g/m2. Có thể dệt kiểu vân điểm hoặc vân chéo. Thường làm trên chất liệu polyester hoặc nylon
d/ Vải Fake memory
Mặt vải đanh, mềm, mượt, hơi có độ bóng. Trọng lượng từ khoảng 110 g/m2 –200 g/m2. Thường làm trên chất liệu polyester. Các chi số thường dùng: 75D, 150D ….Có thể dệt kiểu vân chéo hoặc vân điểm.
e/ Vải Satin:
Mặt vải bóng, mịn, mượt. Trọng lượng nhỏ. Thường sử dụng chất liệu lụa, cotton, polyester. Thường dệt theo kiểu vân điểm.
e/ Vải Flannel
Được làm từ sợi len hoặc sợi cotton, sợi tổng hợp, có cào lông 1 mặt hoặc 2 mặt. Vải Flannel xốp, mềm. Thường được sử dụng để may quần áo ngủ, quần áo trẻ em, áo sơ mi…
f/ Vải Linen (vải lanh)
Làm bằng sợi từ cây lanh. Mặt vải thoáng, tạo cảm giác thoải mái, mát mẻ khi mặc do cấu tạo sợi và cách dệt thưa. Thành phần có thể là 100% Linen hoặc Linen/cotton. Vải Linen thường được sử dụng cho các loại áo, quần, ga, bọc ghế….
g/ Vải giả Linen
Thành phần từ Polyester. Cấu trúc sợi tương tự sợi Linen. Mặt vải nhìn giống kiểu sợi Linen nhưng thực tế tính chất vải không được thoáng mát như vải Linen.
h/ Vải Denim (vải bò)
Sợi dọc được nhuộm màu trước còn sợi ngang màu trắng. Sợi dọc được nhuộm trước khi dệt. Vải bò thường có trọng lượng từ khoảng 200 g/m2 – 400 g/m2. Vải bò có thể có thành phần 100% cotton, cotton/poly, cotton/spandex, cotton/tencel. Có thể có xước mặt vải (slub denim) hoặc không.
i/ Vải Bengaline
Chun giãn nhiều, theo chiều dọc vải. Có thể dệt vân điểm hoặc vân chéo hoặc họa tiết. Vải đươc cấu tạo từ sợi polyester hoặc nylon, kết hợp với sợi visco/rayon và sợi Spandex. Thường dùng để may  các loại quần dáng ống bó, cần độ chun giãn cao.
j/ Vải Khaki
Gọi tên theo cách dệt vải, lóng chéo. Thường sử dụng chất liệu cotton, hoặc cotton pha (cotton spandex, cotton/polyester, cotton/polyester/spandex), hoặc sợi tổng hợp. Sử dụng làm vải áo jacket, vải quần….
k/ Vải Poplin
Gọi tên theo cách dệt vải, lóng ngang theo kiểu dệt Poplin. Làm trên nhiều chất liệu như polyester, polyester pha, cotton, cotton pha.  Sử dụng chủ yếu làm vải quần thể thao, quần mặc hàng ngày.
4. Các loại sợi thường sử dụng trong công nghiệp dệt vải
Sợi tự nhiên: sợi cotton (quả bông) lanh cây lanh, lụa (tơ tằm), len (lông cừu). Các loại sợi này thông thường có tính chất thoáng mát, mềm, hút ẩm tốt, thường may các loại quần áo sử dụng cho mùa hè, hàng trẻ em.

Sợi Polyester: là sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ. Vải làm từ loại sợi này có tính chất dễ giặt, dễ nhuộm màu, ít bắt bẩn, ít nhăn.
Sợi Nylon: Là sợi Polymer tổng hợp. Vải làm từ loại sợi này có tính chất bền, đàn hồi, dễ giặt, có độ bóng cao hơn sợi Polyester
Sợi Rayon: Sợi nhân tạo được tạo ra từ  các Cellulose tự nhiên như từ bột gỗ, xơ bông, có tính chất gần giống với sợi tự nhiên như thoáng mát, hút ẩm, mềm min. Tuy nhiên sợi rayon thông thường (visco rayon) có độ bền kém, và bị co nhiều sau giặt, là. Sợi HWM Rayon khắc phục được các điểm yếu này, có thể giặt máy. Các loại vải thực tế có thể làm bằng 100% Rayon hoặc pha sợi rayon với sợi cotton, polyester…. , từ đó làm thay đổi tính chất thông thường của sợi Rayon.

Acetate: là sợi tổng hợp từ phản ứng của cellulose với acetic. Tính chất của vải gần giống với Rayon. Vải làm từ Acetate chỉ có thể giặt tay hoặc giặt khô. Vải làm từ acetate có tính chất thoáng khí, thường được sử dụng làm vải lót trong các loai váy, quần áo yêu cầu bó sát như váy cưới.

Sợi spandex: là một loại chun tổng hợp, bền hơn cao su tự nhiên, thường được kết hợp với các loại sợi khác khi dệt vải để tạo độ co giãn và đàn hồi của vải.

Tóm lại, người làm quản lý đơn hàng cần phải nhận biết được loại vải; phân biệt được thành phần vải; hiểu thông tin ghi trên vải: code vải, khổ, trọng lượng, loại sợi, hoàn tất, giá; hiểu rõ tính ứng dụng của từng loại vải cho từng loại sản phẩm; nắm rõ quy trình sản xuất vải (dệt, nhuộm, hoàn  tất)… Các kiến thức về vải có thể được tìm hiểu kỹ hơn trong giáo trình Vật liệu may, sách Kỹ thuật nhuộm và các tài liệu chuyên khảo. Đây là kiến thức vô cùng cần thiết đối với một Merchandiser phụ trách khâu Sourcing và Development khi quản lý các đơn hàng FOB. Trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng, các cán bộ tuyển dụng thường đặt các câu hỏi chuyên môn liên quan đến các loại nguyên phụ liệu đặc biệt là về vải, hy vọng bài viết này sẽ giúp các ứng viên ứng tuyển Merchadiser thể hiện tốt kiến thức chuyên ngành. Chúc các bạn thành công! 
 
                                                          Đinh Thủy –Khoa Kinh tế
 
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 21 Tổng truy cập: 18.622.296