Trang chủ

KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN ĐẠI HỌC BÁCH KHOA

Ngày đăng: 09:06 - 24/04/2023 Lượt xem: 427
  1. Kinh nghiệm nghiên cứu khoa học sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội
Trong những năm đầu thập niên 1980, trường ĐHBKHN (nay là Đại học BKHN) nhà trường đã chủ trương đẩy mạnh hoạt động NCKH cả giảng viên lẫn sinh viên nhằm phục vụ sản xuất. Trong đó sinh viên tập trung tìm hiểu và nghiên cứu những đề tài nhỏ hoặc tham gia vào các đề tài do giảng viên thực hiện. Bằng nguồn kinh phí tự có năm 1998, ĐHBK Hà Nội đã mở lớp đào tạo kỹ sư tài năng, kỹ sư chất lượng cao dưới sự tài trợ của cộng đồng Pháp ngữ, chính phủ Pháp. Từ đây, nhà trường đã đẩy mạnh hơn các hoạt động NCKH cho sinh viên, đặc biệt là nhóm sinh viên học các lớp tài năng. Trường đã đầu tư nhiều phòng thí nghiệm hiện đại để giúp cho các sinh viên công nghệ có thể thực hành, củng cố lý thuyết và xa hơn là họ có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu của họ.

Ngày nay phong trào NCKH của sinh viên ĐHBKHN được mở rộng sang nhiều ngành đào tạo khác nhau của trường. Nhiều đề tài NCKH do sinh viên thực hiện được đánh giá tốt và được trao giải thưởng Olampic cơ học, giải thưởng sáng tạo Robotcom, giải thưởng VIFOTEC. Giai đoạn 2019 - 2022, nhóm sinh viên ĐHBKHN có 81 công trình xuất bản quốc tế từ hội thảo quốc tế tới các tạp chí quốc tế, trong đó có 21 bài báo ISI, 16 bài báo Q1… và gần 300 đề tài NCKH sinh viên được đánh giá là bám sát với thị trường sản xuất và có tính thực tiễn cao. Các đề tài sinh viên ĐHBK hướng đến 4 lĩnh vực: Dữ liệu, chuyển đổi số; Vật liệu tiên tiến, vật liệu mới; Năng lượng và môi trường bền vững và sức khỏe.
Mỗi năm ĐHBKHN tổ chức nhiều chương trình khoa học liên quan đến sinh viên như: Tuần NCKH sinh viên, tháng sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo, triển lãm một số sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa Hà Nội... Có thể thấy những sản phẩm rất gần gũi, cần thiết với cuộc sống hàng ngày nên có tính mới, sáng tạo và tính liên ngành cao. Hiện nay, khá nhiều sinh viên đã chú trọng xây dựng và thực hiện các đề tài nhằm ứng dụng AI, chuyển đổi số để giải quyết các vấn đề thời sự như công tác dự báo trong ngành điện, y tế, nông nghiệp, môi trường, nhận diện và xác định kích thước một số sản phẩm nông sản. Các nhóm sinh viên kỳ công theo đuổi những nghiên cứu công nghệ lõi, là nền tảng để phát triển những hướng nghiên cứu mới (đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, viễn thông) như giải pháp bảo mật cho nhà máy 4.0... Ngoài ra, sinh viên ĐHBKHN rất chủ động trong việc hình thành các công ty khởi nghiệp để thu hút các nguồn tài chính từ các công ty Spin-off (công ty do trường hỗ trợ thầy cô thành lập), Quỹ BK-Fun hoặc từ doanh nghiệp của các cứu sinh viên cũng như doanh nghiệp có quỹ đầu tư mạo hiểm.
Hoạt động NCKH sinh viên ĐHBKHN được đánh giá thành công xuất phát từ: (i) Sinh viên ĐHBK chủ động thích nghi với tình hình mới bằng cách bám chắc thực tiễn, giải quyết kịp thời hiệu quả những vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi; (ii) Trường khai thác tiềm năng đội ngũ NCKH đông đảo, đồng bộ và đa ngành để hỗ trợ và hướng dẫn sinh viên NCKH; (iii) Trường chủ động tích cực mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ sinh viên NCKH thông qua các chương trình hội thảo khoa học; (iv) Trường không chỉ hỗ trợ kinh phí NCKH cho sinh viên mà còn chủ động kết nối nhiều nguồn tài chính cho sinh viên tham gia NCKH, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm; (v) Trường chủ động hỗ trợ thông tin và tài chính cho sinh viên viết bài báo khoa học đăng các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.
  1. Một số bài học rút ra cho trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Từ năm 2017 đến nay, mặc dù mỗi năm nhóm sinh viên HTU tham gia NCKH tăng lên nhưng thực tế số lượng đề tài đăng ký vẫn ở mức thấp so với số lượng sinh viên của trường. Trong khi đó, sinh viên HTU mới chỉ thực hiện các đề tài NCKH cấp trường chứ chưa có nhiều sản phẩm NCKH khác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm NCKH sinh viên ĐHBK có thể rút ra một số bài học có tính tham khảo cho trường HTU như sau:
Thứ nhất, nhà trường nên khuyến khích thêm nhiều sinh viên tham gia NCKH và cấp thêm kinh phí cho các đề xuất NCKH sinh viên.
Thứ hai, các khoa nên định hướng sinh viên viết các bài báo khoa học để đăng các tạp chí chuyên ngành hoặc các tạp chí khoa học tính điểm (có thể là các tạp chí tối đa 0.25 hoặc 0.5 điểm).
Thứ ba, nhà trường nên có chính sách để sinh viên cùng tham gia thực hiện và hỗ trợ giảng viên thực hiện đề tài các cấp.
Thứ tư, nhà trường và các khoa tổ chức thêm nhiều cuộc thi NCKH cho sinh viên, tổ chức các hội thảo, hội nghị khoa học để sinh viên viết bài tham dự và trình bày.
Thứ năm, nhà trường nên chủ động liên kết với các quỹ đầu tư mạo hiểm (các Quỹ hoặc các doanh nghiệp dệt may có quỹ này) và doanh nghiệp của các cựu sinh viên tham gia hỗ trợ kinh phí cho đề tài sinh viên có tính thực tiễn cao.
 
Đậu Xuân Đạt – Khoa Kinh tế

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 172 Tổng truy cập: 31.129.311