Trang chủ

KỸ NĂNG CẦN CÓ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG ỨNG PHÓ TÁC ĐỘNG CỦA COVID-19 VÀ CMCN 4.0, PHÂN TÍCH VÀ ĐỀ XUẤT

Ngày đăng: 03:30 - 26/11/2021 Lượt xem: 2.168
Tác giả: Lê Thị Kim Tuyết – Khoa Kinh tế
1. Đặt vấn đề
Đại dịch COVID-19 đã gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến tình hình kinh tế mà còn tác động đến lao động và việc làm trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã thể hiện những bước tiến vượt bậc, nâng cao năng suất nhờ biến đổi phương thức vận hành. Cuộc CMCN 4.0 bên cạnh mang lại cơ hội nhưng đồng thời còn nhiều thách thức về lao động và việc làm trong sự phát triển ở các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu quản trị nhân lực trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trên cơ sở phân tích tác động của COVID-19 và CMCN 4.0 đến lao động và việc làm, nghiên cứu đề xuất một số kỹ năng cần có cho người lao động Việt Nam nhằm chủ động ứng phó trước sự tác động của COVID-19 VÀ CMCN 4.0.

2. Phân tích tác động của COVID-19 và CMCN 4.0 đến lao động và việc làm
2.1. Tác động của COVID-19 đến lao động và việc làm
* Tác động của COVID-19 đến lao động và việc làm trên thế giới

Theo ILO (2020), COVID-19 có tác động sâu rộng đến đầu ra của thị trường lao động. Sự tác động đến thế giới việc làm trên ba khía cạnh chính: (1) Số lượng việc làm (cả thất nghiệp và thiếu việc làm); (2) Chất lượng công việc; (3) Ảnh hưởng đến các nhóm cụ thể là những người dễ bị tổn thương hơn với tình trạng bất lợi của thị trường lao động. Trong đó, sự tác động đến tình trạng thất nghiệp toàn cầu và thiếu việc làm với các ước tính của ILO chỉ ra rằng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm gia tăng đáng kể sau khi có sự trỗi dậy của vi-rút. Dựa trên các kịch bản khác nhau về tác động của COVID-19 đối với tăng trưởng GDP toàn cầu, như: (1) Kịch bản “Thấp” trong đó tăng trưởng trưởng GDP giảm khoảng 2%: Thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng 5,3 triệu người, với dao động từ 3,5 đến 7 triệu người; (2) Kịch bản "Trung bình" khi tăng trưởng GDP giảm 4%: Thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng 13 triệu người (7,4 triệu người ở các nước thu nhập cao), với dao động từ 7,7 đến 18,3 triệu người; (3) Kịch bản "Cao" trong đó COVID-19 có tác động cực kỳ nghiêm trọng, làm giảm mức tăng trưởng GDP khoảng 8%: Thất nghiệp toàn cầu sẽ tăng 24,7 triệu người, với biên độ dao động từ 13 triệu đến 36 triệu người. Các ước tính của ILO cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu tăng từ 5,3 triệu (kịch bản thấp) và 24,7 triệu (kịch bản cao) từ mức cơ sở là 188 triệu vào năm 2019. Kịch bản trung bình cho thấy con số này sẽ tăng 13 triệu (trong đó 7,4 triệu ở các nước thu nhập cao) [6].
Hình 1: Tác động của suy giảm tăng trưởng toàn cầu đến tình trạng thất nghiệp dựa trên ba kịch bản, tác động toàn cầu và theo nhóm thu thập
Nguồn: [6]
* Tác động của COVID-19 đến lao động và việc làm ở Việt Nam
Tính đến tháng 9 năm 2020, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, trong đó gồm người bị mất việc làm, người phải nghỉ giãn việc/nghỉ việc luân phiên, bị giảm giờ làm hay giảm thu nhập… Có tới 68,9% người lao động bị giảm thu nhập (ở mức nhẹ), số người bị giảm giờ làm/nghỉ giãn cách/nghỉ luân phiên chiếm tới 40% người tham gia lao động, và số người buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất kinh doanh chiếm tới 14%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I, II và quý III năm 2020 đều có sự thay đổi do tác động của dịch COVID-19. Lực lượng lao động quý II năm 2020 là 53,1 triệu người, giảm 2,2 triệu người so với quý trước (quý I năm 2020 là 55,3 triệu, tỉ lệ tham gia lao động là 75,4%) và giảm 2,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm ghi nhận mức giảm sâu kỷ lục của lực lượng lao động từ trước đến nay. Ngoài ra, đến tháng 9 tháng năm 2020, gần 1,2 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, tăng 132,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2020 là 2,48%, cao gấp 1,14 lần so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị có tỉ lệ thất nghiệp là 4,0%, giảm 0,46 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,89 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị cao nhất trong vòng 10 năm qua [5].

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước 9 tháng năm 2021 là 2,67%; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,04%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,0%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 3,07% [4].

2.2. Tác động của CMCN 4.0 đến lao động và việc làm

Theo xu hướng phát triển CMCN 4.0, những năm gần đây, công nghệ thông minh và công nghệ hiện đại đã và đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. CMCN 4.0 đã tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo rô-bốt, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Cuộc cách mạng này tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, đặc biệt, có tác động đến lĩnh vực lao động và việc làm.

* Tác động của CMCN 4.0 đến lao động và việc làm trên thế giới
Cuộc CMCN 4.0 cũng mang lại cả cơ hội lẫn thách thức đối với sự phát triển ở mỗi quốc gia. Sự phát triển của công nghệ tự động sẽ giúp giải phóng sức lao động cho con người, tăng năng suất lao động nhưng cũng đẩy hàng triệu người phải đối diện với nguy cơ mất việc làm. Các việc làm có nguy cơ bị loại bỏ hoặc cắt giảm mạnh bao gồm: Các công việc lặp đi, lặp lại; các giao dịch mà nhân viên không cần bằng cấp, chỉ dựa trên quy trình chuẩn. Theo các chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), các nghề có nguy cơ mất việc làm cao nhất gồm: công nhân nhà máy (44%); nhân viên thu ngân (40%); tài xế taxi (20%); nhân viên chăm sóc khách hàng (18%); phi công (16%). Bên cạnh đó, có rất ít loại việc làm khó thay thế bằng robot, các công việc ít thay thế bởi robot như: bắc sĩ, y tá (3%); luật sư (4%); nhà báo (5%); nhà nghiên cứu (6%); nông dân (11%)…Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Toàn cầu McKinsey, ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Sự ra đời của các nhà máy thông minh, trong đó máy móc đóng vai trò chủ đạo có thể tự vận hành toàn bộ quy trình sản xuất, thay thế dần các dây chuyền sản xuất trước đây [3].

* Tác động của CMCN 4.0 đến lao động và việc làm ở Việt Nam
Với CMCN 4.0, Việt Nam có nhiều cơ hội về phát triển trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, nông nghiệp, ngân hàng, tài chính... Sự phát triển và áp dụng các thành tựu mới về công nghệ đã và đang giúp tạo công ăn, việc làm cho một số lĩnh vực ngành, nghề mới ở Việt Nam như lái xe công nghệ, dịch vụ nhà cho thuê, kinh doanh trực tuyến...Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số và quá trình robot hóa sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm nghiêm trọng đối với người lao động.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (2019), trong 10 năm tới Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, văn hóa kinh doanh, mô hình tổ chức… Có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (có xác suất bị thay thế trên 70%), 18% có rủi ro trung bình (có xác suất bị thay thế từ 30-70%) và 12% có rủi ro thấp (có xác suất bị thay thế dưới 30%). Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: nông, lâm và thủy sản (với 83,3% số việc làm có rủi ro cao); công nghiệp chế bến, chế tạo (74,4% số việc làm có rủi ro cao); bán buôn, bán lẻ (84,1% số việc làm có rủi cao) [3].

 Như vậy, dưới sự tác động của xu hướng CMCN 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là lao động và việc làm.

3. Đề xuất một số kỹ năng cần có của người lao động ứng phó tác động của COVID-19 và CMCN 4.0
Đại dịch COVID-19 và CMCN 4.0 được coi là "cú sốc kép" đối với thị trường lao động toàn cầu, gây đứt gãy thị trường lao động, gia tăng thất nghiệp, nhất là đối với lực lượng lao động trẻ. Ngoài các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Doanh nghiệp nhằm phục hồi sản xuất, góp phần cải thiện tình hình lao động và việc làm gắn với ba trụ cột chính dựa trên các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế để chống lại COVID-19 như: Bảo vệ người lao động ở nơi làm việc; Kích thích nền kinh tế và nhu cầu về lao động; Hỗ trợ việc làm và thu nhập (Hình 2).
Hình 2: Ba trụ cột chính để chống lại COVID-19 dựa trên các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế
Nguồn: [6]
Từ phân tích, tổng hợp, nghiên cứu đề xuất giải pháp cần sự chủ động từ cá nhân, trong đó, đặc biệt, là đối tượng thanh niên, những người vốn đã luôn phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm cao hơn các nhóm đối tượng lao động khác. Vì vậy, người lao động nói chung, nhóm lao động thanh niên nói riêng và các bạn sinh viên Việt Nam hãy trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết. Ngoài trang bị kỹ năng cứng như: kỹ năng chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và nhóm các kỹ năng mềm cốt lõi cần thiết mà bất kể ngành nghề nào cũng đòi hỏi:
+ Nhóm các kỹ năng tư duy như sức sáng tạo, tư duy độc lập, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ra quyết định, và khả năng tự học suốt đời.
+ Nhóm kỹ năng làm việc như khả năng giao tiếp và hợp tác làm việc theo nhóm.
+ Nhóm kỹ năng sử dụng các phương tiện, công cụ làm việc đa dạng cùng sự hiểu biết các kiến thức chung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT).
+ Nhóm kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu, bao gồm vấn đề ý thức công dân, cuộc sống và sự nghiệp, đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm cá nhân và xã hội, hiểu biết đa văn hóa… [2] thì kỹ năng số/ kỹ năng công nghệ và kỹ năng thích nghi với sự thay đổi được đặc biệt nhấn mạnh. Bởi với tác động của COVID-19 và xu hướng CMCN 4.0 đang ngày một thúc đẩy sự thay đổi của việc làm và cách chúng ta làm việc. Kỹ năng công nghệ và kỹ năng thích nghi, linh hoạt là những hành trang cần thiết để giúp chúng ta vững vàng ứng phó, chuẩn bị cho tương lai.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2025 có 85 triệu việc làm trên toàn cầu sẽ bị xóa bỏ, nhưng đồng thời có 97 triệu việc làm mới được tạo ra. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu của thế giới việc làm mới, ước tính khoảng 50% lao động cần được đào tạo lại và đào tạo nâng cao về kỹ năng [1]. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 cũng cho thấy sự cần thiết phải phát triển các kỹ năng số để xây dựng khả năng chống chịu với những cú sốc và cả những thay đổi trong cuộc sống cũng như là kinh tế giúp họ vững vàng và có tính cạnh tranh hơn trong thế giới hậu COVID-19.

CMCN 4.0 và đại dịch COVID-19 đã tạo ra xu hướng mới về việc làm. Thực tế, các cuộc cách mạng công nghiệp có thể làm mất đi một số nghề nhưng lại tạo ra nhiều nghề mới. CMCN 4.0 cũng sẽ tạo ra những ngành nghề mới lần đầu tiên xuất hiện như các nhà phân tích pháp y dữ liệu điện tử và quản lý khí thải carbon, kỹ sư phần cứng thông minh, nhân viên vận hành và bảo trì hệ thống thị giác công nghiệp, kỹ sư mạch tích hợp, nhân viên tư vấn bán hàng trực tuyến, giảng viên online, cùng với một nghề khá đặc biệt là chuyên viên dinh dưỡng calo và đánh giá khả năng tự chăm sóc của người cao tuổi dựa trên một hệ thống AI,…Ngoài ra, khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, thì đã xuất hiện nhiều phương thức làm việc mới, như làm việc online, bán hàng online, giao dịch online, học tập online, thưởng thức nghệ thuật online như trưng bày bảo tàng trực tuyến, biểu diễn trực tuyến... cho thấy CMCN 4.0 ngày càng hiện hữu và đã có tác động trực tiếp đến thị trường lao động cũng như giải quyết việc làm.
Giải pháp đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người lao động kết hợp trang bị kỹ năng công nghệ và kỹ năng thích nghi, linh hoạt hay chính là dựa trên nền tảng chuyển đổi số, tăng khả năng thích ứng của người lao động trước sự thay đổi của môi trường sẽ tạo ra nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực trẻ có kỹ năng và tay nghề cao. Giải pháp sẽ đồng thời giúp người lao động chủ động, vững vàng ứng phó, khả năng thích ứng tốt trước sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh như tác động của COVID-19 và xu hướng CMCN 4.0. Do đó, giải pháp đề xuất góp phần nâng cao kỹ năng của người lao động đáp ứng phù hợp với chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa lực lượng lao động hiện tại và tương lai, đồng thời giúp người lao động thích nghi, linh hoạt trước sự tác động của đại dịch COVID-19.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Ánh Dương (2021), Chuyên gia khuyến nghị kỹ năng số cần thiết để đáp ứng công việc thời chuyển đổi số
2. Trần Khánh Đức (2020), Thế giới nghề nghiệp và đổi mới mô hình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Hội thảo quốc tế Chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao của nhà trường thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

3. Nguyễn Nam Hải (2020), Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến người lao động và các hàm ý chính sách
4. Đặng Hiếu (2021), Phát huy lợi thế cách mạng công nghiệp 4.0, giải quyết việc làm trong bối cảnh dịch bệnh
5. Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Hương Giang (2021), Đại dịch Covid-19 tác động đến lao động việc làm ở Việt Nam qua phân tích số liệu thống kê
6. Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (2020), Báo cáo nhanh COVID-19 và Việc làm: Tác động và Ứng phó
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 159 Tổng truy cập: 31.863.139