NCS. Trịnh Thùy Giang
Khoa Kinh tế
Mở đầu
Phát triển văn hóa, phát triển con người luôn là mục tiêu quan trọng, xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội. ( theo Nguyễn Tuyết Lan [1]).
Do cách tiếp cận và quan niệm khác nhau nên có nhiều khái niệm về văn hóa ứng xử. Theo Đỗ Long“Văn hóa ứng xử là hệ thống thái độ và hành vi được xác định để xử lí các mối quan hệ giữa người với người trên các căn cứ pháp lí và đạo lí nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của cộng đồng, của xã hội” [3; tr 73]. Có thể hiểu ứng xử là “ cách sống, cách đối nhân xử thế, cách cư xử, thái độ và hành vi của cá nhân, của nhóm xã hội đối với một vấn đề một cá nhân hay một nhóm xã hội khác” [1, tr.12]. Như vậy đề cập tới ứng xử là đề cập đến “thái độ, hành động, lời nói trong tình huống nhất định, và hành vi được xem như là phản ứng, cách cư xử, biểu hiện ra bên ngoài của một người trong hoàn cảnh cụ thể” [7, tr.1754]. Dù tiếp cận trên phương diện nào, văn hóa giao tiếp, ứng xử vẫn phản ánh những giá trị cốt lõi như: tính chuẩn mực, tính đạo đức, tính trí tuệ, tính thẩm mĩ trong đối xử với con người, trong các tình huống khác nhau của cuộc sống. ( theo Nguyễn Tuyết Lan [1]).
Trong những năm qua, sự du nhập của văn hóa phương Tây tác động đến nhiều giá trị, chuẩn mực văn hóa dân tộc bị biến đổi, đảo lộn, đặc biệt là một bộ phận không nhỏ thanh niên, sinh viên mất phương hướng trong việc định hình giá trị. Mỗi trường đại học, cao đẳng hiện nay như một xã hội thu nhỏ với nhiều mối quan hệ đan xen phức tạp, nhiều tệ nạn như ma túy, cờ bạc, cá độ bóng đá, bạo lực học đường… đã len lỏi vào trong môi trường giáo dục. Không ít các chuẩn mực, giá trị, niềm tin văn hóa truyền thống của nhà trường đã bị thay đổi. Thái độ ứng xử, giao tiếp của sinh viên hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy thoái, băng hoại trong môi trường giáo dục. Văn hóa giao tiếp ứng xử trong sinh viên bao gồm “những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành và tích lũy bao gồm những suy nghĩ, thói quen, tập quán, tư tưởng, pháp luật… nhằm thiết lập mối quan hệ giữa thày, trò và các thành viên có liên quan để việc dạy và học đạt kết quả cao” [6, tr 51]. Văn hóa ứng xử, giao tiếp của sinh viên chính là nói đến chân thiện mỹ, là cái đẹp, là các giá trị chuẩn mực trong ứng xử, giao tiếp. Chủ thể sinh viên phải ứng xử có văn hóa, biểu hiện trong nhận thức, thái độ và hành vi trong các mối quan hệ, trước tiên là quan hệ trong trường phù hợp với chuẩn mực, đạo đức, lối sống, tác phong của xã hội. Văn hóa ứng xử của sinh viên là một bộ phận của văn hóa học đường. Văn hóa học đường là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của một nền giáo dục. Trong môi trường này mọi chủ thể tham gia từ người học đến nhà quản lý, giáo viên, nhân viên đều phải tuân thủ pháp luật, qui định, nội qui trường, rèn luyện lối sống, đạo đức và nhân cách. Nhằm góp một phần trong việc xây dựng, phát triển văn hóa học đường vững mạnh, đẹp từ trong nhận thức và đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong trường đại học, qua bài viết này, tác giả mong muốn đưa ra một số giải pháp thiết thực để xây dựng văn hóa ứng xử trong sinh viên ngày một tốt hơn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa học đường.
Văn hóa ứng xử trong sinh viên được thể hiện qua nhiều nội dung, ở đây tác giả chỉ đề cập tới văn hóa ứng xử của sinh viên với giảng viên, giữa sinh viên với nhau và văn hóa trong các hoạt động của nhà trường và xã hội.
1. Một số biểu hiện tích cực của văn hóa ứng xử trong sinh viên
1.1. Ứng xử của sinh viên với giảng viên
Nhìn một cách tổng thể, đa số sinh viên Việt Nam hiện nay vẫn giữ được nét đẹp truyền thống trong ứng xử với giảng viên, chuẩn mực tôn sư trọng đạo, kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo. Thực tế cho thấy sinh viên hiện nay rất năng động, nhiệt tình, tự tin và có óc sáng tạo rất lớn. Giảng viên cần phải tạo điều kiện, khuyến khích hỗ trợ chứ không áp đạt ý kiến chủ quan của mình nhằm phát huy trình độ, năng lực, vị trí, vai trò của sinh viên. Người học là trung tâm trong mọi hoạt động giáo dục đào tạo của nhà trường. Mối quan hệ giữa sinh viên và giáo viên ngày nay cũng có rất nhiều sự thay đổi. Ngày nay sinh viên được tự do nêu ra quan điểm, suy nghĩ, bày tỏ cá tính bản thân, thể hiện cái “tôi” bản thân hơn trước. Các bạn hiểu được các bạn là trung tâm của bài giảng, các bạn chủ động tiếp thu kiến thức và mạnh dạn phản hồi những ý kiến mà bản thân cho rằng giáo viên đưa ra thông tin chưa được chính xác. Cách ứng xử giữa giảng viên và sinh viên là nhịp cầu nối cho sự hình thành, phát triển nhân cách tốt cho sinh viên. Sinh viên có hành vi đẹp, thái độ ứng xử, giao tiếp tốt là một yếu tố góp phần làm tăng giá trị thương hiệu và làm đẹp thêm hình tượng về trường học. Như vậy cách ứng xử của sinh viên với giảng viên trong trường học có tác động tích cực, qua lại với nhau. Mối quan hệ này được duy trì, kết hợp hài hòa với mục tiêu chung là đào tạo nguồn lao động tốt, đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ tạo nên sức mạnh, sự quảng bá về trường hoc ngày càng tốt và mang lại hiệu quả truyền thông cao trong việc thu hút sinh viên mới, các doanh nghiệp sử dụng lao động và các bậc phụ huynh. Chúng ta cần tạo điều kiện phát huy tính dân chủ, tự do cho sinh viên trong khuôn khổ, củng cố và phát triển địa vị cá nhân trong tập thể.
1.2. Ứng xử giữa sinh viên với nhau
Ứng xử của sinh viên với bạn bè cũng là một nội dung quan trọng trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Được bạn bè cổ vũ, động viên sẽ như được chắp thêm đôi cánh. Việc tự mình học tập, trau dồi để có khả năng tư duy độc lập, có kinh nghiệm vẫn chưa đủ tạo nên tác phong chuyên nghiệp. Sinh viên cần biết cách phối hợp cùng nhau. Tựa như những viên gạch, dựa trên sự ăn ý, gắn kết sẽ tạo nên một ngôi nhà vừa đẹp vừa bền. Qua giao tiếp, ứng xử cởi mở chân thành, sinh viên dễ dàng hiểu nhau, tìm được sự tương đồng trong học tập và sinh hoạt. Ví dụ cùng nhau tới thư viện tìm kiếm tài liệu, cùng nhau hoàn thành tốt bài giảng viên giao…Không tỏ ra hơn thua với bạn. Luôn tạo tâm thế bình đẳng và cư xử mềm mỏng, chân thành, không đồng cảm ba phải, không hùa theo khuyến khích việc xấu. Luôn thể hiện bản tính năng động, tự tin nhiệt tình của sinh viên chứ không phải tinh thần anh hùng rơm, thủ đoạn, giả dối. Khi bạn bè gặp khó khăn sẵn sàng chia sẻ, động viên, hỗ trợ, an ủi. Một lời cảm ơn, xin lỗi nhẹ nhàng chân thành có thể để lại một ấn tượng tốt, có thể giải tỏa được những vướng mắc tạo nên mâu thuẫn không đáng có. Sự giúp đỡ cùng nhau tiến bộ, chia sẻ khó khăn, tham gia các hoạt động, công tác đoàn đội… giúp sinh viên gần nhau hơn.
1.3. Sinh viên với các hoạt động của nhà trường và xã hội
Môi trường tự nhiên hay môi trường văn hóa đều được góp sức bởi hành vi văn hóa. Môi trường học đường có sạch, đẹp, có văn hóa hay không nhờ phần lớn vào việc sinh viên ứng xử như thế nào. Mỗi cá nhân thông qua thái độ, hành vi của mình đối xử với môi trường xung quanh và tham gia vào các hoạt động chung của nhà trường và xã hội là góp phần tạo dựng văn hóa học đường. Với sinh viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, các em đã ý thức được việc tự dọn dẹp phần túi, vỏ của đồ ăn sau giờ học, khi mua hàng ở căng tin các bạn đã từ chối dùng túi nilong với những đồ không cần thiết. Ở mỗi tầng đều có thùng rác, mỗi bạn không ai bảo ai đều tự giác phân loại chai nhựa, lon nước sang 1 bên và các loại bao bì, giấy sang một bên. Hoạt động “ngày chủ nhật xanh” được các bạn hưởng ứng tích cực thông qua các hoạt động chính là dọn rác, quét dọn, nhổ cỏ, và phân loại rác để tái sử dụng... xung quanh trường. Tại các phòng học thực hành ở trong trường cũ, các bạn đã làm rất tốt vệ sinh công nghiệp. Sau những buổi thực hành hiệu quả những vải vụn, chỉ thừa trong quá trình may rơi ra các bạn đã dọn dẹp sạch sẽ để tiết học sau không bị ảnh hưởng. Ở kí túc xá, việc dọn rác được thực hiện hàng ngày để đảm bảo sự sạch sẽ. Thứ tư hàng tuần, các bạn sinh viên sẽ thu gom phế liệu như chai nhựa, lon.....để có cơ hội được tỏ tình trên loa của kí túc xá.
Hoạt động tình nguyện là một hoạt động tốt, hữu ích được các bạn sinh viên hưởng ứng, lan tỏa, chia sẻ mạnh mẽ. Các bạn đăng các bài viết lên mạng xã hội, trang cá nhân kêu gọi mọi người (không riêng gì sinh viên trong trường mà còn cả những người xung quanh khu vực sinh sống) cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường. Một số đội tình nguyện đã đi đến các khu trọ sinh viên ở hay kí túc xá dành cho sinh viên để thu gom giấy vụn chai lọ để góp phần nhỏ thu nhập cho chuyến đi tình nguyện ở xa. Đoàn thanh niên của trường đã tổ chức ngày hội trồng cây trang trí cho khuôn viên nhà trường. Các chi đoàn tham gia nhiệt tình. Có các chi đoàn đã dành được giải trong cuộc thi đó.
2. Một số biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử của sinh viên
2.1. Đối với giảng viên
Sinh viên hiện nay quan niệm, giảng viên chỉ có nhiệm vụ giảng dạy về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp còn nhiệm vụ giáo dục đạo đức, văn hóa thuộc về gia đình. Tuy nhiên chính sự thoải mái đó mà một bộ phận sinh viên hiện nay có thái độ không tôn trọng giảng viên, không tôn trọng bài giảng của giảng viên, nhất là những giảng viên trẻ. Khi giảng viên vào lớp, sinh viên đã quên mất hành động chào thầy cô - một hành động bắt buộc đầu giờ được hình thành từ khi đi học. Trong giờ học hiện tượng sinh viên vẫn làm việc riêng vẫn khá phổ biến; khi trả lời câu hỏi sinh viên còn ngồi tại chỗ; không ít sinh viên đi học muộn; thậm chí có sinh viên còn bao biện lí do hoặc cãi lại giảng viên khi bị nhắc nhở, phê bình. Sinh viên không còn thưa dạ bảo vâng, tiếp xúc với giảng viên không dùng kính ngữ; giảng viên mời sinh viên không tuân thủ qui định nội qui của trường, của giảng viên ra khỏi phòng học, sinh viên thản nhiên cười nói bước ra khỏi lớp. Việc xưng hô với giảng viên cộc lốc, thờ ơ, thiếu chủ ngữ diễn ra phổ biến. Trong giờ học, nếu giảng viên không có phương pháp sư phạm tốt thì sinh viên tranh thủ nói chuyện riêng, chơi game, vào mạng xã hội… Đặc biệt là những lớp tín chỉ, do ghép từ nhiều lớp nên việc sinh viên đùn đẩy, viện cớ và giảng viên phải chỉ đích danh mới làm một số việc như lau bảng, đóng cửa, tắt đèn, khóa lớp.
Khi gặp giảng viên, một số sinh viên còn quên chào, thậm chí có bạn còn quyết tâm đi trước giảng viên để không bị phạt vì đi muộn. Việc tranh thang máy, xô đẩy nhau trên thang bộ, xe bus… là một số hành động không đẹp vẫn còn tồn tại trong sinh viên. Thậm chí sinh viên còn gọi “ông, bà” để chỉ thầy cô như một lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó sinh viên cũng triệt để sử dụng mạng xã hội để lan truyền, phổ biến thông tin đề thi, các kỹ thuật quay cóp bình phẩm về thầy cô, bạn bè… Đây là những hành vi thiếu văn hóa cần phải được loại bỏ và chấm dứt trong môi trường học đường.
Một số sinh viên tinh thần học tập chưa tốt, tính tự giác trong học tập chưa cao. Việc ỷ lại, trông chờ vào giảng viên khá phổ biến. Yêu cầu của việc đổi mới phương pháp giáo dục đại học là lấy người học làm trung tâm, sinh viên được yêu cầu chuẩn bị bài trước khi lên lớp. Thực tế cho thấy số sinh viên chuẩn bị bài chưa nhiều, nếu có thực hiện chỉ với mục đích lấy điểm, đối phó với sự kiểm tra của giảng viên. Giờ thảo luận, thực hành mặc dù giảng viên đã giao, hướng dẫn nhưng số sinh viên tham gia vào quá trình chuẩn bị và thảo luận trên lớp không nhiều. Phần lớn nhóm được giao sẽ chỉ có một vài bạn làm việc là chính, số còn lại thờ ơ, không quan tâm hoặc làm đối phó. Một số lại coi giờ thảo luận là “giờ giải lao, chém gió” để thỏa sức làm việc riêng.
2.2. Ứng xử giữa sinh viên với sinh viên
Một số sinh viên thường có thái độ quá khích, thiếu bình tĩnh khi bạn bè làm mình không hài lòng. Vì vậy, chỉ một cái nhìn “không bình thường”, chỉ một va chạm nhẹ, một mâu thuẫn nhỏ là có thể có những lời nói thô tục, khiếm nhã, thậm chí gây gổ, đánh nhau.
Giữa các bạn sinh viên với nhau họ thường có thái độ thân mật thái quá, suồng sã, đùa cợt dẫn đến việc sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn trong giao tiếp của xã hội. Khi đến căng tin, hàng quán hay khi vào khu kí túc xá đâu đâu cũng nghe được những câu nói tục, chửi bậy thiếu văn hóa của sinh viên. Khi đi ngoài đường nhiều sinh viên còn thể hiện sự giao tiếp thiếu văn hóa của mình trước mặt những người lớn tuổi: không chào hỏi thậm chí còn dùng từ gây phản cảm.
Hành động phân biệt học lực, phân biệt giàu nghèo, phân biệt dân tộc, miệt thị chê bai dẫn đến gây gổ đánh nhau vẫn tồn tại trong sinh viên.
2.3. Văn hóa ứng xử với môi trường
Ngày nay làn sóng thời trang tác động mạnh mẽ tới các bạn trẻ sinh viên. Việc chạy theo mốt, theo trào lưu, theo Idol diễn ra khắp nơi. Trường học giảng đường “vô tình” cũng trở thành nơi mang đầy hơi hướng thời trang do sinh viên du nhập vào. Bước vào trường May chúng ta rất dễ nhận ra điều ấy. Trường hiện nay không còn quá gò bó khắt khe trong vấn đề trang phục học đường; không còn bắt các bạn sinh viên phải ngày ngày mặc bộ đồng phục cứng nhắc như các cấp học phổ thông. Tuy nhiên, thoải mái phải đi đôi với tiêu chí kín đáo, thanh lịch, gọn gàng phù hợp với môi trường học tập trên giảng đường. Một số bạn sinh viên hiện nay “vô tình” đang dần biến trường học trở thành “sàn diễn thời trang” bất đắc dĩ. Các bạn nữ mặc những chiếc váy quá ngắn hay chiếc áo hở trước hở sau; áo siêu mỏng; các bạn nam tai đeo khuyên, quần rách rưới, với tiêu chí quần càng rách càng “đẹp”, càng hợp mốt... Và đã từ rất lâu không còn nhìn thấy những trang phục trắng xanh giản dị kín đáo hay những tà áo dài thướt tha nơi học đường.Việc chấp hành đúng nội quy của nhà trường cũng là vấn đề vô cùng quan trọng; hiện tượng đi học muộn chẳng còn là điều xa lạ, hay tình trạng học hộ, thi hộ vẫn còn diễn ra. Đã là hiện tượng có nghĩa là xảy ra rất nhiều lần, dần dần trở thành thói quen xấu trong cả một cộng đồng, làm ảnh hưởng trước tiên tới chính bản thân các bạn sinh viên; kiến thức không được đảm bảo, kết quả học tập không được như ý muốn, làm tốn tiền, tốn thời gian của chính các bạn. Tình trạng học hộ, thi hộ nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ bị kỉ luật buộc thôi học; bao sự cố gắng của bản thân, sự kì vọng của gia đình và thầy cô đều tan biến...
Như vậy, biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử trong sinh viên có thể do nhiều nguyên nhân dẫn tới. Một phần do sự quản lý của các trường học chưa tốt; một số giảng viên chưa thực sự chuẩn mực trong văn hóa ứng xử; chưa có quy định về văn hóa ứng xử cho sinh viên trong trường; bản thân sinh viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện về văn hóa, đạo đức, lối sống lành mạnh … Nếu không có giải pháp kịp thời thì những hiện tượng đó sẽ phá hủy môi trường học đường, môi trường giáo dục đại học.
3. Một số giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trong sinh viên
Từ những biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử của sinh viên hiện nay, muốn xây dựng văn hóa cho sinh viên cần phải thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Đảng ủy, Ban giám hiệu, các Khoa, Trung tâm phải nhận thức được tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc giáo dục văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử trong sinh viên nói riêng. Nhà trường phải ban hành được qui định, nội qui về giao tiếp, ứng xử trong môi trường giáo dục đại học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và tổng kết công tác thực hiện văn hóa học đường. Tổ chức các chuyên đề buổi nói chuyện, sinh hoạt về ý thức và văn hóa học đường cho sinh viên.Tổ chức các hoạt động, phong trào văn hóa ứng xử như thi sinh viên thanh lịch, các cuộc thi nói lời hay làm việc tốt, mỗi ngày một hành động đẹp…
Hai là, các chi bộ, Khoa, các Trung tâm, phòng ban cần phối hợp chặt chẽ với phòng công tác học sinh sinh viên, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, cán bộ các lớp trong công tác giáo dục, đào tạo, đặc biệt là định hướng chuẩn về văn hóa ứng xử trong sinh viên. Phải coi đó là nhiệm vụ trọng tâm trong bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay. Hàng tuần, hàng tháng cần triển khai đánh giá hoạt động về công tác sinh viên trong đó có văn hóa ứng xử. Tổ chức tuyên dương hành vi đẹp, hành động xấu cần phải được phê bình rộng rãi mang tính cảnh báo, răn đe và áp chế.
Ba là, giảng viên phải là người gương mẫu về đạo đức, lối sống, nhân cách, là một tấm gương về văn hóa ứng xử để sinh viên noi theo. Giảng viên cần thể hiện năng lực chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy, luôn có hành vi và thái độ chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử. Đây là tính tất yếu trong quá trình đổi mới toàn diện đại học Việt Nam hiện nay. Đặc biệt giảng viên phải lấy phương châm “lấy người học làm trung tâm”, phải tăng cường giám sát, tăng cường tương tác với sinh viên trong quá trình trước trong và sau giờ học. Giảng viên đóng vai trò là người gợi mở, định hướng, cố vấn để sinh viên chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức và hình thành văn hóa đẹp.
Bốn là, có sự phối hợp giữa công đoàn trường, đoàn thanh niên với chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động đào tạo, hoạt động ngày hội việc làm, hoạt động tình nguyện, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động vì cộng đồng, hoạt động tri ân… nhằm hướng sinh viên tích cực, chủ động tham gia, tự giác rèn luyện và bồi dưỡng về nhân cách, đạo đức, lối sống cho bản thân. Các hoạt động chào đón tân sinh viên, chia sẻ của khóa trước, đại nhạc hội… đều có thể giao cho sinh viên tổ chức. Ban giám hiệu, các Khoa, Trung tâm, phòng ban hỗ trợ… sẽ giúp các em sinh viên nâng cao kỹ năng, khả năng tự tổ chức, thích nghi và phát huy tinh thần của tuổi trẻ.
Năm là, tạo kênh truyền thông cho sinh viên chia sẻ các bài viết hay, hành động đẹp, chia sẻ kiến thức, kỹ năng mình học được cho các bạn trong trường. Tạo sân chơi bổ ích, tăng tính thi đua, cạnh tranh lành mạnh giữa các khoa, các lớp, các ngành và các sinh viên thông qua các cuộc thi như Olympic, thể thao, thi tay nghề. Khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc hội thảo giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế, được tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau để qua đó được thể hiện và phát triển bản thân.
Kết luận
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục đại học, giúp cải thiện mối quan hệ của sinh viên, tăng cường khả năng thích nghi với môi trường, công việc sau này. Nhiệm vụ trọng tâm của sinh viên là học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, văn hóa, lối sống. Văn hóa đạo đức không phải tự nhiên mà có. Nó do đấu tranh, trau dồi, phát triển, kế thừa và sàng lọc. Nhà trường, gia đình là những tấm gương về văn hóa, là nơi nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão cho sinh viên. Văn hóa ứng xử là một trong những nét đẹp, nội dung cần được quan tâm duy trì và bồi dưỡng của văn hóa học đường. Môi trường học đường là nơi rất quan trọng để rèn luyện nhân cách, đào tạo và giáo dục cho những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp. Vấn đề xây dựng văn hóa học đường trong đó có văn hóa ứng xử phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất. Nếu môi trường học đường thiếu đi văn hóa thì không thể làm được chức năng truyền tải những giá trị về kiến thức nhân văn cho thế hệ trẻ. Đã đến lúc ta cần nhìn lại văn hóa học đường đặc biệt là văn hóa ứng xử trong sinh viên và thấy được sự cần thiết của việc giáo dục tư tưởng đạo đức và lối ứng xử có văn hóa cho học sinh sinh viên. Xây dựng một thế hệ trẻ có sức khỏe có tinh thần sống đẹp.
Tài liệu tham khảo
-
Lê Thị Thanh Hương (Chủ biên) (2009), Ứng xử của người dân vùng đồng bằng sông Hồng trong gia đình, NXB Từ điển Bách khoa Hà Nội, tr.12.
-
Nguyễn Tuyết Lan (2019), Văn hóa giao tiếp, ứng xử- nền tảng că nbanr của văn hóa nhà trường Công An Nhân Dân trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 7(2019, tr. 163-166).
-
Đỗ Long (2008), Tâm lý học với văn hóa ứng xử, NXB Văn hóa thông tin (4, tr.73).
-
Trần Thị Tùng Lâm (2017), Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho sinh viên các trường đại học ở Hà Nội hiện nay – qua khảo sát một số trường đào tạo các ngành kỹ thuật, luận án tiến sỹ Chính trị học, Hà Nội, tr. 19.
-
Đỗ Hoài Phi (2009), Văn hóa doanh nghiệp, NXB Học viện tài chính.
-
Phạm Ngọc Trung (2011), Văn hóa và phát triển từ lý luận đến thực tiễn, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.51.
-
Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thụy, Nguyễn Đức Dương (2005), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, NXB Văn hóa Sài Gòn, tr.1754.