Trang chủ

MỘT SỐ KHÓ KHĂN CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI KHI HỌC TRỰC TUYẾN

Ngày đăng: 02:47 - 08/02/2023 Lượt xem: 675

THS. NCS.LÝ THU CÚC

THS. ĐÀO THỊ HẰNG
Khoa Kinh tế Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
Tóm tắt:
            Dịch bệnh Covid-19 trên Thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Trong đó, giáo dục được xem là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi đồng loạt các trường buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh thì hoạt động học tập của học sinh, sinh viên nhanh chóng chuyển đổi từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến. Trên thực tế, khi triển khai hoạt động học tập học sinh, sinh viên vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhóm tác giả thông qua khảo sát trực tuyến 502 sinh viên thuộc các ngành của Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã chỉ ra một số khó khăn mà các em phải đối mặt từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm đạt được hiệu quả tốt hơn trong hoạt động dạy và học trực tuyến.
            Từ khóa: Covid-19, học trực tuyến, sinh viên, khó khăn.
 
1. Đặt vấn đề
            Học trực tuyến (E-learning) là phương pháp học đã áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Không phải chỉ đến mùa dịch nhiều người mới nghĩ đến học trực tuyến. Trong thời đại 4.0, học trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội: tiết kiệm thời gian, chi phí, nội dung hình ảnh trực quan sinh động, mang tính tương tác cao… Không thể phủ nhận ưu điểm vượt trội của phương pháp học trực tuyến, đặc biệt trong thời đại phát triển của công nghệ AI. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng học trực tuyến giúp tiết kiệm 50 - 70% chi phí, 40 - 60% thời gian so với cách học truyền thống [1].

            Kể từ ngày 23/01/2020 khi ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện tại TP.HCM là ca nhập cảnh từ Vũ Hán, Trung Quốc [2]. Tính đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh, trong đó ở đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) với sự xuất hiện của biến chủng Delta và Omicron đã nâng tổng số ca nhiễm trong nước lên hơn 2 triệu [3]. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã khiến cho việc học tập của học sinh, sinh viên bị gián đoạn. Cụ thể, vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 năm 2020 khi đợt dịch đầu tiên bùng phát trong nước, tất cả các trường học buộc phải đóng cửa và toàn bộ học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ. Theo thống kê đến tháng 4/2020, tất cả 63 tỉnh, thành đã cho học sinh, sinh viên nghỉ ở nhà [4]. Đến nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần thực hiện các đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố hoặc thậm chí trên quy mô toàn quốc. Trong bối cảnh đó, nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19; vừa duy trì chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình đúng tiến độ, đảm bảo việc học tập của học sinh, sinh viên; nhiều trường học đã áp dụng việc dạy học bằng hình thức trực tuyến (online) đối với hầu hết các cấp học.

            Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh theo phương châm "tạm dừng đến trường, không dừng học tập" nên cũng giống như sinh viên (SV) các trường đại học, cao đẳng khác trong cả nước, sinh viên Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức học tập truyền thống sang học tập trực tuyến. Cũng chính bởi thực tế này nên đã tạo cho sinh viên không ít thách thức. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đề cập đến một số khó khăn của sinh viên Nhà trường khi học tập trực tuyến như: thiếu thiết bị học tập, đường truyền internet hay gặp sự cố, không gian học tập

2. Thực trạng hoạt động học tập trực tuyến của sinh viên Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Để thu thập dữ liệu và thông tin phục vụ nghiên cứu, nhóm tác giả tiến hành lấy ý kiến sinh viên ở một số lớp học phần. Thời gian tiến hành khảo sát từ 01/01/2022 đến 17h ngày 15/01/2022, đây là thời điểm toàn bộ sinh viên đã kết thúc tiến độ các học phần của học kỳ 1 năm học 2021-2022. Do vậy, thông tin thu thập được nhóm tác giả đánh giá là có tính khái quát hóa cao. Đối tượng khảo sát là sinh viên thuộc các ngành quản lý công nghiệp, marketing, kế toán, thiết kế thời trang, công nghệ may và ở đầy đủ các hệ đào tạo của Nhà trường, gồm: đại học, cao đẳng, liên thông.

Bảng 1: Thống kê đối tượng thực hiện khảo sát
Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã linh hoạt triển khai nhiều đợt học trực tuyến cho sinh viên nhằm góp phần thực hiện kế hoạch đào tạo Đại học đúng tiến độ và đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch bệnh. Trong năm học 2020-2021, việc học tập trực tuyến chủ yếu thực hiện bằng phần mềm Zoom, một số ít giảng viên tiến hành giảng dạy bằng phần mềm Google Meet. Ở học kỳ 1 năm học 2021-2022, ngoài 2 ứng dụng giảng dạy nêu trên, một số giảng viên của Nhà trường đã mạnh dạn sử dụng phần mềm Ms.Teams thông qua địa chỉ có tên miền hict.edu.vn được Nhà trường thiết lập và cung cấp cho giảng viên và sinh viên. Là chủ thể của quá trình học tập, việc chuyển đổi từ hình thức học tập truyền thống sang học tập trực tuyến đặt ra cho sinh viên những thay đổi cần thiết để đảm bảo hoạt động trực tiếp được diễn ra đúng yêu cầu. Theo đó, sinh viên cũng đã có những thích nghi nhất định trong việc sử dụng các phương tiện/thiết bị học tập trực tuyến. Theo kết quả điều tra nghiên cứu được thể hiện rõ ở hình 1, điện thoại di động được xem là thiết bị học tập trực tuyến được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn cả (chiếm 78%).
 
 
Hình 1: Thống kê thiết bị sinh viên sử dụng khi học tập trực tuyến

Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu
            Thực tế cho thấy, mặc dù điện thoại di động được sử dụng khá phổ biến trong quá trình học tập trực tuyến hiện nay do tính tiện lợi của nó, nhưng so với laptop hay máy tính bàn thì mức độ hiệu quả vẫn còn là vấn đề cần được quan tâm và xem xét cụ thể hơn. Đặc biệt là với kích thước màn hình quá nhỏ (thông thường chỉ dưới 8 inch), điện thoại di động nhanh chóng gây ra cảm giác mỏi mắt cho sinh viên trong quá trình học làm giảm hiệu quả của quá trình học tập. Thêm nữa, khi sinh viên online bằng điện thoại, nhiều tính năng của phần mềm học tập trực tuyến sẽ bị ẩn đi để nhường chỗ cho màn hình chính sẽ hạn chế khả năng tương tác của sinh viên với giảng viên.
            Trong quá trình dạy học trực tuyến, địa điểm học tập được xem là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng học tập của sinh viên. Kết quả khảo sát (hình 2) cho thấy rằng, đa phần sinh viên trải qua hoạt động học tập trực tuyến tại gia đình (361 em, chiếm 86%). Trong số này có 164 em chiếm 39% không có không gian học tập riêng mà phải học ở nơi sinh hoạt chung của gia đình, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tập trung của các em. Đặc biệt, đáng chú ý là không có sinh viên nào tận dụng cơ sở vật chất của trường để học tập (mặc dù các em có nhà gần trường hoặc ở trọ gần trường), 5% sinh viên vẫn phải học nhờ nhà người quen do thiếu phương tiện học tập, thiết bị kết nối hoặc có vấn đề về đường truyền mạng.

Hình 2: Thống kê địa điểm học tập trực tuyến của sinh viên

            Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu
            Bên cạnh vấn đề về thiết bị, địa điểm phục vụ cho việc học trực tuyến của sinh viên, còn có một số yếu tố khác được nhóm nghiên cứu chia ra làm 2 loại là yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Các yếu tố này được đứng trên góc độ của sinh viên để phân loại.

            Yếu tố chủ quan là những yếu tố thuộc về bản thân sinh viên được nhóm nghiên cứu chỉ ra là: (1) kỹ năng tương tác với giảng viên của sinh viên; (2) Tâm lý của sinh viên khi học trực tuyến trong thời gian dài; (3) Khả năng sử dụng thiết bị và khai thác CNTT của sinh viên; (4) kỹ năng học tập trực tuyến đặc biệt là khả năng tự học của sinh viên. Các yếu tố này được tổng hợp ở hình 3.

Hình 3: Một số yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của sinh viên

            Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu
            Yếu tố chủ quan là những yếu tố nằm ngoài khả năng "xoay sở" của sinh viên, trong nghiên cứu này nhóm tác giả đã đã chỉ ra một số yếu tố liên quan đến kỹ năng giảng dạy trực tuyến của giảng viên (hình 4), gồm: (1) sự tương tác với sinh viên; (2) sự không thống nhất trong đội ngũ giảng viên liên quan đến việc sử dụng phần mềm giảng dạy và giao, chấm bài trực tuyến; (3) quá trình chuẩn bị bài giảng trực tuyến của giảng viên. Bên cạnh các yếu tố thuộc về yếu tố giảng viên, một yếu tố quan trọng và gây tác động không nhỏ đến hiệu quả dạy và học trực tuyến đó chính là chất lượng đường truyền internet.

Hình 4: Một số yếu tố khách quan ảnh hưởng đến việc học trực tuyến của sinh viên

Nguồn: tổng hợp kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu
            Để tham gia lớp học trực tuyến một cách hiệu quả, sinh viên cần có một mức độ thành thạo công nghệ nhất định và phương pháp học tập phù hợp để tham gia vào các lớp học và tương tác trên không gian mạng. Trong các lớp học truyền thống, quá trình truyền đạt và tiếp nhận thông tin được diễn ra trực tiếp và nhanh chóng, sinh viên có thể trực tiếp phản hồi và nêu ý kiến. Sự tương tác trực tiếp này giúp quá trình học tập dễ dàng hơn, phong phú và dễ tiếp thu hơn. Tuy nhiên, khi chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức học trực tuyến đã khiến cho người học gặp nhiều khó khăn do thiếu một số kỹ năng cần thiết trong học tập và kết quả khảo sát (hình 3, 4) đã cho thấy rõ điều này. Cụ thể, 27% sinh viên cho rằng bản thân thiếu kỹ năng tương tác với giảng viên và kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị công nghệ thông tin còn hạn chế chiếm 17%. Đáng chú ý, tỷ lệ sinh viên có tâm lý chán nản, không hứng thú với việc học trực tuyến chiếm đến 58%. Có thể nói, trạng thái tinh thần của sinh viên trong quá trình học cũng phản ánh hiệu quả học tập trực tuyến. Việc học trực tuyến trong thời gian dài, sinh viên phải dành nhiều thời gian trước màn hình máy tính, thiếu giao tiếp giữa giảng viên với sinh viên, dẫn đến tâm lý mệt mỏi của phần lớn sinh viên. Do đó, việc sinh viên cảm thấy chán nản, không hứng thú là một trong những nhược điểm lớn nhất của người học trực tuyến. Việc thiếu các mối quan hệ trực tiếp ngăn cản sự tương tác trong quá trình học và có thể khiến sinh viên cảm thấy thiếu động lực học tập. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng học tập của sinh viên, bởi vì tâm lý được xem là yếu tố cốt lõi và đóng vai trò rất quan trọng quyết định đến hiệu quả học tập. Do đó, yếu tố tâm lý của người học cần được xem xét và chú ý hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị bài giảng của giảng viên cũng như sự quy định thống nhất của Nhà trường đối với giảng viên trong việc lựa chọn phần mềm giảng dạy trực tuyến cũng tác động rất lớn tới hiệu quả học tập của sinh viên. Cụ thể là có 45% ý kiến của sinh viên tỏ ra bối rối khi bị xoay quanh ma trận ứng dụng giảng dạy và giao bài tập của thầy cô. Đây là vấn đề mà Nhà trường, các khoa, trung tâm và giảng viên cần nghiêm túc xem xét.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động học tập trực tuyến của sinh viên Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
            Trong thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra tác động rất lớn đối với giáo dục Đại học bởi quá trình chuyển đổi gần như hoàn toàn từ hình thức đào tạo trực tiếp sang trực tuyến. Đây được xem là biện pháp kịp thời ứng phó và khắc phục những gián đoạn cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc phải tính đến các giải pháp và kế hoạch dài hạn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả dạy học. Do đó, việc xác định những khó khăn và rào cản của người học trong quá trình học trực tuyến được xem là cần thiết để có thể giảm thiểu những tác động tiêu cực và nâng cao chất lượng học tập trực tuyến trong tương lai. Từ kết quả khảo sát thực tế về những khó khăn và rào cản mà sinh viên đang gặp phải hiện nay, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau đây:

            Thứ nhất, để khắc phục những khó khăn trong quá trình học trực tuyến, nhà trường cần có những chính sách hoặc hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên kịp thời nhằm đảm bảo việc học của sinh viên không bị gián đoạn, đặc biệt là những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và/hoặc sống ở khu vực vùng sâu vùng xa khó tiếp cận và kết nối với mạng internet.
            Thứ hai, nâng cao hiệu quả của giáo dục trực tuyến bằng cách thay đổi trong phương thức giảng dạy, khả năng tiếp cận công nghệ của giảng viên và năng lực quản lý, lãnh đạo của nhà trường. Trong những vấn đề đó, nhóm tác giả đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Nhà trường cần sớm có chỉ đạo thống nhất trong đội ngũ giảng viên về vấn đề sử dụng ứng dụng giảng dạy, giao, chấm bài, tổ chức thi, kiểm tra trực tuyến để không gây khó khăn, bối rối cho sinh viên. Từ những bất cập trong quá trình tương tác giữa giảng viên và sinh viên, Nhà trường cần quan tâm và tổ chức các đợt tập huấn đổi mới phương thức giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong tương lai.
            Thứ ba, nhà trường cần quan tâm đến việc trang bị cho sinh viên kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin, kỹ năng khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ hoạt động học tập.
            Thứ tư, giảng viên cần tăng cường tương tác và trao đổi với sinh viên để tạo tâm lý thoải mái và cảm giác thích thú cho người học. Nghĩa là, giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy và lồng ghép nhiều hoạt động trong chương trình giảng dạy để tạo hứng thú học tập của sinh viên, tạo môi trường cho sinh viên trình bày và chia sẻ quan điểm của bản thân.
            Thứ năm, tăng cường hơn nữa vai trò của đội ngũ cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm để ổn định tinh thần cho sinh viên và nâng cao kỹ năng tự học của sinh viên khi học tập trực tuyến. Lồng ghép những nội dung trên trong các buổi họp lớp giữa giáo viên chủ nhiệm/cố vấn học tập với sinh viên để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các em.
4. Kết luận
            Trong phạm vi nghiên cứu đề tài lần này, nhóm tác giả chỉ mới dừng lại ở việc mô tả và chỉ ra những khó khăn, rào cản của sinh viên Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong quá trình học trực tuyến thời gian qua. Với kết quả khảo sát ban đầu, có thể nhận định rằng, sinh viên đã và đang phải đối mặt với một số rào cản khi phải chuyển sang hình thức đào tạo trực tuyến. Đồng thời, phân tích sâu hơn về những yếu tố rào cản ảnh hưởng đến chất lượng học tập trực tuyến của sinh viên; từ đó, đề xuất các giải pháp mang tính thiết thực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học trực tuyến trong tương lai.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/thong-diep-so/hoc-truc-tuyen-xu-huong-tat-yeu-trong-thoi-4-0-623121.html Truy cập ngày 15/01/2022
[2]https://vi.wikipedia.org/wiki/D%C3%B2ng_th%E1%BB%9Di_gian_c%E1%BB%A7a_%C4%91%E1%BA%A1i_d%E1%BB%8Bch_COVID-19_t%E1%BA%A1i_Vi%E1%BB%87t_Nam Truy cập ngày 15/01/2022.
[3] https://vnexpress.net/covid-19/covid-19-viet-nam Truy cập ngày 15/01/2021.
[4] Dương Kim Anh. (2020, 04 15). https://vietnam.fes.de/post/viet-nam-covid-19-va-thach-thuc-doi-voi-nganh-giao-duc Truy cập ngày 15/01/2022
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 195 Tổng truy cập: 31.863.905