Trang chủ

Nâng cao khả năng chuyển đổi phương thức từ CMT sang các phương thức sản xuất có gia trị gia tăng cao hơn của các doanh nghiệp may

Ngày đăng: 04:17 - 17/06/2021 Lượt xem: 7.769
 
Tác giả: ThS Đinh Thị Thủy – Khoa Kinh tế
 
Quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam đặt ra thách thức lớn với ngành dệt may, đặt các doanh nghiệp may mặc Việt Nam dưới áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi họ phải có khả năng sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm may mặc với chất lượng ngày càng cao, mức giá cạnh tranh và đáp ứng tốt yêu cầu về tiến độ giao hàng. Do vậy, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cần thực hiện việc dịch chuyển dần từ gia công sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, đặc biệt là ở các khâu thiết kế, tìm kiếm và phát triển nguyên liệu và quản trị chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người đặt hàng và nâng cao vị thế của ngành dệt may trên bản đồ dệt may thế giới. Cần xác định được yếu tố nào ảnh hưởng đến khả năng chuyển đổi các phương thức từ đó đề xuất các biện pháp nâng cao khả năng chuyển đổi phương thức sản xuất là nội dung của bài viết này.
Từ khóa: Chuyển đổi phương thức sản xuất, doanh nghiệp may; phương thức sản xuất.
1. Một số khái niệm
Phương thức sản xuất là cách thức mà doanh nghiệp sử dụng các nguồn lực để tiến hành các giai đoạn trong quá trình sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa cho khách hàng
Chuyển đổi phương thức sản xuất: là việc dịch chuyển cách thức sản xuất từ phương thức sản xuất đơn giản đến phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn tùy thuộc vào nguồn lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp.[1]

2. Các phương thức sản xuất

- CMT (Cut – Make – Trim) là phương thức bên thuê gia công sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nguyên phụ liệu, rập, tài liệu kỹ thuật…các đơn vị gia công chỉ cắt, may và hoàn thiện sản phẩm.
Ưu điểm và nhược điểm của phương thức sản xuất CMT:
+ Ưu điểm: suất đầu tư thấp; chỉ cần có hệ thống sản xuất đáp ứng yêu cầu sản xuất đơn hàng, không đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao ở các bộ phận thiết kế, quản lý đơn hàng, thị trường, xuất nhập khẩu; không phải chịu rủi ro về tài chính và đầu ra; không chịu áp lực với nhà cung cấp.
+ Nhược điểm: lợi nhuận thấp, mức độ cạnh tranh cao; ít lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới; ít có điều kiện tiếp cận các đơn hàng từ các hãng/thương hiệu lớn; chủ yếu nhận đơn hàng qua các trung gian.
- FOB (Free On Board) là phương thức sản xuất mua nguyên liệu, bán thành phẩm. Đối với đơn hàng FOB, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến sản xuất và hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, có 2 hình thức FOB là FOB cấp 1 (mua nguyên phụ liệu từ nhà cung cấp do bên đặt hàng chỉ định) và FOB cấp 2 (doanh nghiệp tự phát triển và tìm nguồn nguyên phụ liệu).
FOB cấp 1 (FOB chỉ định): các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức này sẽ làm việc với các nhà cung cấp chỉ định để đặt mua nguyên phụ liệu theo yêu cầu của khách hàng. Doanh nghiệp không được lựa chọn nhà cung cấp, không được đề xuất, thương lượng về giá cả trong quá trình mua hàng. Phương thức xuất khẩu này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tài chính khi đặt mua nguyên phụ liệu và vận chuyển nguyên phụ liệu.
FOB cấp 2: các doanh nghiệp nhận tài liệu mã hàng (tài liệu, rập, bảng chỉ định nguyên phụ liệu) từ các khách hàng và chịu trách nhiệm phát triển, tìm kiếm và lựa chọn nguyên phụ liệu, sản xuất và vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm. Việc phát triển và tìm kiếm nhà cung cấp thường chú trọng đến các tiêu chí quy mô sản xuất, giá cả, chất lượng, thời hạn giao hàng. Lợi nhuận từ phương thức này đem lại tỷ lệ thuận với mức độ rủi ro, đặc biệt là các rủi ro tài chính; thời gian chiếm dụng vốn kéo dài xuyên suốt tiến trình tiếp nhận và sản xuất đơn hàng.

Ưu và nhược điểm của phương thức sản xuất FOB:
+ Ưu điểm: giá trị gia tăng cao hơn so với gia công, đặc biệt là FOB cấp 2; doanh nghiệp chủ động đáp ứng nguồn nguyên phụ liệu đầu vào; có điều kiện tiếp cận các đơn hàng lớn từ các hãng/thương hiệu gốc; có nhiều lợi thế cạnh tranh trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á; có mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp, xử lý tốt các phát sinh về nguyên phụ liệu, không bị phụ thuộc khi chuỗi cung ứng bị đứt gẫy.
+ Nhược điểm: bị phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng, đặc biệt là FOB cấp 1; đòi hỏi nguồn tài chính mạnh và nguồn nhân lực chất lượng cao ở các khâu: quản lý đơn hàng, mua hàng, xuất nhập khẩu; đòi hỏi hệ thống quản lý phải đồng bộ trên tất cả các hoạt động, lĩnh vực quả doanh nghiệp.
- ODM: là phương thức sản xuất mà doanh nghiệp xuất phát từ phác thảo cơ bản của khách hàng để thiết kế mẫu, phát triển nguyên phụ liệu và thực hiện quá trình cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và xuất hàng. Do đó, phương thức sản xuất ODM còn gọi là sản xuất thiết kế gốc, bao gồm: thiết kế; thát triển nguyên liệu sản xuất; thu mua nguyên phụ liệu sản xuất; chuẩn bị thiết bị, công nghệ phù hợp; vận chuyển hàng hóa thành phẩm.
+ Ưu điểm: có cơ hội làm việc trực tiếp với các hãng may mặc lớn, lợi nhuận cao, có nhiều tiềm lực để chuyển dịch lên phương thức sản xuất cao hơn.
+ Nhược điểm: đòi hỏi nguồn nhân lực ở khâu thiết kế mạnh, khó thu hút và giữ chân nhân lực ở khâu thiết kế; quy mô doanh nghiệp thường lớn, hệ thống kinh doanh thương mại và hệ thống sản xuất phải hoạt động tương trợ nhau.
- OBM: là phương thức sản xuất mà doanh nghiệp sản xuất đảm nhận tất cả các khâu từ nghiênc cứu thị trường, thiết kế bộ sưu tập mang thương hiệu riêng của mình, tự phát triển và đặt mua nguyên phụ liệu để cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và thương mại hóa sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra. Đây là phương thức sản xuất khép kín, gồm đầy đủ các mắt xích của chuỗi giá trị, đem lại lợi nhuân cao cho doanh nghiệp.
+ Ưu điểm: giá trị gia tăng cao nhất; sở hữu nguồn nhân lực chất lượng cao, dễ dàng thâm nhập chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
+ Nhược điểm: rủi ro lớn, suất đầu tư cao; đòi hỏi phải có nguồn tài chính mạnh, nguồn nhân lực trình độ cao ở tất cả các bộ phận, đặc biệt bộ phận thị trường, thiết kế, marketing, thu mua, bán hàng, chăm sóc khách hàng bên cạnh hệ thống sản xuất mạnh…
 

3. Sự cần thiết chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn [1]

Sự cần thiết của chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang các phương thức cao hơn được thể hiện như sau:

a. Hội nhập kinh tế quốc tế

Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng trên phạm vi toàn cầu tạo ra sự dịch chuyển trong chuỗi giá trị hàng may mặc, sự dịch chuyển sản xuất hàng may mặc từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á tạo cơ hội cho các doanh nghiệp may mặc nhận được nhiều đơn hàng lớn, đặc biệt là các đơn hàng FOB. Các đơn hàng không thuần túy là gia công như trước đây, để có cơ hội nhận được các đơn hàng có giá trị gia tăng lớn hơn, doanh nghiệp may mặc phải có lộ trình dịch chuyển sang phương thức sản xuất cao hơn.

Sản phẩm may mặc Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường Mỹ, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mà các hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia đều có các đối tác này. Điều này, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đặt hàng tại Việt Nam để tận dụng lợi ích từ quy tắc xuất xứ. Đồng thời, các doanh nghiệp may mặc có vốn đầu tư trực tiếp ở nước ngoài dịch chuyển sang Việt Nam nhiều hơn để tận dụng những ưu đãi về thuế, gây ra áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp may mặc thuần Việt Nam. Để tăng lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp may mặc cần tính đến phương án chuyển dịch phương thức sản xuất sang các phương thức sản xuất cao hơn .

b. Xu hướng đặt hàng của khách hàng

            Trong bối cảnh cạnh tranh và xu hướng dịch chuyển các đơn hàng gia công hiện nay, các khách hàng thường có xu hướng chuyển các đơn hàng gia công về các quốc gia có chi phí gia công rẻ, hoạt động sản xuất đem lại năng suất và chất lượng cao đặc biệt là các quốc gia có truyền thống và uy tín về gia công hàng dệt may trong đó có Việt Nam với các đơn hàng rất đa dạng. Ngoài ra, khách hàng thường tìm đến các doanh nghiệp may công nghiệp có các chứng nhận về trách nhiệm xã hội, chứng nhận an toàn và an ninh sản xuất, thường các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn và có sự linh hoạt trong chuyển đổi phương thức sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp nào có khả năng chuyển đổi sản xuất tốt, có các chứng nhận đánh giá đáp ứng yêu cầu của khách hàng và có lợi thế về năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ là điểm đến đặt hàng của khách hàng.
c. Đặc thù ngành dệt may Việt Nam
Theo báo cáo ngành dệt may 2019 của Hiệp hội dệt may Việt Nam, gần 70% doanh nghiệp may mặc sản xuất theo phương thức gia công thuần túy hoặc thực hiện phương thức sản xuất OEM. Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đạt được một số thành tựu đáng kể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn còn những nút thắt cần cởi bỏ đó là vấn đề thiết kế sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, …. Khâu chuẩn bị nguyên phụ liệu đang phần lớn phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng, năng lực thiết kế còn nhiều hạn chế, khâu kinh doanh và thương mại còn chưa đem lại hiệu quả do đó không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng đặt hàng gia công và xuất khẩu; không thể trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Để tránh phụ thuộc vào các nhà cung cấp, chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh đòi hỏi các doanh nghiệp may mặc phải chuyển dịch sang phương thức sản xuất cao hơn. Khi đó các doanh nghiệp có thể chủ động trong thiết kế, tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và thương mại thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận, mở rộng quy mô sản xuất và tiến dần đến phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng lớn nhất cho doanh nghiệp .
d.  Định hướng, chiến lược phát triển ngành dệt may
Ngành dệt may Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như công nghiệp phụ trợ ngành may non yếu, khả năng cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất, năng suất lao động so với một số nước trong khu vực còn thấp, … nhưng với truyền thống ngành, với sự định hướng chiến lược rõ ràng của chính phủ trong quy hoạch phát triển ngành dệt may, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Công thương mà ngành Dệt May có những bước phát triển vượt bậc. Trong thời gian tới ngành dệt may Việt Nam có định hướng quy hoạch lại cơ cấu doanh nghiệp dệt may, tăng cường đầu tư cho ngành công nghiệp phụ trợ, giải bài toán chủ động chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào, tránh bị phụ thuộc vào một số nhà cung cấp từ nước ngoài và kêu gọi phát triển theo chiều sâu, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp may cần tính toán lộ trình và đầu tư nguồn lực để chuyển đổi phương thức sản xuất, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực. Do đó, việc chuyển đổi phương thức sản xuất từ gia công sang phương thức sản xuất cao hơn là bước đi cần thiết phải thực hiện, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, cạnh tranh thành công trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, phải nhận thức được sự cần thiết phải chuyển đổi, có lộ trình chuyển đổi phù hợp, phải có các rà soát về các điều kiện chuyển đổi và chuẩn bị tốt nguồn lực để chuyển đổi thành công.
e.  Áp lực cạnh tranh
Phương thức sản xuất chủ yếu của ngành vẫn là gia công, rào cản gia nhập ngành tháp; lợi thế cạnh tranh chủ yếu vẫn dựa trên lao động giá rẻ do chi phí gia công có xu hướng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, nếu chỉ làm gia công thuần túy thì các doanh nghiệp may mặc Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngày càng gay gắt từ những nước như Campuchia, Bangladesh… do những nước này vừa có chi phí nhân công rẻ hơn Việt Nam, vừa được ưu đãi về thuế quan nhiều hơn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Mỹ, EU. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp may may Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình bằng cách tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị dệt may, phát triển nhanh và chất lượng ngành công nghiệp phụ trợ.  Để giảm thiểu áp lực cạnh tranh, nâng cao lợi thế thì giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất sang các phương thức sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao hơn. Nếu thực hiện thành công phương thức sản xuất này, các doanh nghiệp may Việt Nam sẽ không những nâng cao được giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình do chủ động trong khâu thiết kế, cung ứng nguyên phụ liệu mà còn giúp nâng cao năng lực cạnh tranh do có thể chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của sản phẩm dệt may.
4.  Các yếu tố ảnh hưởng đến việc dịch chuyển phương thức  sản xuất từ CMT sang các phương thức sản xuất cao hơn [3]
a. Quy mô doanh nghiệp
            Quy mô doanh nghiệp mà quá nhỏ sẽ khó có thể tiếp nhận các đơn hàng FOB hoặc ODM. Các khách hàng thường ký các đơn hàng có số lượng đặt hàng lớn, bắt đầu từ khâu thiết kế, phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp có quy mô nhỏ sẽ không có năng lực để sản xuất đơn hàng đó. Quy mô doanh nghiệp mà quá bé sẽ dẫn đến không đảm bảo nguồn lực cho sản xuất đơn hàng, sản xuất thường nhỏ lẻ và không ổn định, mất lợi thế và cơ hội trong tiếp nhận đơn hàng có giá trị lớn từ người đặt mua. Do đó, đây là một yếu tố có tầm ảnh hưởng lớn đến khả năng chuyển đổi sản xuất từ gia công thuần túy sang phương thức sản xuất cao hơn.
b. Nhận thức  của chủ doanh nghiệp
Nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc có thể chuyển đổi phương thức sản xuất thành công hay thất bại. Nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện về tài chính, nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống sản xuất tốt để chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang cao hơn nhưng gặp phải cản trở từ phía người đứng đầu, họ cho rằng sản xuất theo phương thức gia công vẫn đem lại lợi nhuận và ít rủi ro hơn. Do đó, trong chiến lược sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không thể hiện rõ định hướng, quan điểm chỉ đạo và giải pháp chuyển đổi phương thức sản xuất. Và khi không có được sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và thực thi thì không thể thực hiện chuyển đổi phương thức thành công, do đó có thể xem nhận thức của người đứng đầu doanh nghiệp là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự thành công của việc chuyển đổi phương thức sản xuất cần phải xem xét.
c. Nguồn nhân lực
            Nguồn nhân lực của doanh nghiệp là yếu tố then chốt để thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp may. Khi chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn rất cần có nguồn nhân lực sản xuất, kỹ thuật, thiết kế, quản lý đơn hàng có năng lực, trình độ và kinh nghiệm. Đây là một bài toán khó trong thu hút và sử dụng nhân lực mà doanh nghiệp may cần giải quyết khi thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất. Các doanh nghiệp gia công đang yếu và thiếu nhân sự về thiết kế, thị trường, đặt hàng, quản lý đơn hàng; cần phải đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ở các bộ phận này để điều hành, tác nghiệp và thực hiện tốt các yêu cầu của khách hàng. Do đó, nguồn nhân lực là một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng đến khả năng chuyển đổi phương thức sản xuất mà doanh nghiệp may cần quan tâm giải quyết.
d. Tài chính
            Suất đầu tư của một vị trí việc làm của doanh nghiệp CMT thấp, nguồn vốn của doanh nghiệp hạn chế, lượng vốn lưu động chủ yếu dùng để thanh toán tiền lương và các chi phí quản lý; lợi nhuận giữ lại không đủ để đáp ứng yêu cầu thanh toán của các nghiệp vụ mua hàng, chuẩn bị đầu vào cho sản xuất. Khi thực hiện nghiệp vụ phát triển nguyên phụ liệu và mua hàng hay kinh doanh thương mại, doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để thực hiện thanh toán hoặc việc duy trì một lượng vốn để quay vòng vốn khá hạn chế. Đồng thời, với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ít có điều kiện để tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tài chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt là sản xuất theo FOB cấp 2, ODM, OBM. Do đó, nguồn lực tài chính là một yếu tố chính ảnh hưởng đến khả năng chuyển đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp.
e. Công nghệ, thiết bị
            Công nghệ và thiết bị hiện đại là yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh và là điều kiện để gia tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản xuất và ngược lại. Yêu cầu của khách hàng về năng, suất, chất lượng, tiến độ giao hàng được doanh nghiệp nào đáp ứng nhanh nhất và tốt nhất sẽ có cơ hội ký các hợp đồng sản xuất lớn, dài hạn. Để làm được điều đó, ngoài nguồn lực về tài chính, nhân lực thì doanh nghiệp phải sở hữu công nghệ, thiết bị tiên tiến đặc biệt là trong thiết kế, sản xuất. Công nghệ và sản xuất là yếu tố nền tảng để đảm bảo thực hành sản xuất tốt và đảm bảo duy trì hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, là điểm đến ưu tiên hàng đầu của các khách hàng có nhu cầu ký các đơn hàng FOB, ODM.
f. Hệ thống sản xuất và hệ thống quản trị doanh nghiệp
            Hệ thống sản xuất của doanh nghiệp được thiết lập đảm bảo sản xuất an toàn, liên tục, đạt năng suất cao và giảm thiểu các lãng phí là một trong những ưu tiên hàng đầu của khách hàng trong tìm kiếm và lựa chọn đơn vị sản xuất. Khách hàng đánh giá cao các doanh nghiệp chứng minh được năng lực và hệ thống sản xuất tốt, an toàn sẽ có cơ hội ký được các đơn hàng FOB, ODM với số lượng lớn.
            Doanh nghiệp quản trị tốt các nguồn lực và hoạt động của mình sẽ giảm thiểu được các phát sinh, quá trình trao đổi và phản hồi thông tin sẽ diễn ra đồng bộ, hiệu quả; các bộ phận tác nghiệp và phối hợp dễ dàng. Trong môi trường hội nhập kinh tế, khách hàng đánh giá cao các doanh nghiệp có hệ thống thông tin quản lý vận hành tốt; hệ thống quản trị tinh gọn và hiệu quả. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp có quy trình nghiệp vụ rõ ràng, sử dụng các phần mềm quản lý nguồn lực: quản lý mẫu, quản lý đơn hàng, quản lý vật tư, quản lý sản xuất, quản lý nhân sự, quản lý xuất hàng, thương mại điện tử… sẽ giảm thiểu được sự chồng chéo, sai lệch thông tin, giảm các tổn thất về tài chính, thời gian và vật chất. Khi chuyển sang phương thức sản xuất FOB hoặc ODM, doanh nghiệp cần có sự kết nối thông tin của nhiều bộ phận với nhau nếu hệ thống quản trị mà lỏng lẻo, hệ thống thông tin rời rạc sẽ là một cản trở trong quá trình chuyển đổi, mất thời gian xử lý sự cố và thiếu tính liên kết giữa các bộ phận.
g. Mối quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng
            Với nhà cung cấp: Doanh nghiệp có hệ thống nhà cung cấp rộng khắp, đa dạng và duy trì mối quan hệ tốt với họ sẽ giúp cho quá trình thương lượng, chào giá, chốt giá diễn ra nhanh chóng, có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngược lại, nếu hệ thống nhà cung cấp manh mún hoặc doanh nghiệp ít có vị thế trong thương lượng, đàm phán sẽ gây ra các phát sinh và sự cố làm chậm quá trìng cung ứng và chuẩn bị nguyên phụ liệu trong sản xuất, gây tốn kém về chi phí và bất lợi trong đồng bộ nguyên phụ liệu, ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và xuất hàng, mất uy tín với khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết lập mối quan hệ với nhiều nhà cung cấp, lựa chọn nhà cung cấp uy tín và chuyên nghiệp trong cung cấp. Cần nâng cao năng lực của đội ngũ phát triển, tìm kiếm nhà cung cấp; cải thiện quy trình mua hàng để phát huy quan hệ hợp tác, tin cây với nhà cung cấp,tạo dựng mối quan hệ đa dạng với nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước đặc biệt là trong nội khối các nước cùng tham gia hiệp định thương mại; tránh bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp hoặc khi chuỗi cung cấp hiện tại gặp trục trặc, thì khâu đầu vào của doanh nghiệp không quá chịu ảnh hưởng.
            Khách hàng đặt ra các yêu cầu ngày cao đối với doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực sản xuất; chất lượng sản phẩm và thực hiện các trách nhiệm xã hội,…nếu doanh nghiệp nào đáp ứng được cơ bản các yêu cầu của khách hàng sẽ có cơ hội tiếp nhận nhiều đơn hàng và có nhiều đãi ngộ và hỗ trợ từ khách hàng. Doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với khách hàng đặc biệt là các khách hàng lớn và truyền thống sẽ có cơ hội được ổn định sản xuất, nâng cao năng suất và chuyên môn hóa sản phẩm; ít phải chuyển đổi dòng hàng, tạo điều kiện chuyển đổi phương thức sản xuất thành công.
h. Năng lực phát triển mẫu, năng lực sản xuất của doanh nghiệp
Năng lực sản xuất của doanh nghiệp: năng lực sản xuất là khả năng của doanh nghiệp trong đáp ứng các yêu cầu về sản xuất của khách hàng. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp tốt sẽ giúp đáp ứng mục tiêu năng suất, giao hàng đúng hạn và ổn định về mặt chất lượng, là chìa khóa để tăng năng suất và tạo uy tín với khách hàng. Ngược lại, sẽ gây cản trở trong khả năng tiếp cận khách hàng, tiếp cận các đơn hàng lớn. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp được khẳng định cùng với sự chuyên nghiệp và hiện đại trong thiết kế, chuẩn bị đầu vào cho sản xuất; quản lý đơn hàng, mua hàng và kinh doanh thương mại sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, gia tăng lợi nhuận, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất thành công.
Năng lực phát triển mẫu và đáp ứng các yêu cầu mẫu của khách hàng: Bộ phận nghiên cứu phát triển mẫu phải đủ lớn, chuyên nghiệp và có năng lực, tay nghề sẽ rút ngắn thời gian phát triển mẫu, sớm có phương án giá và làm căn cứ để quá trình đồng bộ nguyên phụ liệu cho sản xuất diễn ra nhanh chóng, hiệu quả. Do đó, nếu doanh nghiệp chứng minh được năng lực mẫu tốt, đáp ứng đúng yêu cầu mẫu của khách hàng trong từng giai đoạn của quản lý đơn hàng sẽ được doanh nghiệp đánh giá cao, từ đó gia tăng cơ hội có được đơn hàng lớn, giá tốt.
i. Các yếu tố khác
Mối quan hệ với đơn vị cung cấp nguồn nhân lực: nhân lực thiết kế, quản lý và kỹ thuật là yếu tố mà doanh nghiệp may đang phải nỗ lực thu hút và duy trì. Để có được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, doanh nghiệp may cần thiết lập mối quan hệ tốt với các đơn vị cung cấp nguồn nhân lực đặc biệt là các trường đại học đào tạo nhân lực kỹ thuật, quản lý cho ngành may. Cần thiết phải thực hiện các chương trình kết nối đào tạo, hỗ trợ học tập, thực tập cho sinh viên các cơ sở đào tạo hơn. Khi đó, người lao động khi về doanh nghiệp tập sự, thử việc, hội nhập sẽ mất ít chi phí để đào tạo, thời gian đào tạo hội nhập được rút ngắn. Do đó, đây là một yếu tố ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao khi thực hiện chuyển đổi sản xuất. Ngoài các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cần liên kết với các sàn giao dịch việc làm ở các địa phương để tìm kiếm và thu hút nhân sự.
Quy chế thu hút, tuyển dụng nhân sự: hiện tượng nghỉ việc, nhảy việc trong doanh nghiệp may là rất cao, khoảng 20% mỗi năm khiến cho doanh nghiệp gặp bị động trong sử dụng và bố trí lao động đặc biệt là khối sản xuất và phục vụ [3]. Nếu doanh nghiệp có quy chế thu hút và tuyển dụng nhân sự có nhiều ưu đãi (quy chế tiền lương; quy chế khen thưởng, quy chế khuyến khích và phúc lợi lao động) sẽ góp phần đảm bảo thu nhập của người lao động, giảm thiểu biến động lao động, tạo điều kiện ổn định sản xuất và chuyển đổi thành công phương thức sản xuất.
 Mối quan hệ với doanh nghiệp có quy mô lớn, hệ thống quản trị sản xuất tinh gọn và có phương thức sản xuất tối ưu hơn: tham quan doanh nghiệp tiên tiến, điển hình và học hỏi cách thức quản lý, vận hành doanh nghiệp là một kênh thông tin giá trị đem lại nhiều bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp có định hướng chuyển đổi phương thức sản xuất. Việc học hỏi kinh nghiệm sẽ hạn chế được những rủi ro khi chuyển đổi, có giải pháp khả thi và hữu hiệu, phù hợp với nguồn lực và tình trạng hiện tại của doanh nghiệp khi chuyển đổi, rút ngắn thời gian chuẩn bị cho sự chuyển đổi và chủ động có những biện pháp ứng phó với những phát sinh, tác động từ bên ngoài khi chuyển đổi phương thức sản xuất.
Sư hỗ trợ của ban, ngành, hiệp hội: các đơn vị này thực hiện nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp may vừa và nhỏ; giúp nhận diện và loại bỏ một số khó khăn, hạn chế mà doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp phải, trong đó phải kể đến các hội chợ về công nghệ, nguyên phụ liệu ngành may; các hội thảo chia sẻ phương pháp và cách thức vận hành doanh nghiệp, chuyển đổi phương thức sản xuất; các chương trình đào tạo nguồn nhân lực miễn phí cho doanh nghiệp. Chính sự  hỗ trợ và kết nối này đã tạo điều kiện giúp doanh nghiệp nhận thức rõ bối cảnh, đánh giá đúng thực trạng và xác định hướng đi trong tương lai, làm thay đổi nhận thức của người đứng đầu đặc biệt là sự cần thiết phải chuyển đổi phương thức sản xuất để cạnh tranh và hội nhập bền vững.
5. Một số giải pháp nâng cao khả năng chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn
Nhằm tập trung nguồn lực và đảm bảo tính hiệu quả khi chuyển đổi phương thức, doanh nghiệp may cần tính đến thực hiện một số nhóm giải pháp sau:
a. Nhóm giải pháp về tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm kiếm thị trường, khách hàng, nhà cung cấp, hệ thống nhà máy vệ tinh
Đáp ứng các chứng nhận đánh giá nhà máy của khách hàng: Hoàn thiện hồ sơ đánh giá trách nhiệm xã hội, hệ thống quản lý chất lượng, hệ thống thực hành sản xuất tốt,...
Thực thi các giải pháp Marketing trong tìm kiếm đơn hàng FOB, ODM. Tận dụng mối quan hệ với các khách hàng cũ, tổng công ty, các đơn vị hỗ trợ. Tăng cường quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu doanh nghiệp với các đối tác thông qua các hội thảo, hội chợ triển lãm chuyên ngành.
Thành lập phòng thị trường, mua hàng; Phòng thiết kế và phòng mẫu hiện đại; đáp ứng yêu cầu của các khách hàng.
Thử nghiệm thiết kế, sản xuất và bán các sản phẩm mang thương hiệu của doanh nghiệp; phân tích đánh giá kết quả, thuận lợi và khó khan, rút kinh nghiệm và quyết định đầu tư mở rộng để vừa thực hiện sản xuất, vừa tiến hành kinh doanh sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp.
Tham quan các doanh nghiệp điển hình trong ngành may đã thực hiện dịch chuyển thành công, học hỏi và rút kinh nghiệm, vận dụng chuyển dịch phương thức sản xuất tại doanh nghiệp mình.
Tham gia các hội chợ may mặc, các hội chợ xúc tiến thương mại để có điều kiện tiếp xúc với các hãng may mặc, thời trang lớn trên thế giới. Tăng cường giao lưu, liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để học hỏi, thêm cơ hội kinh doanh.
Hoàn thiện quy trình quản lý, quy trình sản xuất theo phương thức FOB, ODM; thiết lập TNA để các bộ phận rõ về chức năng, nhiệm vụ và thuận tiện trong thực hiện nghiệp vụ. Thay đổi, tái cơ cấu lại tổ chức; phân công, nêu rõ công việc cụ thể của cán bộ quản lý đơn hàng, cán bộ quản lý sản xuất, cùng các nhân viên phòng ban, bộ phận khác khi sản xuất đơn hàng theo phương thức FOB, ODM.
Phát triển hệ thống vệ tinh các nhà máy gia công: xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đơn vị vệ tinh, đánh giá và xếp hạng vệ tinh để có phương án chuyển hàng gia công về các đơn vị.
Chuyên môn hóa dòng hàng sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Xây dựng hệ thống barem giá của từng công đoạn, phân chia trách nhiệm của các bộ phận trong xây dựng phương án giá để nâng cao khả năng thương lượng, đàm phán giá với khách hàng.
Tạo dựng mối quan hệ tốt với nhiều nhà cung cấp, đặc biệt nhà cung cấp trong nước, trong nội khối các nước cùng tham gia các hiệp định thương mại, chủ động trong nguồn cung nguyên phụ liệu.
Nghiên cứu nhà máy xanh và thông minh, cải thiện hình ảnh và uy tín để có thể có nhiều đơn hàng đến từ các hãng may mặc lớn có nhu cầu sản xuất các sản phẩm xanh, phục vụ thị trường quốc tế.
b. Nhóm giải pháp về chuẩn bị các nguồn lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi
Đánh giá thực trạng hoạt động, nguồn lực hiện có đặc biệt là nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực (đặc biệt là nhân lực quản lý đơn hàng, mua hàng, thiết kế, thị trường và marketing); đồng thời đánh giá mức độ đáp ứng các điều kiện chuyển đổi phương thức sản xuất. Lựa chọn sản phẩm, công suất, lộ trình khi chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang các phương thức sản xuất cao hơn. Đặc biệt là xác định lộ trình chuyển đổi, không nóng vội và đốt cháy giai đoạn khi thực hiện chuyển đổi.
Đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực (thị trường,thiết kế, quản lý đơn hàng; kỹ thuật, kế toán, xuất nhập khẩu, sản xuất, marketing, chăm sóc khách hàng). Để chuyển đổi phương thức sản xuất may công nghiệp từ CMT sang các phương thức cao hơn cần có đội ngũ nhân lực có trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm như cán bộ kỹ thuật, thiết kế; nhân viên quản lý đơn hàng, nhân viên kế toán, nhân viên phụ trách công tác xuất nhập khẩu, nhân viên kế toán, nhân viên marketing,.. để thực hiện các nghiệp vụ: tìm kiếm khách hàng, tạo lập đơn hàng, theo dõi, giám sát, xử lý trong suốt quá trình triển khai đơn hàng; phát triển nguyên liệu, thiết kế, mua hàng, sản xuất và xuất hàng,.... Do vậy các doanh nghiệp cần tính đến thành lập, kiện toàn phòng thị trường, tuyển dụng thêm nhân sự, đào tạo và phát triển nhân lực ở các bộ phận thiết kế, thị trường, mua hàng, quản lý đơn hàng, xuất nhập khẩu, nhân viên quản lý đơn hàng.
Thành lập phòng nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu phát triển các bộ sưu tập mới theo công nghệ hiện đại, chú trọng phát triển các nguyên liệu xanh, gần gũi với môi trường. Đầu tư xây dựng phòng mẫu tiêu chuẩn, với đầy đủ trang thiết bị, phần mềm phục vụ cho việc thiết kế, giác sơ đồ, may mẫu và thử mẫu. Thu hút tuyển dụng nhân viên thiết kế, may mẫu có tay nghề cao, kinh nghiệm.
Đầu tư đáp cơ sở vật chất (thiết bị và công nghệ 4.0; kho tàng, mặt bằng sản xuất, hệ thống sản xuất, hệ thống phòng cháy chữa cháy, phần mềm quản trị các nguồn lực và hoạt động.
Huy động và đảm bảo tài chính, đảm bảo nguồn vốn để phát triển, tìm kiếm, mua nguyên phụ liệu theo yêu cầu đơn hàng.
c. Nhóm giải pháp hoàn thiện quy trình quản lý
Xây dựng và hoàn thiện quy trình cho từng nghiệp vụ theo phương thức sản xuất dự kiến chuyển đổi; thiết kế và phân tích công việc để xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và phối hợp tốt khi thực hiện các đơn hàng FOB, ODM.
Quản lý sản xuất, quản lý đơn hàng bằng phần mềm quản lý hiện đại: nghiên cứu, tìm hiểu phần mềm quản lý đơn hàng tại các doanh nghiệp điển hình. Tìm kiếm đơn vị cung ứng. Thử nghiệm và đánh giá tính hiệu quả. Sử dụng trong quản lý đơn hàng.
d. Nhóm giải pháp duy trì hệ thống sản xuất và hệ thống quản lý chất lượng
            Mở rộng quy mô nhà máy; đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại đáp ứng quy trình công nghệ sản xuất; thiết kế cơ cấu sản xuất phù hợp và tối ưu; tiết kiệm thời gian vận hành và giảm thiểu được các lãng phí.
            Duy trì hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến không ngừng tất cả các hoạt động và bộ phận.
            Tổ chức các chương trình đào tạo và nâng cao tay nghề cho người lao động.
Áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại để khẳng định năng lực sản xuất và nâng cao năng lực quản lý của tất cả các bộ phận.
 
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Xuân Hiệp – “Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất tiêu chí của nguồn nhân lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) phù hợp với phương thức sản xuất ODM tại các doanh nghiệp may”
2. Lê Thị Kim Tuyết, (2019), Phát triển NNL quản lý đơn hàng cho các doanh nghiệp may Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 11, 58-60.
3. Nguyễn Thị Diệu Linh – Đề tài NCKH cấp trường- Một số giải pháp nâng cao khả năng chuyển đổi phương thức sản xuất từ CMT sang FOB cấp 1 của Trung tâm sản xuất dịch vụ Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
4. Nguyễn Thị Vân Hồng (2015) – Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế - Luận văn thạc sỹ.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 204 Tổng truy cập: 30.853.503