Trang chủ

NGHIỆM THU CẤP TRƯỜNG ĐỀ TÀI “GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN VĂN HÓA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỰ CHỦ TOÀN DIỆN GIAI ĐOẠN 2018-2025

Ngày đăng: 02:18 - 10/09/2020 Lượt xem: 518
Sáng ngày 01/9/2020, Hội đồng khoa học trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội tiến hành nghiệm thu đề tài “Giải pháp phát triển văn hóa trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội đáp ứng yêu cầu Trường đại học tự chủ toàn diện giai đoạn 2018-2025” do ThS. Đinh Thị Thủy – Phó Trưởng bộ môn Quản trị kinh doanh - Khoa Kinh tế làm chủ nhiệm đề tài.

Hội đồng nghiệm thu gồm có: Th.S. NCS. Nguyễn Thị Thu Hường - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng; ThS.NCS Nguyễn Thu Phượng – Phó Hiệu trưởng, Phản biện 1; TS. Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng TCHC, Phản biện 2; ThS. Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng,Ủy viên; TS. Lưu Văn Thiêm – Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Ủy viên; TS. Tạ Văn Cánh – Phó Khoa Kinh tế, Ủy viên; TS. Đậu Xuân Đạt – Giảng viên Khoa Kinh tế, Thư ký Hội đồng.
Hình 1. Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài
Thay mặt nhóm nghiên cứu, ThS. Đinh Thị Thủy báo cáo trước Hội đồng các nội dung chính trong đề tài gồm: tính cấp thiết của đề tài; tổng quan nghiên cứu đề tài; mục tiêu nghiên cứu; đối tượng nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu; một số vấn đề lý luận về văn hóa nhà trường và phát triển văn hóa nhà trường trong bối cảnh tự chủ toàn diện và kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo đại học về xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường. Căn cứ bộ tiêu chí và kết quả khảo sát cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá thực trạng nhận thức và kết quả các biểu hiện của văn hóa nhà trường; thực trạng văn hóa Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, thực trạng thực hiện các nội dung của phát triển văn hóa nhà trường. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, định hướng phát triển của nhà trường trong điều kiện tự chủ toàn diện, đề tài đã đưa ra một số giải pháp phát triển văn hóa trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Đồng thời, đề tài còn có các sản phẩm: Sổ tay văn hóa HTU, quy tắc ứng xử của sinh viên; đề xuất sửa đổi quy chế thực hiện văn hóa Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Hình 2. Đồng chí Nguyễn Thu Phượng, Phản biện 1 nhận xét
 Tại buổi nghiệm thu, tác giả và nhóm nghiên cứu được nghe nhiều ý kiến góp ý, nhận xét của các thành viên Hội đồng. Các thành viên trong Hội đồng đều đánh giá đây là đề tài cấp thiết với thực tế hiện nay tại nhà trường đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025 nhà trường phải tiến tới tự chủ toàn diện, các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là căn cứ để nhà trường thực hiện phát triển văn hóa nhà trường, thực hiện tốt các mục tiêu chiến lược liên quan đến văn hóa trường. Đề tài đã đưa ra bộ tiêu chí đánh giá văn hóa nhà trường, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cần nghiên cứu hoàn thiện để làm bật phần tiêu chí đánh giá riêng cho cán bộ quản lý, đội ngũ giảng viên, nhân viên và sinh viên trong toàn trường. Trong buổi nghiệm thu, Hội đồng cũng yêu cầu tác giả và nhóm nghiên cứu cần đưa ra các giải pháp phát triển văn hóa nhà trường một cách cụ thể hơn, đặc biệt là về điều kiện thực hiện và phải chỉ ra được đâu là giá trị văn hóa cốt lõi của HTU trong giai đoạn tới.
Hình 3. Đồng chí  Nguyễn Thị Thu Hường – Chủ tịch hội đồng kết luận
Với kết quả trên, đề tài được Hội đồng nghiệm thu bỏ phiếu, đánh giá đạt loại Khá
 
Đinh Thị Thủy – Khoa Kinh tế

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 41 Tổng truy cập: 18.405.422