Trang chủ

NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG MÔ HÌNH ĐẠI HỌC DOANH NGHIỆP

Ngày đăng: 03:59 - 07/07/2020 Lượt xem: 1.132
                                                                                          TS. Đậu Xuân Đạt
Khoa Kinh tế - Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
Hiện nay, áp lực từ ngân sách Chính phủ ngày càng hạn hẹp, công nghệ luôn đổi mới, thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào thị trường cạnh tranh. Trong khi giá trị của trường đại học được thừa nhận nhờ có các đóng góp cho cộng đồng, doanh nghiệp nên việc chuyển đổi mô hình đại học không chỉ là cách thức đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn có tính tất yếu, trong đó có mô hình đại học doanh nghiệp được nhiều nước công nghiệp phát triển áp dụng trong những năm qua.

1. Mô hình đại học doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay
1.1. Trường đại học trong hoàn cảnh cạnh tranh như là doanh nghiệp
Trong bối cảnh hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới, có hai yếu tố chính trị chi phối tới hoạt động giáo dục đào tạo bậc đại học. Thứ nhất, nhà nước phúc lợi đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng, nghĩa là các khoản đầu tư công cho giáo dục, y tế giảm đi. Thứ hai, giáo dục đang trong hoàn cảnh phải cạnh tranh gay gắt để cung cấp các sản phẩm hàng hoá dịch vụ trước các yêu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động. Cạnh tranh và khủng hoảng ngân sách nhà nước buộc các trường đại học phải tự chủ tìm các nguồn vốn bên ngoài. Nói cụ thể là chuyển từ đại học công sang đại học tư. Như vậy, một câu hỏi được đặt ra là kiến thức có phải là hàng hoá không?

Xét từ mối quan hệ giữa các cơ quan cung cấp kiến thức với người sử dụng kiến thức giống như người sản xuất ra các sản phẩm và người tiêu thụ các sản phẩm đó. Hầu như ai cũng công nhận rằng kiến thức đã được trao đổi, trở thành sức mạnh trong quá trình hoạt động sản xuất. Cạnh tranh kinh tế thời đại ngày nay, đặt kiến thức vào vị trí hàng đầu. Các trường đại học buộc phải ưu tiên phát triển những ngành khoa học công nghệ có tiềm năng và lợi thế trong cạnh tranh. Từ quan niệm kiến thức được trao đổi như hàng hóa, các trường đại học nhanh chóng nhập cuộc vào guồng máy tư bản, trở thành đại học thị trường, phục vụ thị trường (từ các hoạt động đào tạo đến nghiên cứu). Đại học đã được hiểu là cơ sở sản xuất trong môi trường tự do cạnh tranh, sinh lợi, nói khác đi là đại học giống như là một doanh nghiệp. Chương trình học, nội dung giảng dạy, hoạt động nghiên cứu, cách tuyển chọn giáo sư dựa vào tiêu chuẩn có sinh ra lợi nhuận hay không. Đại học công vẫn tồn tại, sống bằng tiền nhà nước và cung cấp các dịch vụ công. Tuy nhiên, các lợi ích tư có được từ thị trường đã khiến cho các đại học công cũng bắt đầu có thay đổi về cách thức tổ chức và hoạt động. Với quyền tự trị ngày càng lớn, các đại học công và đại học tư đua nhau tìm các nguồn vốn từ bên ngoài, săn các hợp đồng, liên kết với các doanh nghiệp, mở các chi nhánh đào tạo, đổi mới chương trình, cải cách các hoạt động nghiên cứu, marketing, ứng xử như một doanh nghiệp.
Hình thức mới nhất của các trường đại học Mỹ và Châu Âu là đại học doanh nghiệp (Entrepreneurial University), để thực hiện chức năng mới bên cạnh hai chức năng đào tạo và nghiên cứu là chức năng phát triển kinh tế xã hội. Nhân danh chức năng thứ ba, các đại học này biến các trung tâm nghiên cứu thành các xí nghiệp trong trường. Lý tưởng của các trung tâm đó là tổ chức bằng được một dây chuyền từ khâu khảo sát, nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng. Các đại học công trước đây chú ý nhiều tới công bằng xã hội, các đại học ngày nay chú ý tới hiệu quả hoạt động, nâng cao tính nhân bản và cách thức tiếp thị khả năng. Xã hội tri thức rất cần những đại học hiệu quả như thế để thắng lợi trong môi trường cạnh tranh.
Hiện nay vẫn không ít người lại cho rằng nếu trường đại học hoạt động như doanh nghiệp thì nó có yếu tố thương mại hóa và xa rời mục tiêu giáo dục. Hầu hết các đại học lớn quan trọng nhất trên thế giới, dù là đại học công như Cambridge hay là đại học tư như Princeton, hiện đều là các đại học phi lợi nhuận, còn các đại học vì lợi nhuận chỉ tạo thành một phần nhỏ của hệ thống đại học. Lý do là, các đại học là các tổ chức có ảnh hưởng dương rất lớn đến xã hội (nói theo thuật ngữ kinh tế, là có “positive externality”), làm lợi chung cho toàn xã hội. Chính vì toàn bộ xã hội được ảnh hưởng dương rất lớn từ hệ thống đại học, nên có thể coi đại học là của cải chung của xã hội, và xã hội có trách nhiệm “nuôi” nó. Các đại học tư phi lợi nhuận do các doanh nhân giàu có bỏ tiền tài trợ, cũng là một hình thức đóng góp và gây ảnh hưởng đến xã hội của họ. Các đại học vì lợi nhuận có vai trò nhất định trong xã hội, nhưng không đem lại được lợi công cho xã hội như là đại học phi lợi nhuận, mà mục đích chính của chúng là đem lại lợi tư cho chủ sở hữu. Các đại học vì lợi nhuận sẽ chỉ chú trọng đầu tư vào những gì sinh lời tư nhanh chóng, mà không đầu tư vào những hướng nghiên cứu hay đào tạo có ảnh hưởng tốt lâu dài đến toàn xã hội. Bởi vậy, xã hội muốn được hưởng nhiều thành quả từ hệ thống đại học, thì không thể dựa vào đại học vì lợi nhuận, mà cần dựa vào đại học phi lợi nhuận.

Tuy nhiên, mô hình Đại học doanh nghiệp cũng có những yếu điểm bất lợi. Việc đại học hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, để điều chỉnh công việc đào tạo và nghiên cứu cho thích hợp với nhu cầu xã hội, là việc tốt và cần thiết. Việc doanh nghiệp tài trợ cho đại học, đổi lấy sự đảm bảo nguồn nhân lực trí thức và sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, là việc tốt. Nhưng nếu đại học trở nên quá phụ thuộc về kinh tế vào các doanh nghiệp tư, thì lại thành xu hướng nguy hiểm: đấy là xu hướng phụ thuộc về kinh tế, rất dễ mất đi ảnh hưởng dương đến chung toàn xã hội. Một ví dụ, cách đây khoảng 10 năm khi xảy ra vụ nổ giàn dầu hỏa của công ty British Petroleum ở ngoài vịnh Mexico vào tháng 04/2010, dẫn đến một lượng dầu hỏa rất lớn chảy ra biển và tràn vào các bờ biển gây tác hại lớn cho môi trường và cho người dân, thì British Petroleum đã liên tục tìm cách “bịt mắt” công chúng, đưa ra các con số thiệt hại nhỏ hơn nhiều lần thực tế. Họ thuê các chuyên gia đại học đi điều tra về vụ này, nhưng lại ra điều kiện là các kết quả điều tra được phải nộp lại cho British Petroleum mà không được cho công chúng biết. Vì vậy, trường đại học doanh nghiệp lúc này không còn giá trị xã hội nữa, mà thành công cụ của công ty tư nhân. Lúc này, các công ty có thể sẽ thương mại hóa bằng cách coi sinh viên là “khách hàng”, “thượng đế” và hệ quả là vừa lãng phí đầu tư công và lãng phí tiềm năng xã hội.

1.2. Mối liên kết giữa trường đại học, các ngành công nghiệp và chính phủ

Mối liên hệ chặt chẽ giữa ba thể nhân này là một yếu tố khá quan trọng thúc đẩy các trường đại học thay đổi mô hình tổ chức và cách thức hoạt động. Mỗi một tổ chức có thể tương tác tự do hoặc có thể đảm nhận một nhiệm vụ nào đó trong hệ thống tương tác này. Các trường đại học, các doanh nghiệp và chính phủ có thể duy trì các hoạt động của mình một cách độc lập tương đối và mỗi tổ chức phải riêng biệt. Theo cách giải thích của trường vật lý, các chức năng chính nằm ở trung tâm của trường, còn chức năng phụ nằm xung quanh trường. Hoạt động tương tác chỉ xảy ra ở các chức năng giao giữa ba tổ chức nằm trong khu vực ảnh hưởng của trường vật lý.

Mặc dù các yếu tố quyết định đến hoạt động của môi trường đại học theo mô hình doanh nghiệp là rất phức tạp, điều quan trọng được đánh giá bởi năng lực hoạt động R&D, năng lực tài chính, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp cho R&D và khả năng hấp thụ, tính hiệu quả và hỗ trợ của chính phủ về thể chế, chính sách và luật pháp. Trong ba nhân tố tạo ra sự liên kết thì hoạt động của các ngành công nghiệp là gần với thị trường và hoạt động sản xuất hơn cả. Một cách nhìn tổng quát thì các ngành công nghiệp là chủ thể chính, thúc đẩy quá trình đổi mới. Ngoài ra là trường đại học, có thể là người tổ chức và là trung tâm của các hoạt động đổi mới, còn chính phủ thì không tham gia trực tiếp vào hoạt động này. Ở Mỹ thì ba chủ thể này đều có vai trò rất quan trọng, còn ở các nước đang phát triển thì vai trò của ba chủ thể này còn yếu kém. Thí dụ tại Trung Quốc, gần đây các trường đại học là chủ thể quan trọng hỗ trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao phát triển nhờ việc triển khai các hoạt động của hàng hoạt các doanh nghiệp trong trường đại học lớn (Bắc Kinh, Thanh Hoa, Giao thông Thượng Hải). Chính phủ ở cấp độ quốc gia, cấp tỉnh và thành phố cũng tham gia các hoạt động theo mô hình liên kết này. Thí dụ, các cơ quan quản lý công nghiệp ngoài chức năng quản lý còn thành lập các công ty vệ tinh. Kết quả là ba tổ chức cùng tham gia vào thị trường. Khiến cho thị trường biến dạng chuyển từ sự chi phối của nhà nước sang cạnh tranh tự do.

Liệu các trường đại học có thể giải quyết cân bằng các hoạt động giáo dục, nghiên cứu, quản lý điều hành các hoạt động doanh nghiệp không? Mô hình phát triển của các trường đại học đã bị biến dạng và không còn ranh giới giữa ba chức năng hoạt động trọng tâm. Liên kết, tương tác trở thành xu thế tất yếu, bởi vì trường đại học và các ngành công nghiệp đều hướng tới đổi mới và ứng dụng công nghệ. Trường đại học là nơi sáng tạo ra tri thức mới, còn các ngành công nghiệp áp dụng các tri thức đó. Cả hai đối tác cần đến nhau và hình thành nên mục tiêu chung. Mối quan hệ này là điều kiện hình thành nên trường đại học theo mô hình doanh nghiệp, nhưng không phải là điều kiện đủ. Trường đại học theo mô hình doanh nghiệp không phải là một tổ chức có nhiều hoạt động phục vụ công nghiệp. Ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Tây Âu, hoạt động của trường đại học có liên quan tới các ngành công nghiệp được thống kê ở bốn phương diện cơ bản như tổ chức giảng dạy theo nhu cầu của ngành; tư vấn cho các ngành công nghiệp; chuyển giao công nghệ từ trường đại học sang các ngành công nghiệp; thành lập các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các trường đại học có thể tham gia vào sự nghiệp phát triển của các ngành công nghiệp mà không phụ thuộc vào trình độ của trường đại học. Tuy nhiên, các trường đại học khác nhau thì mục tiêu và hoạt động tham gia liên kết với các ngành công nghiệp là hoàn toàn khác nhau. Thí dụ, các trường đại học với chức năng đào tạo thì tham gia vào thị trường lao động, quản lý nhân sự. Trường đại học nghiên cứu tham gia vào quá trình tạo tri thức mới và đào tạo. Còn trường đại học doanh nghiệp chủ yếu có ba chức năng đào tạo, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ cho xã hội. Theo Chuyan Zhoa (2005), chỉ có trường đại học doanh nghiệp mới có thể tham gia tích cực vào quá trình đổi mới xã hội và nâng cao hiệu quả các hoạt động tương tác giữa ba chủ thể nêu trên.

2. Các điều kiện hướng tới mô hình đại học doanh nghiệp
Từ kinh nghiệm hoạt động của các trường đại học của Mỹ và châu Âu, có thể khẳng định rằng trường đại học doanh nghiệp tích cực tối đa hoá lợi nhuận nhờ thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của trường và tạo ra các giá trị trong xã hội mà không làm ảnh hưởng tới giá trị truyền thống của đại học là giáo dục, và hoạt động học thuật. Các trường đại học của Mỹ huy động vốn từ bên ngoài chiếm tới 70 – 80% tổng nguồn vốn. Các trường đại học chủ động tham gia với các đối tác cộng đồng dưới nhiều hình thức như tư vấn, đào tạo, nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ, các vườn ươm công nghệ và tham gia các dự án. Điều đó giải thích rằng các trường đại học có trách nhiệm hơn với cộng đồng, đặc biệt các trường đại học của Mỹ đã giúp cho kinh tế của các bang phát triển, do đó đã thu hút được nguồn tài chính từ các bang chứ không phải là từ chính quyền liên bang. Khi đã nhận các khoản tài trợ, các trường phải cam kết thực hiện các trách nhiệm với các nhà tài trợ, thị trường, các bên liên quan của chính quyền bang. Nhiều nghiên cứu cho rằng, tổ chức của các trường phải thay đổi, được điều hành theo hướng luôn thích ứng với các yêu cầu thị trường, gắn kết với các cơ hội. Theo Clark (2004), cần phải tăng cường khả năng tự chủ hoạt động tại các khoa. Theo ông các khoa, phòng ban cần có những người lãnh đạo có đầu óc doanh nghiệp. Việc gắn kết giữa đào tạo hướng nghiệp với thị trường phải được phổ biến đến tận từng nhân viên trong khoa hoặc phòng ban. Các trung tâm nghiên cứu, các hoạt động giáo dục cho sinh viên đại học, sau đai học cần chú ý nhiều hơn tới các hoạt động nghiên cứu có tính liên ngành. Với những cam kết nêu trên, mục tiêu hướng về doanh nghiệp sẽ trở thành chiến lược cơ bản của trường đại học. Kết quả cuối cùng là tạo ra văn hoá doanh nghiệp luôn đối mặt với thay đổi, hoạt động tìm kiếm, giành giật các cơ hội để phát triển.

Điều kiện thứ nhất, về năng lực lãnh đạo trường Đại học doanh nghiệp. Theo nghiên cứu của Clark (2004) và một số tác giả khác như Gibb (2005) để xây dựng thành công mô hình đại học doanh nghiệp phải trải qua một quá trình. Sự thay đổi dần dần này diễn ra ở các khoa, các phòng ban truyền thống. Theo kinh nghiệm của các trường đại học Mỹ như Taxas, MIT, Illionois thì quá trình thay đổi này phải được sự ủng hộ bởi các lãnh đạo các trường đại học có xu hướng chuyển đổi mô hình đại học theo kiểu doanh nghiệp. Họ là những người có tầm nhìn xa, có khả năng vận động và tuyên truyền quan điểm về vai trò của các trường đại học đối với xã hội. Kinh nghiệm của các trường đại học Mỹ cho thấy việc tìm kiếm được những tác nhân và những nhà lãnh đạo có tư chất như vậy sẽ tạo ra những trường đại học theo mô hình doanh nghiệp có uy tín. Từ đó nhiều trường đại học đã nhận được các khoản tài trợ từ các doanh nghiệp địa phương chứ không phải là từ các tập đoàn lớn. Vai trò của lãnh đạo và các cộng sự tích cực vận động thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình đại học là điều kiện quan trọng đầu tiên.

Điều kiện thứ hai, cải cách chương trình đào tạo. Các trường đại học về kinh doanh thường rất chú trọng vào các hoạt động quản lý, thực hiện các kế hoạch kinh doanh đã được hoạch định sẵn. Như vậy hiệu quả của hoạt động giáo dục thấp, không thu được các kiến thức về hoạt động thực tế của doanh nghiệp và không hiểu hết các giá trị của kiến thức qua đào tạo. Ở Mỹ đã có sự thay đổi đáng kể giữa hai chương trình đào tạo, một bên là chương trình của các trường kinh doanh, một bên là chương trình của đại học doanh nghiệp. Chương trình của đại học theo mô hình doanh nghiệp thường độc lập hơn, có sự góp sức của Hội đồng tư vấn các nhà doanh nghiệp. Họ là những nhà khoa học thuộc các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, các nhà kinh doanh (chủ các doanh nghiệp) cùng hướng tới một mục tiêu xây dựng nên một chương trình đào tạo thúc đẩy các hoạt động đổi mới, kết hợp được các nghiên cứu liên ngành để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Chương trình của đại học doanh nghiệp, thí dụ đại học Taxas có 16 môn học tín chỉ và một số môn tự chọn bao gồm các vấn đề về tư vấn, kinh doanh, công nghệ thông tin, phát triển cộng đồng, phát triển khả năng tư duy khoa học và nhận biết xu hướng phát triển khoa học công nghệ tương lai. Chương trình đào tạo phải đạt tới 4 giá trị cốt lõi: tầm nhìn và khả năng phát hiện; tư cách làm chủ và tinh thần trách nhiệm; suy nghĩ và hành động theo hướng hội nhập; hợp tác và làm việc theo nhóm.

Điều kiện thứ ba, hình thành các đối tác tin cậy. Mặc dù có nhiều cách triển khai mô hình Đại học doanh nghiệp khác nhau ở Mỹ, Châu Âu. Tuy nhiên, điều kiện để thực hiện được mô hình thành công là cần tạo ra các cơ hội và khai thác các cơ hội, theo đuổi các hoạt động đổi mới. Nói khác đi là phải hình thành các đối tác để từ đó giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ tương tác giữa các hoạt động nghiên cứu liên ngành với các hoạt động triển khai. Xã hội sẽ nhận thức được rằng, trí tuệ tổng hợp của một trường đại học là tài sản quý giá nhất. Học thuật trong trường đại học là tác nhân phá vỡ rào cản giữa nghiên cứu và triển khai, đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Khi mà uy tín của trường đại học được nâng cao, thì trường có thể khai thác các nguồn tài chính từ các quỹ cho chương trình đổi mới, nghiên cứu, đào tạo trình độ bậc cao, nâng cấp thiết bị…

Điều kiện thứ tư, phát triển đội ngũ giảng viên để giảng dạy chương trình đại học doanh nghiệp. Quá trình phát triển này cần phải được hỗ trợ từ các nguồn tài chính của trường hoặc từ các đối tác, thông qua một số quỹ. Chương trình của các trường đại học được xây dựng dựa vào kiến nghị của các khoa. Một số trường đại học cũng có thể tham khảo chương trình đào tạo của các đại học danh tiếng khác. Muốn có một chương trình đào tạo có chất lượng, nói chung phải ưu tiên (ưu đãi) tài chính cho những người xây dựng chương trình và các giảng viên có khả năng phát triển chương trình đó đạt được hiệu quả cao, phải tạo điều kiện cho họ đi khảo sát thực tế.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu về giáo dục Gibb (2006) thì những nỗ lực của các trường đại học ở Mỹ đã được định hướng bởi các chương trình học thuật, tại các trường đại học kinh doanh. Điều này dẫn tới việc hợp pháp hoá hoạt động nghiên cứu và đào tạo theo hướng doanh nghiệp. Nghĩa là các trường đại học đang tìm kiếm sự công nhận cho một ngành học mới phản ánh qua mục tiêu nghề nghiệp trong điều kiện thị trường lao động luôn thay đổi. Tại Mỹ có hai Quỹ đầu tư lớn cho các trường đại học doanh nghiệp là Quỹ Kauffman và Quỹ Coleman, cả hai vị chủ tịch đều cho rằng vận hành theo kiểu doanh nghiệp là phong cách, phương thức chung cho mọi hoạt động chứ không phải chỉ là kỹ năng kinh doanh. Các quỹ này chấp nhận rủi ro, coi thất bại là kinh nghiệm và tiếp tục đầu tư cho các dự án mới, các ý tưởng mới. Sứ mạng của hai quỹ này không phải là phát triển kinh doanh mà hỗ trợ cho giáo dục kinh doanh, giúp cho các trường đại học chuyển sang mô hình đại học doanh nghiệp phục vụ yêu cầu cộng đồng.

Điều kiện thứ năm, chất lượng đào tạo trong trường Đại học doanh nghiệp được đánh giá qua tinh thần khởi nghiệp. Khái niệm về khởi nghiệp trí tuệ ngày càng lan rộng trong cách thức hoạt động của các tổ chức giáo dục đại học. Trường đại học doanh nghiệp có các điều kiện như cơ hội tự chủ, theo đuổi mục tiêu hội nhập, chia sẻ và học hỏi tri thức từ cộng đồng rộng lớn. Quan hệ rộng rãi với cộng đồng đã giúp cho các trường đại học tạo lập ra các công viên khoa học, vườn ươm công nghệ, chuyển giao công nghệ từ đó chất lượng đào tạo được nâng cao ở cả hai mặt, trình độ học thuật và tinh thần hội nhập, khởi nghiệp phục vụ cộng đồng.
Nhu cầu của thị trường lao động luôn thay đổi, cơ hội có việc làm trong môi trường nghề nghiệp thay đổi trở thành áp lực lớn đối với các sinh viên qua đào tạo. Do đã được chuẩn bị về tinh thần khởi nghiệp ngay khi còn học đại học nên các sinh viên chấp nhận học tập tiếp tục (học tập suốt đời) hoặc lập nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kinh doanh. Mỹ là nước có chỉ số tham gia kinh doanh đứng đầu thế giới. Chỉ số được tính từ tỉ lệ của chủ doanh nghiệp so với tổng số dân, chỉ số đó của Mỹ là 10%. Yếu tố làm tăng thêm chỉ số này là do Mỹ có hệ thống đào tạo doanh nghiệp tốt nhất thế giới và trải rộng ở hầu hết các bang. Theo
NOCE (2001), ở Mỹ có khoảng 30% số trường đại học có khoa đào tạo về doanh nghiệp, kinh doanh. Nước Mỹ cho rằng cung cấp kiến thức kinh doanh, tinh thần khởi nghiệp cho nhiều thế hệ thì càng giúp cho kinh tế Mỹ phát triển. Do đó, chương trình đào tạo về doanh nghiệp đã trở thành môn học bắt buộc ở các trường đại học và lan rộng ra các trường phổ thông.
Kết luận: Cho đến tận ngày nay vẫn chưa có câu trả lời rằng mô hình đại học doanh nghiệp có phải là mô hình tốt nhất không? Nhưng thực tế việc chuyển đổi mô hình đại học truyền thống sang mô hình đại học doanh nghiệp đang trở thành một trào lưu trên thế giới trong những năm qua, đặc biệt là tại các nước công nghiệp bởi lẽ, các trường đại học đó hoạt động hiệu quả và có tác động tích cực tới kinh tế xã hội. Mặc dù vẫn còn một số bất cập của mô hình Đại học doanh nghiệp nhưng quá trình chuyển đổi là một quá trình diễn ra từ từ, được đánh giá rút kinh nghiệm trong giai đoạn cụ thể phù hợp với năng lực đội ngũ cán bộ, đổi mới cơ cấu tổ chức, cách thức hoạt động, chương trình giảng dạy và khả năng hội nhập liên kết với bên ngoài của trường đại học doanh nghiệp đó.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chuyan Zhou; Henry Etzkowit (2005), The Entrepreneurial University and the Future of higher Education in China
2. Cherwitz, A.R (2005), Creating a culture of Intellectual Entrepreneurship, Academe 91, Vol 5/August
3. Cherwitz, A.R (2005), A new social compact demands real change, Connecting the University to the Community Change, Nov/Dec.
4. Clark, B.R (1998), Creating Entrepreneurial University, Organisational Pathways of trangsformationg, Pergamon IAV Press.
5. Clark, B.R (2004), Sustaining change in Universities, Society for Research in to Higher Education, Open University Press.
6. Gibb, A.A (2002), In pursuit of a new enterprise and entrepreneurship paradigm for learning, Internation Journal of Management Reviews Vol 4, No3.
7. Gibb, A.A (2006), Entrepreneurship, Unique solution for Unique Environments. ICSB world conference Melbourne Australia June 2006.
8. Higher Education in Europe (2004), Entrepreneurship in Europe Vol 29. No2. Carfax publishing
9. Hughes, A (2003), Knowledge transferm Entrepreneurship and Economic Growth, ESRC, University of Cambridge Press.
10. Etzkowitz. H (2004), The Evolution of The Entrepreneurial University, International Journal of Technology and Globalization No 01/2004
11. NCOE (2001), Report on NCOE, Kennedy School Conference on Entrepreneurship and Public policy, No 28, April 2001
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 300 Tổng truy cập: 33.391.790