THS. NGUYỄN THỊ GIANG
Khoa Kinh tế Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Tóm tắt:
Bài viết tập trung nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy trực tuyến tại Khoa Kinh tế - Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Tác giả đã sử dụng phương pháp thu thập dữ liệu bằng cách gửi bảng hỏi thông qua Google Form tới các sinh viên và giảng viên đang học tập và làm việc tại Khoa Kinh tế - Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và sử dụng phương pháp phân tích thống kê mô tả, so sánh. Tác giả đã thu thập được 98 mẫu hợp lệ từ sinh viên và giảng viên. Kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy gồm: yếu tố công cụ, ứng dụng, nền tảng dạy học trực tuyến, phương pháp giảng dạy của giảng viên, yếu tố của người học. Kết quả này cho thấy rằng, để nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến cần có sự đầu tư nhiều hơn vào trình độ sử dụng công cụ, ứng dụng, nền tảng dạy học trực tuyến cũng như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời cần có sự cố gắng từ cả phía sinh viên, giảng viên và trường đại học để đạt được hiệu quả giảng dạy tốt nhất.
Từ khóa: Giảng dạy trực tuyến, hiệu quả giảng dạy.
1. Mở đầu
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đại dịch Covid-19 không chỉ tác động mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, nhằm phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, vừa duy trì chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình đúng tiến độ, đảm bảo việc học tập của học sinh, sinh viên, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã áp dụng việc dạy học bằng hình thức trực tuyến (online). Tuy nhiên, khi triển khai dạy học trực tuyến, nhiều giảng viên Khoa Kinh tế đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thích nghi và tiếp nhận sự thay đổi đột ngột. Do đó, bài viết này nhằm nghiên cứu và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy trực tuyến tại Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
2. Nội dung bài viết
2.1. Giới thiệu
Theo Điều 2, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 03 năm 2021: Hệ thống dạy học trực tuyến là hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin (sau đây gọi chung là hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến) cho phép quản lý và tổ chức dạy học thông qua môi trường Internet, bao gồm: phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp; hệ thống quản lý học tập trực tuyến; hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến. Dạy học trực tuyến là hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến [3].
Việc đánh giá hiệu quả của giảng dạy trực tuyến được thực hiện dựa trên đánh giá kết quả học tập của sinh viên, quy trình đánh giá nghiêm ngặt, có trình tự, hệ thống. Việc đẩy mạnh công tác giảng dạy trực tuyến đã góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học; thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Việc giảng dạy trực tuyến đã phần nào đẩy mạnh quá trình đó thông qua các ứng dụng dạy học trực tuyến như Zoom, Microsoft teams,… không những kết nối người học và người dạy một cách hiệu quả mà còn giúp họ kết nối với thế giới thông tin điện tử toàn cầu.
Có nhiều nghiên cứu trên thế giới đã nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm học tập trực tuyến, trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả đã nghiên cứu một số bài báo và tài liệu tham khảo như: Tác giả Jing Li và cộng sự (2021) đã sử dụng phương pháp phỏng vấn, bảng hỏi và xây dựng mô hình để nghiên cứu các phương pháp giảng dạy trực tuyến được thực hiện trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Tác giả đã nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố từ cả phía giảng viên và sinh viên dựa trên nghiên cứu tham chiếu đến các nghiên cứu về hiện trạng học trực tuyến tại Trung Quốc. Kết quả cho thấy, yếu tố từ giảng viên gồm: Số buổi học được thiết kế, các phương pháp giảng dạy, các vấn đề trong thực tế giảng dạy trực tuyến, tương tác trên lớp và yếu tố từ sinh viên gồm: giới tính, số lượng nền tảng lớp học được chấp nhận, số lượng khóa học tham gia, những khó khăn gặp phải khi học trực tuyến và phong cách học tập ưa thích có ảnh hưởng đáng kể đến với hiệu quả học tập và thái độ học tập của sinh viên đối với thái độ ủng hộ [4].
Nhóm tác giả Monica Roman, Aurelian-petrus Plopeanu (2021) nghiên cứu phương pháp học nào (truyền thống hay trực tuyến) được ưa thích đối với sinh viên ngành kinh tế ở Rumani giữa đại dịch. Sử dụng mẫu là 1.415 sinh viên từ khoa kinh tế, áp dụng phân tích mô hình hồi quy, các tác giả chỉ ra rằng tâm lý lo lắng về đại dịch có ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả học tập của sinh viên. Các yếu tố như: việc truy cập Internet, vấn đề về gia đình, làm việc nhà, giới tính, cơ sở hạ tầng của trường đại học cho việc học trực tuyến đã khiến các sinh viên nhận thấy việc học trực tuyến là kém hiệu quả hơn học truyền thống [5].
Thông qua nghiên cứu cơ sở lý thuyết và tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây. Tác giả đề xuất nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả dạy học trực tuyến qua Hình 1.
Hình 1. Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả giảng dạy trực tuyến tại Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
2.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến giảng dạy trực tuyến tại Khoa Kinh tế - Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc dạy học trực tuyến có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng, song, chủ yếu vẫn là khả năng sử dụng các công cụ, ứng dụng, nền tảng trực tuyến vào dạy học ở nhiều giảng viên còn hạn chế, việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến chưa thông thạo dẫn đến thực hiện chưa hiệu quả. Giảng viên ngại nghiên cứu, đổi mới phần mềm giảng dạy. Để phân tích yếu tố công nghệ có ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, tác giả tiến hành khảo sát việc sử dụng và mức độ thành thạo của giảng viên một số phần mềm ứng dụng, nền tảng trong giảng dạy trực tuyến, kết quả được thể hiện trong bảng 1.
Bảng 1: Tổng hợp thực trạng ứng dụng và mức độ thành thạo của giảng viên Khoa Kinh tế khai thác các ứng dụng và các nền tảng trong giảng dạy trực tuyến
Các công cụ, ứng dụng, nền tảng áp dụng trong giảng dạy trực tuyến
|
Mức độ thành thạo
|
Rất thành thạo
|
Thành thạo
|
Bình thường
|
Mới sử dụng, chưa thành thạo
|
Không sử dụng
|
Zoom
|
88,89%
|
11,11%%
|
0
|
0
|
0
|
MS Teams
|
22,22%
|
11,11%
|
5,55%
|
72,22%
|
0
|
Google Meet
|
|
88,89%
|
11,11%%
|
0
|
0
|
Google Classroom
|
55,56%
|
0
|
0
|
33,33%
|
11,11%
|
Google form
|
88,89%
|
11,11%%
|
0
|
0
|
0
|
MS form
|
22,22%
|
11,11%
|
5,55%
|
72,22%
|
0
|
Padlet
|
0
|
5,55%
|
0
|
0
|
94,45%
|
Kahoot
|
55,56%
|
0
|
0
|
33,33%
|
11,11%
|
Slido
|
0
|
22,22%
|
22,22%
|
0
|
55,56%
|
Quizz
|
0
|
55,56%
|
0
|
0
|
44,44%
|
Azota
|
11,11%
|
11,11%
|
11,11%
|
5,55%
|
61,11%
|
SHUB
|
0
|
0
|
11,11%
|
5,55%
|
83,33%
|
Các ứng dụng thiết kế elearning
|
0
|
0
|
33,33%
|
11,11%
|
55,66%
|
Nguồn: Khoa Kinh tế - Trường Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Qua kết quả thống kê ở bảng 1, phần lớn giảng viên Khoa Kinh tế sử dụng phần mềm Zoom để giảng dạy mặc dù phần mềm MS Teams có nhiều ưu việt hơn Zoom như có thể điểm danh, giao bài tập, kiểm tra đánh giá nhưng do thói quen và chế tài của nhà trường chưa đủ mạnh để giảng viên chuyển sang giảng dạy phần mềm MS Teams.
Phương pháp giảng dạy của một số giảng viên chưa phù hợp với hình thức dạy học trực tuyến. Nhiều giảng viên vẫn áp dụng hình thức dạy học theo kiểu 1 chiều, chủ yếu là giảng bài, hạn chế hỏi đáp sinh viên, chưa tạo hứng thú cho sinh viên. Khi dạy và học thì sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên là yếu tố rất quan trọng. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giảng viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, sinh viên tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, sự tương tác cần thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Điều này, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy trực tuyến và được thể hiện ở bảng 2 thông qua việc đánh giá kết quả thi kết thúc học phần của sinh viên.
Bảng 2: Kết quả thi kết thúc học phần Quản lý SXMCN1 qua hình thức trực tiếp và trực tuyến
Hình thức thi
|
Số lượng SV
|
Kết quả thi
|
Điểm <5.5
|
5.5≤ điểm<7
|
Điểm ≥ 7
|
Trực tiếp
|
308
|
48
|
15,58%
|
107
|
37,74%
|
153
|
49,68%
|
Trực tuyến
|
314
|
116
|
36,94%
|
99
|
31,53%
|
99
|
31,53%
|
So sánh Trực tuyến/Trực tiếp
|
|
|
21,36%
|
|
-6,21%
|
|
-18,15%
|
Nguồn: Khoa Kinh tế - Trường Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Từ bảng 2 về kết quả thi kết thúc học phần Quản lý sản xuất may công nghiệp 1, thì thấy điểm thi từ 5.5 điểm đến dưới 7 điểm và từ 7 điểm trở lên của sinh viên học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp tại trường. Trong khi điểm thi dưới 5.5 điểm của sinh viên học trực tuyến lại cao hơn học trực tiếp.
Đối với sinh viên, mặc dù các em khá năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác các bài giảng của thầy cô giáo nhưng trên thực tế, hoàn cảnh, điều kiện cơ sở vật chất của gia đình sinh viên sẽ chi phối nhiều đến hoạt động học trực tuyến. Bởi lẽ, không phải gia đình nào cũng trang bị được mạng, máy tính, điện thoại thông minh tốt để cho con em mình học tập, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Hơn nữa, do đặc thù của học trực tuyến nên việc quản lý nề nếp, ý thức học tập của sinh viên không được trực tiếp nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của sinh viên.
2.3. Giải pháp
Từ những yếu tố trên, khi triển khai học tập trực tuyến cho sinh viên, nhà trường và bản thân mỗi thầy cô giáo cần có những giải pháp để “gỡ khó”, triển khai có hiệu quả công việc này. Cụ thể các giải pháp đó như sau:
* Giải pháp về: yếu tố công cụ, nền tảng sử dụng trong dạy học trực tuyến
Dạy học trực tuyến là hình thức dạy học ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra một môi trường học tập, giảng dạy từ xa. Dạy học trực tuyến không yêu cầu người học phải tới lớp học thực tế như phương pháp truyền thống. Vì vậy, nền tảng công nghệ tốt là yêu cầu hàng đầu của mô hình học tập mới này. Để dạy học trực tuyến thật sự có hiệu quả, giảng viên cần biết tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ bằng cách: Lựa chọn công cụ giảng dạy phù hợp: các công cụ giảng dạy như máy tính, điện thoại thông minh, bảng, phấn, mô hình, biểu đồ, tranh, ảnh,… cần được sử dụng phù hợp trong từng tình huống dạy học cụ thể, để phục vụ tốt nhất cho quá trình dạy học trực tuyến.
Vì thế, những người tham gia vào quá trình dạy học trực tuyến, cần phát huy các ưu điểm và khắc phục các hạn chế này nhằm tăng chất lượng giảng và học.
* Giải pháp về: phương pháp giảng dạy của giảng viên
Giảng viên được coi là chủ thể của quá trình dạy học. Vì thế, khi triển khai dạy học trực tuyến, giảng viên giữ vai trò rất quan trọng. Để dạy học trực tuyến hiệu quả, giảng viên cần có phương pháp truyền đạt tốt. Cụ thể như sau:
- Lồng ghép hình ảnh, video sinh động để minh họa cho bài học: Xây dựng bài học toàn chữ sẽ tạo cảm giác nhàm chán cho sinh viên. Điều này có thể khiến sinh viên bỏ lớp học trực tuyến hay không chú ý vào việc học tập. Vì thế, giảng viên cần thêm vào các hình ảnh, video sinh động vừa thu hút được sinh viên vừa giúp các em hiểu bài nhanh hơn.
- Cách tương tác với sinh viên: Giảng viên có thể tăng sự tương tác với sinh viên bằng cách sử dụng các công cụ hỗ trợ như tính năng chat, nhắn tin, gửi âm thanh, bình luận…
- Tăng cường trò chơi trực tuyến tương tác: việc này giúp sinh viên hào hứng hơn và tiếp thu được kiến thức thông qua trò chơi. Trò chơi có thể sử dụng đó là Kahoot, Quizizz. Đây là trò chơi trên web, sinh viên không phải cài đặt gì chỉ cần ấn vào link điền tên mình là chơi được. Có nhiều hình ảnh và dạng câu hỏi. Sinh viên thao tác trực tiếp lên màn hình. Đặc biệt, việc soạn 1 trò chơi trên Kahoot, Quizizz rất nhanh. Khi chơi lại có nhạc, có thứ tự bảng điểm nên sinh viên rất thích, rất thi đua. Khi thi xong, chụp ảnh 10 bạn đứng nhất để nêu tên, tặng sao và đưa ảnh lên nhóm Zalo lớp ngay. Quy định 10 sao sẽ được đổi quà.
* Giải pháp về: phía sinh viên
Sinh viên là chủ thể của hoạt động học, giữ vai trò rất lớn trong việc mang lại hiệu quả của dạy học trực tuyến. Để quá trình này diễn ra hiệu quả, sinh viên cần: Chủ động, nghiêm túc, hào hứng với việc học: sinh viên cần xác định rõ mục tiêu tham gia lớp học và hình thành thói quen tham gia đúng giờ, học tập trung, tự ghi chép. Sinh viên có thể chủ động hỏi giảng viên thông qua các công cụ tương tác của phần mềm hoặc cách thức liên lạc khác để tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức.
3. Kết luận
Dạy học trực tuyến là một phương thức dạy học tiên tiến, kết hợp nhuần nhuyễn giữa khoa học công nghệ, phát triển khoa học kỹ thuật với người học, lấy tự học là chủ yếu, có sự hỗ trợ tích cực của giáo trình, tài liệu hướng dẫn, băng hình/tiếng, phương tiện truyền thanh/truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông; có thể đồng thời có sự hướng dẫn và hỗ trợ của giảng viên của trường. Như vậy, nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các yếu tố này thì việc giảng dạy trực tuyến sẽ thực sự phát huy tác dụng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Phạm Thanh Nga, “Tăng cường sự tương tác và chủ động của giảng viên và học viên để nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến trong thời kỳ CMCN 4.0”, Công ty TNHH MTV tư vấn chuyên nghiệp toàn cầu Tổ hợp giáo dục TOPICA.
[2] Nguyễn Thành Tâm (MBA), “Thách thức và giải pháp đối với đào tạo trực tuyến tại Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh giáo dục thông qua kỹ thuật số”, Trường Đại học FPT.
[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục và cơ sở giáo dục thường xuyên, Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT, Ngày 30 tháng 3 năm 2021.
[4] J.Li, C.Qin, and Y.Zhu, “Online teaching in universities during the Covid-19 epidemic: a study ò the situation, effectiveness àn countermeasures”, Procedia Computer Science, vol.187, pp.566-573, 2021.
[5] M. Roman and A. Plopeanu, “The effectiveness of the emergency eLearning during COVID-19 pandemic. The case of higher education in economics in Romania,” International Review of Economics Education, vol. 37, 2021, doi: 10.1016/j.iree.2021.100218.