Trang chủ

NHÓM NCKH SINH VIÊN– LỚP DHMAR1 K6 ĐÃ BẢO VỆ THÀNH CÔNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN CẤP KHOA

Ngày đăng: 02:16 - 01/07/2024 Lượt xem: 30

Ngày 28/6/2024, hội đồng khoa học cấp Khoa của khoa Kinh tế trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ngành marketing với tên đề tài “Các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn mua sắm tại các chợ truyền thống của người tiêu dùng trẻ ở huyện Gia Lâm – Hà Nội và thị xã Thuận Thành – Bắc Ninh” do sinh viên Khuất Thị Tú làm trưởng nhóm dưới sự hướng dẫn của TS. Trịnh Thùy Giang bằng hình thức online.

Hội đồng nghiệm thu gồm có: Chủ tịch hội đồng- TS. Tạ Văn Cánh; Phản biện 1 - ThS. Nguyễn Thị Minh Tâm; Phản biện 2 - Ths. Nguyễn Văn Thản; Uy viên -  Ths. Nguyễn Thị Tuyết và Thư ký – TS. Lê Thị Kim Tuyết. Về phía khoa Kinh tế có: giảng viên hướng dẫn TS. Trịnh Thùy Giang và nhóm sinh viên thực hiện đề tài tham dự.

Đề tài mà nhóm nghiên cứu hướng tới là hành vi lựa chọn chợ truyền thống là nơi mua sắm của người tiêu dùng trẻ tại hai địa phương là huyện Gia Lâm và thị xã Thuận Thành. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra được 6 nhóm yếu tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn mua sắm của người tiêu dùng trẻ là Nhận thức sản phẩm, Chấp nhận giá, Gia đình, Địa phương, Văn hóa xã hội và Dịch vụ hỗ trợ. Kết quả nghiên cứu, phân tích dữ liệu đã đưa ra mô hình nghiên cứu điều chỉnh như sau:

Và 6 giả thuyết được chấp nhận theo mức độ ảnh hưởng giảm dần từ Gia đình; Chất lượng sản phẩm; Địa phương; Văn hóa xã hội; Chấp nhận giá và Dịch vụ hỗ trợ có tác động thuận chiều tới hành vi lựa chọn mua sắm tại các chợ truyền thống của người tiêu dùng trẻ tại huyện Gia Lâm – Hà Nội và thị xã Thuận Thành – Bắc Ninh. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, nhóm đề tài đã đề xuất một số kiến nghị dành cho người tiêu dùng trẻ cũng như các hộ kinh doanh để nâng cao nhu cầu mua sắm cũng như gia tăng sự cạnh tranh cho các tiểu thương tại chợ truyền thống và đồng thời nhằm tôn vinh giá trị truyền thống và lưu giữ bản sắc của chợ truyền thống tới giới trẻ hiện nay.

Đối với người tiêu dùng trẻ: nên thường xuyên cập nhật, thu thập, trang bị cho bản thân những thông tin, kiến thức và hiểu biết về tình hình, diễn biến của chợ truyền thống, để từ đó hình thành ý định và hành vi mua sắm cho bản thân. Người tiêu dùng trẻ nên dành thời gian để tìm hiểu nguồn gốc, xuất sứ, quy trình sản suất và hiểu rõ lợi ích của việc ủng hộ các sản phẩm địa phương là góp phần hỗ trợ nền kinh tế địa phương phát triển, bảo vệ môi trường và đồng thời duy trì truyền thống văn hóa của gia đình, của địa phương.

Đối với các hộ kinh doanh: cần chú trọng vào không gian kinh doanh, các quyết định về đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm báo giá cả hợp lý và minh bạch, rõ ràng cho sản phẩm… Và một điều khá quan trọng là việc niêm yết giá rõ ràng, tránh tình trạng mặc cả gây khó chịu cho người mua.

Đối với cơ quan quản lý chợ: Cần thiết lập hệ thống kiểm tra giám sát chất lượng sản phẩm, đảm bảo các sản phẩm được trưng bày, buôn bán đạt tiêu chuản. Đồng thời cũng khuyến khích các hộ kinh doanh tham gia phát triển thương hiệu, đảm bảm giá trị thương hiệu cho chợ truyền thống, nâng cao tính cạnh tranh với các siêu thị.

Đối với chính quyền địa phương: cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng hệ thống thoát nước, khu vực đỗ xe cụ thể rõ ràng , hệ thống điện và chiếu sáng và liên tục kiểm tra các hệ thống để đảm bảo chợ truyền thông luôn sạch sẽ, vệ sinh môi trường và an toàn cho người mua sắm. Tạo không gian xanh và khu vực nghỉ chân trong chợ thoải mái, thân thiên với môi trường.

Đối với nhà nước: nên đầu tư vào việc phát triển mạng lưới giao thông ở các khu vực ngoại thành để thức đẩy các địa phương phát triển các dịch vụ, các hoạt động sản xuất và kinh doanh,... Giúp cho người dân ngoại thành dễ dàng di chuyển đến các chợ truyền thống một cách thuận tiện, nhanh chóng và tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Với hệ thống giao thông an toàn và rộng rãi sẽ giảm thiểu các trường hợp tai nạn giao thông, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng cho người tham gia giao thông.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao sự nỗ lực trong nghiên cứu khoa học của các em sinh viên. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng đã có những góp ý bổ ích và thiết thực, giúp nhóm nghiên cứu khoa học sinh viên có cơ sở để hoàn thiện đề tài tốt hơn, góp phần giúp các em sinh viên tiếp tục phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học và xứng đáng là một trong những nhóm sinh viên tiên phong trong phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên của Nhà trường.

Đề tài nhận được sự đánh giá cao của hội đồng. Dưới đây là một số hình ảnh của buổi bảo vệ đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cấp khoa.

Hình 1. Sinh viên Thạch Thị Thanh Thảo – đại diện nhóm nghiên cứu trình bày nội dung đề tài

Hình 2. Thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài nhận xét

Hình 3. Chủ tịch hội đồng nhận xét

Người đưa tin
Trịnh Thùy Giang – Khoa Kinh tế

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 964 Tổng truy cập: 19.968.193