Trang chủ

PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUẢN LÝ ĐƠN HÀNG - GIẢI PHÁP NHÂN LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP MAY VIỆT NAM

Ngày đăng: 02:53 - 06/08/2019 Lượt xem: 4.369

Lê Thị Kim Tuyết

Đặt vấn đề

Chuyển dịch từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn như FOB, ODM và hướng tới OBM là con đường phát triển tất yếu của các doanh nghiệp may Việt Nam nhằm giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng phát triển bền vững trong hội nhập. Để đáp ứng xu hướng chuyển đổi sang phương thức sản xuất cao hơn, phát triển nguồn nhân lực (NNL) quản lý đơn hàng là một giải pháp về nhân lực cho các doanh nghiệp may Việt Nam.

1. Một số khái niệm liên quan

CMT (Cut - Make -Trim): phương thức người mua cung cấp cho doanh nghiệp gia công toàn bộ đầu vào để sản xuất sản phẩm bao gồm nguyên liệu, vận chuyển, mẫu thiết kế và các yêu cầu cụ thể; các nhà sản xuất chỉ thực hiện việc cắt, may và hoàn thiện sản phẩm [1].

FOB (Free on Board): phương thức các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng [1].

ODM (Original Design Manufacturing): là phương thức sản xuất bao gồm khâu thiết kế và cả quá trình sản xuất từ thu mua vải và nguyên phụ liệu, cắt, may, hoàn tất, đóng gói và vận chuyển [1].

OBM (Own Brand Manufacturing): là phương thức sản xuất các hãng sản xuất tự thiết kế và ký các hợp đồng cung cấp hàng hóa trong và ngoài nước cho thương hiệu riêng của mình [1].

 

Quản lý đơn hàng ngành may: là chuỗi công tác thực hiện thông qua quá trình làm việc với khách hàng bắt đầu từ giai đoạn thương mại, phát triển mẫu sản phẩm, tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, triển khai và kiểm soát đơn hàng, cho đến khi hoàn thành sản phẩm theo đúng yêu cầu chất lượng, số lượng và đúng thời gian giao hàng đã kết trên hợp đồng với giá cả đã thỏa thuận [3].

Sự cần thiết của xu hướng chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn FOB, ODM và hướng tới OBM của các doanh nghiệp may Việt Nam

Trong nhiều năm qua ngành dệt may Việt Nam đã có những bước tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước. Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam năm 2018 đạt hơn 36 tỷ USD. Năm 2018 là năm đầu tiên, ngành dệt may Việt Nam vươn lên nằm trong nhóm 3 nước xuất khẩu dệt may cao nhất thế giới với tăng trưởng đạt 16,6% đứng sau Trung Quốc và Ấn Độ [6].

Ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt khi thị phần của các nước trong Hiệp định chiếm ~16% trong tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Nhật, Canada là 2 quốc gia trong hiệp định nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều nhất.

Thị trường Nhật

Nhật Bản là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất trong số 11 nước thành viên của hiệp định CPTPP.

Tại Nhật, tỷ trọng hàng dệt may Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu nhập khẩu hàng may mặc, tuy nhiên đang có xu hướng giảm dần qua các năm (CAGR 2013 - 2017 -8%/năm). Trong khi đó, thị phần của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Cụ thể, tốc độ nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam bình quân (CAGR) của Nhật trong giai đoạn 2013 - 2017 là +7%/năm và dự kiến con số sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, việc ký kết hiệp định CPTPP sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu sang Nhật với mức thuế về 0%.

Thị trường Canada

Thị trường Canada chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 trong số 11 nước thành viên trong hiệp định CPTPP.

Tính trong giai đoạn 2013 - 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) hàng nhập khẩu dệt may Việt Nam sang Canada đạt 11%, cao hơn nhiều so với Trung Quốc (-3%), Bangladesh (+2%) và Cambodia (+7%) [2].

Tuy nhiên, ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn đang tham gia vào chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu chủ yếu ở công đoạn sản xuất gia công CMT. Đây là phương thức sản xuất mang lại giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu. Theo thống kê, tỷ trọng phương thức sản xuất của các doanh nghiệp may Việt Nam như sau: CMT chiếm 65%, FOB chiếm 25%, ODM chiếm 9% và OBM chiếm 1% [4]. (Hình 1)

Mặt khác, trước xu thế hội nhập quốc tế và thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ và máy móc sẽ dần thay thế những công việc giản đơn và có tính lặp lại. Do đó, nếu tiếp tục với phương thức sản xuất CMT, các doanh nghiệp may Việt Nam sẽ bị mất lợi thế sản xuất các sản phẩm như: áo T-Shirt; quần âu cơ bản, áo sơmi cơ bản, quần Jean cơ bản. Vì trong khâu may đối với các sản phẩm cơ bản trên, quá trình sản xuất dễ dàng được thay thế bằng robot giúp nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Nhưng với phương thức sản xuất ODM và OBM, đây là hai phương thức chủ yếu sản xuất hàng thời trang, rất khó có thể tự động hóa và vẫn giữ được lợi thế tương đối của Việt Nam về sự khéo léo của người lao động cũng như giảm thiểu được yêu cầu phải sử dụng nguồn vốn quá lớn để đầu tư cho công nghiệp 4.0 [5].

 
Hình 1: Bài toán nguồn nguyên phụ liệu đầu vào

Nguồn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 2018 

Như vậy, chuyển dịch từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn như FOB, ODM và hướng tới OBM là con đường phát triển tất yếu của các doanh nghiệp may Việt Nam nhằm giúp ngành dệt may Việt Nam nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế (Hình 2).

Hình 2: Các giai đoạn nâng cấp chức năng trong chuỗi giá trị may mặc toàn cầu

Nguồn: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, 2013

Mặt khác, “chuyển mạnh từ phương thức CMT sang FOB và ODM” đã được nhấn mạnh trong báo cáo tổng kết năm 2018 của Hiệp Hội Dệt May Việt Nam khi đưa ra khuyến nghị giải pháp đối với doanh nghiệp [4]. Điều này cho thấy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp may Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn FOB và ODM.

Phát triển NNL quản lý đơn hàng - giải pháp nhân lực cho các doanh nghiệp may Việt Nam đáp ứng xu hướng chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn FOB và ODM

Nhằm nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng, giúp ngành phát triển bền vững trong hội nhập, góp phần chuẩn bị nguồn lực cho các doanh nghiệp may Việt Nam chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn FOB và ODM, một trong các giải pháp cần thiết liên quan đến nhân lực đó là phát triển NNL có khả năng khai thác những thế mạnh của ngành trong chuỗi giá trị toàn cầu. So với phương thức sản xuất CMT, FOB, phương thức sản xuất ODM đòi hỏi các doanh nghiệp may Việt Nam phải có thêm một số NNL bổ sung như thiết kế thời trang, thiết kế mẫu rập, phát triển mẫu sản phẩm và Merchandiser [7].

NNL quản lý đơn hàng (Merchandiser)một trong số NNL cần bổ sung về số lượng nâng cao về chất lượng cho các doanh nghiệp may Việt Nam đáp ứng xu hướng chuyển đổi từ phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn FOB và ODM, cụ thể:

Đối với phương thức sản xuất CMT 

Phương thức sản xuất CMT, các doanh nghiệp may Việt Nam chỉ thực hiện công đoạn sản xuất gia công. NNL quản lý đơn hàng thực hiện các công việc như: tiếp nhận đơn hàng từ khách hàng, cân đối nguyên phụ liệu, quản lý mẫu, theo dõi tiến độ sản xuất, thực hiện các thủ tục giao hàng và quyết toán đơn hàng.

Đối với phương thức sản xuất FOB

Phương thức sản xuất FOB cấp I so với phương thức sản xuất CMT, trên cơ sở nhận mẫu sản phẩm từ người mua nước ngoài, các doanh nghiệp may Việt Nam thực hiện thêm công đoạn: mua nguyên phụ liệu đầu vào từ các nhà cung ứng do người mua nước ngoài chỉ định. Như vậy, so với phương thức sản xuất CMT và FOB cấp I, NNL quản lý đơn hàng cần trang bị thêm các nghiệp vụ có liên quan đến: tiếp nhận thông tin đặt hàng từ phía khách hàng; nghiệp vụ về đặt hàng, làm hợp đồng và nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may; kiểm tra chất lượng nguyên liệu, phụ liệu may nhập khẩu; nghiệp vụ liên quan đến thanh toán quốc tế, mua nguyên liệu và giao thành phẩm.

 Phương thức sản xuất FOB cấp II so với phương thức sản xuất CMT, trên cơ sở nhận mẫu sản phẩm từ người mua nước ngoài, các doanh nghiệp may Việt Nam thực hiện thêm công đoạn: tự mua nguyên phụ liệu đầu vào từ các nhà cung ứng mà không có sự chỉ dẫn của người mua. Do đó, so với sản xuất theo phương thức CMT, phương thức sản xuất FOB cấp II sẽ tương tự như FOB cấp độ I NNL quản lý đơn hàng cần trang bị thêm các nghiệp vụ có liên quan đến thông tin về năng lực của các nhà cung ứng nguyên phụ liệu như: số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, giá cả.

Đối với phương thức sản xuất ODM

Phương thức sản xuất ODM so với phương thức sản xuất FOB, doanh nghiệp may Việt Nam thực hiện thêm công đoạn: thiết kế. Các doanh nghiệp may Việt Nam sẽ tạo ra những mẫu thiết kế, hoàn thiện sản phẩm và bán lại cho người mua. Do đó, so với sản xuất theo phương thức CMT, phương thức sản xuất ODM sẽ tương tự như FOB, NNL quản lý đơn hàng cần trang bị thêm các nghiệp vụ có liên quan đến truyền tải thông tin về mẫu thiết kế, làm giá và chào bán sản phẩm đến khách hàng.

Từ đó, tổng quát, NNL quản lý đơn hàng trong các doanh nghiệp may của phương thức sản xuất FOB và ODM có một số nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: Nhận tài liệu từ phía khách hàng; Trao đổi với khách hàng thường xuyên qua email hoặc trực tiếp các thông tin về tài liệu, mẫu mã và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển mẫu và sản xuất; Đo đạc, kiểm mẫu, làm các bản thông tin về mẫu và gửi mẫu cho khách hàng duyệt; Nhận và dịch thông tin phản hồi từ khách hàng và làm việc với bộ phận rập để chỉnh sửa mẫu; Làm tài liệu kỹ thuật cho nhà máy; Duyệt mẫu mã, định mức tiêu hao nguyên vật liệu, bảng mẫu cho nhà máy; Làm việc với kỹ thuật nhà máy về yêu cầu và chất lượng sản phẩm của đơn hàng; Chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh về kỹ thuật từ lúc bắt đầu sản xuất cho đến lúc xuất hàng; Làm việc trực tiếp với khách hàng để đảm bảo thực hiện các yêu cầu của khách hàng; Chịu trách nhiệm với khách hàng về toàn bộ đơn hàng và chất lượng sản phẩm.

Các công việc cụ thể, gồm:

(i) Giao tiếp với khách hàng mới về sản phẩm, yêu cầu, giá cả, đơn hàng…

(ii) Làm việc với khách hàng về: giá cả, mẫu mã, đơn hàng dự kiến, đơn đặt hàng, tiến độ sản xuất, giao hàng, hình thức thanh toán…

(iii) Làm việc với các nhà cung cấp nguyên phụ liệu để đặt vật tư, ngày giao hàng, hình thức vận chuyển và thanh toán…

(iv) Phối hợp với kỹ thuật về thời gian làm và giao mẫu cho khách hàng duyệt, tiến độ chuẩn bị sản xuất (giao tài liệu kỹ thuật cho nhà máy, duyệt mẫu mã, bảng màu, định mức… cho nhà máy).

(v) Làm việc với các giám đốc nhà máy về kế hoạch sản xuất.

Ngành dệt may Việt Nam chưa thể vội mừng với CPTPP do những yêu cầu khắt khe hơn về quy tắc xuất xứ. Tức là doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may phải tự chủ nguyên liệu đầu vào hoặc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước thành viên trong Hiệp định, trong khi đó, thị trường nhập khẩu nguyên liệu dệt may chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này có thể gây áp lực đáng kể cho ngành dệt may Việt Nam, tuy nhiên sẽ là lợi thế cho các doanh nghiệp có khả năng tự chủ được nguyên liệu đầu vào như Dệt may Thành Công (TCM), các công ty thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) như Dệt may Phong Phú, Dệt may Huế, Dệt may Nam Định,...

Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may, lợi thế cạnh tranh sẽ dành cho các doanh nghiệp sản xuất theo phương thức có giá trị gia tăng cao (FOB/ ODM/ OBM) như Dệt may TNG (TNG), May Sài Gòn (GMC), May Việt Tiến (VGG),..

Để có thể thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu trên, yêu cầu đặt ra đối với nhân lực quản lý đơn hàng của phương thức sản xuất FOB và ODM phải phối hợp kiến thức và kỹ năng tổng hợp: kinh doanh và quản lý, công nghệ may, thiết kế thời trang, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm như: lập kế hoạch, làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề một cách nhịp nhàng để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Đề xuất một số giải pháp chủ yếu

Xuất phát từ thực tế nhiệm vụ của NNL quản lý đơn hàng của phương thức sản xuất CMT chỉ thực hiện trong khâu sản xuất gia công như: tiếp nhận đơn hàng từ khách hàng, cân đối nguyên phụ liệu, quản lý mẫu, theo dõi tiến độ sản xuất, thực hiện các thủ tục giao hàng và quyết toán đơn hàng. Nhưng với phương thức sản xuất FOB và ODM, NNL quản lý đơn hàng sẽ phải thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn, do đó, yêu cầu cần có của nhân lực quản lý đơn hàng chuyên nghiệp sẽ cao hơn so với nhân lực quản lý đơn hàng theo phương thức sản xuất CMT. Vì vậy, nhằm gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng NNL quản lý đơn hàng đáp ứng xu hướng chuyển đổi phương thức sản xuất CMT sang phương thức sản xuất cao hơn như FOB, ODM, một số giải pháp chủ yếu được đề xuất thực hiện:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo NNL quản lý đơn hàng.      NNL quản lý đơn hàng cho các doanh nghiệp may Việt Nam cần được trang bị, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng tổng hợp: kinh doanh và quản lý, công nghệ may, thiết kế thời trang, ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm như: lập kế hoạch, làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề yêu cầu cần thiết. Theo đó, các trường đào tạo NNL cho ngành may cũng cần thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Cùng với yêu cầu thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển NNL quản lý đơn hàng ở các cơ sở đào tạo, bản thân các doanh nghiệp may Việt Nam cũng cần có kế hoạch đào tạo riêng để nâng cao chất lượng NNL quản lý đơn hàng, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

Tiếp tục đào tạo cán bộ quản lý đơn hàng để nâng cao chất lượng nhân lực cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên là một trong các giải pháp về NNL cho năm 2019 đã được đề cập trong Báo cáo tổng kết năm 2018 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam [8].

Thứ hai, ngoài trọng tâm là kế hoạch đào tạo, các doanh nghiệp may Việt Nam cần có các chính sách và giải pháp cho các hoạt động chủ yếu phát triển NNL quản lý đơn hàng như: kế hoạch hóa NNL, tuyển dụng, thu hút, bố trí sử dụng, tạo động lực cho người lao động nhằm chuẩn bị tốt nhất về số lượng và chất lượng nguồn nhân quản lý đơn hàng đáp ứng xu hướng chuyển đổi sang phương thức sản xuất cao hơn [9].

Kết luận

Với 65% doanh nghiệp may Việt Nam đang sản xuất theo phương thức sản xuất gia công CMT, NNL quản lý đơn hàng tại các doanh nghiệp này có thể rất chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng tương đối tốt để đáp ứng với phương thức sản xuất CMT nhưng lại rất bị động khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất cao hơn như FOB, ODM. Cũng như 25% doanh nghiệp may đang sản xuất phương thức FOB cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng khi chuyển đổi sang phương thức sản xuất ODM. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng mới về nhân lực quản lý đơn hàng của các phương thức sản xuất cao hơn khi các doanh nghiệp may mở rộng quy mô sản xuất. Do đó, để đáp ứng nhu cầu gia tăng về số lượng, nâng cao về chất lượng NNL quản lý đơn hàng đáp ứng xu hướng chuyển đổi sang phương thức sản xuất cao hơn là một trong các giải pháp cần thiết nhằm phát triển NNL quản lý đơn hàng cho các doanh nghiệp may Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo

[1] FPTS, (2014), Báo cáo ngành Dệt may - Cơ hội bứt phá, tháng 4/2014

[2] Bùi Thị Thùy Dương, (2019), Cập nhật kết quả kinh doanh 2018 ngành Dệt May

[3] Trần Thanh Hương, Tạ Thị Ngọc Nhung, Phạm Thị Hà, (2015), Giáo trình Quản lý đơn hàng ngành may, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh

[4] Hiệp hội Dệt may Việt Nam, (2018), Tài liệu tại Hội nghị tổng kết năm 2018 – giải pháp cho năm 2019

[5] Giải pháp đào tạo NNL cho ngành dệt may Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập từ

http://tapchicongthuong.vn/giai-phap-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-nganh-det-may-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-cua-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-4-0-20171117032456675p0c488.htm

[6] Hiệp hội Dệt may Việt Nam (2019), Bản tin Kinh tế - Dệt may, số 2/2019

[7] Hoàng Xuân Hiệp, (2013), Đào tạo NNL để khai thác thế mạnh trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm dệt may, Tạp chí Dệt may và Thời trang Việt Nam, số 306, 62-65

[8] Tập đoàn Dệt May Việt Nam, 2019, Báo cáo kết quả sxkd năm 2018 và kế hoạch năm 2019

[9] Lê Thị Kim Tuyết, (2019), Phát triển NNL quản lý đơn hàng cho các doanh nghiệp may Việt Nam, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 11, 58-60


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 173 Tổng truy cập: 33.395.618