Trang chủ

PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ NGƯỜI HỌC

Ngày đăng: 09:15 - 03/03/2022 Lượt xem: 63.570
ThS. Trần Thị Ngát – Trưởng BM QTKD
Tóm tắt: Đánh giá  kết quả học tập của người học là khâu quan trọng trong quá trình dạy và học. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp góp phần đo lường được chuẩn đầu ra (CĐR) của học phần. Bài viết tập trung phân tích ưu, nhược điểm của từng phương pháp kiểm tra, đánh giá từ đó giảng viên có thể lựa chọn phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với đặc thù, mục tiêu của từng học phần.
Từ khoá: Phương pháp, kiểm tra, đánh giá, kết quả học tập, người học.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Kiểm tra, đánh giá là hai mặt của một quá trình, kiểm tra là thu thập thông tin, số liệu, bằng chứng về kết quả đạt được, đánh giá là so sánh đối chiếu với mục tiêu dạy học đưa ra những phán đoán kết luận về thực trạng và nguyên nhân của kết quả đó nhằm mục đích: làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về mục tiêu dạy học, trình độ kiến thức, kỹ xảo, kỹ năng và thái độ của sinh viên, từ đó xác định mức độ chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy - học; phát hiện sai lệch và điều chỉnh hoạt động, tìm ra những sai sót, lệch lạc trong nhận thức sinh viên, giúp họ điều chỉnh hoạt động, giúp giảng viên cho những thông tin ngược để kịp thời điều chỉnh hoạt động dạy. Tạo cơ sở cho những dự đoán phát triển trong tương lai; điều chỉnh mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học. Kiểm tra đánh giá yêu cầu phải đảm bảo chính xác, khách quan và công bằng. Các phương pháp kiểm tra, đánh giá thường được sử dụng như: quan sát, vấn đáp, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, dự án, bài tập lớn, tiểu luận…Mỗi phương pháp kiểm tra đánh giá đều có ưu, nhược điểm, do đó cần lựa chọn phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp để đảm bảo đo lường hiệu quả kết quả học tập của người học theo từng học phần.

2. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NGƯỜI HỌC

2.1. Một số khái niệm

Kiểm tra là bộ phận hợp thành của quá trình hoạt động dạy – học nhằm nắm được thông tin về trạng thái và kết quả học tập của sinh viên về những nguyên nhân cơ bản của thực trạng đó để tìm ra những biện pháp khắc phục lỗ hổng, đồng thời củng cố và tiếp tục nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy – học [2]. Như vậy, trong lĩnh vực giáo dục, kiểm tra là một thuật ngữ chỉ sự đo lường, thu thập thông tin để có được những phán đoán, xác định xem mỗi người học sau khi học đạt được kiến thức, kỹ năng, thái độ hay năng lực như thế nào, đồng thời có những thông tin phản hồi để hoàn thiện quá trình dạy và học.

Đánh giá là quá trình thu thập thông tin, chứng cứ về đối tượng được đánh giá và đưa ra những phán xét, nhận định về mức độ đạt được theo các tiêu chí đã được đưa ra trong các tiêu chuẩn hay kết quả học tập. Đánh giá có thể là đánh giá định lượng hoặc đánh giá định tính [1].
Như vậy, ta có thể hiểu kiểm tra đánh giá kết quả học tập là sự so sánh, đối chiếu kiến thức, kỹ năng, thái độ thực tế đạt được ở những người học để tìm hiểu và chuẩn đoán trước, trong hoặc sau quá trình học tập với các kết quả mong đợi đã xác định trong mục tiêu dạy học.

Phương pháp kiểm tra, đánh giá: là cách thức thực hiện kiểm tra, đánh giá người học.

2.2. Một số phương pháp sử dụng trong đánh giá kết quả học tập của người học
2.2.1.Phương pháp quan sát
Là phương pháp thu thập thông tin về đối tượng bằng cách quan sát thông qua các tri giác trực tiếp [1].

Ưu điểm:
+ Thuận lợi để đánh giá thái độ, cung cấp cho giảng viên những thông tin bổ sung có giá trị mà những thông tin này khó đo được bằng các phương pháp khác;
+ Quan sát thường xuyên có thể cung cấp thông tin liên lục về sự tiến bộ của sinh viên;
+ Giảng viên có thể sửa lỗi kịp thời cho sinh viên;

Nhược điểm
+ Kết quả phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan của người quan sát
+ Những yếu tố chi phối ảnh hưởng đến sai sót khi quan sát: ấn tượng ban đầu của giảng vên về sinh viên, giảng viên không quan tâm đến việc lý giải các hành vi của sinh viên hoặc lý giải không đúng.
- Sử dụng phương pháp quan sát khi muốn đánh giá:
+ Mức độ tích cực tham gia của sinh viên vào thảo luận nhóm
+ Các kỹ năng giao tiếp giữa các cá nhân trong nhóm
+ Các phản ứng của sinh viên đối với nội dung bài học, nhiệm vụ giảng viên cao
+ Cách phản ứng của sinh viên đối với điểm kiểm tra
+ Nhịp độ bài học: Nhanh hay chậm
+ Mức độ hứng thú của sinh viên học tập
Vì vậy, phương pháp này phù hợp trong sử dụng đánh giá quá trình học.

2.2.2. Phương pháp vấn đáp

Ưu điểm
- Kích thích tính cực độc lập tư duy ở sinh viên để tìm ra câu trả lời tối ưu trong thời gian nhanh nhẩt.
- Bồi dưỡng sinh viên năng lực diễn đạt bằng lời nói; bồi dường hứng thú học tập qua kết quả trả lời.
- Giúp giảng viên thu tín hiệu ngược từ sinh viên một cách nhanh gọn kể kịp thời điều chỉnh hoạt động của mình, mặt khác có điều kiện quan tâm đến từng sinh viên, nhất là những sinh viên giỏi và kém.
- Tạo không khí làm việc sôi nổi, sinh động trong giờ học.

Nhược điểm
- Dễ làm mất thời gian ảnh hưởng không tốt đến kế hoạch lên lớp cũng như mất nhiều thời gian để soạn hệ thống câu hỏi.
- Nếu không khéo léo sẽ không thu hút được toàn lớp mà chỉ là đối thoại giữa giảng viên vả một sinh viên.
Vấn đề then chốt của phương pháp vấn đáp là vấn đề đặt câu hỏi - đây vừa là một vẩn đề khoa học, vừa là một nghệ thuật. Đề sinh viên phát huy được tính tích cực và trả lời đúng vào vấn đề thỉ:
- Giảng viên phải chuẩn bị tốt những câu hỏi sẽ đặt ra cho sinh viên: xác định rõ mục đích, yêu cầu của vấn đáp, nội dung câu hỏi, dự kiến trả lời, đối tượng sẽ hỏi.
- Đặt câu hỏi tốt: nội dung câu hỏi phải chính xác, sát trình độ sinh viên, phương pháp phải ngắn gọn dễ hiểu.
- Hướng dẫn sinh viên trả lời tốt: bình tĩnh lắng nghe và theo dõi câu trả lời của sinh viên, hướng dẫn tập thể nhận xét bổ sung, rồi giảng viên mới tổng kết, chú ý động viên những em trả lời tốt và có cố gắng phát biểu, dù chưa đúng.
Vì vậy, nên sử dụng phương pháp kiểm tra đánh giá vấn đáp đối với những học phần cần đánh giá khả năng phản xạ của người học.

2.2.3. Phương pháp kiểm tra viết
2.2.3.1. Hình thức trắc nghiệm khách quan
Trắc nghiệm khách quan bao gồm: (1) Có nhiều phương án trả lời cho mỗi câu; (2) loại “đúng sai”; (3) loại ghép đôi; (4) loại điền khuyết hay có câu trả lời ngắn
Ưu điểm

+ Bài trắc nghiệm bao quát được phạm vi kiến thức rộng nên đại diện được cho nội dung cần đánh giá
+ Việc chấm điểm dễ dàng, nhanh chóng, có thể chấm bng máy và bảo đảm tính khách quan trọng khâu chấm bài.
+ Kết quả trắc nghiệm có thể dễ dàng phân tích độ tin cậy và độ giá trị bằng các phần mềm có sử dụng các mô hình phương pháp toán học

Nhược điểm
+ Việc xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khá phức tạp, tốn thời gian đòi hỏi người xây dựng trắc nghiệm phải được huấn luyện đầy đủ.
+ Trắc nghỉệm khách quan khó đo lường khả năng diễn đạt, sắp xếp, trình bày và đưa ra ý tưởng mới.
Sử dụng trắc nghiệm khách quan cần tuân theo một số yêu cầu sau:
+ Câu trắc nghiệm cần có độ tin cậy và độ giá trị đảp ứng yêu cầu đo đúng mục tiêu cần đo và kết quả ổn định không phụ thuộc vào người chấm hay thời gian địa điểm thi.
+ Quá trình tiến hành trắc nghiệm cần phải được chuẩn bị chu đáo, cần có những biện pháp chống gian lận khi làm bài, có thể bằng phương án đảo ngẫu nhiên các câu hỏi để những người ngồi cạnh nhau không có trình tự câu hỏi giống nhau.
Phương pháp kiểm tra đánh giá trắc nghiệm khách quan thường được sử dụng đối với những học phần đại cương hoặc cơ sở ngành, ít đòi hỏi kỹ năng phân tích, tổng hợp, sáng tạo.
a. Trắc nghiệm khách quan có nhiều phương án trả lời cho mỗi câu
Ưu điểm
+ Có thể đo được khả năng tư duy khách nhau, với sự phội hợp của nhiều phương án trả lời để chọn cho mỗi câu hỏi giảng viên có thể dùng loại trắc nghiệm có nhiều phương án chọn để kiểm tra đánh giá những mục tiêu giảng dạy, học tập khác nhau
+ Độ tin cậy cao hơn. Yếu tố đoán mò may rủi giảm đi so với loại trắc nghiệm khách quan khác khi số phương án lực chọn tăng lên.
+ Sinh viên phải xét đoán và phân biệt rõ ràng khi trả lời câu hỏi. Tính chất tuyệt đối trong loại “đúng, sai” nhường chỗ cho tính chất tương đối khi sinh viên ơhar lựa chọn câu trả lời đúng nhất hay hợp lý nhất trong số các phương án trả lời đã cho.
+ Tính chất giá trị tốt hơn. Loại trắc nghiệm này có độ giá trị cao hơn nhờ tính chất có thể dùng đo những mức tư duy khác nhau. Với một bài trắc nghieemj có nhiều câu trả lời cho sẵn đề chọn, người ta có thể đo được khả năng nhớ, áp dụng các nguyên lý, suy diễn, tổng quát…rất hữu hiệu.
+ Tính chất khách quan khi chấm thi. Cũng như các loại trắc nghiệm khách quan khác, trong loại trắc nghiệm có nhiều phương án trả lời để chọn thì điểm số không phụ thuộc các yếu tố như phẩm chất của chữ viết hoặc khả năng diễn đạt tư tưởng.
Nhược điểm
+ Khó soạn câu hỏi. Một giảng viên phải có nhiều năm kinh nghiệm và khả năng cũng như mất nhiều thời gian và công phu mới có thể viết ra được những câu hỏi hay, đúng chuẩn kỹ thuật. Điều khó ở chỗ phải tìm cho được một câu trả lời đúng nhất trong các phương án, các phương án trả lời khác cũng có vẻ hợp lý.
+ Sinh viên có khả năng sáng tạo có thể tìm ra những câu trả lời hay hơn phương án đúng đã cho, nên họ có thể không thoả mãn hay cảm thấy khó chịu.
+ Các câu trắc nghiệm có nghiều phương án lựa chọn co sthể không đo được khả năng phán đoán tình vi và khả năng giải quyết vấn đề khéo léo một cách hiệu quả bằng câu hỏi tự
b. Trắc nghiệm khách quan loại “đúng sai”
Ưu điểm
+ Đây là loại câu hỏi đơn giản nhất để trắc nghiệm kiến thức về các sự kiện
+ Loại câu hỏi đúng sai giúp cho việc trắc nghiệm bao gồm một lĩnh vực rồng lớn trong kh thời gian ít ỏi
+ Thiết kế câu hỏi trắc nghiệm đúng sai đơn giản hơn , nhanh hơn câu hỏi trắc nghiệm khách quan có nhiều phương án lựa chọn,
Nhược điểm
+ Xác xuất sinh viên đúng do đoán mò cao
+ Trong các môn học thuộc khoa học xã hội có thể có nhiều quan điểm khác nhua nên câu hỏi thuộc loại đúng sai có thể tối nghĩa, khó hiểu
+ Loại trắc nghiệm đúng sai có độ tin cậy thấp
+ Giảng viên dùng loại câu hỏi này thường có khuynh hướng trích ngueyen văn bản các câu trong sách, do đó sinh viên có thói quen học thuộc nhiều hơn là tư duy
c. Trắc nghiệm loại ghép đôi
Ưu điểm
+ Trắc nghiệm ghép đôi rất thích hợp với các câu hỏi bắt đầu bằng những chữ “ai”, “ở đâu”, “Khi nào”, “Cái gì”. Các giảng viên có thể dùng loại này để sinh viên ghép một số từ kê trong một cột với ý nghĩa tỏng cột thứ hai.
+ Các câu hỏi ghép đôi dễ viết và dễ dùng, đặc biệt rất thích hợp khi cần thẩm định các mục tiêu ở mức tư duy thấp. Tuy nhiên, chúng ta nên cố gắng viết những câu hỏi ở mức kỹ năng cao hơn
+ So với câu hỏi có nhiều phương án lựa chọn, loại ghép đôi tốn ít giấy khi in
+ Khi được soạn kỹ, loại câu hỏi ghép đôi đòi hỏi sinh viên phải chuẩn bị rất tốt vì yếu tố đoán mò giảm đi nhiều, sai một câu này sẽ kéơ theo sai ở câu khác.
Nhược điểm
Thường vì muốn soạn câu hỏi để đo các mức kiến thức cao đỏi hỏi nhiều công phu, thời gian
Nếu danh sách trong mỗi cột quá dài sinh viên sẽ mất nhiều thời gian để đọc cả một cột mỗi lần muốn ghép đôi
d. Trắc nghiệm khách quan loại điền khuyết hay có câu trả lời ngắn
Loại trắc nghiệm điền khuyết hay trắc nghiệm có câu trả lời ngắn thực ra chỉ là một thứ, chỉ khác nhau về dạng thưucs vấn đề được đặt ra. Nếu được trình bày dưới dạng câu hỏi, chúng ta gọi là loại câu trả lời ngắn, nếu được trình bày dưới dạng một câu phát biểu chưa đầy đủ, chúng ta gọi là loại câu điền khuyết.
Ưu điểm
+ Sinh viên có cơ hội trình bày những câu trả lời khác nhua thướng phát huy tính sáng tạo
+ Phương pháp chấm điểm nhanh hơn và đáng tin cậy hơn với loại đề tự luận, mặc dù việc cho điểm có phần rắc rối hơn so với các loại trắc nghiệm khách quan khác.
+ Thí sinh mất cơ hội đoán mò câu trả lời như trong trường hợp các loại trắc nghiệm khách quan khác. Thí sinh phải nhớ ra hoặc nghĩ ra câu trả lời thay vì chỉ chọn câu trả lờ đúng trong các phương án cho sẵn.
+ Loại trắc nghiệm điền khuyết hay câu trả lời ngắn dễ soạn hơn loại ghép đôi hoặc loại có nhiều câu trả lời để lựa chọn;
+ Câu hỏi loại điền khuyết hay có câu trả lời ngắn rất thích hợp cho những vấn đề tính toán, sự hiểu biết về các nguyên lý, giải thích dữ liệu, diễn đạt ý kiến và thái độ.
+ Giúp sinh viên rèn luyện trí nhớ khi học.
Nhược điểm
+ Giảng viên thường có khuynh hướng trích nguyên văn câu từ
+ Giảng viên có thể hiểu sai, đánh giá thấp giá trị các câu trả lời sáng tạo, khác ý giảng viên nhưng vẫn hợp lý
+ Việc chấm bài mất nhiều thời gian hơn so với loại trắc nghiệm đúng sai, hoặc trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn
+ Thiếu yếu tố khách quan lúc chấm điểm. Mặc dù phương pháp chấm điểm loại trắc nghiệm “ Điền khuyết” có tính chất khách quan hơn loại luận đề, giảng viên vẫn gặp nhiều khó khăn hơn khi chấm trắc nghiệm điền khuyết vì giớ hạn câu trả lời khác với trong đáp án để chấm bài.

2.2.3.2. Hình thức tự luận
Phương pháp kiểm tra đánh giá tự luận bao gồm: Bài luận, tiểu luận, bài tập lớn, luận văn [1].
 Ưu điểm
+ Nó có khả năng đo lường kết quả học tập của sinh viên ở mức độ phân tích, tổng hợp và đánh giá. Nó tạo điều kiện cho sinh viên bộc lộ khả năng suy luận, phê phán, trình bày những ý kiến dựa ưên những trải nghiệm của cá nhân;
+  Đ kiểm tra viết dạng tự luận thường dễ chuẩn bị, tốn ít thời gian và công sức.
Nhược điểm
+ Bài tự luận thường có số câu hỏi ít nên khỏ đại diện đầy đủ cho nội dung cần đánh giá;
+ Việc chấm điểm thường khó khăn và tốn nhiều thời gian;
+ Các tiêu chí đánh giá thường không thống nhất do vậy điểm số bị ảnh hưởng nhiều từ yếu tố chủ quan của người chấm;
+ Không đo lường được nhiều chuẩn đầu ra của học phần;
+ Đánh giá thiếu khách quan, phụ thuộc vào quan điểm của người chấm.
Phương pháp kiểm tra đánh giá tự luận đối với những học phần chuyên ngành, đòi hỏi kỹ năng tư duy phân tích, tổng hợp, giải quyết vấn đề.

KẾT LUẬN

Kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình dạy – học ở các cơ sở giáo dục. Mỗi phương pháp kiểm tra, đánh giá có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy giảng viên/nhóm chuyên môn cần phân tích mục tiêu của từng học phần đóng góp trong chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo để xác định phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp. Kiểm tra, đánh giá người học, có thể sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá khác nhau trong một lần kiểm tra, đánh giá người học.

Tài liệu tham khảo
[1]. Trần Đức Khánh (2016), Đo lường và đánh giá trong giáo dục, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2]. Từ điển Giáo dục học (2001), NXB Từ điển Bách khoa.
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 122 Tổng truy cập: 30.852.101