Trang chủ

Rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Quản lý công nghiệp

Ngày đăng: 08:29 - 26/02/2018 Lượt xem: 4.112
 
Ngày nay bằng cấp và các kiến thức về chuyên môn chưa phải là những yếu tố quyết định để các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng đánh giá khả năng làm viêc của bạn. Bởi vì bên cạnh những kỹ năng truyền thống tức là những kỹ năng về chuyên môn và nghiệp vụ nhà tuyển dụng còn sử dụng tiêu thức khác để kiểm tra chất lượng của ứng viên và nhân viên của mình. Tiêu thức đó có tên là “ kỹ năng mềm”. Vậy theo bạn kỹ năng mềm là gì? Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, giải quyết vấn đề, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới, là những thứ thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn. Rất nhiều nhà tuyển dụng xem những kỹ năng này là nhân tố quan trọng để lựa chọn nhân viên.

Tuy nhiên, các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, tìm kiếm thông tin, giải quyết vấn đề… để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động thì sinh viên còn rất hạn chế. Chính vì thiếu kỹ năng mềm mà khi tốt nghiệp, mặc dù có điểm số học tập rất cao nhưng họ vẫn không vượt qua “lưới” của các nhà tuyển dụng.”

Khoa Kinh tế Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội lần đầu tiên thực hiện đào tạo ngành Quản lý công nghiệp, với mong muốn được trao đổi về quan điểm, phương pháp và kinh nghiệm thực tế trong việc huấn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên, bài viết này tôi tập trung vào ba nhóm nội dung chính:

1. Thực trạng về kỹ năng mềm, tình hình huấn luyện kỹ năng mềm tại trường hiện nay.
2.  Yêu cầu của xã hội/doanh nghiệp về kỹ năng mềm đối với sinh viên tốt nghiệp.
3. Một số giải pháp rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp.

Thứ nhất, về thực trạng sử dụng kỹ năng mềm của sinh viên ngành QLCN. Sinh viên ngành Quản lý công nghiệp tốt nghiệp ra trường là nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho sự phát triển của ngành dệt may trong tương lai ở các vị trí việc làm như quản đốc phân xưởng, cán bộ quản lý công nghiệp, cán bộ quản lý đơn hàng, chuyên viên xuất nhập khẩu,.... Do đó, nhiệm vụ đào tạo về chuyên môn và kỹ năng mềm rất quan trọng đối với thầy và trò khoa Kinh tế. Nhóm giảng viên khoa kinh tế thông qua sinh hoạt câu lạc bộ và kênh giáo viên chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát mức độ thành thạo và sử dụng một số kỹ năng mềm. Sau đây là bảng tổng hợp khảo sát 90 sinh viên ngành Quản lý công nghiệp về mức độ thành thạo trong sử dụng kỹ năng mềm.

 
Stt Kỹ năng Tự đánh giá của SV
Rất tốt Tốt Trung bình Yếu Rất yếu
1 Giao tiếp 5 8 36 31 10
2 Hoạch định mục tiêu cuộc đời 2 8 15 25 40
3 Quản lý thời gian 17 13 26 19 15
4 Quản lý cảm xúc 25 13 28 22 2
5 Thiết lập quan hệ xã hội 9 6 28 36 11
6 Tư duy sáng tạo 15 13 21 28 13
7 Giải quyết vấn đề 4 8 31 28 19
8 Làm việc nhóm 6 8 21 39 16
9 Thích ứng 5 14 36 27 8
10 Vượt qua áp lực 2 11 21 48 8
11 Thủ lĩnh nhóm 8 8 18 36 20
12 Tư duy tích cực 5 17 36 28 4
13 Xây dựng và thể hiện sự tự tin 18 8 32 28 4
14 Quản lý tài chính 0 5 26 21 38
15 Tìm kiếm và xử lý thông tin 11 11 35 21 12
16 Thuyết trình 6 5 12 28 39
17 Thuyết phục 11 13 14 34 18
18 Tự học và học suốt đời 18 15 18 32 7
19 Động viên và chia sẻ 23 20 23 19 5
20 Tổ chức hoạt động 18 10 19 12 31
             

Khi được hỏi về mức độ thành thạo trong sử dụng kỹ năng mềm đối với sinh viên ngành quản lý công nghiệp, đa số các em đều trả lời rằng mình đang rất yếu về kỹ năng mềm như (kỹ năng lắng nghe, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, ...).

Như vậy, có thể khẳng định sinh viên ngành quản lý công nghiệp đang yếu về kỹ năng mềm và nhu cầu được trang bị, rèn luyện kỹ năng mềm là rất lớn. Đặc biệt là các kỹ năng về làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng thuyết trình, thuyết phục.

Thứ hai, chúng ta cùng nhau xét đến yêu cầu của xã hội và doanh nghiệp về kỹ năng mềm đối với các ứng viên đến tham gia tuyển dụng và làm việc tại doanh nghiệp. Rất nhiều nhà doanh nghiệp than phiền rằng, khi tuyển dụng được nhân viên, họ lại tiếp tục phải đào tạo thêm nhiều kỹ năng cho nhân viên mới. Theo điều tra của Bộ LĐ-TB và XH, có hơn 13% sinh viên phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc, 41% cần thời gian làm quen với công việc. Ông Trần Thiên Ân, Phó Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn cho biết: “Dưới góc độ là một nhà kinh doanh, tôi thấy sinh viên được trang bị khá kỹ lưỡng và đầy đủ những kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên, họ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng là do thiếu các kỹ năng mềm. Nhiều sinh viên chưa nhận ra được vai trò, vị trí của mình trong công việc, họ chưa có kỹ năng xây dựng hình ảnh cá nhân, vì vậy họ không phát huy được hết năng lực của mình để trở thành người thành đạt”.

Với từng vị trí khác nhau thì nhà tuyển dụng sẽ có các yêu cầu về kĩ năng khác nhau. Chẳng hạn như chức danh công việc cán bộ quản lý đơn hàng thì nhà tuyển dụng sẽ cần đến kỹ năng giao tiếp và thuyết phục, kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian … ; chức danh công việc Quản đốc phân xưởng sẽ cần đến kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết xung đột....Sau đây là những kĩ năng mềm mà các doanh nghiệp dệt may đánh giá cao khi tuyển dụng các ứng viên.

- Kĩ năng giao tiếp: giao tiếp luôn là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống con người nói chung. Kĩ năng giao tiếp mà doanh nghiệp cần, có thể qua các hình thức như:
+ Gặp mặt trực tiếp với người khác, chia sẻ ý kiến, thông tin.
+ Nói chuyện qua điện thoại- biết cách xử sự, hiểu rõ vấn đề và giải quyết tình huống.
+ Trao đổi qua thư từ, e-mail hay các tài liệu khác.
- Kĩ năng lắng nghe, thích ứng và linh hoạt: nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một nhân viên tiềm năng sự cống hiến qua việc đảm đương nhiều việc khác nhau. Họ không muốn thuê một người cứng nhắc và thụ động trong môi trường làm việc thay đổi liên tục. Thích ứng và linh hoạt có nghĩa là bạn phải:
+ Sẵn sàng làm việc theo sự điều động và phân công của lãnh đạo, chịu được áp lực công việc.
+ Giúp đỡ người khác lúc công việc họ bị quá tải mặc dù đó không phải là trách nhiệm của bạn.
+ Lắng nghe ý kiến người khác và luôn sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới.
+ Giữ sự bình tĩnh trước mọi tình huống khó khăn.
+ Lên kế hoạch trước, trong trường hợp có vấn đề gì xảy ra, cũng phải có một kế hoạch dự phòng.

- Kĩ năng làm việc nhóm: Mặc dù bạn có khả năng làm việc độc lập và là một cá nhân nổi trội, tuy nhiên, nếu bạn không thể làm việc nhóm và biết cách phối hợp với những người khác, bộ phận khác thì nhà tuyển dụng cũng không chọn bạn. Hoạt động nhóm với nhiều người thì qua những ý kiến khác nhau, sẽ có nhiều cách giải quyết vấn đề hơn. Kĩ năng hoạt động nhóm bao gồm có:
+ Trợ giúp đồng nghiệp giải quyết vấn đề.
+ Cho người khác lời khuyên, nhận xét về công việc của họ để giúp họ hoàn thành công việc tốt hơn.
+ Tỏ thái độ tích cực, háo hứng để giữ tinh thần đồng đội, ủng hộ đồng nghiệp nói ra ý kiến về những điều họ cảm thấy chưa hài lòng.

- Kĩ năng giải quyết vấn đề: Hằng ngày, chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh từ nội bộ hay bên ngoài. Nhà tuyển dụng muốn tuyển một người có thể đảm đương những thử thách, khó khăn và tìm ra hướng giải quyết.  Ví dụ như:
+ Nhìn ra vấn đề và nghĩ ra những hướng giải quyết khác nhau.
+ Thu thập thông tin nếu cần thiết.
+ Đánh giá, phân tích các khía cạnh gồm điểm mạnh, điểm yếu của các hướng giải quyết đó và đưa ra sự chọn lựa cuối cùng.

- Kĩ năng hòa đồng:
Tại nơi làm việc, bạn không chỉ giao tiếp với khách hàng mà còn giao tiếp với đồng nghiệp. Không chỉ trong công việc, nhà tuyển dụng còn muốn các ứng viên phải biết cách tiếp xúc, trao đổi với nhau, thể hiện qua:
+ Thái độ tích cực, thân thiện, hòa đồng với đồng nghiệp, khách hàng hay bất cứ ai mình gặp.
+ Giải quyết rắc rối, mâu thuẩn với đồng nghiệp trên cơ sở bình đẳng.
+ Thể hiện hăng hái, nhiệt tình, truyền cảm hứng cho người khác.

- Kĩ năng tạo động lực cho bản thân:
Khi công việc trở nên khó khăn hơn, người ta có thể bị chán nản hoặc do áp lực công việc quá cao. Do đó, nhà tuyển dụng muốn thuê một người biết tự tạo động lực cho chính mình và nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành công việc. Kĩ năng này bao gồm:
+ Thể hiện thái độ “mình luôn làm được” trong mọi trường hợp. Thay vì đùn đẩy trách nhiệm, chấp nhận thiếu sót trong công việc thì luôn tìm cách tốt hơn.
+ Cố gắng, nỗ lực sau khi thất bại, hoặc bị phê bình.
+ Nhìn ở nhiều khía cạnh khác nhau, biết đào sâu, tìm hiểu vấn đề hơn là chỉ nhìn ở bề mặt.

- Kĩ năng thuyết phục: Doanh nghiệp đánh gia cao các ứng viên có kĩ năng thuyết phục và tạo sự ảnh hưởng. Thông thường, kĩ năng này liên quan nhiều đến công việc của cán bộ quản lý đơn hàng, tuy nhiên, trong doanh nghiệp, nó có thể được thể hiện qua:
+ Làm mọi người thay đổi hướng suy nghĩ của họ thiên về hướng tích cực và có lợi hơn.
+ Trình bày quan điểm cá nhân và sự đề nghị của mình theo cách logic và thuyết phục mọi người nghe theo.
- Kĩ năng quản lí thời gian: Đây là một trong những kĩ năng rất quan trọng mà nhà tuyển dụng muốn nhìn thấy ở một ứng cử viên tiềm năng biết quản lí thời gian, sắp xếp công việc hợp lí. Cụ thể là:
+ Sắp xếp, lên lịch việc làm hợp lí  qua việc phân chia thứ tự việc nào nên làm trước, việc nào nên làm sau.
+Tách từng phần, hợp tác với nhiều người khi khối lượng công việc quá đồ sộ.
+ Đưa ra hạn chót hoàn thành công việc.

Như vậy, nếu như các kiến thức chuyên môn là nền tảng chính để tạo ra các nhà chuyên môn thì khối kiến thức/ kỹ năng mềm là phần giá trị gia tăng cần có ở người lao động để có thể thích nghi và thăng tiến tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp rất coi trọng các ứng viên có đầy đủ các kỹ năng mềm. Nhận thấy nhu cầu trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên ngay khi học tại trường là vấn đề cấp bách nên trường ĐH Công nghiệp Dệt May bên cạnh việc tổ chức hoạt động giảng dạy các kiến thức chuyên môn đã tổ chức một số buổi học về kỹ năng mềm và kỹ năng sống cho sinh viên vào các đợt chính trị đầu khóa, thực tập nghề nghiệp để sinh viên tự tin khi bước vào môi trường học tập và làm việc mới. 

Tuy nhiên, chỉ với những buổi học này là chưa đủ để trang bị đầy đủ kỹ năng mềm cho sinh viên. Bởi bản chất của tích lũy kỹ năng mềm là quá trình tự rèn luyện và rèn luyện liên tục, không ngừng nghỉ để thay đổi về mặt tư duy, hình thành các thói quen và tác phong chuyên nghiệp, tự tin hơn trong giao tiếp và tạo dựng các mối quan hệ trong công việc.

Để đạt được điều này, tôi xin đề xuất 1 số giải pháp rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành quản lý công nghiệp như sau:

1. Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về các kỹ năng mềm thông qua hoạt động của Câu lạc bộ doanh nghiệp của khoa. Qua sinh hoạt các câu lạc bộ này, các em thấy được sự cần thiết của các kỹ năng mềm và cách rèn luyện từng kỹ năng mềm trong học tập, công việc và cuộc sống. Câu lạc bộ của khoa nên thiết kế các buổi sinh hoạt chuyên đề để rèn luyện kỹ năng mềm cho các sinh viên:
+ Chuyên đề: Kỹ năng giao tiếp căn bản
+ Chuyên đề: Kỹ năng lắng nghe
+ Chuyên đề: Kỹ năng thuyết trình
+ Chuyên đề: Kỹ năng thuyết phục và giải quyết vấn đề
+ Chuyên đề: Kỹ năng ứng phó với áp lực công việc
+ Chuyên đề: Kỹ năng làm việc nhóm
+ Chuyên đề: Kỹ năng quản lý thời gian.
+ Chuyên đề: Kỹ năng tạo động lực làm việc cho bản thân.
+ Chuyên đề: Kỹ năng phỏng vấn xin việc

2. Áp dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống hoặc dự án đối với các học phần trong chương trình đào tạo.

Triển khai rèn luyện các kỹ năng mềm trong từng môn học của chương trình đào tạo Quản lý công nghiệp để sinh viên tự rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm đã được trang bị trong các buổi sinh hoạt chuyên đề của câu lạc bộ. Tác động vào nhận thức và thái độ là cái dễ làm hơn, trong khi để tác động vào hành vi và hình thành thói quen (kỹ năng) thì đòi hỏi thời gian rèn luyện và thực hành.

Để rèn luyện các kỹ năng tư duy và phản biện, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và thuyết phục cho sinh viên..., các giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy thông qua giảng dạy bằng tình huống hay dự án thay vì giảng dạy theo kiểu truyền thống. Phương pháp dạy học bằng tình huống là đưa ra các tình huống (có thật hoặc hư cấu) chứa đựng nội dung bài giảng để sinh viên có bối cảnh trải nghiệm, có điều kiện đưa ra các ý kiến cá nhân, qua đó phát huy tính tích cực của sinh viên trong việc tự phân tích tìm đường đi đến chân lý. Phương pháp tình huống thuyết phục sinh viên  bằng chính kinh nghiệm và những suy luận cá nhân rút ra sau khi tham gia vào tình huống. Do đó, những tri thức, kỹ năng, tình cảm, thái độ mà sinh viên thu nhận được trở thành của chính họ, do họ tự nhận thức, không bị áp đặt bởi giáo viên. Để thực hiện phương pháp này giảng viên cần xác định mục tiêu của buổi học, lựa chọn tình huống, gợi ý các hướng giải quyết, xây dựng câu hỏi thảo luận, phân công các nhóm giải quyết tình huống, báo cáo tình huống, tổng kết, nhận xét và đánh giá kết quả làm việc nhóm. Áp dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống trong giảng dạy học phần (quản trị học, marketing căn bản, quản trị nhân lực, quản trị marketing, tâm lý học và giao tiếp kinh doanh, ...) giúp sinh viên có khả năng tư duy độc lập, làm việc tập thể, nâng cao kĩ năng thuyết trình.

3. Thành lập các câu lạc bộ do sinh viên tự vận hành như câu lạc bộ việc làm, tiếng anh, tin học, tình nguyện, văn hóa, văn nghệ; tổ chức các hoạt động ngoại khoa, hội trại cho sinh viên hàng năm... Thông qua quá trình tự điều hành và tham gia các câu lạc bộ tự quản này thì các em sẽ được trải nghiệm quá trình làm việc, tự xây dựng các mối quan hệ trong công việc. Việc rèn luyện kỹ năng mềm không nên bó hẹp trong phạm vi lớp học. Do thời lượng của lớp học giới hạn thời gian cho thực hành kỹ năng thường không nhiều. Mặc khác, vì lớp học đông, thông thường chỉ một số sinh viên/ hoặc nhóm sinh viên được yêu cầu thực hành trước lớp, trong khi nhu cầu thực hành phải đạt đến mức độ từng cá nhân. Ngoài ra, môi trường thực hành trong không gian lớp học thường không thuận tiện các kỹ năng mềm thường xuất hiện trong các tình huống sống cụ thể mà không gian lớp học thường khó tái hiện.

4. Tổ chức mời các chuyên gia, các trung tâm/viện đào tạo về kỹ năng mềm về huấn luyện cho sinh viên.

5. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Qua hoạt động này, sinh viên vừa được nâng cao khả năng nghiên cứu vừa là cơ hội để rèn luyện kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tự thích ứng và vượt qua áp lực công việc, kỹ năng thuyết trình và thuyết phục.

6. Tổ chức cho sinh viên tham gia các dự án sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ. Chẳng hạn, đối với học phần Lập và phân tích dự án, lớp nên chia thành các nhóm, mỗi nhóm 5-6 sinh viên được phân công một dự án nhóm về  một hoạt động kinh doanh mà các em quan tâm ngay từ đầu học kỳ. Nhiệm vụ của nhóm là đề xuất dự án, tìm hiểu thực tế và tìm kiếm, xử lý thông tin, phân tích và báo cáo cho cả lớp về đề tài. Hàng tuần các nhóm sẽ báo cáo cho giảng viên về tiến độ công việc của nhóm mình. Ở tuần thứ 3 nhóm sẽ trình bày kế hoạch thực hiện chi tiết và nghe góp ý của lớp và giảng viên. Ở tuần cuối cùng nhóm sẽ tổ chức trình bày kết quả dự án nhóm và nộp báo cáo viết. Thông qua một dự án nhóm nhỏ, các sinh viên học được hàng loạt các kỹ năng như làm việc nhóm, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, viết báo cáo, thuyết trình, cũng như kiến thức chuyên môn và xã hội từ chính đề tài của mình và các bạn trong lớp.

7. Phát triển đổi ngũ giảng viên giảng dạy kỹ năng mềm. Do yêu cầu quan trọng là trang bị kỹ năng cho sinh viên, nên đòi hỏi giáo viên phải tổ chức thực hành, tương tác và linh hoạt rất cao trong quá trình giảng dạy và huấn luyện. Điều này là thách thức khá lớn với các thầy cô đã quen giảng dạy lý thuyết hoặc thực hành chuyên ngành hẹp. Chưa kể đến để giảng dạy kỹ năng mềm chính các thầy cô cũng phải là những nhà thực hành kỹ năng mềm xuất sắc. Điều này thực sự là một thách thức với đội ngũ cán bộ giáo viên của khoa kinh tế. Vì vậy, tôi mạnh dạn đề xuất giải pháp cho giảng viên tham gia các khóa đào tạo dài hạn về phát triển kỹ năng mềm tại các cơ sở đào tạo uy tín về kỹ năng mềm.

8. Nên thiết kế và biên soạn một chương trình và bộ giáo trình về rèn luyện kỹ năng mềm chuyên biệt bên cạnh chương trình đào tạo ngành Quản lý công nghiệp nhằm trả lời các câu hỏi: kỹ năng nào cần giảng dạy, nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy, thời lượng giảng dạy, phương pháp đánh giá. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều tài liệu, sách, chương trình huấn luyện, hội thảo về kỹ năng mềm, kỹ năng sống. Tuy nhiên trong nhiều năm tham gia thiết kế, xây dựng bài giảng và trực tiếp đứng lớp giảng dạy kỹ năng mềm, tôi nhận thấy hiện nay chưa có một bộ giáo trình giảng dạy tốt nội dung này ở bậc đại học. Đa phần các sách hay tài liệu tiếng Việt hiện nay đều được viết ở dạng chia sẻ kinh nghiệm thiếu các cơ sở lý thuyết nền tảng cần thiết trong các giáo trình ở bậc đại học. Các tài liệu nước ngoài được biên soạn công phu hơn tuy nhiên cần phải điều chỉnh nhiều khi đưa vào giảng dạy. Toàn bộ bài giảng bao gồm đề cương môn học, slide chi tiết cho từng buổi học, bài đọc thêm, bài tập tình huống, games, công cụ trực quan nên được chuẩn hóa để đưa vào giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên. Đồng thời, nên tổ chức biên soạn bộ giáo trình “Giáo Dục Kỹ Năng Mềm cho sinh viên” để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành Quản lý công nghiệp nói riêng và sinh viên toàn trường nói chung.

9. Tổ chức đăng tải  “Bản tin lớp” trên website của khoa. Ở hoạt động này, mỗi lớp sẽ được yêu cầu viết bài, hình ảnh về các hoạt động của lớp mình hàng tháng. Bản tin được yêu cầu thiết kế chuyên nghiệp, đẹp mắt với chất lượng nội dung tốt sẽ là sân chơi thú vị để sinh viên rèn luyện kỹ năng viết báo và thiết kế.
Trên đây là một số giải pháp rèn luyện và phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Quản lý công nghiệp. Với mong muốn tạo ra một đội ngũ nhân lực giàu về kiến thức và kỹ năng chuyên môn; chuyên nghiệp, thành thạo trong sử dụng kỹ năng mềm. Tôi hy vọng bài viết của tôi đóng góp được một số giải pháp nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của ngành Quản lý công nghiệp và tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam.

 
 Tác giả: Ths. Đinh Thị Thủy – Giảng viên Khoa Kinh tế.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 217 Tổng truy cập: 33.395.524