Ngày 12/6/2019, Hội thảo ‘‘ Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ giáo dục và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21’’ được tổ chức tại Hà Nội.
Hội thảo được Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Bộ giáo dục và Đào tạo; Ban tuyên giáo Trung ương; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Hội khuyến học Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam thực hiện.
Mở đầu Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng- nguyên phó trưởng ban thường trực ban tuyên giáo Trung ương trình bày tham luận Hệ thống giáo dục mở, tiếp cận ở khía cạnh tư tưởng. Tiến sĩ Hoàng đã đưa ra khái niệm mở nghĩa là không đóng kín, là tiếp biến thường xuyên với các nền giáo dục và văn hóa khác, với các tư tưởng và cách tư duy đa dạng. Người học tiếp cận nhanh nhất với cái mới, ví dụ người máy lái máy bay, kiểm toán cũng người máy, dịch thuật cũng người máy… Nếu không giải quyết tốt vấn đề tự chủ, tự do học thuật thì chưa phải một nền giáo dục đại học trưởng thành. Giải quyết bình đẳng công lập và ngoài công lập. Tạo cơ chế tự chủ, tạo khối ngoài công lập tương tự như công lập, đảm bảo tính liên thông trong hệ thống giáo dục.
Tiếp theo là các tham luận hướng tới việc phát triển củng cố nguồn nhân lực theo hướng tiếp cận xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu nhân lực giai đoạn 2021-2030. Tham luận chỉ ra Thách thức về nhân lực hiện nay chính là vị thế cạnh tranh dựa vào tài nguyên; cạnh tranh đối đầu dựa vào chất lượng nguồn nhân lực. Tư duy là tương lai ( vũ khí cạnh tranh thế kỷ 21 là giáo dục và chất lượng cao của lực lượng lao động). Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở liên thông. Giáo dục nghề nghiệp phải gắn với việc làm, phát triển bền vững. Giáo dục nghề nghiệp nằm trong chiến lược việc làm. Giáo dục nghề nghiệp tiếp cận theo hướng đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Giáo dục phải hướng tới tiếp cận doanh nghiệp, tìm hiểu nhu cầu vị trí công việc và mô tả công việc mà doanh nghiệp yêu cầu. Doanh nghiệp tham gia vào cả ba quá trình từ đầu vào, quá trình đào tạo và đầu ra nhằm tạo ra lực lượng lao động phù hợp nhất.
Báo cáo của Ts Lâm Quang Thiệp đã phân tích các cản trở lớn trên con đường phấn đấu trở thành đại học đẳng cấp thế giới đối với các trường đại học nước ta. Báo cáo chỉ ra Việt Nam chưa có mặt trong top 1000 với một số các lí do sau: có sự tách rời giữa các trường đại học và các viện nghiên cứu; không có trường đại học theo mô hình đại học đa lĩnh vực thực sự. Việc kết hợp chặt chẽ hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, xây dựng các đại học đa lĩnh vực thực sự cần phải thay đổi tính bảo thủ, được sự hỗ trợ từ các cấp.
Tiếp đến là báo cáo giới thiệu kinh nghiệm của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ của chuyên gia Trần Đức Cảnh. Chuyên gia đã chỉ rõ đặc điểm nổi bật là các chương trình đào tạo gắn liền với nhu cầu của trường và xã hội. Các trường đại học trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ đều thể hiện các đặc tính cơ bản như tính tự chủ; tính cạnh tranh và tiếp cận bình đẳng.
Báo cáo tiếp theo là việc Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam giao đoạn 2020-2045. Báo cáo chỉ ra việc đẩy mạnh sự phân luồng ở bậc trung học: hệ THPT và TH nghề. Ước tính 30% học sinh theo học nghề. Chuyển hệ trung cấp sang đào tạo nghề từ 3 tháng đến 2 năm. Với một số dự báo về nguồn nhân lực như tỉ lệ sinh thấp; Giới trẻ chậm lập gia đình, chậm có con và không muốn có nhiều con; Trẻ di cư ra nước ngoài tìm việc làm; Thu nhập gia tăng, gia đình gửi con học nước ngoài; Cần chủ động sáp nhập sớm các đại học đơn ngành thành các đại học lớn, đa ngành; Tăng cường tính hợp tác liên ngành, tăng cường đảm bảo chất lượng giáo dục. Theo diễn giả sáp nhập đại học là xu hướng tất yếu trong tương lai, hình thành đại học lớn, đủ khả năng cạnh tranh với thế giới. Cùng với đó là việc tiếp tục cải cách thể chế và luật lệ. Đây là con đường khá gian nan, nhiều thách thức và rủi ro.
Một nội dung được hầu hết hội trường quan tâm là báo cáo về Chủ động tái cấu trúc nội bộ cấp trường và cấp quốc gia; Thích nghi và phát triển không ngừng; Xây dựng môi trường chính sách cho hệ sinh thái giáo dục mở ở Việt Nam. Hơn nữa việc khai thác dựa vào tri thức là một bước đi đúng và việc coi Giáo dục phải chinh phục được lòng người là hướng tiếp cận mới cho tương lai giáo dục đào tạo Việt Nam.
Ts Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Phát biểu tại buổi hội thảo Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đặt ra ba câu hỏi tự chủ giáo dục đại học trong giai đoạn mới. Một là đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực thì cơ cấu kinh tế chuyển dịch như thế nào? Hai là mục tiêu cụ thể là gì? Ba là cơ cấu nhân lực trong tương lai ra sao? Đây là câu hỏi yêu cầu lời giải đầy đủ cụ thể cho sự thay đổi của tự chủ đại học và hội nhập quốc tế.
Sau một ngày làm việc khoa học nghiêm túc, hội thảo đã đưa ra các ý kiến đóng góp nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu của thế kỷ 21.
Tác giả
Trịnh Thùy Giang – GV khoa kinh tế