Trang chủ

ỨNG DỤNG ISPRING TRONG THIẾT KẾ BÀI GIẢNG E-LEARNING TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 10:46 - 18/08/2023 Lượt xem: 867
ThS. Nguyễn Thị Giang
ThS. Đinh Thị Thủy
Bộ môn Quản trị kinh doanh – Khoa Kinh tế Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
 
Tóm tắt: Hình thức giảng dạy E-learning mang lại nhiều lợi ích như đơn giản và dễ tiếp cận đối với người học; tính linh hoạt giúp người học hoàn toàn chủ động về thời gian, không gian học, lựa chọn khóa học, nội dung học tập phù hợp; giáo trình, tài liệu có tính đồng bộ cao…Để có thể thực hiện giảng dạy E-learning thì một trong những đầu vào bắt buộc là các bài giảng E-learning được thiết kế và đóng gói chuẩn định dạng SCORM. Do đó cần thiết phải tìm kiếm và việc lựa chọn một ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng và phổ biến đối với cán bộ, giảng viên. Bài viết chỉ ra các lợi ích của hình thức giảng dạy E-learning và cách thức ứng dụng Ispring trong thiết kế bài giảng, đóng gói bài giảng đưa lên các nền tảng giảng dạy trực tuyến để phục vụ cho quá trình đào tạo các học phần dùng chung tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Từ khóa: Ispring, E-learning, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu học tập suốt đời ngày càng tăng, học tập trực tuyến E-learning là một xu hướng tất yếu mà các nước trên thế giới cũng như Việt Nam hướng tới và đẩy mạnh. Đào tạo trực tuyến E-learning mang lại nhiều lợi ích như đơn giản và dễ tiếp cận đối với người học; tính linh hoạt giúp người học hoàn toàn chủ động về thời gian, không gian học, lựa chọn khóa học, nội dung học tập phù hợp; giáo trình, tài liệu có tính đồng bộ cao…Tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã tổ chức thí điểm giảng dạy E-learning trên LMS tuy nhiên số bài giảng được chuẩn hóa và đóng gói để có thể đưa lên phần mềm là rất hạn chế. Giảng viên chưa khai thác tốt công nghệ thông tin trong thiết kế bài giảng, không rõ quy trình thiết kế, chuẩn hóa và đóng gói một bài giảng E-learning cùng với khai thác các công cụ, phần mềm khác trong tối ưu hóa bài giảng, khai thác và kiểm soát sinh viên. Để nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục các hạn chế về trong giảng dạy trực tuyến mà vẫn đảm bảo nội dung chuyên môn, tăng cường được tính tương tác, thuận tiện truy cập học tập và kiểm soát được việc tự học, mức độ tiếp thu của người học thì cần thiết phải đồng bộ sử dụng phần mềm thiết kế bài giảng, có đầy đủ cẩm nang hướng dẫn với phương pháp giảng dạy phù hợp. Đây là một trong những nhiệm vụ mới mà các bộ môn, giảng viên cần phải nghiên cứu lựa chọn và thực hiện để số hóa bài giảng đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội có trên 50% học phần được thiết kế dưới dạng bài giảng E-learning. Trong bài viết này, tác giả sẽ đánh giá những điểm tích cực cũng như những hạn chế trong việc ứng dụng E-learning trong giảng dạy, ứng dụng phần mềm iSpring trong thiết kế bài giảng và đề xuất một số lưu ý trong ứng dụng iSpring trong thiết kế bài giảng và quản lý nội dung giảng dạy.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Hình thức giảng dạy E-learning trong đào tạo trực tuyến
2.1.1. Khái quát, ưu điểm và hạn chế về hình thức giảng dạy E-learning
E-learning chính là hình thức tổ chức bài giảng thông qua việc khai thác những thiết bị công nghệ tiêu biểu như máy tính, máy tính bảng, hay điện thoại,… qua môi trường Internet để tiến hành giảng dạy đáp ứng cho nhu cầu học tập của con người. Với E-learning mở ra một hệ sinh thái giáo dục số hóa hoàn chỉnh giúp việc lưu trữ, mã hóa, hay truyền tải dữ liệu, kiến thức tới người học được thực hiện tốt. Việc tương tác với giảng viên, với hệ thống dễ dàng khi có thể tự do chọn lựa được phương pháp, công cụ hỗ trợ sao cho phù hợp nhất.[7]
Ưu điểm của hình thức giảng dạy E-learning:
Người học dễ nắm kiến thức do bài giảng trực tuyến E-learning giúp người học sắp xếp thời gian học tập linh hoạt, có thể học bất cứ khi nào và ở đâu. Người học cũng sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian di chuyển. Đồng thời, thông qua việc sử dụng bài giảng trực tuyến E-learning, người học có thể tiếp cận kiến thức một cách mở rộng và đa dạng hơn. Từ đó giúp họ nắm bắt kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn so với các phương pháp học tập truyền thống.
Bài giảng mang tính hấp dẫn cao: Với E-learning không đơn giản là việc nghe giảng mà còn được trải nghiệm bằng những ví dụ trực quan, thậm chí có thể tương tác trực tiếp để nắm bắt được những kiến thức mới dễ dàng, hiệu quả hơn.
Dễ dàng đạt mục tiêu trong học tập: Sử dụng bài giảng trực tuyến E-learning có thể giúp người học dễ dàng đạt mục tiêu trong học tập như sau:
Kiểm soát được quá trình học tập: Người học có thể tự điều chỉnh các bài giảng và tài liệu tùy theo khả năng và tốc độ học tập của mình.
Theo dõi tiến trình học tập: Các bài kiểm tra, bài tập và các đánh giá khác sẽ giúp người học theo dõi và đánh giá kết quả học tập của mình.
Đưa ra phản hồi kịp thời: Nếu có bất kỳ khó khăn, thắc mắc hay lỗi trong quá trình học tập, người học có thể tra cứu và đặt câu hỏi trực tiếp cho giảng viên hoặc người hỗ trợ.
Không giới hạn ở không gian và thời gian: Việc sử dụng E-learning mang tới lợi ích trong việc xóa đi khoảng cách về không gian và thời gian tốt nhất. Việc tới lớp theo học như hình thức đào tạo truyền thống lúc này được loại bỏ. Qua đó việc học tập đối với mỗi người đều trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Sự chủ động về thời gian, cũng như không gian học tập giúp chúng ta sắp xếp thời gian biểu thuận lợi, đồng thời cũng đảm bảo giảm thiểu chi phí cho việc đi lại tối đa. Đây là một lợi ích không nhỏ của học tập trực tuyến. Nó đảm bảo giúp chúng ta có thể bồi dưỡng, bổ sung thêm kiến thức cần thiết cho bản thân ngay cả khi bận bịu với cuộc sống, công việc thường ngày.
Phối hợp dễ dàng giữa GV và SV: Học tập với bài giảng E-learning mang tới sự chủ động cao khi GV và SV hoàn toàn có thể liên lạc, tương tác trực tuyến dễ dàng. Lúc đó việc củng cố kiến thức, học tập hiệu quả là điều mà chúng ta có thể đạt được như mong muốn. Chính việc trao đổi thường xuyên, liên tục và kịp thời sẽ hỗ trợ tích cực, nâng cao kết quả của quá trình học như mong đợi.[5]
2.1.2. Cấu trúc cơ bản của một bài giảng E-learning
Phần 1: Giới thiệu bài giảng
Giảng viên cần cung cấp cho sinh viên các thông tin cơ bản về nội dung bài học. Bao gồm chủ đề chính, nội dung cơ bản và thông tin giảng viên phụ trách. Phần này nên giới thiệu một cách ngắn gọn và súc tích trên 1 slide
Phần 2: Kiểm tra kiến thức, dẫn dắt vào bài học
Để tăng sự kết nối cho bài giảng, giảng viên có thể đưa ra một vài câu hỏi kiểm tra đơn giản. Kết hợp việc cung cấp một vài tư liệu liên quan sẽ giúp việc dẫn dắt vào bài học trở nên thú vị và hiệu quả hơn.
Phần 3: Giới thiệu bài mới
Ở phần này, giảng viên bắt đầu dẫn dắt và giới thiệu bài học mới. Có thể xây dựng bài giảng bằng video và kết hợp với một số hiệu ứng cũng như âm thanh nhẹ nhàng để kích thích sự hứng thú học tập của sinh viên. Phần này không cần dành quá nhiều thời gian, khoảng 1-2 phút là đủ.
Phần 4: Định hướng bài học
Giảng viên tập trung đưa ra định hướng bài học cho sinh viên, qua đó giúp sinh viên hiểu được mục tiêu cần đạt và chuẩn bị những gì để đạt được mục tiêu đó. Để trình bày phần này, giảng viên có thể sử dụng slide đơn giản để làm nổi bật các ý chính như: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đồng thời, cũng cần đưa ra các yêu cầu và quy tắc lớp học để đảm bảo sinh viên tiếp thu tốt nhất mà không bị gián đoạn.
Phần 5: Nội dung chính bài giảng
Đây là phần trọng tâm trong cấu trúc bài giảng E-learning. Tùy vào chủ đề và lượng kiến thức cần truyền tải, giảng viên sẽ sắp xếp một cách khoa học và logic để đảm bảo không bị thiếu hoặc thừa nội dung.
Phần 6: Bài tập tương tác
Sau mỗi phần nội dung kiến thức, giảng viên nên có bài tập tương tác để sinh viên có thể kiểm tra lại toàn bộ kiến thức đã học. Việc tham gia trực tiếp vào các hoạt động trao đổi, tranh luận cũng giúp sinh viên hiểu rõ hơn bản chất của vấn đề.
Phần 7: Tổng kết và kết thúc bài giảng
Sau khi hoàn thành bài giảng, giảng viên sẽ tổng kết toàn bộ kiến thức đã học một cách ngắn gọn. Có thể áp dụng hình thức sơ đồ tư duy hoặc liệt kê các ý chính đúc kết từ bài học. Giảng viên cũng nên cung cấp danh sách tài liệu tham khảo để sinh viên có thể tự nghiên cứu khi rảnh.[4]
2.1.3. Thực trạng giảng dạy và thiết kế bài giảng E-learning tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Giảng dạy E-learning được áp dụng thí điểm tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội từ năm 2019-2020. Trong thời gian dịch COVID diễn ra, ngoài sử dụng phần mềm E-learning được nhà trường đầu tư sử dụng, các GV/đơn vị cũng đã sử dụng một số phần mềm giảng dạy miễn phí khác như Zoom, google meet,… nhưng đa số vẫn là phần mềm Zoom.
Bảng 2.1. Thống kê giảng dạy trên phần mềm E-learning năm học 2019-2020
TT Nội dung Học kỳ 2 Năm học 2019-2020 Ghi chú
Số lượng Tỷ lệ Số lượng Tỷ lệ
1 Số khóa học đã tạo          
1.1 Tổng số khóa học đã tạo 156   295    
1.2 Khóa học đã phát hành 138 88.46% 250 84.7%  
1.3 Khóa học đang chỉnh sửa/trả lại 18 11.54% 43 14.6%  
2 Các nội dung khóa học
(Tính theo khóa học đã phát hành)
571   1091    
2.1 Nội dung 35 6.13% 57 5.2%  
2.2 Nội dung web 8 1.40% 13 1.2%  
2.3 Scorm 3 0.53% 9 0.8%  
2.4 Video 247 43.26% 492 45.1%  
2.5 Âm thanh 0 0.00% 0 0.0%  
2.6 Tài liệu (file word, excel, powerPoint) 187 32.75% 368 33.7%  
2.7 Flash (tạo các file hình ảnh động) 0 0.00% 0 0.0%  
2.8 Iframe (Nhúng hình ảnh, âm thanh, web) 0 0.00% 0 0.0%  
2.9 Bài kiểm tra 88 15.41% 147 13.5%  
2.10 Bài khảo sát 3 0.53% 3 0.3%  
2.11 Bài tiểu luận 0 0.00% 2 0.2%  
Các nội dung khóa học E-learning chủ yếu là tài liệu và video bài giảng, sự tương tác với sinh viên là khá hạn chế do bài giảng E-learning chưa được chuẩn hóa, chưa đảm bảo quy trình và giảng viên còn chưa biết khai thác, sử dụng ứng dụng/phần mềm trong thiết kế bài giảng. Trong công tác thiết kế bài giảng E-learning có các ưu điểm và hạn chế sau:
Ưu điểm:
- Các đơn vị đều lựa chọn GV có chuyên môn, kinh nghiệm, có tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, đa số là các GV có khả năng tiếp cận tốt với công nghệ thông tin của đơn vị.
- Các đơn vị đã lựa chọn các học phần đặc trưng trên cơ sở đề xuất của GV để triển khai áp dụng PM, chủ yếu là các học phần lý thuyết hoặc có cả lý thuyết và thực hành.
- Trước khi triển khai, toàn bộ GV được tập huấn sử dụng PM E-learning và phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng.
- Nhà trường đã đầu tư phòng quay phục vụ xây dựng bài giảng E-learning từ học kỳ 2 năm học 2019-2020.
- Đa số lãnh đạo các Khoa/trung tâm/bộ môn tạo điều kiện cho GV ứng dụng giảng dạy E-learning (hỗ trợ lựa chọn bài giảng, xây dựng kịch bản, phân công GV hỗ trợ quay video, cung cấp tài liệu, video liên quan,…), sát sao trong việc duyệt phát hành các bài giảng của GV.
- Nội dung bài đã được cập nhật và đổi mới nhằm phù hợp với người học (75.2% SV hài lòng về nội dung của các khóa học; 65.6% SV hài lòng với sự dễ hiểu, lôi cuốn, tạo cảm hứng học tập của các khóa học trực tuyến trên PM E-learning).
- GV chủ yếu làm bài giảng video, một số GV có bài giảng định dạng Scorm (định dạng chuẩn được khuyến khích khi giảng dạy E-learning: bài giảng được xây dựng, đóng gói hoàn thiện đầy đủ tài liệu, video, câu hỏi, tương tác,..., thích ứng nhiều phần mềm khác nhau và lưu trữ tái sử dụng) để đưa lên hệ thống cho SV học tập, nghiên cứu trước khi lên lớp.
* Hạn chế
- Việc lựa chọn GV ở một số đơn vị gặp khó khăn do số lượng GV ít, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin hạn chế, trình độ chưa đồng đều.
- Hiệu quả sử dụng phòng quay ở mức rất thấp: theo tổng hợp của phòng Quản trị cơ sở vật chất thì cả học kỳ 2 mới chỉ sử dụng được 32 tiếng.
- Các phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng chủ yếu là miễn phí, dùng thử nên chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng, còn nhiều hạn chế. Phần mềm bài giảng Avina được đầu tư muộn (tháng 5/2020) tuy nhiên phần mềm này không thân thiện và khó dùng.
- GV thực hiện quay video bài giảng gặp nhiều khó khăn (chưa quen sử dụng thiết bị quay hình, thu âm, điều chỉnh ánh sáng, tư thế, tác phong trước máy quay,…) nên phải thực hiện nhiều lần, mất nhiều thời gian mà chất lượng chưa đảm bảo.
- Chất lượng một số khóa học chưa tốt, chưa sinh động, hấp dẫn SV. Mặc dù có nhiều video được đưa vào bài giảng, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc chuyển slide thành dạng video, quay màn hình,… chưa xây dựng được nhiều video quay bài giảng của GV. Nhiều khóa học chỉ đưa dưới dạng tài liệu (file word, slide bài giảng của GV) nên dễ gây nhàm chán cho SV.
- Chế độ hỗ trợ, thanh toán cho GV tham gia giảng dạy E-learning chưa phù hợp với thời gian, công sức GV bỏ ra, khó khăn trong thanh toán hỗ trợ xây dựng bài giảng.
* Nguyên nhân
- Phòng quay được đưa vào sử dụng chậm, ít nhân viên hỗ trợ. Khả năng biên tập, thiết kế video phục vụ bài giảng điện tử của giảng viên còn hạn chế.
- Có quá nhiều phần mềm thiết kế được giới thiệu nhưng thiếu đồng bộ, chưa có một bộ cẩm nang hướng dẫn sử dụng thiết kế, đóng gói bài giảng.
- Nhiều GV chưa quen sử dụng các thiết bị quay hình, ghi âm, chưa có các phần mềm hỗ trợ xây dựng bài giảng chuyên nghiệp, phần mềm xử lý hình ảnh, cắt ghép, lồng tiếng, chỉnh sửa,…
- Một số GV chưa thực hiện được một số tính năng trên phần mềm thiết kế bài giảng: tạo câu hỏi tương tác, nhúng game, kiểm soát mức độ tiếp thu và tham gia học tập của sinhv iên
- Quy định hồ sơ các bài giảng E-learning dùng để thanh toán phức tạp (7 tài liệu/hồ sơ thanh toán.
2.1.4. Đề xuất ứng dụng iSpring Suite 11 trong thiết kế, chuẩn hóa, đóng gói bài giảng E- learning
Bài giảng theo chuẩn E-learning là bài giảng có khả năng tích hợp đa phương tiện truyền thông (multimedia) và tuân thủ một trong các chuẩn SCORM, AICC… Xây dựng bài giảng điện tử E-learning là một trong những kỹ năng cần thiết đối với mỗi giảng viên ngày nay, khi mà giáo dục Việt Nam đang trong quá trình hội nhập và tiếp cận với công nghệ giáo dục hiện đại. Có một công cụ hỗ trợ đắc lực cho giảng viên của Trường hoàn thiện kỹ năng thiết kế bài giảng E-learning đó chính là iSpring Suite 11. Phần mềm iSpring Suite 11 được tích hợp tự động với MS Powerpoint sau khi cài đặt, hỗ trợ soạn bài giảng theo chuẩn E-learning, soạn bài thi trắc nghiệm và khảo sát trực tuyến.
Mục tiêu của giải pháp
Với việc ứng dụng phần mềm iSpring Suite 11 vào thiết kế bài giảng giúp cho đội ngũ giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giảng dạy trong thời đại công nghệ số hiện nay. Mục tiêu của giải pháp này nhằm bổ sung kiến thức, kỹ năng về ứng dụng phần mềm iSpring Suite 11 thiết kế bài giảng, giúp đội ngũ giảng viên của Trường có thể xây dựng được các bài giảng cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu ở nhà. Đồng thời, tạo ra kho học liệu các bài giảng trực tuyến đa dạng, phong phú giúp sinh viên và giảng viên của Trường dễ dàng tìm kiếm phục vụ cho việc tham khảo, nghiên cứu bài giảng.
            Nội dung và cách thực hiện giải pháp
Để có một bài giảng trực tuyến chất lượng và đạt hiệu quả cao nhất thì GV cần phải biết về quy trình thiết kế bài giảng trực tuyến như sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu và kiến thức cho bài giảng
Bước đầu tiên trong quy trình thiết kế bài giảng điện tử là cần phải xác định được mục tiêu học tập và giảng dạy. Để thực hiện tốt bước này, GV căn cứ vào đề cương chi tiết của học phần để xác định mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và lượng kiến thức cho từng bài giảng.
Bước 2: Xây dựng tư liệu cho từng bài giảng
GV dựa vào giáo trình, các tài liệu tham khảo từ nguồn internet, thực tế doanh nghiệp để xây dựng tư liệu cho từng bài giảng. Các tư liệu này cần phải đảm bảo chất lượng về nội dung và tính logic. Việc thu thập đầy đủ, chi tiết dữ liệu và sắp xếp chúng thành một thư viện sẽ giúp cho GV thực hiện tốt và thuận lợi hơn trong quá trình xây dựng bài giảng điện tử.
Bước 3: Xây dựng kịch bản giảng dạy để thiết kế bài giảng phù hợp
Việc thiết kế bài giảng phải đảm bảo cung cấp đủ kiến thức cơ bản và hoàn thành được mục tiêu bài giảng từ kiến thức tới kỹ năng. Không những vậy, phải tuân thủ các bước của quy trình dạy học, xây dựng tương tác giữa GV và SV, xây dựng hệ thống câu hỏi…để tạo nên quá trình dạy học hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao nhất.
Bước 4. Chọn phần mềm và số hóa bài giảng
Ở bước này, GV sẽ lựa chọn phần mềm hỗ trợ, công cụ để thiết kế bài giảng trực tuyến phù hợp nhất. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm hỗ trợ khác nhau, GV có thể lựa chọn iSpring Suite, Adobe Presenter,…Trong đó, phần mềm iSpring Suite 11 có hỗ trợ tích hợp Power point được đánh giá cao, sử dụng phổ biến, giao diện khá thân thiện với GV.
Việc tiến hành số hóa bài giảng từ quay video, biên tập, ghi âm hoặc chỉnh sửa video, file âm thanh,…nhờ vào hỗ trợ từ một số phần mềm thích hợp (Phần mềm Camtasia, OBS Studio,…). Số hóa và đồng bộ bài giảng điện tử được thực hiện tốt, từ đó giúp quá trình giảng dạy đạt kết quả cao.
Bước 5. Chạy thử, điều chỉnh và kết thúc quy trình
Sau khi xây dựng xong bài giảng điện tử, GV thực hiện hoạt động thử, đưa ra những thay đổi và điều chỉnh sao cho phù hợp. Trong quá trình chạy thử, cần chú ý đánh giá một cách chi tiết, rà soát các lỗi phát sinh đầy đủ và rõ ràng để kịp thời điều chỉnh nhằm hoàn thiện hơn nữa kỹ năng, chất lượng thiết kế bài giảng điện tử.
Bài giảng xây dựng cần thể hiện sự sáng tạo của giảng viên trong việc ứng dụng công nghệ số, bài giảng phải đạt được một số yêu cầu sau:
+ Đạt chuẩn đầu ra và sáng tạo: Sinh viên có cơ hội được tổng hợp và khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo nhằm giúp đạt mục tiêu của bài học, gắn với thực tiễn theo chuẩn của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu;
+ Đa dạng và hài hòa: Bài giảng được thiết kế phù hợp với các hình thức học tập khác nhau của sinh viên, hài hòa với lộ trình học tập toàn diện theo yêu cầu của chương trình đào tạo và điều kiện học tập tại trường;
+ Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của sinh viên: Sinh viên được tham gia xuyên suốt vào các hoạt động học tập của bài học, được thể hiện trách nhiệm và tự tin trong giải quyết vấn đề trong bài học.
            Điều kiện thực hiện giải pháp
Để ứng dụng tốt phần mềm iSpring Suite 11 vào thiết kế bài giảng trực tuyến cần có một số điều kiện sau:
Một là, mỗi giảng viên phải có lượng kiến thức đủ rộng và đủ sâu. Theo nguyên tắc “Nội dung nào, phương pháp đó”, tức là muốn đổi mới phương pháp giảng dạy trước hết phải đổi mới, điều chỉnh về nội dung giảng dạy cho phù hợp. Vì thế, mỗi giảng viên phải tự mình ý thức việc tự học để không ngừng nâng cao hiểu biết, trau dồi về chuyên môn nghiệp vụ cho đủ “sâu”. Ngoài kiến thức chuyên môn của mình thì cũng phải trang bị cho mình một lượng kiến thức đủ “rộng”, mà trước hết là phải nắm vững kiến thức của các học phần mình giảng dạy vì giữa chúng có quan hệ khăng khít, gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau trong mỗi bài giảng. Muốn áp dụng được phương pháp dạy học tích cực với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin mà cụ thể ở đây là ứng dụng phần mềm Ispring Suite 11 một cách hiệu quả thì trước hết giảng viên phải làm chủ được kiến thức chuyên môn, am hiểu lý luận chính trị và các kiến thức liên quan đến mọi lĩnh vực đồng thời biết sử dụng thành thạo các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho công tác giảng dạy.
Hai là, giảng viên chủ động, tích cực tìm tòi và mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy học mới. Thực tế dạy học đã chứng minh rằng, không có một phương pháp dạy học nào tối ưu cho tất cả mọi đối tượng, vì dạy học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Khoa học ở chỗ giảng viên phải bảo đảm chương trình, nội dung, mục tiêu đào tạo… nghệ thuật là giảng viên phải tuỳ theo đối tượng, tình hình cụ thể của lớp học mà có cách thức giảng dạy đáp ứng yêu cầu, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Để ứng dụng phần mềm iSpring Suite 11 vào việc thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, bài tập tương tác cần phù hợp với phương pháp giảng dạy giảng viên áp dụng và nội dung bài học.
Ba là, để khai thác tối đa tính ưu việt của phần mềm iSpring Suite 11 để hỗ trợ cho quá trình thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, bài tập tương tác trong giảng dạy giảng viên phải tự nâng cao hiểu biết của mình về phần mềm này nói riêng và các phần mềm khác nói chung, đồng thời phải sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại (máy tính, laptop, bảng tương tác thông minh). Phần mềm iSpring Suite 11 giúp cho giảng viên soạn bài giảng Powerpoint, thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, bài tập tương tác…Tuy nhiên, cũng phải chú ý tránh lạm dụng phần mềm này trong giảng dạy, coi đó như sự đổi mới phương pháp dạy học.
Bốn là, để thiết kế câu hỏi trắc nghiệm, bài tập tương tác trong giảng dạy các môn cần đảm bảo một số bước cơ bản sau:
Bước 1: Giảng viên chuẩn bị về nội dung bài giảng, từ đó đưa ra câu hỏi, bài tập phù hợp với mục tiêu và nội dung bài học.
Bước 2: Giảng viên sử dụng iSpring Suite 11 để thiết kế câu hỏi, bài tập đó bằng loại câu hỏi, bài tập phù hợp. Cần chú ý đến việc thiết kế giao diện câu hỏi sao cho hợp lý, dễ quan sát, theo dõi.
Bước 3: Triển khai thực hiện ở trên lớp hay trực tuyến cần kiểm tra, đảm bảo các phương tiện, đường truyền internet không gặp trục trặc trong quá trình thực hiện, để việc áp dụng phần mềm này vào giảng dạy đạt hiệu quả cao nhất.
2.1.5. Thử nghiệm giảng dạy E-learning cho một số học phần lý thuyết tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Mục đích thử nghiệm

Thử nghiệm nhằm mục đích đánh giá hiệu quả giảng dạy trực tuyến của giảng viên trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội.

Đối tượng, địa điểm thử nghiệm

- Nhóm nghiên cứu lựa chọn đối tượng thử nghiệm là sinh viên và giảng viên giảng dạy học phần Quản lý chất lượng trong DN dệt may cho sinh viên Đại học quản lý công nghiệp khóa 5 của Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội trong học kỳ 2 năm học 2022 – 2023.
- Địa điểm: Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Nội dung thử nghiệm

Nhóm nghiên cứu tiến hành lựa chọn một số nội dung của học phần Quản lý chất lượng trong DN dệt may để thiết kế bài giảng trực tuyến bằng phần mềm iSpring Suite 11, giảng dạy trực tuyến bằng phần mềm MS Teams. Quy trình thực hiện như sau:
- Chuẩn bị bài giảng trực tuyến:
Xác định mục tiêu của bài giảng về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm
Xác định những nội dung, những vấn đề mà sinh viên thực sự quan tâm. Giảm bớt thời lượng cho những nội dung khái quát, tổng quan, dành nhiều thời gian hơn để đi vào các vấn đề cụ thể, thực tiễn. Đây là những nội dung giúp bài học trở nên giá trị với sinh viên.
Để thực hiện bước này, nhóm nghiên cứu đã lấy ý kiến của các giảng viên giảng dạy học phần Quản lý chất lượng trong DN dệt may về nội dung, thời lượng giảng dạy, cụ thể như sau:
Bảng 2.2. Một số bài giảng trực tuyến học phần Quản lý chất lượng trong DN dệt may
STT Chương Tên bài giảng Số tiết
1 Chương 1 Chi phí chất lượng 1
2 Chương 2 Cải tiến chất lượng 1
3 Chương 3 Tiêu chuẩn 4 điểm, AQL 1
4 Chương 4 Sơ đồ lưu trình 1
5 Chương 4 Biểu đồ Pareto 1
6 Chương 5 Hệ thống ISO 9001:2015 1
Tổng     6
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp

Đánh giá kết quả thử nghiệm

            Kết quả khảo sát sinh viên về hiệu quả giảng dạy trực tuyến được thể hiện qua bảng sau:
Bảng 2.3. Tổng hợp khảo sát sinh viên về hiệu quả giảng dạy trực tuyến
Sự tương tác của sinh viên Mức độ Điểm Likert
Rất không thường xuyên Không thường xuyên Khá thường xuyên Thường xuyên Rất thường xuyên
SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ
Mức độ tương tác 3 8% 7 18% 8 21% 12 31% 9 23% 3.44
Sự tiếp thu của sinh viên Mức độ Điểm Likert
Rất thấp Thấp Trung bình Tốt Rất tốt
SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ
Mức độ tiếp thu 3 8% 7 18% 18 46% 6 15% 5 13% 3.08
Sự nỗ lực của sinh viên Mức độ Điểm Likert
1 2 3 4 5
SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ
- Mức độ tham gia các hoạt động học tập 1 3% 3 8% 6 15% 20 51% 9 23% 3.85
- Mức độ thường xuyên hoàn thành các bài tập 2 5% 7 18% 7 18% 15 38% 8 21% 3.51
- Mức độ hoàn thành bài tập đúng thời hạn 3 8% 4 10% 9 23% 14 36% 9 23% 3.56
Sự hứng thú của sinh viên Mức độ Điểm Likert
Rất không hứng thu Không hứng thú Bình thường Hứng thú Rất hứng thú
SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ SL Tỉ lệ
Mức độ hứng thú 3 8% 5 13% 10 26% 14 36% 7 18% 3.44
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp
Qua kết quả khảo sát bảng 2.3, nhìn chung sinh viên và giảng viên đánh giá hiệu quả giảng dạy trực tuyến khá tương đồng với nhau. Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả giảng dạy trực tuyến ở mức 3 trên thang đo Likert.
* Đánh giá so sánh hiệu quả giảng dạy giữa lớp học trực tuyến và lớp học truyền thống
Bảng 2.4. Điểm đánh giá kết quả sau thử nghiệm
Kết quả (điểm) Lớp thử nghiệm (Lớp học trực tuyến)
(39 SV)
Lớp đối chứng (Lớp học truyền thống)
(44 SV)
Điểm A 2 (5.1%) 0 (0%)
Điểm B 18 (46.1%) 9 (20.5%)
Điểm C 17 (43.6%) 17 (38.6%)
Điểm D 1 (2.6%) 15 (34.1%)
Điểm F 1 (2.6%) 3 (6.8%)
Nguồn: Nhóm nghiên cứu tổng hợp
Bảng tổng hợp cho thấy tỷ lệ sinh viên lớp học trực tuyến có kết quả học tập tốt hơn so với lớp học truyền thống. Cụ thể, lớp học trực tuyến có tỷ lệ điểm A, B, C cao hơn lớp học truyền thống; tỷ lệ điểm D, F thấp hơn. Kết quả thực nghiệm cho phép nhận định rằng giờ học trực tuyến một số bài giảng lý thuyết học phần Quản lý chất lượng trong doanh nghiệp dệt may có hiệu quả.

3. Kết luận và kiến nghị

3.1. Kết luận

Cần thiết phải xây dựng một bộ cẩm nang hướng dẫn về xây dựng một bài giảng E-learning chuẩn hóa, nâng cao tính tương tác, dễ dàng kiểm soát, thu hút sinh viên tự học, thích thú với việc học tập trong đó iSpring Suit 11 là một gợi ý. Dù triển khai thực hiện hình thức giảng dạy mới còn nhiều bỡ ngỡ nhưng bằng sự nhạy bén và thích ứng nhanh của cả giảng viên và sinh viên, phương pháp giảng dạy trực tuyến cũng thu nhận những kết quả đáng khích lệ về mức độ nỗ lực, kết quả học tập của sinh viên trong các lớp học trực tuyến.

3.2. Kiến nghị

3.2.1. Đối với nhà trường

 Đầu tư hệ thống quản lý học tập trực tuyến và hệ thống quản lý nội dung học trực tuyến một cách đồng bộ
Thống nhất sử dụng MS Teams trong quản lý học tập và dạy học; tích hợp thêm một số công cụ hỗ trợ: bảng, padlet; slido…,
Nhà trường cần thực hiện nâng cấp về phương tiện, hạ tầng công nghệ: đường truyền Internet, phòng dạy trực tuyến với các công cụ, phương tiện phù hợp; phòng công nghệ, hỗ trợ giảng viên quay video các bài giảng để đẩy nhanh tiến độ ứng dụng E-learning và phát triển phù hợp với phương pháp giảng dạy E-learning.

3.2.2. Đối với giảng viên

Giảng viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy: tổ chức thảo luận nhóm và làm việc nhóm hiệu quả, trong và ngoài giờ học. Giảng viên tổ chức cho sinh viên học tập làm việc nhóm theo dự án và có phương pháp kiểm tra, đánh giá thiết thực.
Giảng viên thiết kế bài giảng phù hợp, trình bày slide sinh động, hấp dẫn; dạy học qua hình ảnh, video để trực quan và gợi mở tư duy sáng tạo. Giảng viên nâng cao mức độ tương tác và tạo hứng thú học tập cho sinh viên qua giao tiếp với người học cả trong và ngoài giờ học. Cụ thể, giảng viên nên đa dạng các nền tảng và ứng dụng… để tương tác và hỗ trợ sinh viên kịp thời; khuyến khích sinh viên trao đổi kiến thức và kỹ năng qua việc nêu quan điểm cá nhân về chủ đề.
Ngoài ra, giảng viên cần triển khai hiệu quả hoạt động chia nhóm thảo luận trên MS Teams, cần theo dõi và đánh giá sát các phòng được chia, khuyến khích những nhóm tích cực và chấn chỉnh những nhóm hoạt động kém hiệu quả. Giảng viên dành giờ cho chuyên mục “Thảo luận cùng sinh viên” vừa tạo cho sinh viên tương tác chủ động, vừa giúp sinh viên hiểu sâu kiến thức và rèn kỹ năng tư duy phản biện cho sinh viên.

3.2.3. Đối với sinh viên

Sinh viên trước nhất phải xây dựng tính tự giác, chủ động trong học tập. Người học cần tạo cho mình động lực và hứng thú học tập; tạo không gian học tập riêng tư, góc học tập yên tĩnh, để có thể tập trung cao trong giờ học.
Sinh viên phải tích cực tương tác với giảng viên bằng câu hỏi và phản biện. Sinh viên tích cực tham gia thảo luận nhóm để nâng cao tương tác, chia sẻ. Phát huy kỹ năng làm việc nhóm trong môi trường nhóm học tập.
Bên cạnh đó, sinh viên chủ động sắp xếp đăng ký lịch học trực tuyến phù hợp, thuận tiện. Cuối cùng, sinh viên cần trang bị tốt hơn về công nghệ, đường truyền Internet; nỗ lực tìm hiểu và nâng cao năng lực sử dụng công nghệ nhằm phát huy hiệu quả trong học tập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. Tài liệu tiếng Việt
1. Ngô Thị Lan Anh, Hoàng Minh Đức (2020), “Đào tạo trực tuyến trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng”, Tạp chí công thương.
2. Nguyễn Đức Trung (2021), “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trực tuyến trong quá trình chuyển đổi hình thức giảng dạy do đại dịch Covid 19”,
3.
4. Trần Lan Hương (2017), “Sự phát triển của các công cụ đào tạo trực tuyến trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 và một số gợi ý với Việt Nam”, Đại học Kinh tế Quốc dân.
5. Nguyễn Thị Quỳnh Liên (2017), “Ứng dụng mô hình mô phỏng thực tế vào phương pháp giảng dạy E-learning”, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia - Đào tạo trực tuyến trong thời kỳ cách mạng 4.0, Đại học Kinh tế quốc dân.
6. Phạm Thị Oanh, Đào Thị Nguyệt Ánh, Đỗ Thị Thìn, Lý Thanh Bình, Nguyễn Thị Ngọc Diệp (2021), “Đánh giá của giảng viên về hiệu quả giảng dạy online tại trường đại học công nghiệp TP. Hồ Chí Minh”, Tạp chí Khoa học và Công nghệ.
B. Tài liệu tiếng Anh
7. J. Li, C. Qin, and Y. Zhu (2021), “Online teaching in universities during the Covid-19 epidemic: a study of the situation, effectiveness and countermeasures”, Procedia Computer Science, vol. 187, pp. 566-573, 2021.
8. Y. Ren, Z. Dai, X. Zhao, M. Fei, and W. Gan (2017), “Exploring an online course applicability assessment to assist learners in course selection and learning effectiveness improving in E-learning”, Learning and Individual Differences, vol. 60, pp. 56-62, 2017, doi: 10.1016/j.lindif.2017.09.002.
9. M. Roman and A. Plopeanu (2021), “The effectiveness of the emergency E-learning during COVID-19 pandemic. The case of higher education in economics in Romania”, International Review of Economics Education, vol. 37, 2021, doi: 10.1016/j.iree.2021.100218.
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 196 Tổng truy cập: 31.864.033