Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT LIỆU VẢI ĐẾN KỸ THUẬT CẮT MAY SẢN PHẨM THỜI TRANG

Ngày đăng: 02:02 - 12/07/2024 Lượt xem: 184

Bùi Thế Hanh
Đơn vị: Khoa thời trang
Email: hanhbt@hict.edu.vn

TÓM TẮT
Thực tế cho thấy khi cùng một bộ mẫu rập nhưng cắt may với các chất liệu vải có tính chất cơ học khác nhau thì tạo ra các sản phẩm có kiểu dáng, tỷ lệ, màu sắc khác nhau thậm chí dẫn đến việc sai hỏng cắt đi, cắt lại nhiều lần gây lãng phí nguyên phụ liệu, thời gian và công sức của người lao động. Vì vậy trong kỹ thuật cắt may thời trang thì việc chọn lựa chất liệu vải từ màu sắc đến các tính chất của vải như co giãn nhiều hay ít, vải mỏng, vải dày, vải rủ… sao cho phù hợp với kiểu dáng, hình ảnh để từ đó đưa ra các kỹ thuật xử lý khi thiết kế, cắt may phù hợp trong quá trình thực hiện một bộ sưu tập thời trang là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến độ đẹp của sản phẩm. Để sinh viên có thể hiểu rõ hơn về các kĩ thuật xử lý khi cắt may với các chất liệu vải khác nhau bài viết đề cập đến một số chất liệu vải thông dụng là vải nhung. Phạm vi bài viết giới thiệu các kỹ thuật thiết kế, cắt và may hoàn thiện sản phẩm thời trang với các kỹ thuật khác nhau, một số lưu ý và đưa ra  những phân tích rõ ràng, dễ hiểu cùng hình ảnh minh hoạ sinh động, hấp dẫn. Không những vậy, bài viết thể hiện vai trò và ý nghĩa trong việc đưa các kĩ thuật cắt may sản phẩm thời trang trên một số chất liệu vải khác nhau vào công tác đào tạo chuyên ngành cho sinh viên thiết kế thời trang.

Từ khoá: Vải nhung, Kỹ thuật cắt mayvải nhung, Cắt may sản phẩm thời trang

1. Đặt vấn đề

Lịch sử và phát triển của thời trang đã trải qua một cuộc hành trình dài và đa dạng từ những ngày đầu của loài người. Từ việc sử dụng lá cây, da động vật hay vải lanh để che đậy cơ thể cho đến sự phát của ngành công nghiệp thời trang hiện đại, thời trang đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Các chất liệu vải mới với những tính chất khác nhau ngày càng được sử dụng rộng rãi và phổ biến hơn tạo ra những sản phẩm thời trang hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.Việc sử dụng kỹ thuật thiết kế, cắt may sản phẩm thời trang dựa trên những tính chất của nguyên liệu đầu vào từ chất liệu, màu sắc, phù hợp với kiểu dáng, tỷ lệ của bộ sưu tập ngày càng được các nhà thiết kế chú trọng bởi nhiều lợi ích mà nó mang lại. Các kỹ thuật cắt may cơ bản với những chất liệu khác nhau nếu như không có sự nghiên cứu, tìm tòi và đưa ra các phương pháp, kỹ thuật cắt may phù hợp thì khó đáp ứng được yêu cầu về mặt thẩm mỹ cũng kiểu dáng của sản phẩm. Chính vì vậy chất liệu vải có sự ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm đòi hỏi nhà thiết kế phải có gu thẩm mỹ cao, khéo léo, kiên nhẫn, am hiểu sâu sắc về thiết kế mẫu, tỷ lệ,  phom dáng, màu sắc và các loại chất liệu vải khác nhau để từ đó vận dụng một cách linh hoạt vào quá trình thiết để để tạo ra những bộ trang phục đẹp, giúp con người tự tin và nổi bật trong trong mắt mọi người.

2. Nội dung

2.1. Tổng quan về vải nhung

2.1.1. Khái niệm

Vải nhung trong tiếng Anh là Velet Fabric, có tính chất mềm mịn và mượt,  hơn nữa có khả năng giữ ẩm rất tốt. Vải nhung có bề mặt sang trọng, nó nặng hơn vải lụa, lanh và cotton. Bởi vì vải nhung được sản xuất theo phương pháp dệt thoi nên về mặt chất liệu này như nhiều sợi dây xếp sát nhau.

2.1.2.Nguồn gốc và lịch sử của vải nhung

Vải nhung được xuất hiện lần đâu tiên trong các văn bản ghi chép là từ thế kỷ 14 sau công nguyên. Các học giả thời xưa tin rằng, chất liệu nhung có nguồn gốc từ các nước Đông Á trước khi theo con đường tơ lụa huyền thoại vào châu Âu và trở nên phổ biến đến nhiều quốc gia khác trên thế giới.Vải nhung phổ biến nhất ở châu Âu vào thời kỳ phục hưng. Đầu tiên là phổ biến ở các nước vùng Địa Trung Hải, sau đó lan rộng ra toàn Châu Âu. Italia trở thành trung tâm sản xuất vải nhung thống trị toàn Châu Âu. Tuy vậy vải nhung của Châu Á vẫn được đánh giá cao nhất về chất lượng độ mềm mại và giá cả đắt đỏ. Bởi vì vải nhung của vùng này được sản xuất với các quy trình sản xuất độc đáo.

Vải nhung được sử dụng phổ biến trong đại chúng từ những năm 60-70 của thế kỷ trước. Đỉnh điểm là những năm 90 với sự liên ngôi của dòng nhạc disco với phong cách hippie chic. Tuy nhiên một thời gian sau thì vải nhung không còn thịnh hành trong giới trẻ nữa. Vải nhung được gắn liền vơi sự đứng tuổi, chững chạc, phù hợp cho những phụ nữ trung niên. Những năm gần đây chất liệu nhung đã quay lại với những diện mạo mới mang tới phong cách trẻ trung và quý phái cho người mặc.

2.1.3. Đặc điểm của vải nhung

Đặc điểm bề mặt: Bề mặt vải nhung gồm các sợi lông ngắn nên có khả năng phản xạ ánh sáng tốt, tạo được độ bóng và tạo ra được nhiều tone màu khác biệt trong cùng một tấm vải. Khi chạm tay vào bề mặt vải thì có cảm giác rất mướt tay, mềm mịn, có độ rủ tốt.

Đặc tính vật lý: Vải nhung có trọng lượng riêng nặng hơn so vơi các loại vải thông thường như vải lụa, vải lanh, vải tổng hợp….Mỗi tấm vải nhung thường gồm có 2 mặt: mặt nhung bên ngoài mềm mịn và mặt bên trong còn lại khá trơn. Vì cấu trúc gồm những sợi ngắn được xếp dày lại với nhau do vậy vải nhung có khả năng giữ nhiệt tốt.

2.1.4. Phân loại vải nhung

Nói về chất liệu vải nhung thì hiện nay trên thị trường đang rất đa dạng và phon phú, được sử dụng vào nhiều nhu cầu mục đích khác nhau. Mỗi chất liệu nhung sẽ có đặc tính riêng nên tuỳ vào mục đích sử dụng mà sử dùng loại vải thích hợp. Sau đây là một số loại vải nhung đang được sử dụng nhiều hiện nay.


a. Nhung lụa: đây là loại vải đắt và có giá thành cao nhất bởi nó được tạo thành từ chất liệu lụa tơ tằm. Nó có bề mặt óng ánh độ rủ tuyệt đỉnh, mềm mại trên da.


Hình 1: Vải nhung lụa

b. Nhung tuyết: Sở hữu bề mặt tuyết mềm óng ánh, mặt trong trơn láng loại vải này có 2 chiều xuôi tuyết và ngược tuyết.


Hình 2: Vải nhung tuyết

b. Nhung tăm: được dệt từ sợi bông hoặc sợi tổng hợp qua quá trình dệt tạo ra các đường dọc nhỏ trên bề mặt vải, chất liệu dày và siêu bền phù hợp cho các sản phẩm thu đông như áo khác hay quần.



Hình 3: Vải nhung tăm

c. Nhung ép: Đây là loại vải nhung được ép chặt, sờ tay lên có cảm giác vô cùng mịn màng giống như lớp lông của động vật.


Hình 4: Vải nhung ép

2.1.5. Một số ưu điểm và nhược điểm của vải nhung

Ưu điểm:

Bề mặt vải nhung có đặc điểm là mềm mịn và bóng, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Đây là điều không chỉ mang lại sự thoải mái mà còn tạo nên sự sang trọng và hấp dẫn cho người sử dụng.

Ví dụ: Áo dài là một sản phẩm thời trang truyền thống thường được làm từ chất liệu nhung, được yêu thích bởi sự kết hợp giữa vẻ đẹp truyền thống và sự thoải mái.

Vải nhung có khả năng bắt sáng tốt, tạo ra độ bóng đẹp cho trang phục. Hơn nữa, nó có khả năng thay đổi tông màu một cách đa dạng giúp tạo ra nhiều lựa chọn mầu sắc từ cùng một loại vải, bên cạnh đó chúng còn dày và giữ nhiệt tốt, giúp giữ ấm cơ thể. Điều này làm cho nó trở thành lựa chọn phù hợp cho các bộ trang phục trong các sự kiện sang trọng và trong thời tiết lạnh.

Được biết đến với tính đàn hồi và độ bền cao, nó không dễ bị rách như những các loại vải khác như lanh hoặc cotton. Điều này giúp sản phẩm duy trì được hình dáng và vẻ đẹp trong suốt quá trình sử dụng.

Nhược điểm

Khó vệ sinh: Bởi vì vải nhung có các sợi dệt xếp dày lên nhau nên nó dễ bị bám bụi, khó sạch và cũng khó để làm khô.

Nặng: Điều này khiến các bộ trong phục đầm dạ hội, váy công chúa trở nên không thuận tiện.

Khó chọn màu: vải nhung rất đa dạng các loại mầu sắc, nếu bạn không biết cách chọn màu sẽ làm người dùng lớn hơn so với tuổi.

Tạo vải vụn: Bề mặt nhung có lớp lông ngắn dầy đặc dễ tạo ra vụn vải sau quá trình cắt may, gây ra sự phiền phức và cần phải vệ sinh kỹ càng.

Giá đắt: So với nhiều loại vải thông dụng thì vải nhung có giá thành tương đối cao.

2.1.6. Các ứng dụng của vải nhung

Hiện nay vải nhung được sử dụng rộng rãi ở trong các lĩnh vực cuộc sống:

Trang trí nội thất: Với ưu điểm là sang trọng, các hoa văn hoạ tiết của nó đậm nét, xa hoa, quyền quý nên vải nhung thường được sử dụng nhiều trong ngành nội thất . Những không gian có diện tích lớn như nhà biệt thự, căn hộ cao cấp… Thường rất hay sử dụng đồ nội thất bằng nhung trên ghế sofa, gối nhung, rèm cửa nhung,… Nhờ vậy mà giúp cho không gian sống trở nên đẳng cấp và sang trọng hơn.

Thường được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành công nghiệp thời trang. Đặc biệt phái nữ thường yêu thích nó bởi nó mang lại vẻ đẹp quyến rũ với sự lôi cuốn, thu hút ánh nhìn của mọi người được các bà, các mẹ yêu thích để may áo dài, váy, … Bên cạnh đó vải nhung cũng được sử dụng để may giầy, túi xách.

2.1.7. Cách bảo quản vải nhung

Do vải nhung là sản phẩm có lớp bề mặt nhỏ nên việc bảo quản cũng công phu hơn các loại vải khác.

Bạn không nên sử dụng máy giặt để giặt các sản phẩm làm từ vải nhung bởi loại vải này không chịu được ma sát mạnh, việc sử dụng máy giặt khiển vải nhung nhanh bị bạc màu và giảm khả năng giữ ẩm.

Vải nhung có khả năng giữ ẩm cao tuy nhiên lại không chịu được nhiệt độ cao hoặc các chất tẩy có tình kiềm quá cao, trường hợp bị vết bẩn vấy lên bạn nên ngâm vào nước lạnh sau đó dùng vải ẩm chà nhẹ lên vết bẩn.

Tránh phơi vải nhung dưới ánh nắng trực tiếp

2.2.1. Quy trình cắt may sản phẩm thời trang với chất liệu vải nhung

Bước 1: Lựa chọn chất liệu liệu vải

Chất liệu là yếu tố quan trọng quyết định đến sự sang trọng và đẹp mắt của bộ trang phục vì vậy việc lụa chọn chất liệu vải phù hợp với kiểu dáng, màu sắc, đối với nhưng bộ trang phục ôm sát nên lựa chọn vải nhung có độ giãn phù hợp như nhung tuyết, nhung lụa. Với các sản phẩm cần độ dày dặn, cứng cáp nên chọn vải nhung ép hoặc nhung tăm để phù hợp với kiểu dáng sản phẩm .

Bước 2: Thiết kế rập

Thiết kế rập là bước phải thực hiện đầu tiên để tạo ra bản gốc của trang phục đó. Dựa vào rập hình ảnh, sẽ tiến hành sản xuất các sản phẩm với nhiều số size khác nhau để phục vụ cho mọi khách hàng. 

Vải nhung có độ co giãn lớn nên khi thiết kế mẫu cần chú ý đến việc lựa chọn lượng cử động phù hợp với kiểu dáng, đối với sản phẩm cần độ ôm sát khi thực hiện thiết kế trên vải nhung tuyết có độ co giãn nhiều thông thường vòng ngực sẽ trừ đi 4-6cm, vòng eo và vòng mông thì trừ ít hơn.

Các vị trí dấu trên mẫu cũng cần nhiều hơn mẫu trên các loại vải khác vì vải nhung dễ xô trượt do các sợi lông trên bề mặt vải.

Ví dụ: dọc quần bình thường cần 1 dấu bấm thì đối với vải nhung cần 2 dấu bấm.

Khác với vải trơn vải nhung có chiều xuôi tuyết và ngược tuyết vì vậy trên mẫu thiết kế cần thể hiện rõ ràng chiều của tuyết trên tất cả các chi tiết cũng như các thông tin cần thiết khác.

 Có 2 loại thiết kế rập:

- Rập tay

Là phương pháp truyền thống, người thợ sẽ sử dụng thước, kéo, bút, giấy cứng và công thức chuẩn để phác họa ra bản mẫu gốc dựa vào form châu Âu, châu Á, hay Việt Nam.

- Rập máy

Sử dụng các phần mềm chuyên dụng cho ngành may như: Gerber, Optitex, … với ưu điểm là tiết kiệm công sức và thời gian, cho phép người dùng tùy chỉnh size và chạy sơ đồ.

Bước 3: Trải vải và cắt sản phẩm

Thông thường khi cắt may hầu hết chúng ta thường úp 2 mặt phải vào nhau để thuận tiện cho việc sang dấu các vị trí có trên mẫu rập. Tuy nhiên đối với vải nhung không nên úp 2 mặt phải của vải vào nhau vì vải dễ bị xô trượt, không chính xác do các sợi lông trên bề mặt vải cọ sát vào nhau, mặt khác mặt trái của vải nhung nhẵn mịn nên khi úp vào nhau rất rễ thực hiện cắt bán thành phẩm có độ chính xác cao.

Giác sơ đồ các chi tiết cùng chiều tuyết để đảm bảo độ đồng màu trên sản phẩm.

Khi cắt cần dụng cụ đè hoặc ghim lên để giữ êm mẫu và vải, bấm dấu đầy đủ các vị trí
Vải nhung thường rất khó để vệ sinh công nghiệp nên khi sang dấu nên dùng phấn hoặc bút sang dấu bay màu để đảm bảo sản phẩm sạch sẽ.

Bước 4: May thành sản phẩm hoàn thiện 

Các loại vải nhung co giãn nhiều cần chú ý đến độ nén của chân vịt và độ căng đều nhau của chỉ trên và chỉ dưới để tránh hiện tượng bỏ mũi và đứt chỉ khi đường may bị kéo giãn trong quá trình sử dụng sản phẩm, khi may cần chú ý đến các điểm dấu bấm khớp mẫu trùng nhau, có thể dùng giấy kê lên vải hoặc dùng chân vịt nhựa để may, ngoài ra còn sử dụng dây chống bai. Tuỳ theo kiểu dáng của sản phẩm thời trang và chất liệu vải sử dụng nên sẽ có nhiều kiểu may khác nhau.

- May vắt sổ

Để đảm bảo đường vắt sổ êm, đẹp đối với vải nhung khi vắt sổ cần chú ý nâng và đẩy nhẹ tay về phía trước để tránh bị bai mất hình dáng của các chi tiết

- Đường may móc xích kép

Kiểu may này được hình thành do một mũi kim kết hợp 1 mũi móc tạo thành đường móc xích bên dưới nguyên liệu. Cứ tiếp tục các mũi may tiếp theo tạo thành đường may hoàn chỉnh. Ưu điểm nổi bật của may móc xích kép là giúp sản phẩm có độ đàn hồi tốt hơn.

- Đường may móc xích đơn

Người thợ chỉ cần dùng mũi may 1 chỉ của kim để tạo ra đường vòng xích khóa chặt nhau phía bên dưới sản phẩm. Ưu điểm của nó là thời gian thực hiện nhanh, nhưng nhược điểm lớn là không bền, dễ tuột thường chỉ dùng để may đường chìm hoặc đính khuy áo, quần mà thôi.  

Bước 5: Là sản phẩm 

Là một trong những khâu quan trọng phải có trong quy trình sản xuất hàng may mặc. Công đoạn này có tác dụng giúp cho sản phẩm thêm đẹp mắt, đạt chất lượng và được người tiêu dùng đánh giá cao. 

Đặc điểm của vải nhung là có các sợi lông ngắn trên bề mặt nếu không chú ý là sẽ dẫn tới bóng và bẹp tuyết. Trong quá trình là để đảm bảo yêu cầu sản phẩm cần phủ 1 lớp vải nhung là bao lên trên mặt lạ của bàn là và là trong thời gian ngắn để tránh nóng và cháy vải nhung, trong trường hợp bẹp tuyết thì cần xử lý là xì hơi từ mặt trái của sản phẩm để các sợi lông trên mặt vải dựng lên trở lại làm giảm độ bóng và bẹp tuyết của vải nhung.

Vì là công đoạn quan trọng nên nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguyên liệu. Nếu làm không đúng sẽ làm biến chất nguyên liệu như co rút, đổi màu, cháy thành phẩm,.. . Làm giảm đi chất lượng của sản phẩm.

 Bước 6: Kiểm tra chất lượng thành phẩm tổng thể

Đây là công đoạn cuối cùng để kiểm tra xem sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn để xuất ra thị trường hay giao đến tay khách hàng hay không.

Kiểm tra về thông số, phom dáng, yêu cầu kỹ thuật khác.
  
3. Kết luận

Ảnh hưởng của chất liệu vải đến quá trình thiết kế, cắt may sản phẩm thời trang có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sinh viên ngành thiết kế thời trang. Việc được đưa vào giảng dạy là rất cần thiết phù hợp với thực tế, nhu cầu cầu của doanh nghiệp, giúp sinh viên tạo ra bộ trang phục đẹp mắt và được trải qua các công đoạn  như thiết kế, kỹ thuật chọn chất liệu, các kỹ thuật xử lý phù hợp với các chất liệu vải khác nhau … phù hợp với nhu cầu sử dụng sản phẩm. Ngoài ra giúp sinh viên có tính sáng tạo, gu thẩm mỹ, kiên trì để cho ra những mặt hàng đáp ứng được nhu cầu mặc đẹp, thời trang của khách hàng. Để cho ra được những sản phẩm đẹp đòi hỏi các nhà thiết kế phải có khả năng hoàn thiện bộ trang phục từ chọn chất liệu, thiết kế, cắt, may và hoàn thiện sản phẩm. Bên cạnh đó, để có thể trở thành một nhà thiết kế chuyên nghiệp thì đòi hỏi sinh viên phải thật cẩn thận, không ngừng cố gắng, nỗ lực và sáng tạo từng ngày để làm hài lòng khách hàng, tạo uy tín, nâng cao thương hiệu và thúc đẩy ngành thời trang phát triển mạnh mẽ trong tương lai và hội nhập sâu rộng hơn với các nền thời trang lớn trên thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bùi Thế Hanh, Đề cương bài giảng cắt may trang phục (2022), Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội

[2] https://may10.vn/blogs/chat-lieu-va-san-pham/vai-nhung

[3] https://cuahangnoithat.vn/blog/vai-nhung-la-gi-ung-dung-cua-vai-nhung-trong-nganh-det-may-hien-nay

[4] https://dongsuh.vn/blogs/cam-nang-trang-tri/vai-nhung-la-gi-ma-duoc-bieu-trung-cho-giau-sang-quyen-luc

 
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 505 Tổng truy cập: 33.348.889