Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

XỬ LÝ BỀ MẶT CHẤT LIỆU DENIM BẰNG PHƯƠNG PHÁP THỦ CÔNG TRONG THIẾT KẾ THỜI TRANG

Ngày đăng: 02:25 - 03/07/2024 Lượt xem: 774

Đinh Thị Thanh Huyền

Đơn vị: Khoa Thời trang
Email: huyendtt@hict.edu.vn

TÓM TẮT

Trong thiết kế thời trang chất liệu là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng nó góp phần tạo ra giá trị cho bộ trang phục, ngoài việc sử dụng các chất liệu sẵn có trên thị trường các nhà thiết kế luôn tìm cách để biến đổi những chất liệu sẵn có thành những chất liệu mới, độc đáo, ấn tượng và thể hiện được phong cách cũng như dấu ấn cá nhân của mỗi nhà thiết kế. Chất liệu denim là chất liệu khá phổ biến và được nhiều nhà thiết kế ứng dụng vào các bộ sưu tập thời trang của mình, vì nó không chỉ dễ tạo hình, tạo form dáng trang phục mà nó còn tạo ra được nhiều kiểu hiệu ứng bề mặt độc đáo khiến cho những bộ trang phục trở nên mới lạ và phong cách hơn. Ngoài ra việc ứng dụng các phương pháp xử lý chất liệu làm biến đổi bề mặt của vải denim còn giúp biển đổi, làm mới và kéo dài tuổi thọ cho các sản phẩm denim cũ, điều này đang được các nhà thiết kế cũng như rất nhiều người trẻ hưởng ứng vì nó góp một phần lớn vào việc bảo vệ môi trường, giảm lượng rác thải từ ngành may mặc, thời trang ra môi trường đồng thời tạo ra những dấu ấn cá nhân vô cùng đặc biệt trên mỗi sản phẩm thời trang này. Bài viết đề cập đến một số phương pháp xử lý bề mặt chất liệu vải denim trong thiết kế thời trang đang rất được ưa chuộng và thịnh hành ngày nay như vẽ vải, nhuộm tẩy, cắt xé, gẩy sợi, đính kết.


Từ khóa: vải denim, giặt tẩy denim, nhuộm vải, cắt xé, đính kết, tái chế.

1. Đặt vấn đề

Cum từ xử lý chất liệu hay xử lý bề mặt vải đã trở thành một cụm từ không còn quá mới mẻ hay xa lạ đối với ngành may mặc và đặc biệt là đối với nhưng người yêu thích thời trang. Công đoạn xử lý bề mặt chất liệu là một công đoạn khá quan trong và nó góp phần tạo nên giá trị đặc biệt cho mỗi bộ trang phục.

Trong việc xử lý bề mặt chất liệu thì denim là một trong những loại chất liệu được nhắc đến cũng như được áp dụng nhiều nhất, không chỉ bởi chất liệu denim là chất liệu phổ biến được khá nhiều người ưa chuộng, mà nó còn là loại chất liệu có thể áp dụng được rất nhiều phương pháp xử lý bề mặt vải.

Công nghiệp thời trang là một trong những ngành nghề được đánh giá là gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là thời trang nhanh. Xu hướng thời trang nhanh và siêu nhanh đang là mối đe dọa lớn cho sự phát triển bền vững của môi trường sống. Việc ứng dụng các phương pháp xử lý chất liệu vào thời trang góp phần tạp ra những sản phẩm thời trang mới mẻ hơn, độc đáo hơn giúp kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm thời trang, hoặc cũng có thể biến đổi một sản phẩm thời trang cũ thành một sản phẩm thời trang mới để tạo ra vòng đới mới cho những sản phẩm thời trang cũ thay vì việc thải ra môi trường.

2. Nội dung

2.1. Nguồn gốc, đặc trưng của vải denim

Vải denim là loại vải được làm từ sợi cotton dày và chắc, với sợi dệt twill tạo ra các sọc chéo nhỏ ở mặt vải. Chất vải này được sử dụng làm vải bọc cho các sản phẩm như tấm đệm và vòm xe ngựa ở thành phố Nîmes, Pháp, trong thế kỷ 18. Từ "serge de Nîmes", thuật ngữ này đã bị rút gọn thành "denim". [4]

Vải denim được tạo ra từ hình thức dệt thoi, có sự kết hợp giữa sợi trắng và sợi chàm, sợi trắng thì chạy dọc và sợi chàm thì chạy ngang. Hiện nay, loại vải denim này còn được pha thêm với sợi polyester hoặc lycra, có tác dụng là chống có rút hoặc chống nhăn rất hiệu quả. Còn vải denim nguyên thủy thì được nhuộm từ loài cây Indigofera. Thường thì quá trình nhuộm vải denim sẽ được chia thành hai loại, một là nhuộm chàm, hai là nhuộm lưu huỳnh. Việc nhuộm chàm sẽ tạo ra được sắc xanh truyền thống, còn nhuộm lưu huỳnh thì tạo ra được nhiều màu sắc đa dạng khác như là đỏ, hồng, tím,... [2]

Vào thời kỳ đầu tiên, vải denim chủ yếu được dùng cho sản xuất quần áo công nhân. Sau đó nó trở nên phổ biến hơn, xuất hiện nhiều để làm trang phục cho các bộ phim Hollywood. Vào thời điểm chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu, việc sản xuất quần jean có xu hướng giảm. Nhưng khi chiến tranh kết thúc, đã có nhiều công ty sản xuất vải denim tạo ra nhiều sản phẩm sáng tạo.

Ưu điểm

Độ bền cao: Quá trình dệt vải denim có kết hợp sợi ngang và sợi dọc, chính vì vậy loại vải này có độ bền cực kỳ cao. Các sản phẩm làm từ vải denim có độ bền theo thời gian, chống mài mòn cực kỳ tốt.


Tính ứng dụng cao: Vải denim dùng để sản xuất rất nhiều các loại sản phẩm như là quần áo, túi xách... Loại vải này tuy đã xuất hiện lâu, nhưng đến nay vẫn nhận được sự tin dùng của rất nhiều người.

Cá tính và phong cách: Các sản phẩm làm từ vải denim mang đến một cá tính và phong cách riêng, vừa có nét thẩm mỹ cao và lại còn thoải mái cho người mặc.

Nhược điểm

Loại vải denim này có nhược điểm là khả năng co giãn kém, do đó nó không phù hợp để may các trang phục thể thao, cần hoạt động nhiều.


Tính chất của vải denim cũng lâu khô, do đó cần khá nhiều thời gian cho công đoạn giặt giũ và phơi

2.2. Một số phương pháp xử lý bề mặt chất liệu denim thủ công ứng dụng trong thời trang

Trước đây khi nhắc đến trang trí trên bề mặt vải denim đa số chúng ta chỉ nghĩ đến những chiếc quần áo được giặt mài với các hiệu ứng wash khác nhau, một vài chi tiết được cào rách, một vài hình thêu đơn giản hoặc những đường chần chỉ màu sắc, hay hơn nữa là nhưng chi tiết trang trí đinh tán, kim loại. Ngày nay denim được coi là một trong những chất liệu được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi xử lý chất liệu hay tạo hình trên bề mặt vải. Do vải denim có một số đặc tính như mật độ sợi mau, vải có độ dày tương đối, có độ bền cao nên áp dụng được khá nhiều phương pháp xử lý chất liệu

Đối với chất liệu denim phương pháp wash tạo kiểu là phương pháp điển hình nhất, sản phẩm denim sau khi may xong vải còn khá cứng, màu cơ bản chưa có hiệu ứng sẽ được mang đi giặt với các loại hóa chất và kỹ thuật giặt khác nhau để làm mềm vải và tạo ra các hiệu ứng khác nhau. Tuy nhiên trong bài viết này tác giả đi sâu vào nghiên cứu những phương pháp xử lý bề mặt thủ công.

2.2.1 Phương pháp nhuộm tẩy

Đối với một số chất liệu vải denim có màu sáng hoặc đã qua sử dụng bị bạc màu thì nhuộm vải là phương pháp đơn giản nhất để biến một sản phẩm cũ thành 1 sản phẩm mới hơn, màu sắc tươi tắn hơn.

Hình 1. Trước và sau khi nhuộm lại quần denim cũ [nguồn: pinterest.com]

Ngược lại nhuộm là tẩy, thay vì dùng màu nhuộm vải thì sử dụng chất tẩy mạnh để tạo ra nhưng vệt loang màu trên sản phẩm denim.

Hình 2. Ứng dụng phương pháp tẩy màu trên áo denim cũ [nguồn: pinterest.com]

 Quy trình:

Bước 1. Giặt vải

Bước 2. Làm khô

Bước 3. Tạo hình/tạo kiểu

Bước 4. Nhuộm/tẩy theo ý muốn

Bước 5. Chỉnh sửa, hoàn thiện.

Phương pháp này đơn giản, dễ sử dụng, tuy nhiên chi phí cao và phải tiếp xúc với hóa chất nhuộm/tẩy độc hại. Thường úng dụng trong tái chế các sản phẩm denim cũ.

2.2.2 Đính kết

Không chỉ dừng lại ở một vài chiếc đinh tán đem lại vẻ ngoài cá tính, denim hoàn toàn có thể được đính hạt cườm, ngọc trai, đá, kim sa cầu kì giống như các sản phẩm thời trang khác. Bề mặt vải denim khá dày và thô nên thường phù hợp với những kiểu đính kết nổi, nhưng chi tiết đinh kết không nên quá nhỏ. Và có thể đính kết nhiều, dày đặc cũng không sợ ảnh hưởng đến form dáng của sản phẩm. Thông thường phương pháp đính kết thường áp dụng trên các sản phẩm thời trang cụ thể mỗi trang phục khác nhau sẽ chọn phong cách đính kết trang trí khác nhau.

Hình 3. Đính kết trên trang phục denim [nguồn: pinterest.com]

Quy trình:

Bước 1. Vẽ định hình khu vực đính kết trên sản phẩm thời trang

Bước 2. Đính kết hạt theo đúng ý tưởng và bản vẽ.

Bước 3. Chỉnh sửa hoàn thiện

Phương pháp này đòi hỏi sự cẩn thận tỉ mỉ và tốn khá nhiều thời gian, tuy nhiên sẽ tạo ra đượng những sản phẩm thời trang ấn tượng, độc đáo, phong cách trang trí đa dạng, bắt mắt.

2.2.3 Vẽ vải

Là phương pháp sử dụng màu vẽ vải chuyên dụng hoặc màu acrylic vẽ tạo hình trên bề mặt vải. Đây là phương pháp đơn giản và mang lại hiệu quả cao tạo ra những hình ảnh trang trí đẹp, bắt mắt trên các sản phẩm denim.

Hình 4. Vẽ bằng màu acrylic trên áo jean [nguồn: pinterest.com]

Quy trình:

Bước 1. Phác thảo nét

Bước 2. Tô lớp nền (trắng)

Bước 3. Vẽ các chi tiết

Bước 4. Đẩy sâu và hoàn thiện

Phương pháp vẽ vải khá đơn giản, không mất quá nhiều thời gian chi phí rẻ tuy nhiên bề mặt vải denim không mịn nên thường gặp khó khăn trong quá trình tô lớp nền. Khó để thể hiện được chi tiết quá tỉ mỉ, cầu kỳ.

2.2.4 phương pháp cắt xé

Cắt ở đây không phải là cắt phá rách mà là cắt và kết hợp rút sợi hay xé sợi. Phương pháp này dựa vào đặc tính của chất liệu denim, kiểu đan sợi chéo và sợi ngang để tạo ra những đường cắt xé, tua rua mà không làm phá hỏng trang phục và tạo ra nét cá tính, bụi bặm đặc trưng của trang phục chất liệu denim. Từ một sản phẩm denim đã cũ chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp cắt, xé, để tạo hình trên nó, từ đó mang lại sức sống mới cho sản phẩm denim cũ.

Hình 5. Rút sợi vải denim [nguồn: pinterest.com]

Quy trình:

Bước 1. Xác định khu vực cắt xé vải trên trang phục

Bước 2. Cắt xé vải, rút sợi

Bước 3. Hoàn thiện

Hình 6. Sản phẩm denim ứng dụng phương pháp cắt xé, rút sợi
 [nguồn: pinterest.com]

Phương pháp này tưởng chừng dễ nhất nhưng lại mất khá nhiều thời gian, việc xé, rút sợi vải mất thời gian vì chất liệu denim khá dày, mật độ sợi dệt mau trong quá trình thực hiện không cẩn thận có thể làm rách vải, đứt sợi.

2.2.5 phương pháp ghép mảnh

Màu đặc trưng của denim là màu xanh, tuy nhiên rất nhiều sắc độ khác nhau do các hiệu ứng wash khác nhau chính vì vậy việc ghép các mảnh denim với màu sắc khác nhau thôi cũng đủ đem lại một vẻ ngoài rất đặc biệt và thu hút rồi. Không chỉ thế, có thể màu sắc hơn khi ghép với các loại vải khác có họa tiết, màu sắc nổi bật khác. Phướng pháp này phá vỡ hoàn toàn cấu trúc của những sản phẩm thời trang denim cũ tạo ra nhưng sản phẩm hoàn toàn mới có thể là quần áo hoặc phụ kiện như giày dép, túi xách.

Hình 7. Cắt ghép vải denim [nguồn: pinterest.com]

Quy trình:

Bước 1. Sưu tầm mẫu vải

Bước 2. Phác thảo mẫu

Bước 3 cắt ghép vải

Bước 4. Hoàn thiện

Phương pháp này tốn khá nhiều thời gian vì chúng ta phải tạo ra 1 sản phẩm hoàn toàn mới từ việc cắt gép mảnh nhưng sản phẩm denim cũ, tuy nhiên chúng ta có thể thỏa sức sáng tạo và tận dụng triệt để nhưng sản phẩm thời trang đã cũ và những hiệu ứng màu sắc của vài denim, góp phần bảo vệ môi trường.

2.2.6 phương pháp thêu

Ứng dụng thêu trên denim cũng không khác gì so với các chất liệu khác. Tuy nhiên denim là một chất liệu có bề mặt không được nhẵn và khá dày nên chất liệu thêu không nên quá mảnh, nhỏ sẽ không phù hợp với chất liệu, có thể lựa chon những chất liệu như chỉ len, chỉ cotton, ruy băng để thêu lên chất liệu denim. Có thể ứng dụng các phương pháp thêu rút sợi hay thêu nổi khối 3D trên vải denim để đạt hiệu quả hơn.

Hình 8. Thêu trên vải denim [nguồn: pinterest.com]

Quy trình:

Bước 1. Vẽ hình thêu

Bước 2. Thêu

Bước 3. Hoàn thiện

Phương pháp thêu trên denim mang lại những sản phẩm đẹp, cao cấp, tuy nhiên cũng tốn khá nhiều thời gian

3. Kết luận

Xử lý chất liệu vải denim hiện nay đang là cụm từ khá quen thuộc, điều này không chỉ mang đến những sản phẩm thời trang có giá trị thẩm mỹ cao mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Nhờ có những phương pháp xử lý vải thủ công này mà thay vì việc thải ra môi trường thì các sản phẩm thời trang denim cũ lại được làm mới một cách sáng tạo và độc đáo.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Nguyễn Thị Hồng Liên (2020), Đề cương bài giảng Tạo hình trên vải, lưu hành nội bộ.

[2] Vải denim là gì? Đặc điểm và ứng dụng vải denim, trang may10.vn, ngày đăng 30/10/2022.

[3] Kim Thanh (2022). Tái sinh quần áo cũ, giảm thiểu rác thải nhựa. Trang điện tử Truyền hình Quốc hội Việt Nam, ngày 26/11/2023.


[4]  Mialala_Huyền SEO.  Vải denim là gì? Những thông tin từ góc nhìn của nhà sản xuất, trang Mialala.vn, ngày đăng: 20/06/2023.


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 572 Tổng truy cập: 33.349.206